Đóng hàng trăm triệu làm đường làng, 300 hộ dân vẫn phải lội bùn
Hưởng ứng chủ trương dân và nhà nước cùng làm đường, người dân ở xã Đại Bản đã đóng hàng trăm triệu đồng để làm đường nhưng đến nay vẫn phải đi lại trên con đường chi chít ổ gà và bùn lầy nước đọng.
Người dân tại xã Đại Bản, H.An Dương, TP.Hải Phòng, vừa phản ánh đến Báo Thanh Niên về “con đường đau khổ’ mà họ phải đi từ nhiều năm qua. Đó là tuyến đường giao thông từ khu vực trạm bơm nối thôn Trại Giữa và thôn Trại Kênh của xã Đại Bản, dài gần 3 km.
Đã đóng hàng trăm triệu đồng làm đường nhưng 300 hộ dân vẫn phải đi trên “con đường đau khổ”. Ảnh LÊ TÂN
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đây là con đường duy nhất dẫn vào thôn Trại Kênh nên có rất nhiều phương tiện qua lại. Do đã xuống cấp, lớp nhựa trải mặt đường đã bong tróc hoàn toàn. Toàn bộ con đường chi chít ổ gà, ổ voi.
“Khi trời mưa, mặt đường toàn hố nước. Xe đạp, xe máy, người đi bộ toàn phải lội bùn, bị ngã nhiều lắm. Khổ nhất bọn trẻ con, mặc quần áo đi học lại ngã bẩn hết. Mưa to thì có tạnh vài ngày rồi nhưng nước vẫn không rút hết, chỉ chờ bốc hơi thôi”, anh Phạm Đức (một người dân ngụ xã Đại Bản) nói với Thanh Niên trong khi đánh lái xe máy để tránh ổ gà trên con đường đầy vũng lầy.
Không chỉ khổ khi trời mưa, đến khi trời nắng thì con đường này lại bụi mù mịt, bụi bay phủ trắng cây cối, nhà cửa bên đường. “Nhà nào cạnh đường thì không dám mở cửa. Tôi ngồi bán hàng ở đây hít bụi cả ngày, lúc nào cũng phải bịt khẩu trang kín mít”, bà Nguyễn Thị Thủy (52 tuổi ngụ thôn Trại Kênh, xã Đại Bản) bức xúc nói.
Theo người dân địa phương, con đường này bắt đầu xuống cấp từ năm 2018. Đến năm 2019, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Đại Bản có chủ trương cải tạo, nâng cấp con đường này theo tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, nhà nước tài trợ xi măng còn người dân đóng tiền mua cát, đá, trả nhân công.
Video đang HOT
Hưởng ứng chủ trương đó, các hộ dân thôn Trại Kênh đã đóng tiền làm đường. Hộ mặt đường đóng mỗi khẩu 1 triệu đồng, hộ trong ngõ đóng mỗi khẩu 500.000 đồng.
“Nhưng từ đó đến nay, đường vẫn chưa được làm. Người dân vô cùng bức xúc và đã kiến nghị nhiều lần đến UBND xã. Họp cử tri cũng nhắc đến liên tục. Không hiểu vì sao, UBND H.An Dương, UBND xã Đại Bản lại thờ ơ, để cả người dân lẫn cán bộ đều phải đi lại trên con đường này”, chị Lan (ngụ xã Đại Bản) cho hay.
Theo người dân địa phương, thôn Trại Kênh có khoảng 300 hộ dân, với 1.450 nhân khẩu. Ước tính khoảng 70% số nhân khẩu đã đóng hàng trăm triệu đồng với mong muốn có đường mới để đi lại.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Đại Bản, cho biết: “Xã đã nhận được nhiều ý kiến của người dân về con đường này. Thực tế, trong 2 năm qua, do dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế – xã hội bị đình trệ. Đến cuối năm 2021, UBND xã Đại Bản có tờ trình gửi UBND H.An Dương về việc nâng cấp cải tạo tuyến đường. UBND H.An Dương cũng đã đưa việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường này vào chương trình hoạt động của huyện năm 2022. Các đơn vị chức năng của H.An Dương đã về khảo sát”.
Tuy nhiên, việc nâng cấp con đường đến nay vẫn chưa được triển khai.
“Chúng tôi hy vọng UBND H.An Dương sẽ trình dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường này trong kỳ họp HĐND huyện vào tháng 7 tới. Nếu được thông qua mới có thể triển khai làm đường”, ông Vũ Văn Trường chia sẻ.
Hà Nội cứ mưa là ngập, nhưng dự án trạm bơm xây 10 năm chưa xong
Bức xúc vì tình trạng ngập cục bộ sau mưa, đại biểu HĐND TP.Hà Nội đặt vấn đề trách nhiệm khi các dự án trạm bơm, đặc biệt là trạm bơm Yên Nghĩa 10 năm vẫn chưa xong.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND TP.Hà Nội sáng nay 7.7, đại biểu (ĐB) Trần Hợp Dũng nêu: "Hà Nội có nhiều trận mưa gây úng ngập cục bộ. Trong khi trạm bơm Yên Nghĩa chậm thực hiện 10 năm qua, đây có phải nguyên nhân gây úng ngập cho khu vực phía Tây của thành phố, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?"
ĐB Trần Hợp Dũng đặt câu hỏi việc chậm triển khai trạm bơm Yên Nghĩa có phải nguyên nhân gây úng ngập cục bộ cho khu vực phía Tây Hà Nội hay không. Ảnh XUÂN HẢI
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, dự án xây dựng trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được TP.Hà Nội phê duyệt từ năm 2013, sau đó qua 2 lần phê duyệt điều chỉnh thực hiện đến 2021, nên dự án "không phải chậm 10 năm mà hiện chậm 6 tháng".
Ông Mỹ cho biết, cùng 3 dự án trạm bơm khác gồm Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên, trạm bơm Yên Nghĩa sẽ tiêu thoát lũ cho 18.000 ha khu vực phía Tây Hà Nội. Tuy nhiên so với công suất thiết kế, hiện mới chỉ tiêu thoát được 1.200 m 3/s, tiêu úng được cho 6.000 ha.
"Việc ngập úng của Hà Nội một phần do trạm bơm Yên Nghĩa, nhưng không phải nguyên nhân chính, nguyên nhân còn do 3 trạm bơm Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên chưa xây dựng được, vì thế công suất thiết kế mới đạt khoảng 40 - 50%", ông Mỹ nói.
Ngắt phần trình bày khá dài của Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn hỏi: "Dự án đang chậm, vậy bao giờ thì cam kết xong, giám đốc Sở đừng nói về công suất nữa".
Ông Chu Phú Mỹ trả lời: vướng mắc của dự án còn lại khoảng 30%, do giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó Q.Hà Đông mới bàn giao được hơn nửa diện tích đất. Nguyên nhân do khó xác định nguồn gốc đất, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật khó khăn. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với quận, nếu xong GPMB, cam kết 6 tháng xây dựng xong.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, cùng với trạm bơm Yên Nghĩa, 3 dự án trạm bơm khác chưa được triển khai là nguyên nhân gây úng ngập. Ảnh XUÂN HẢI
Thông tin thêm về GPMB, bà Cấn Việt Hà, Chủ tịch UBND Q.Hà Đông, cho biết quận đã GPMB xong 20,5 ha, đạt 66,7%, hiện còn 10,24 ha liên quan đến các tổ chức, hộ gia đình. Nhiều gia đình không nhận tiền hỗ trợ, hoặc chứng nhận quyền sử dụng khó xác định. Tiến độ GPMB chậm 6 tháng, nguyên nhân do tồn tại lịch sử của công tác quản lý đất đai các thời kỳ, khó xác minh nguồn gốc đất; giá cả thị trường bất động sản liên tục biến động nên người dân không đồng thuận, liên tục có đơn thư khiếu kiện; do dịch bệnh...
Sau khi bị Chủ tịch HĐND TP truy trách nhiệm, bà Hà thừa nhận: "Quận xác định chậm GPMB là trách nhiệm của quận, chúng tôi đã xác định phương án cưỡng chế, cam kết bàn giao 85% diện tích vào quý 3/2022, hết 2022 bàn giao 100%".
Báo cáo thêm với HĐND TP, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dự án được phê duyệt từ năm 2013, qua 2 lần điều chỉnh vào năm 2019 và 2021, thời gian thực hiện sẽ đến hết năm 2022. Dự án đã xong phần trạm bơm, chỉ còn vướng tại kênh dẫn nước La Khê, vướng mắc mặt bằng thuộc khu vực Q.Hà Đông.
"Nguyên nhân chậm trách nhiệm trước hết thuộc về Sở NN-PTNT và H.Hoài Đức, Q.Hà Đông. Việc xây dựng chậm ảnh hưởng một phần tiêu thoát úng cho khu vực phía tây thành phố. Sau mấy trận mưa lớn vừa rồi, TP.Hà Nội đã chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu khơi thông kênh La Khê, đảm bảo cho tiêu thoát nước", ông Quyền nói.
Liên quan đến dự án trạm bơm Liên Mạc, ĐB Phạm Hải Hoa hỏi: theo chủ trương phê duyệt, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020, nhưng vì sao tới nay vẫn chưa triển khai?
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết đây là dự án rất quan trọng, tiêu thoát nước cho khu vực nội đô và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức. Hiện Sở đã đang xây dựng chủ trương đầu tư trình TP, dự kiến thời gian triển khai từ 2022 - 2026 sẽ xong.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, HĐND TP sẽ tập trung vào 2 nhóm vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Thứ nhất là việc thúc đẩy các dự án đầu tư, nhóm vấn đề này từng được giám sát, chất vấn tại kỳ họp thứ 3 cuối năm 2021, tuy nhiên kết quả chưa cao, chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều dự án còn chậm ở nhiều loại hình công trình, ở cả vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn ngoài ngân sách, gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ hai, HĐND TPHà Nội sẽ chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý của Nhà nước trên địa bàn.
Bán chung cư, tháo chạy khỏi con đường "đau khổ" Lê Văn Lương Trên các trang rao bán bất động sản, số lượng tin rao bán căn hộ trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu tăng mạnh. Nhiều người chủ nhà rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không bán được nhà. Theo khảo sát, hiện nay nhiều căn hộ chung cư trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) và...