Động đất tại Indonesia: Ít nhất 25 người vẫn bị vùi dưới đống đổ nát
Ngày 22/11, các lực lượng cứu hộ vẫn khẩn trương tìm kiếm những người mất tích dưới đống đổ nát sau trận động đất mạnh xảy ra một ngày trước đó tại tỉnh Tây Java, cách thủ đô Jakarta khoảng 75 km.
Những ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất tại Cianjur, Indonesia, ngày 22/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai của Indonesia xác nhận còn ít nhất 25 người vẫn bị vùi dưới đống đổ nát tại các tòa nhà bị sập trong trận động đất. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm cứu nạn hiện gặp nhiều khó khăn do các tuyến giao thông bị chia cắt cũng như mất điện tại các khu vực bị ảnh hưởng, phần lớn ở vùng nông thôn và vùng núi.
Tại làng Cugenang, hàng chục nhân viên cứu hộ đã sử dụng các máy móc và thiết bị hạng nặng để khai thông tuyến đường dẫn tới thị trấn Cianjur thuộc tỉnh Tây Java đang bị chia cắt do lở đất.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết trận động đất độ lớn 5,6 xảy ra chiều 21/11 ở thị trấn Cianjur, tâm chấn ở độ sâu 10 km. Động đất khiến ít nhất 162 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và 13.000 người phải sơ tán khẩn cấp, đồng thời phá hủy hơn 2.000 ngôi nhà, tòa nhà cao tầng cùng nhiều công trình hạ tầng khác.
Theo giới chức sở tại, phần lớn nạn nhân thiệt mạng là người dân bị mái nhà và tường đổ đè lên khi xảy ra động đất. Ngoài ra, có một số nạn nhân là học sinh một trường nội trú Hồi giáo.
Tại Indonesia thường xuyên xảy ra động đất do nước này nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có nhiều vết đứt gãy ở vỏ Trái Đất do hoạt động của các mảng kiến tạo. Vào tháng 1 năm ngoái, trận động đất có độ lớn 6,2 làm rung chuyển đảo Sulawesi đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người, đồng thời đẩy hàng nghìn người vào cảnh mất nhà cửa.
13 trận động đất rung chuyển Indonesia trong vòng 1 tuần
Theo số liệu từ Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), từ ngày 10-17/3, quốc gia này đã bị rung chuyển bởi 13 trận động đất được cộng đồng cảm nhận thấy.
Trong số 13 trận động đất mạnh từ 3-6,7 độ, hầu hết (10 trận động đất) xảy ra do hoạt động đứt gãy và có hai trận động đất xảy ra ra sự hút chìm mảng. Ông Daryono, Điều phối viên Giảm nhẹ Động đất và Sóng thần BMKG kêu gọi người dân không hoảng sợ về sự gia tăng hoạt động địa chất gần đây bởi đây là một phần của quá trình tự nhiên và có thể lường trước để giảm thiểu rủi ro.
Mỗi năm Indonesia gánh chịu hơn 5.800 trận động đất. Nguồn: AntaraFoto
Các trận động đất trong tuần qua không gây thiệt hại về người và không có nguy cơ gây ra sóng thần. Trừ trận động đất 6,7 độ tại lỗ hổng địa chấn đã tồn tại 200 năm qua trên đảo Sumatra đã kích hoạt cảnh báo sóng thần, song ngay lập tức được gỡ bỏ. Sáng sớm 18/3, một trận động đất mạnh 5 độ cũng đã làm rung chuyển khu vực Banten, cảm nhận được ở các thành phố vệ tinh của thủ đô Jakarta.
Theo ông Daryono, khả năng xảy ra động đất và sóng thần sẽ luôn tồn tại trên lãnh thổ Indonesia. Do đó, người dân cần cảnh giác và luôn có kỹ năng đối phó.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên phải gánh chịu các trận động đất và phun trào núi lửa. Số liệu từ năm 2008 đến nay cho thấy, mỗi năm tại quốc gia Đông Nam Á này xảy ra hơn 5.800 trận động đất, trong đó các trận động đất lớn với cường độ từ 5 trở trên là khoảng 350 lần.
Động đất ở Indonesia: Con số thương vong lên gần 750 người Động đất ở Indonesia: Con số thương vong lên gần 750 người; GS-NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng qua đời; Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản... là một số tin tức đáng chú ý diễn ra trong ngày 21/11. Động đất ở Indonesia: Con số thương vong lên gần 750 người Người dân...