Động đất ở Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Còn dưới nhiều mức giới hạn an toàn của đập
Sáng 30.10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (ảnh) đã trả lời báo chí một số vấn đề về dự án thủy điện Sông Tranh 2 và việc tác động của công trình thủy điện đến môi trường. Theo Phó Thủ tướng thì Chính phủ sẽ kiên quyết loại bỏ những công trình không đảm bảo môi trường và có tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Thưa Phó Thủ tướng, động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 vẫn khiến người dân Quảng Nam và nhiều ĐBQH chưa yên tâm. Xin Phó Thủ tướng nói rõ hơn về nội dung này.
- Với sự cố xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2, Chính phủ đã giao cho các bộ, hội đồng giám sát quốc gia và cả tư vấn quốc tế đánh giá thực trạng như thế nào để xử lý. Qua quá trình giám sát, đánh giá, nổi lên 2 việc.
Video đang HOT
Thứ nhất là hiện tượng thấm nước, đến nay đã xử lý được 99,9%. Vấn đề thứ 2 là ổn định thân đập. Việc này đã thuê tư vấn quốc tế đánh giá. Các kết luận đều khẳng định tiêu chuẩn về thiết kế bảo đảm, các số liệu về ổn định đập đều vượt chỉ tiêu cho phép, kể cả về số liệu động đất. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã công bố đầy đủ việc này.
Tuy nhiên, thời gian qua liên tục xảy ra động đất ở khu vực Sông Tranh 2, qua nghiên cứu đã khẳng định động đất là động đất kích thích. Chính phủ đã quyết định không tích nước để theo dõi xem phản ứng của động đất kích thích với sự xuất hiện của hồ chứa thế nào.
Thiết bị chuyên dùng được đặt tại trạm quan trắc thuộc Ban điều hành thuỷ điện Sông Tranh 2.
Chính phủ cũng đã giao cho Viện Vật lý địa cầu lắp các trạm địa chấn với đủ các thiết bị quan trắc để theo dõi, đồng thời cũng giao viện này tiếp tục mời chuyên gia nước ngoài tham gia khảo sát đánh giá những đứt gãy, nền địa chất. Có ý kiến cũng cho rằng công trình đã hoàn thiện mà không đưa vào sử dụng thì sẽ lãng phí, nhưng chúng ta vẫn xác định phải đặt sự an toàn lên trên hết. Nếu loại bỏ hết các nghi vấn thì sẽ đưa vào hoạt động cho dù đến nay các kết quả giám định đều khẳng định là tốt, nhưng động đất vẫn đang xảy ra, thế thì vẫn cần tiếp tục theo dõi và chưa đưa vào hoạt động.
Trước khi có dự án này, khu vực này trong vòng 100 năm mới chỉ xảy ra 8 trận động đất, nhưng sau khi công trình hoàn thành và tích nước thì đã xảy ra tới trên 60 trận động đất lớn nhỏ, vậy có phải là do công tác khảo sát ban đầu chưa đánh giá được tác động của công trình?
- Trong tính toán không ai lường hết được, nhất là động đất kích thích. Người ta vẫn nói một hồ chứa khi tích nước sẽ gây động đất kích thích, nhưng có hồ chứa thì xảy ra hiện tượng này, có hồ thực tế không xảy ra. Việc đó phụ thuộc điều kiện địa chất khu vực có công trình xây dựng.
Về nguyên tắc, nếu đã động đất kích thích thì thường không vượt qua mức động đất chỉ đạo và có xu hướng tắt dần theo thời gian. Chúng ta có cả nghìn hồ mà không phải hồ nào cũng gây ra động đất kích thích. Chỉ có thể dựa trên kinh nghiệm là nếu có động đất kích thích nó sẽ tắt dần theo thời gian, nên giờ cần phải theo dõi đánh giá. Nếu vượt giá trị cực đại thì phải xem xét hết sức nghiêm chỉnh và công trình không thể đưa vào vận hành được.
Khi chúng ta thiết kế thủy điện này đã tính toán rất nhiều số liệu về động đất, ngoài ra còn số liệu hết sức quan trọng đối với an toàn đập là gia tốc nền. Gia tốc nền ở đây theo thiết kế 150, nhưng khi thực hiện và được thử nghiệm lên đến 250. Còn vừa qua, trận động đất 4,6 độ richter là tương đương với gia tốc nền 108. Như vậy là còn dưới nhiều mức giới hạn đập có thể chịu đựng được. Chính vì thế động đất 4,6 độ richter vừa rồi thì khi kiểm tra cũng không thấy có dấu hiệu tác động gì đến đập.
Sau khi xảy ra sự cố ở Sông Tranh 2, một số ý kiến ở tỉnh Đồng Nai đã đề nghị nên dừng dự án thủy điện 6 và 6A ở Đồng Nai vì tác động môi trường quá lớn, quan điểm của Chính phủ thế nào về việc này?
- Đó là một ý kiến kiến nghị và đó cũng là một yếu tố đầu vào cho hội đồng thẩm định. Có rất nhiều yếu tố ở đây. UBND địa phương trên cơ sở quy hoạch nếu thấy các yếu tố tác động đến dự án thì hoàn toàn có quyền đề nghị dừng không làm công trình. Kể cả việc báo cáo đánh giá tác động môi trường đã qua, nhưng khi di dân không tìm được đất hay ổn định dân cư không bảo đảm hay đất sản xuất mất nhiều quá không bố trí bù lại được thì cũng có thể yêu cầu không thực hiện, dù hiệu quả có thể tốt, động đất không có, địa chất ổn định… Những yếu tố thấy không đảm bảo được thì địa phương có quyền đề nghị.
Đặt ra tình huống nếu công trình được đầu tư rồi nhưng khi vận hành lại gây ra tác động môi trường lớn, vậy liệu Chính phủ có kiên quyết loại bỏ hay không, thưa Phó Thủ tướng?
- Nếu công trình đã xây dựng rồi nhưng sau đó thấy tác động tới môi trường, đời sống xã hội của nó lớn thì trước hết cần xem xét xem có cách nào khắc phục được không. Nếu tất cả các biện pháp được xét đến đều không được thì buộc phải đình chỉ công trình, vì bảo vệ môi trường và đời sống người dân là số một. Chúng ta đã có nhiều công trình làm vậy rồi, đã hoàn thành, thậm chí đã hoạt động nhiều năm nhưng khi xây thì không có dân, sau đó dân mới đến sống xung quanh rồi gây ô nhiễm thì mình cũng phải di dời công trình ấy.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo laodong
Bất nhất thông tin về thủy điện Sông Tranh 2
Kể từ khi bị phát hiện thấm nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 (tháng 5-2012) đến nay, thông tin về sự an toàn của đập thủy điện này đã nhiều lần được công bố. Tuy nhiên, thông cáo mới nhất của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN lại có một số chi tiết khiến dư luận ngạc nhiên.
Trong thông cáo báo chí gửi báo giới về cuộc họp báo ngày 28-9 diễn ra tại Quảng Nam, EVN cho biết, đến ngày 24-8, công tác xử lý thấm đã kết thúc. Đối với 10 khe nhiệt thấm lớn, tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý đo được là 26,2 lít/giây sau khi xử lý, lưu lượng thấm chỉ còn 0,02 lít/giây, giảm 99,9%. Với 20 khe nhiệt còn lại lưu lượng thấm là nhỏ (0,015 lít/giây). EVN kết luận, kết quả xử lý chống thấm đạt hiệu quả đặt ra tại phương án xử lý thấm đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với cách đưa tin "có trọng tâm trọng điểm", một con số ít được nhấn mạnh hơn là riêng đối với nền đập, lưu lượng thấm đo được trước khi xử lý là 4,2 lít/giây và sau xử lý là 3,19 lít/giây. Lượng thấm này mới giảm 24%!
Bên cạnh đó, bản thông cáo mới nhất của EVN cũng khẳng định, "về tổng thể chất lượng bê tông thường và bê tông đầm lăn của đập đã được thi công đạt yêu cầu thiết kế, đập đã được tích nước theo 2 giai đoạn để kiểm tra trạng thái ứng suất, biến dạng và kiểm tra thấm qua thân đập. Tuy nhiên, chất lượng thi công xây dựng các khe nhiệt chưa được bảo đảm, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ trong quá trình thi công xây dựng, một số thiết bị bị hư hỏng chưa được kịp thời khắc phục. Việc này ngoài trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng còn có trách nhiệm của tổ chức giám sát". Trong khi đó, nhiều thông tin khoa học cho rằng, khe nhiệt thì phải thẳng đứng, thủy điện Sông Tranh 2 có khe bị xiên, có hình chữ Z, là lỗi của thi công. Mỗi lớp rải và đầm bê tông dầy khoảng 30 cm, vị trí khe nhiệt đầu tiên thì đúng, nhưng do kiểm tra không chặt chẽ sự xô lệch của tấm bố ngăn cách nên sau mỗi lớp đầm, khe bị lệch dần, đến khi phát hiện ra bị lệch nhiều quá thì không thể nào sửa được nữa.
EVN thừa nhận, các trận động đất kích thích xảy ra tại địa bàn huyện Bắc Trà My gần đây có liên quan đến việc tích nước của hồ thủy điện Sông Tranh 2. Để làm rõ các thông tin này, nội dung cuộc họp báo ngày 28-9 từ các phương tiện thông tin đại chúng còn cho hay, Công ty Tư vấn điện 1 thừa nhận không lường trước được động đất kích thích này. Ngoài ra, công trình còn chưa được nghiệm thu chính thức. Hoạt động thời gian qua chỉ là tích nước thử tải. Chỉ riêng sự "không lường trước" được này của EVN cũng như việc công trình chưa được nghiệm thu chính thức đã đủ gây hoang mang cho người dân. Phải chăng, vì sợ tác động lớn đến tư tưởng của người dân nên EVN chưa công bố thông tin này trong bản thông cáo, để hàng loạt các cơ quan báo chí đồng loạt đăng tải tin tức theo văn bản tập đoàn này gửi đến?
Điều khiến dư luận ngạc nhiên hơn nữa là mặc cho các nhà khoa học khuyến cáo nên di dân hoặc có biện pháp khắc phục tốt hơn để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, EVN dường như không đề cập đến trong các văn bản gửi cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, còn có thắc mắc xung quanh việc tài liệu về dự án thủy điện lớn tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng được "xào nấu" từ báo cáo đánh giá tác động môi trường của Tiến sĩ Lê Trần Chấn - nguyên Trưởng phòng Địa lý sinh vật, Viện Địa lý thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia từ năm 1998 khi ông tham gia một hội thảo quốc tế. "Đâu là sự thật về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2" là điều mà EVN cần có cuộc họp báo công khai với các cơ quan báo chí, thể hiện trách nhiệm với người dân!
Theo ANTD
Tích nước thủy điện Sông Tranh: Quá mạo hiểm? EVN đã có công văn xin Chính phủ được tích nước, vận hành thủy điện Sông Tranh trở lại. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng tích nước thủy điện Sông Tranh thời điểm này là mạo hiểm. Sau khi khẳng định chuỗi động đất vừa qua không ảnh hưởng tới đập thủy điện Sông Tranh 2,...