Đồng đội 2 hiệp sĩ bị sát hại: “Chúng tôi làm việc nghĩa, không vì hư danh”
“Anh em trong đội mỗi người một nghề, người chạy xe ôm, người sửa xe… hầu hết đều xa xứ lên thành phố mưu sinh. Chúng tôi làm việc nghĩa vì cái tâm, đam mê chứ không phải hư danh”, một thành viên trong nhóm 2 hiệp sĩ vừa bị sát hại, chia sẻ.
Ngày 16/5, thi thể hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi) đã được an táng tại nghĩa địa quê nhà ở thôn Chánh Khoan Tây, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Đám tang người “hiệp sĩ” dũng cảm là sự kiện xúc động chưa từng thấy ở vùng quê nghèo khó này. Rất nhiều đoàn đại diện các cơ quan, ban ngành của quận Tân Bình, TP .HCM, các đơn vị bộ đội, công an; UBND tỉnh Bình Định, huyện Phù Mỹ…; hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu gần xa đã đến tưởng niệm, tiếc thương và trao tiền hỗ trợ.
Anh Đỗ Công Tường (28 tuổi, ngụ ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh)- đồng đội của anh Thôi chia sẻ, động viên mẹ hiệp sĩ Thôi.
Đặc biệt, những ngày qua những đồng đội của anh Thôi trong nhóm hiệp sĩ Tân Bình (TP HCM) cũng về thôn Chánh Khoan Tây để động viên thân nhân và tiễn đưa người đồng đội nghĩa khí về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhận xét về con người hiệp sĩ Thôi, anh Đỗ Công Tường (28 tuổi, ngụ ở quận Tân Phú, TPHCM) thành viên nhóm hiệp sĩ Tân Bình, ngắn gọn: “Anh Thôi là người hiền lành, hòa đồng, sống không để mất lòng anh em. Dù công việc anh chỉ là người chạy xe ôm, nhưng khi tham gia nhóm bắt cướp, anh Thôi rất nhiệt huyết và đam mê”.
Theo anh Tường kể, hôm xảy ra vụ việc, anh Thôi chạy xe ôm thì phát hiện đối tượng đi xe Exciter 150 có dấu hiệu ăn trộm nên gọi điện báo cho anh em trong đội đến hỗ trợ bắt cướp. Nghe vậy, 4-5 anh em trong đội tức tốc đến hỗ trợ thì thấy có 2 đối tượng khác cũng di chuyển trên xe máy, dừng lại rồi bẻ khóa xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám.
Lúc đó, 6 anh em bố trí chặn ở hai đầu, khi đối tượng này dắt xe SH chạy khoảng vài trăm mét thì anh em dùng xe máy lao thẳng vào xe đối tượng, khiến người và xe đối tượng ngã ra đường. Sau đó, anh em lao lên khống chế thì bất ngờ bị đối tượng này rút lưỡi lê đâm từ phía sau, làm 1 người bị thương nặng gục tại chỗ, nhiều người bị thương. Mọi người đưa đi viện cấp cứu, nhưng anh Thôi và anh Nam không qua khỏi cơn nguy kịch.
Nhiều bạn bè, thân hữu gần xa đến thắp hương tiễn đưa người hiệp sĩ nghĩa khí.
Video đang HOT
Chia sẻ sau vụ việc 2 đồng đội bị hy sinh, anh Tường khẳng định các hiệp sĩ sẽ không hề chùn bước mà vẫn tiếp tục công việc bắt cướp với mong muốn góp phần giảm trộm cướp ở thành phố. “Dù có bị tai nạn, té xe thương tích rất nặng, nhưng anh em chúng tôi không chùn bước. Chúng tôi rất buồn, đau thương vì đồng đội của mình đã gắn bó với công việc vì điều chính nghĩa, nhưng đã phải chịu thương vong. Trong khi đó, công việc của chúng tôi không có tiền lương, trợ cấp hay thù lao gì hết mà anh em đã hi sinh, nên rất buồn”, anh Tường chia sẻ.
Sau vụ việc, có những ý kiến nói rằng việc bắt trộm cướp là việc của công an và các cơ quan chức năng, còn các hiệp sĩ “ăn không ngồi rồi” đi lo chuyện thiên hạ?.
Anh Tường, thẳng thắn nói: “Chúng tôi mỗi người mỗi nghề, công việc không ổn định, người làm xe ôm, người sửa xe, người làm công nhân… Chúng tôi chủ yếu là người xa quê, xa xứ lên Sài Gòn để mưu sinh và chỉ có đam mê vì việc nghĩa chúng tôi mới làm việc này. Chúng tôi đi bắt trộm cướp không phải vì hư danh mà muốn góp sức nhỏ của mình bảo vệ người dân”.
Anh Tường nói tiếp: “Mỗi người có nhiệt huyết, đam mê riêng. Chúng tôi cũng là người dân, hàng ngày đi làm rất vất vả, ai cũng muốn về với gia đình chứ đâu muốn ra đường bắt cướp. Nhưng có ai tự hỏi tại sao chúng tôi làm vậy? Tại sao đến tối anh em chúng tôi lại đi tuần tới 22 – 23 giờ khuya? Có hôm bắt được cướp đưa về công an xử lý thì chúng tôi còn phải ở lại rất lâu để làm hồ sơ. Người hiểu được công việc của chúng tôi thì họ rất thông cảm và rất quý mến. Còn người không hiểu thì nói mình rảnh rỗi, chúng tôi cũng buồn lắm. Thế nhưng, họ đâu hiểu rằng có phụ nữ đang mang bầu nghe điện thoại bị cướp giật ngã ra đường, có người bị sảy thai. Hay có những bà mẹ chở con đi học bị giật tài sản, té ngã ra đường bị thương…”.
Sau vụ việc 2 hiệp sĩ – những đồng đội của anh hi sinh, anh Tường kiến nghị các cơ quan chức năng thành phố, các cơ quan ban ngành liên quan cho thành lập tổ phòng chống tội phạm ở phường hoặc quận để các cơ quan nắm rõ danh sách những hiệp sĩ tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Đồng thời, truyền đạt kỹ năng cơ bản phòng chống tội phạm, những thế võ… để các hiệp sĩ tự vệ khi tham gia bắt cướp. Anh Tường cũng mong các cơ quan chức năng trang bị cho các hiệp sĩ công cụ hỗ trợ phù hợp, vừa bảo vệ chính các hiệp sĩ khi tham gia bắt cướp, vừa giúp thành phố giảm bớt tệ nạn xã hội.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân muốn trang bị áo giáp cho các “hiệp sĩ”:
Sau vụ việc, Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn thẳng vào thực tế, cho rằng các “hiệp sĩ” đang phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi họ chỉ tay không đối phó trong khi tội phạm thì luôn mang theo hung khí và lại hành động rất manh động.
Để bảo vệ an toàn cho những hiệp sĩ đường phố, ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý “cần phải hỗ trợ, trang bị áo giáp cho họ”. Bí thư Thành ủy lưu ý: “Công an thành phố và các cơ quan chức năng cần tính toán đến việc này. Nguồn kinh phí mua sắm áo giáp có thể huy động từ xã hội hóa”.
Doãn Công
Theo Dantri
"Hiệp sĩ" bị sát hại: 26 năm lang bạt không làm điều tủi hổ
Ở nơi lưng chừng của khốn khổ, thi thể "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi được đưa về quê chôn cất. Người mẹ nghèo đau đớn, khóc cạn cả nước mắt. Nhưng, thâm tâm bà lại rất đỗi tự hào, vì trong "đói rách" đứa con trai vẫn nhớ lời dặn của cha mẹ, không làm điều tủi nhục, xấu hổ.
Cha già... ngóng con
Con hẻm nhỏ dẫn vào ngôi nhà của bố mẹ "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) chật kín người, tiếng trống kèn sầu não bao trùm cả xóm nghèo. Trong căn nhà cấp 4 với những mảng tường nham nhở, bằng khen trong lần bắt cướp được trao tặng cho "hiệp sĩ" Thôi được treo trang trọng, ở nơi dễ nhìn thấy nhất.
Không khí tang thương bao trùm làng quê của hiệp sĩ Thôi.
Khi thi thể anh Thôi được xe cứu thương đưa về tận nhà cũng là lúc ông Nguyễn Bỉ (70 tuổi, cha ruột anh Thôi) như ngã quỵ trước nỗi đau mất con. Gạt nước mắt, ông Bỉ kể: "Sợ con gặp nguy hiểm, tôi từng khuyên nên từ bỏ chuyện bắt cướp vì đây là việc của công an nhưng nó không chịu. Tính nó thật thà, ngay thẳng, hay giúp người nên tôi không cản được, chỉ biết nhắc con nên cẩn thận. Giờ thì nỗi lo đã trở thành nỗi đau tột cùng".
Giấy khen của anh Thôi được treo ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà.
Người thân cho hay, cuộc sống ở quê khốn khó, tuổi thơ anh Thôi phải vật lộn với "ruộng đồng, biển sâu" để kiếm cơm. Nghỉ học từ năm lớp 6, năm 16 tuổi anh từ giã gia đình vào Sài Gòn kiếm sống bằng đủ nghề: Bán phở, sửa xe máy vỉa hè, đạp xích lô, chạy xe ôm, tất cả các nghề anh đều thử qua để tồn tại ở nơi đất khách.
"26 năm lang bạt trên đất Sài Gòn, cuộc sống của con trai tôi rất vất vả nên ít khi về quê. May mắn lớn nhất là nó có được vợ, rồi sinh được đứa con trai nhưng cũng cũng vì khó khăn mà gia đình phải chia ly. Mỗi đợt về quê, nó ở lâu nhất chỉ ở chừng 5 ngày, thương con tôi vận động về sống với ba mẹ. Thằng Thôi có hứa sẽ về nhưng chưa thực hiện được thì con tôi bị cướp tấn công", ông Bỉ buồn bã nói.
Mẹ anh Thôi đau như cắt vì mất con.
Trong "đói khổ", sống không tủi nhục
Vợ ông Bỉ, bà Nguyễn Thị Ô (68 tuổi), ngồi dưới góc hiên, khóc cạn cả nước mắt, bà liên tục đòi mở quan tài để nhìn mặt con trai lần cuối.
"Sau hàng chục năm xa quê, cuộc sống của con tôi vẫn ở trọ, đi làm thuê ngoài đường. Đến lúc bị cướp đâm chết thì cũng chẳng có tài sản gì quý giá. Bạn bè và những người yêu quý con tôi đã đưa thi thể về tận nhà, còn gửi tiền để gia đình lo chôn cất. Lòng tôi đau như cắt nhưng vẫn tự hào, vì trong đói khổ con trai vẫn nghe lời dặn cha mẹ, sống không làm điều tủi nhục, xấu hổ", bà Ô nói trong tiếng khóc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Dung - vợ cũ và cháu Đạt (10 tuổi) - con trai của "hiệp sĩ" Thôi cũng cùng đưa thi thể anh về quê. Chị Dung tâm sự, chị đến với anh Thôi vì bản tính thật thà, hay giúp đỡ người khác dẫu cuộc sống còn nhiều khốn khó và cũng có rất nhiều lý do khiến hôn nhân của anh chị tan vỡ.
Ông Bỉ bên quan tài của con trai.
Kí ức về người cha quá cố của cháu Đạt là những mẫu chuyện cuối tuần được cha đưa con đi chơi, ăn các món ăn Đạt thích như: Kem, gà rán... Tuy nhiên, khoảnh khắc đó lại không mang niềm vui đong đầy của cả gia đình vì anh Thôi và chị Dung đã ly hôn từ lâu.
"Tuần trước, ba còn dẫn con về phòng trọ, rồi đi siêu thị mua đồ chơi. Ba bận đi bắt cướp nên lúc rảnh mới chở con đi chơi được, con thương ba lắm", cháu Đạt thỏ thẻ tâm sự về những kỷ niệm với cha.
Không khí buồn bã, xót thương bao trùm cả xóm nghèo, dòng người đến viếng anh Thôi ngày càng đông, ai cũng xót thương cho con người có lối sống trượng phu nhưng đoản mệnh.
Theo Danviet
Kỳ 2: Nỗi lòng "hiệp sĩ" Trước khi "ra trận", một số anh em "hiệp sĩ" thậm chí còn gởi lại ảnh cho gia đình phòng hờ bất trắc khi đối đầu với bọn trộm cướp. Họ chờ mong ở chính quyền một sự quan tâm... "Hiệp sĩ" Đỗ Công Tường (trái) và nhóm "Hiệp sĩ Sài Gòn". (Ảnh: Trần Đáng) Xác định trước mối nguy hiểm Tự nhận...