Dòng họ Lý và sợi dây kết nối với quê hương
Năm 1226, sau khi nhà Lý mất ngôi, nhiều người trong dòng họ đã lên thuyền, vượt biển đến xứ Cao Ly (Bán đảo Triều Tiên). Trải qua nhiều năm sinh sống, đến nay dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc đã xây dựng cơ nghiệp trên đất khách với những hậu duệ thành đạt. Một trong số đó là ông Lý Thừa Vĩnh, Giám đốc Công ty Văn hóa và Đầu tư Hàn Quốc – Việt Nam, Chủ tịch Hội Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc.
Ông Lý Thừa Vĩnh (thứ hai từ trái sang) cùng đoàn kiều bào về thăm Đền Hùng.
Những đóng góp thiết thực
Là người Hàn Quốc mang trong mình dòng máu Việt, ngay từ khi Việt Nam – Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, ông Lý Thừa Vĩnh cùng những người trong dòng tộc họ Lý tại Hàn Quốc đã tìm về cội nguồn. Trong hơn hai thập kỷ qua, ông Lý Thừa Vĩnh cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần trở về Việt Nam. Hiện dòng họ Lý tại Hàn Quốc có hơn 200 gia đình với khoảng 1.000 người sinh sống rải rác khắp nơi. Chia sẻ về những đóng góp của dòng họ Lý trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước, ông Vĩnh cho biết, từ năm 1995 dòng họ Lý đã thành lập Hội Giao lưu văn hóa dân tộc Hàn Quốc – Việt Nam để hỗ trợ việc trao đổi các đoàn nghệ thuật biểu diễn giữa hai nước, nhằm động viên tinh thần cho bà con người Việt tại Hàn Quốc.
Đặc biệt, với tư cách Chủ tịch Hội Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc, ông Vĩnh đã có nhiều đóng góp cho mối quan hệ hai nước như: Tổ chức các hoạt động giúp đỡ cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với cuộc sống, văn hóa Hàn Quốc; hỗ trợ giới thiệu văn hóa Việt Nam với người dân Hàn Quốc. Trong đó, đáng chú ý là sự kiện Hội dòng họ Lý đã tổ chức buổi biểu diễn giao lưu giữa nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam với các nghệ sĩ Hàn Quốc nhân kỷ niệm 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 8-2014. Với những đóng góp đó, năm 2014, ông Lý Thừa Vĩnh đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Với tư cách là người của dòng họ Lý, trong các cuộc gặp mặt hằng năm, tôi luôn đưa ra lời khuyên mọi người rằng nếu đi du lịch thì hãy đến Việt Nam. Vì thế, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, dòng họ đã tổ chức nhiều chuyến du lịch sang Việt Nam. Tôi cũng nói với mọi người rằng nếu ra nước ngoài đầu tư thì hãy đến Việt Nam đầu tiên. Vì thế, nhiều người trong dòng họ cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Tôi nghĩ rằng, hướng về cội nguồn bằng những việc làm thiết thực này hết sức ý nghĩa, đặc biệt với thế hệ trẻ của dòng họ”.
Tự hào về nguồn gốc
Video đang HOT
Ông Lý Thừa Vĩnh rất mừng khi mới đây được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cấp giấy chứng nhận là “Việt kiều”. Chia sẻ cảm xúc khi trở về Việt Nam gần đây, ông Lý Thừa Vĩnh cho biết, ông cũng như bà con trong dòng họ Lý ở Hàn Quốc rất vui mừng khi thấy đất nước ngày càng thay da đổi thịt. Con cháu dòng Lý rất tự hào vì mình là người gốc Việt. Ông tự hào kể: “Kể từ năm 1995 đến nay, hằng năm hậu duệ dòng họ Lý ở Hàn Quốc vẫn hành hương về dự lễ hội tại đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng, Bắc Ninh để dâng hương tưởng nhớ công đức của 8 vị vua nhà Lý. Không những vậy, chúng tôi luôn luôn nói với nhau rằng, Việt Nam là đất nước có tiềm năng rất lớn, dân số đông, nguồn lao động dồi dào và tài nguyên thiên nhiên phong phú, nên cơ hội cho những người con như chúng tôi tìm về quê hương đầu tư và phát triển là rất tốt”.
Gặp chúng tôi tại Hà Nội trong chuyến về thăm đất nước mới đây, ông Lý Thừa Vĩnh khoe cuốn gia phả của dòng họ Lý ở Hàn Quốc vừa được làm lại hoàn chỉnh, trong đó nhiều thông tin mới về 31 thế hệ đã được bổ sung. Yêu quê hương, tận tâm với công việc, ông Lý Thừa Vĩnh đã và đang làm tốt vai trò kết nối dòng họ Lý tại Hàn Quốc với quê cha đất tổ. Đình Hiệp
Theo_Hà Nội Mới
Tránh bùng nổ chiến tranh, Mỹ - Trung sẽ trở thành đồng minh?
Trong khi giới chức cấp cao Mỹ - Trung nhóm họp tại Washington, mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước vẫn không ngừng gia tăng cho dù họ đang cố gắng xây dựng tình đồng minh.
Việc Trung Quốc ngang nhiên bành trướng chủ quyền trên Biển Đông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ phía các nước trong khu vực mà còn cả Mỹ.
BBC cho hay sau khi trái phép tiến hành nạo vét và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo cùng các ngọn hải đăng và một sân bay tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, giới chức Bức Kinh tuyên bố nước này hiện sẵn sàng dừng hoạt động xây dựng.
Quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung hiện đang có nhiều điểm bất đồng bao gồm hành động bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong tuyên bố hôm 16/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang còn thản nhiên khẳng định chương trình xây dựng trên Biển Đông sắp "hoàn thành".
Ngay cả trong cuộc họp Đối thoại Chiến lược và Kinh tế tại Washington vào tuần tới, những bất đồng trên Biển Đông cũng sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm được giới chức Mỹ - Trung đưa ra thảo luận. Cuộc họp này còn là tiền đề cho chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington vào tháng Chín tới.
Biển Đông hiện là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới với tổng giá trị thương mại hàng năm đạt 5 ngàn tỷ USD. Đây là khu vực mà cả Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Singapore cùng tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ nạo vét và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ngay trên khu vực mà những nước láng giềng tuyên bố chủ quyền. Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc đã tạo ra một diện tích mới hơn 809 hecta trên Biển Đông.
Đáp trả hành động ngang ngược của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ giám sát Biển Đông bất chấp Bắc Kinh phản đối. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington càng leo thang khi mới đây, CNN đưa tin hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh báo "xua đuổi" một máy bay do thám của Mỹ rời khỏi khu vực mà Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng trái phép trên Biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Doug Bandow tại Viện Cato, sự việc trên là một "hành động mang tính khiêu khích".
Trước đó, tình trạng khẩu chiến cũng đã vài lần bùng nổ giữa quan chức Mỹ - Trung khi họ đổ lỗi cho nhau là thủ phạm khơi mào căng thẳng. Điển hình, hồi tháng 3/2001, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã đâm phải máy bay tình báo EP-3 của Mỹ khiến phi công Trung Quốc Wang Wei thiệt mạng. Tháng 12/2013, một tàu chiến của Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm và suýt đụng độ với tàu tuần dương mang theo tên lửa dẫn đường của Mỹ. Tới tháng 8/2014, ở khoảng cách chưa đầy 10 m, chiến đấu cơ S-27 Trung Quốc đã có màn khoe vũ khí đầy nguy hiểm trước mắt máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ.
Mỹ công bố bức ảnh chiến đấu cơ S-27 Trung Quốc áp sát nguy hiểm máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ hồi năm 2014.
Theo BBC, một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng Trung Quốc đã ăn trộm cơ sở dữ liệu cá nhân của hàng triệu nhân viên làm việc trong chính phủ Mỹ. Song Bắc Kinh đã phủ nhận lời cáo buộc này.
Không khí căng thẳng còn được thể hiện ngay trong cuộc họp hồi tuần trước tại Đại học Quốc phòng quốc gia Mỹ ở Washington với sự tham dự của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy và Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Raymond Odierno.
Trước buổi họp, một quan chức Trung Quốc đã đứng quan sát rất kỹ vị trí ghế ngồi của hai quan chức cấp cao nhất tham gia cuộc họp, vốn được đặt ở phía cuối lối đi mỗi bên. Sau đó, ông này đã gọi một quan chức Mỹ tới và đề nghị chuyển ghế của Tướng Phòng và Tướng Odierno vào giữa bàn đàm phán của mỗi bên. Nhưng vị quan chức Mỹ đã từ chối di chuyển ghế trong phòng họp. Tuy nhiên, ngay sau đó, phía Trung Quốc đã tráo đổi tên dán sau ghế để làm theo ý mình.
Trong quá trình họp bàn, dường như giới chức Mỹ không muốn làm tình hình thêm phần căng thẳng. Điển hình qua lời phát biểu của Tướng Odierno: "Thời điểm này, Mỹ - Trung đang có những bất đồng quan điểm song điều quan trọng là hai nước đã cùng nhóm họp".
Theo giáo sư Andrew Oros tại Đại học Washington ở Chestertown, Maryland, Mỹ luôn là người tổ chức chương trình nghị sự và sắp xếp ghế ngồi. Nhưng giờ, Trung Quốc muốn chứng minh một điều: "Trung Quốc tin rằng họ đang nổi lên là một cường quốc trên thế giới và cần được tôn trọng. Sự tôn trọng được thể hiện theo nhiều cách khác nhau bao gồm cả vị trí chỗ ngồi", Giáo sư Oros nhận định.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.
MINH THU (lược dịch)
Theo Infonet
Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Venezuela Cuộc gặp giữa cố vấn Ngoại trưởng Mỹ và Chủ tịch Quốc hội Venezuela tại Haiti được xem là dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai nước Truyền thông Venezuela ngày 14/6 cho biết, cố vấn cho Ngoại trưởng Mỹ ông Thomas Shannon vừa có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Venezuela, ông Diosdado Cabello, người được xem có quyền...