Đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển
Đài TNVN luôn sát cánh với bà con ngư dân. Các phương tiện truyền thông của Đài liên tục cập nhật thông tin về hoạt động của ngư dân trên biển.
Trong thời gian Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; triển khai cả trăm tàu hộ tống, trong đó có nhiều tàu quân sự, máy bay chiến đấu, ác tàu của Trung Quốc chủ động đâm va, ngăn cản các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam; sẵn sàng vây ép, đâm chìm tàu cá của ngư dân ta, chuyện làm ăn trên biển của bà con gặp nhiều khó khăn hơn.
Từ vùng biển Hoàng Sa trở về, ngư dân Trần Dũng, chủ tàu cá QNa-91819, ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cho biết, diễn biến tại Biển Đông đã gây căng thẳng cho ngư dân. Còn ngư dân Lê Tân, thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ bức xúc: “Chúng tôi ra Hoàng Sa bám trụ để làm kinh tế, nhưng phiên nào ra cũng bị Trung Quốc rượt đuổi, đập phá tài sản”.
Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Đăng Tiến trao tiền hỗ trợ ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi
Vượt qua mọi khó khăn, các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư cùng bà con ngư dân ta kiên cường bám trụ tại vùng biển Hoàng Sa. Nhiều kiểm ngư viên bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Tàu cá của ngư dân bị đâm chìm, phá hỏng thiệt hại cả tỷ đồng.
Chia sẻ khó khăn với ngư dân miền Trung, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã đến các làng chài ven biển thăm hỏi, tặng quà và động viên lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư cùng bà con ngư dân yên tâm bám biển.
Mới đây, khi nói chuyện với ngư dân thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hết sức hoan nghênh tinh thần kiên cường quyết tâm bám biển của ngư dân. Chủ tịch nước cũng tin tưởng chắc chắn rằng, bà con nhận thức rất rõ phía sau bà con có toàn dân, có nhân dân cả nước.
Trong những ngày vùng biển Hoàng Sa “dậy sóng”, cả nước hướng về Biển Đông. Trung ương đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương ven biển, kịp thời giải quyết vướng mắc, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Đầu tháng 7 này, Chính phủ ban hành Nghị định về “Một số chính sách phát triển thủy sản”. Kể từ đây, ngư dân, chủ tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất thấp nhất là 1%/năm và cao nhất là 3%/năm.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, cho biết: “Chính phủ đã có quyết sách sẽ hỗ trợ cho ngư dân tới 90% kinh phí để mua bảo hiểm thân tàu. Và chính thân tàu được bảo hiểm đó có thể sử dụng làm thế chấp để vay vốn”.
Cùng cả nước hướng về Biển Đông, Đài TNVN luôn sát cánh với bà con ngư dân. Các phương tiện truyền thông của Đài TNVN liên tục cập nhật thông tin về hoạt động của ngư dân trên biển. Năm 2013, Đài TNVN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chương trình “Tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển”; kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp gần 1 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân bám biển. Cũng qua chương trình này, Ngân hàng Nhà nước đã ủng hộ 5 tỷ đồng giúp ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vươn khơi bám biển.
Ông Nguyễn Đăng Tiến, Tổng Giám đốc Đài TNVN cho biết: “Với trách nhiệm của một cơ quan truyền thông lớn của Đảng- Nhà nước và với 4 loại hình báo chí của Đài TNVN, không riêng gì phát thanh mà báo hình, báo điện tử và báo viết thì Đài TNVN cùng với các cơ quan truyền thông tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước tới với ngư dân. Kết hợp với các ngành, các cấp để tuyên truyền đầy đủ, kịp thời những thông tin đến đồng bào cả nước, đặc biệt là đối với ngư dân. Đây là chương trình kết hợp rất có ý nghĩa đối với ngư dân khi vươn khơi bám biển để vừa phát triển kinh tế, vừa khẳng định chủ quyền của đất nước chúng ta”.
Ngày mới lại đến, những con tàu rẽ sóng ra khơi mang theo khát vọng làm giàu, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.
Theo_VOV
Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với vi rút cúm nguy hiểm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa ký quyết định Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người.
Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm, nhập lậu qua biên giới - Ảnh minh họa
Mục tiêu Kế hoạch đặt ra là phải giảm thiểu nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, giảm thiểu nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 lây nhiễm cho đàn gia cầm và cho người.
4 tình huống hành động
Với phương pháp tiếp cận "Một sức khỏe", trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành thú y với các ngành khác như y tế, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế nhằm triển khai các biện pháp toàn diện, hiệu quả nhất, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra, Kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên 4 tình huống.
Tình huống 1: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người.
Tình huống 2: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh.
Tình huống 3: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh.
Tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.
Về giải pháp thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ biện pháp ưu tiên số một hiện nay là nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến, nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhập vào trong nước.
Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực ngành thú y như: Tổ chức tập huấn cho thú y các địa phương về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu giám sát vi rút cúm A/H7N9; năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; liên hệ với các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế về bệnh cúm của WHO, FAO, Úc, Hoa Kỳ và Trung Quốc để cập nhật các quy trình kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các vi rút cúm khác (A/H5N1, A/H10N8, A/H5N2, A/H6N1).
Huy động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế về chuyên gia cũng như trang thiết bị, kinh phí dự phòng và chống dịch tương ứng với các tình huống, tập trung vào các hoạt động như giám sát vi rút cúm A/H7N9, lập kế hoạch ứng phó cụ thể cho từng tình huống dịch, triển khai diễn tập ứng phó dịch, đánh giá nguy cơ... cũng như truyền thông nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong phòng chống dịch.
Đảm bảo kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân sách nhà nước hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách trung ương và địa phương đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm.
Theo đó, ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu gia cầm vào trong nước, tổ chức giám sát phát hiện và phân lập vi rút, tập huấn, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, gửi mẫu đi nước ngoài, công tác truyền thông, tiêu hủy gia cầm và xử lý môi trường.
Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu gia cầm vào trong nước, giám sát, tập huấn, hội nghị, hội thảo, gửi mẫu xét nghiệm, thông tin tuyên truyền, chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ chủ gia cầm, triển khai các biện pháp tại chợ gia cầm, mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động, thuốc sát trùng và triển khai tiêu độc khử trùng, tiêu hủy gia cầm và xử lý môi trường.
Trước mắt các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán được giao, nếu có nhu cầu cần bổ sung, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Theo thông tin từ Cục Thú y, tính đến ngày 16/2, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 10 tỉnh, thành: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên và Lào Cai.
Tại tỉnh mới nhất có dịch là Lào Cai, từ ngày 10 - 15/2, các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện tại 15 hộ chăn nuôi, ở 5 thôn thuộc 3 xã của huyện Bảo Thắng, làm gần 7.000 con gia cầm mắc bệnh. UBND tỉnh Lào Cai đã công bố dịch cúm gia cầm và triển khai các biện pháp chống dịch.
Ngoài ra, một số địa phương khác xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi), nhưng đã được xử lý, không để lây lan.
Trước tình hình trên, Cục Thú y đã thành lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.
Mới đây, Cục Thú y cũng đã quyết định thành lập 8 Đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện vi rút cúm A/H7N9.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
'Đưa hóa chất vào thực phẩm là tội ác và phải xử lý như tội ác' "Việc đưa hóa chất độc hại, không được phép, vượt quá quy định vào thực phẩm là tội ác. Chúng ta phải xử lý như xử lý tội ác chứ không thể xử lý như vi phạm thông thường", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát nói. Phụ gia, hóa chất công nghiệp lẫn thực phẩm...