Đồng loạt kiểm tra hoạt động của các cơ quan đại diện báo chí
Ngày 20/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra văn bản số 3373/BTTTT-VP yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Thanh Tùng/TTXVN)
Công văn được Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký nêu rõ, hiện trên cả nước có gần 18.000 nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ.
Bên cạnh việc hoạt động hiệu quả, gần đây có tình trạng các cá nhân lợi dụng danh nghĩa nhà báo, phóng viên; mang giấy giới thiệu do phóng viên thường trú ký hoặc xưng danh là phóng viên của cơ quan báo chí này nhưng lại xuất trình giấy chứng nhận phóng viên của cơ quan báo chí khác để tác nghiệp. Thậm chí, có người kêu gọi quảng cáo, gây phiền hà, sách nhiễu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; một số cơ quan báo chí cấp các loại giấy tờ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo…
Nguyên nhân dẫn đến việc này là bởi nhiều cơ quan báo chí thành lập cơ quan đại diện, cử phóng viên thường trú tại địa phương nhưng không tuân thủ theo quy định; buông lỏng quản lý, không quan tâm giáo dục đạo đức, tác phong của phóng viên thường trú, cộng tác viên, không có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ… Việc này gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến thanh danh, uy tín của các nhà báo chân chính.
Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các sở địa phương rà soát, kiểm tra và báo cáo thực trạng hoạt động của các cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên thường trú trên địa bàn.
Video đang HOT
Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, các sở thông tin và truyền thông thông báo hoặc công bố công khai danh sách các phóng viên đã đăng ký hoạt động nghiệp vụ của từng cơ quan đại diện, cơ quan thường trú đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc phối hợp, cung cấp thông tin và tác nghiệp của nhà báo.
Trong trường hợp phát hiện hoặc nhận được tin tố giác về sai phạm, sở thông tin và truyền thông thông báo với cơ quan báo chí và phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành xử lý nghiêm minh.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các sở nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra và báo cáo kết quả về Cục Báo chí trước ngày 15/12.
Theo Vietnam
Việt Nam và Cộng hòa Séc tăng hợp tác Thông tin- Truyền thông
Đoàn công tác Bộ Thông tin - Truyền thông do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn dẫn đầu đã ở thăm làm việc tại Cộng hòa Séc từ ngày 6 đến 9/10 nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý báo chí của nước này và thông báo về tình hình Biển Đông với đại diện cộng đồng người Việt.
Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn hội đàm với Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Văn hóa Séc Katerina Kalistova
Ngày 6/10, tại Prague, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn và các thành viên trong Đoàn công tác đã có buổi hội đàm hiệu quả với ban lãnh đạo Bộ Văn hóa Cộng hòa Séc do Thứ trưởng Thứ nhất Katerina Kalistova dẫn đầu.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thông báo về tình hình báo chí Việt Nam phát triển ở cả 4 loại hình gồm in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử, với 838 cơ quan báo chí và 1.111 ấn phẩm in; 67 đài phát thanh- truyền hình và 40 kênh nước ngoài; 90 cơ quan báo chí điện tử với 207 trang tin điện tử tổng hợp.
Việt Nam đã có Luật Báo chí và hiện nay bộ luật này đang được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn bày tỏ muốn trao đổi với phía Séc kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực báo chí, phát thanh-truyền hình; xem xét khả năng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí và phát thanh-truyền hình; trao đổi các đoàn phóng viên; khảo sát quá trình sản xuất các chương trình của hai bên; chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản quyền truyền hình ; quản lý quảng cáo trên đài phát thanh-truyền hình, học hỏi kinh nghiệm quản lý các kênh truyền hình nước ngoài tại Séc.
Thứ trưởng Katerina Kalistova cho biết tại Séc có 300 kênh truyền hình, kể cả các đài địa phương, trong đó 5 kênh truyền hình nhà nước; 80 đài phát thanh. Việc vi phạm pháp luật của các tổ chức báo chí và các nhà báo sẽ được xử lý theo Luật Dân sự. Bộ Văn hóa không đảm nhận chức năng cấp thẻ phóng viên.
Các nhà báo được Hiệp hội báo chí cấp thẻ hội viên như một tổ chức nghề nghiệp, còn các cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trong trường hợp phóng viên của mình sai phạm.
Việc cấp phép các kênh truyền hình tương đối đơn giản, vì thế ở Séc có tới 105 kênh nước ngoài phát sóng bằng 34 ngoại ngữ. Bộ Văn hóa Séc không kiểm soát nội dung các kênh truyền hình nước ngoài phát sóng ở Séc và không có công cụ xử phạt khi các đài này mắc sai phạm về nội dung hoặc quy định về quảng cáo.
Hai bên nhất trí về việc trong tương lai tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về báo chí, phát thanh-truyền hình, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thông tin-truyền thông của hai nước hợp tác.
Thứ trưởng Bộ Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn và các thành viên trong đoàn công tác đã làm việc với Giám đốc công ty Kênh Việt Mai Quý Túy về việc truyền dẫn các kênh truyền hình của Việt Nam sang Cộng hòa Séc để phục vụ cộng đồng người Việt. Ông đề nghị Bộ Bộ Thông tin-Truyền thông đứng ra hoặc chỉ định một cơ quan trực thuộc làm đầu mối cung cấp nội dung các kênh truyền hình của Việt Nam sang Cộng hòa Séc một cách chính thống và ổn định.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận thiện ý của phía Kênh Việt, nêu ra vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề bản quyền khi phát các kênh nước ngoài từ Việt Nam sang Cộng hòa Séc và hứa chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xem xét đề xuất của ông Mai Quý Túy.
Tiếp đó, chiều 8/10 tại Trung tâm Thương mại Sapa ở Prague, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã thông báo về tình hình Biển Đông với Ban Thường vụ Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và đại diện báo chí cộng đồng.
Thứ trưởng nhấn mạnh rằng chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC), Luật Biển Việt Nam.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã giải đáp một số thắc mắc của báo chí cộng đồng về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và xung quanh tình hình ở Biển Đông.
Cùng ngày 8/10, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã làm việc với Cơ quan Thường trú TTXVN tại Cộng hòa Séc. Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN Trần Quang Vinh đã báo cáo về những vướng mắc về pháp lý trong việc xin giấy phép hoạt động của cơ quan thường trú, về hoạt động thông tin của các phóng viên TTXVN trong thời gian qua, nêu ra một số kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Đại sứ Trương Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam Hoàng Đình Thắng tham dự cuộc làm việc và đánh giá cao sự tích cực, yêu nghề cũng như trình độ nghiệp vụ của phóng viên TTXVN, khẳng định chức năng định hướng thông tin của cơ quan thường trú TTXVN tại Cộng hòa Séc.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận các kiến nghị từ phía Cơ quan thường trú TTXVN, biểu dương những thành tích mà các phóng viên TTXVN đã đạt được, đồng thời lưu ý về việc đưa tin về tình hình Cộng hòa Séc, một quốc gia nhỏ bé nhưng nằm ở vị trí trung tâm và có vị trí nhất định trong EU./.
Theo Vietnam
Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý sai phạm đối với 3 cơ quan báo chí Đầu tháng 8/2014 vừa qua, trên một số báo và trang thông tin điện tử cho đăng bài viết (với các tiêu đề: "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa", "Xôn xao con gái gửi thư cho bố công tác xa", "Thư gửi bố: Chú CA phường ngày nào cũng đến ăn cơm"...) thông tin sai sự thật,...