Động đất tại Nhật Bản: Ấm áp tình người trong khó khăn
Trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản đang tập trung vào công tác cứu hộ, cứu trợ, khắc phục hậu quả động đất, người Việt Nam tại vùng tâm chấn đã nhận được sự tương trợ ấm áp từ cộng đồng và cả những người bạn Nhật Bản.
Một người bạn Nhật Bản góp tiền ủng hộ hoạt động cứu trợ cho người Việt trong vùng động đất. Ảnh: TTXVN phát
Anh Nguyễn Chí Thành Được, một người Việt Nam sống tại tỉnh Fukui, đã đến thành phố Nanao, khu vực tâm chấn ở tỉnh Ishikawa để hỗ trợ đồng bào trong chiều tối 3/1. Là một trong những đoàn Việt Nam đầu tiên đi đến khu vực bị thiệt hại nặng, anh Được chia sẻ đường đi vẫn rất khó khăn do nhiều tuyến đường bị sụt lở. Trong lúc lái xe đến Nanao, dư chấn vẫn xảy ra, có lúc độ lớn lên tới 5. Anh đã cẩn thận ghi lại những đoạn đường khó đi và nguy hiểm như đường, cầu, những đoạn nứt, sụt lún nặng…, đăng tải các hình ảnh này trên tài khoản Facebook cá nhân để cho những đoàn hỗ trợ tiếp theo tránh các cung đường này. Có những khu vực gần như bị cô lập, xe ô tô không thể vào được mà phải đi bộ vào. Những hàng hóa hỗ trợ mà nhóm anh Được mang theo khá nặng và cồng kềnh gồm nước, cơm ăn liền, mì tôm… Việc vác những mặt hàng này đi bộ trên một đoạn đường dài, trơn và dốc là rất khó khăn nhưng mọi người quyết tâm đi ngay trong đêm để hàng hóa sớm đến được với những người cần hỗ trợ.
Một trong những nhóm đầu tiên nhận được hỗ trợ từ nhóm anh Được sống trên vùng núi. Mặc dù đây là điểm an toàn để phòng tránh sóng thần song lại rất khó nhận được đồ cứu trợ của chính quyền vì cách xa khu dân cư và đường sá bị hư hại. Các lao động Việt Nam cho biết đây là tình hình chung của những người ở khu vực này, kể cả những người Nhật Bản. Ngoài ra, còn một nhóm 19 bạn nữ sống ở Wakura Onsen bị cô lập do tuyến đường bộ dẫn đến đây bị đứt đôi. Cũng như những nơi khác sau động đất, nhu cầu cấp thiết nhất của những người Việt là nước vì nguồn nước bị mất, không có một cửa hàng, siêu thị nào gần đó hoạt động trong hoàn cảnh hiện nay, đường vào nơi các em sống bị hỏng nặng hoặc nơi các em sống xa khu vực đông dân cư…
Những lao động Việt Nam tại đây cho biết họ ý thức được tình thế khó khăn mà chính quyền địa phương đang đối mặt nên cố gắng tự lực. Mọi người tập hợp thành nhóm để hỗ trợ nhau. Trong lúc khan hiếm nước sinh hoạt, tranh thủ trời mưa, các em huy động chén bát đặt dưới các ống thoát nước từ trên mái nhà để hứng nước mưa sử dụng trong lúc chờ đợi sự hỗ trợ của chính quyền và các nhóm tình nguyện.
Video đang HOT
Các lao động Việt Nam nằm nghỉ tại một điểm lánh nạn ở thành phố Wakura Onsen, tỉnh Ishikawa. Ảnh: TTXVN phát
Anh Ngô Tùng, một thực tập sinh Việt Nam tại thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa, đã cùng 2 người bạn, trong chiều tối ngày 3/1 đến hỗ trợ những người Việt tại thành phố Nanao, tâm chấn của trận động đất. Anh cho biết mặc dù Kanazawa chỉ cách Nanao chưa đến 70km, song anh và hai bạn phải lái xe vài tiếng đồng hồ do đường sá bị hư hại khá nhiều. Nhóm của anh đã hỗ trợ được 6 người Việt ở Nanao, chủ yếu là hỗ trợ nước phục vụ ăn uống vì đây là nhu cầu cấp thiết nhất vào thời điểm hiện nay.
Cũng với tinh thần tương trợ cộng đồng, anh Nguyễn Tuấn Ngọc sống tại tỉnh Fukui đã chuẩn bị sẵn sàng nước và lương thực để xuất phát đến khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi động đất. Với số lượng quà đã được chuẩn bị, anh dự kiến sẽ hỗ trợ được khoảng 100 người. Anh chia sẻ trong quá trình chuẩn bị hàng hóa hỗ trợ, không chỉ người Việt mà cả những người bạn Nhật Bản cũng đến ủng hộ vật chất, cùng với người Việt sắp xếp và chất hàng hóa lên ô tô.
Nhóm tình nguyện của anh Tuấn Ngọc mua đồ tại siêu thị để chuẩn bị cho việc tiếp tế cho những người Việt ở vùng bị động đất. Ảnh: TTXVN phát
Chị Nguyễn Thị Hằng, một trong những người Việt đang ở khu lánh nạn tại Nanao, chia sẻ rằng hiện tại vì chị chỉ có một mình ở Nanao nên một gia đình Nhật Bản bên cạnh đã chủ động mời chị cùng sang sống với họ trong thời gian khó khăn. Khi thành phố yêu cầu mọi người sơ tán, gia đình mặc nhiên coi chị là một thành viên, chủ động đưa chị cùng đi lánh nạn và xếp hàng nhận đồ cấp phát tại nơi cứu trợ cho chị.
Cùng với những tấm lòng ấm áp sẵn sàng hỗ trợ đồng bào, những người Việt ở vùng động đất cũng rất có ý thức chia sẻ khó khăn. Tại các khu lánh nạn, các bạn trẻ Việt Nam tuân thủ các quy định của Nhật Bản từ việc xếp hàng nhận đồ cứu trợ cho đến việc nhường lò sưởi cho người già và trẻ em. Có những thanh niên Việt Nam cho biết họ trở về nhà vì muốn nhường nơi lánh nạn cho người già, phụ nữ và trẻ em. Cho dù đã về nhà, các bạn trẻ này luôn ghi nhớ nguyên tắc luôn sẵn sàng các vật dụng cần thiết để đi sơ tán ngay khi có yêu cầu vì cho đến đêm khuya 3/1 dư chấn mạnh vẫn xảy ra.
Vẫn còn những nơi ở vùng tâm chấn bị động đất cô lập, vẫn còn những người đang rất khó khăn, thiếu nước, thiếu lương thực… Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện công tác cứu hộ và cứu trợ trong thời gian nhanh nhất. Cùng với chính phủ và những người bạn Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và những người Việt Nam đang sống tại Nhật Bản như Được, Tùng, Ngọc… với tinh thần “tương thân, tương ái” đang chung tay giúp đỡ những người đang gặp khó khăn ở vùng động đất. Chính trong những thời điểm này, hai tiếng “đồng bào” càng trở nên thiêng liêng và ấm áp.
Động đất tại Nhật Bản: Số nạn nhân thiệt mạng tăng lên 73 người
Theo đài NHK của Nhật Bản, tính đến tối 3/1, số người thiệt mạng sau loạt trận động đất mạnh xảy ra ngày 1/1 tại tỉnh Ishikawa đã tăng lên 73 người.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất tại Suzu, tỉnh Ishikawa, ngày 3/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chính quyền các thành phố Wajima và Suzu cùng thị trấn Noto tại tỉnh này đang tiếp tục đánh giá tình hình thiệt hại. Theo NHK, các địa phương này báo cáo nhiều nhà cửa đổ sập do động đất. Thị trưởng thành phố Suzu gần tâm chấn, ông Masuhiro Izumiya, cho biết trận động đất đã khiến 90% nhà ở trong thành phố bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần.
Thời tiết xấu và các nguy cơ dư chấn đang cản trở công tác tìm kiếm những người còn mất tích. Theo chính quyền tỉnh Ishikawa, ít nhất 60 người đang bị cô lập vì giao thông bị gián đoạn ở ít nhất là 3 khu vực, trong đó có thành phố Nanao chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của trận động đất.
Phát biểu họp báo ngày 3/1, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ đã quyết định tăng gấp đôi số nhân lực từ Lực lượng Phòng vệ (SDF) được huy động tới vùng thảm họa, từ mức 1.000 người hiện nay.
Hàng loạt trận động đất mạnh đã xảy ra ở vùng Noto thuộc tỉnh Ishikawa trong ngày 1/1, trong đó có trận có độ lớn lên tới 7,6, với chấn tiêu khá nông. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã đặt tên cho trận động đất này là "Động đất bán đảo Noto 2024". Cảnh báo sóng thần dọc phía biển Nhật Bản đã được JMA ban bố sau các trận động đất và được dỡ bỏ sau đó 1 ngày. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo dư chấn mạnh vẫn có thể xảy ra trong tuần này.
Nhà chức trách lo ngại con số thương vong do trận động đất này sẽ tiếp tục tăng. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, trên 31.800 người đã phải sơ tán và sống trong các khu lán trại sau động đất, ít nhất 200 ngôi nhà bị sập.
Động đất tại Nhật Bản: Thời tiết xấu cản trở nỗ lực cứu hộ Ngày 3/1, Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo tình hình thời tiết xấu tại tỉnh Ishikawa - khu vực hứng chịu thiệt hại nặng nề do trận động đất vừa qua, cản trở hoạt động cứu hộ. Các tòa nhà cháy rụi do hỏa hoạn bùng phát sau động đất tại tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, ngày 3/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN Theo hãng...