Động đất ở Sông Tranh 2 chưa thể gây đổ nhà!
Đó là ý kiến của TS Lê Huy Minh – Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu- trả lời trên bản tin thời sự VTV1 tối qua (23.10), sau trận động đất vừa xảy ra đêm trước. Trong khi đó, người dân Bắc Trà My lo sợ: Rồi nhà sẽ đổ nếu còn động đất.
Các đới đứt gãy hoạt động khu vực nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 và kế cận. (Theo PGS.TS Cao Đình Triều, 2012)
Động đất cực đại chỉ là lý thuyết
Trong tổng số gần 100 cơn rung chấn tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2, trận động đất vào 20 giờ 41 phút ngày 22.10 với cường độ 4,6 độ richter đã thực sự khiến người dân huyện Bắc Trà My lo sợ. Hơn 800 nhà dân bị nứt toác tường, bị hư hại do các trận động đất. Nhiều hộ đã dựng nhà gỗ để yên tâm hơn khi ở trong nhà xây bằng gạch.
Trả lời trên báo Lao Động ngày 24.10, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết: Động đất ở Trà My được dự báo vẫn tiếp tục xảy ra theo hướng dày hơn, mạnh lên, sau đó mới giảm dần và đi vào ổn định. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định được cường độ đạt đỉnh của động đất ở khu vực này là bao nhiêu và chu kỳ như thế nào.
PGS-TS Hồng Phương cũng lưu ý: Động đất ở thủy điện Hòa Bình phải mất đến 5 năm mới tắt hẳn. Đáng nói ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên đới đứt gãy Trà Bồng chạy ngang sát chân đập thủy điện Sông Tranh 2, vì vậy động đất kích thích ở đây sẽ diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, trả lời trên VTV1 tối qua (23.10), TS Lê Huy Minh nói rằng: Theo nghiên cứu vào năm 2003, đánh giá động đất cực đại có thể xảy ra trên các đới đứt gãy ở khu vực này có độ lớn là 5,5 độ richter, việc di dời là chưa cần vì sự rung động chúng tôi đánh giá và thực tế quan sát được là cấp 6- gây nứt tường, trần nhà chứ chưa gây đổ.
Video đang HOT
Theo TS Lê Huy Minh thì nghiên cứu động đất khu vực này được thực hiện từ năm 2003, khi EVN chưa xây dựng thủy điện Sông Tranh 2.
Nhưng khi công trình thủy điện này vừa mới được đưa vào vận hành, hồ chứa nước có cao trình 161 (mới có thể xả tràn) thì liên tiếp xảy ra động đất, cường độ mạnh dần, cao điểm là trận động đất vào đêm 22.10 (4,6 độ richter).
Việc khằng định động đất cực đại ở khu vực này có độ lớn là 5,5 độ richter ở thời điểm hiện tại là không còn cơ sở khoa học, đánh giá đó chỉ nằm trên cơ sở lý thuyết, xa rời với thực tế về động đất đang diễn ra ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2.
Các nhà khoa học độc lập nhận định rằng, động đất ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 có biểu hiện đặc biệt.
PV Lao Động đã đặt câu hỏi vì sao động đất tại khu vực Sông Tranh 2 có biểu hiện đặc biệt với PGS-TS Cao Đình Triều – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam, ông cho biết: Xảy ra tại vùng mà trước đó chưa bao giờ xuất hiện động đất là loại động đất hồ chứa phản ứng nhanh có biểu hiện hoạt động dồn dập, đợt sau có xu thế tăng về tần suất lặp lại và cấp độ mạnh (có biểu hiện hoạt động khá giống với đập Koyna, Ấn Độ ở điểm đầu). Đặc biệt về nền móng đập và khu vực công trình: Nằm trong đới cà nát, giập vỡ và phong hóa mạnh của đá granit sáng màu.
Nhà nứt, rung nhiều sẽ đổ
Đúng như TS Lê Huy Minh nói, hiện nay nhà dân mới bị nứt tường, nứt trần chứ chưa đổ nên chưa phải tiến hành di dời. Nhưng PGS-TS Nguyễn Hồng Phương lại thông báo một tin không vui: Người dân Bắc Trà My sẽ còn phải hứng chịu nhiều trận động đất lớn hơn (trận động đất lớn nhất đến thời điểm này ghi nhận có cường độ 4,6 độ richter – PV).
Như vậy, nhà cửa của người dân Bắc Trà My sẽ tiếp tục phải chịu những trận rung chấn mới. Nhà đã nứt mà liên tiếp bị rung chấn thì không ai dám khẳng định là sẽ không đổ. Còn đổ lúc nào thì không ai nói được.
Khi được hỏi về những thiệt hại về nhà cửa của người dân vì động đất vào thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, ông Trần Văn Hải – Trưởng ban quản lý Dự án thủy điện 3- nói rằng: Không có thiệt hại gì lớn đâu. Chỉ có một số nhà dân – những nhà xây tường mỏng hoặc không phải là công trình bài bản- thì có vết nứt. Tuy nhiên là vết nứt, họ chỉ mình thấy thế thôi chứ không biết nó nứt trước hay nứt do động đất.
Sau khi đọc bài “Người dân không liều mình với “phép thử” của EVN”, bạn đọc NamHuongTran- email kimcuc48@gmail.com viết: “Cuối năm 1961, tôi đã từng sống một thời gian ở căn cứ địa khu 5 Bắc Trà My. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh những đoàn người dân tộc Cơ Tu mình trần đóng khố, chân đất ngày ngày vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men trên những con đường đèo dốc. Có lần, tôi đã gặp họ trong một bữa nghỉ ăn trưa. Thức ăn là ngô hạt nấu chín được gói trong bẹ lá chuối. Điều đáng nói hơn ở đây là họ hoàn toàn ăn nhạt, không một hạt muối. Trong khi đó, trên vai họ là những gùi muối nặng hai ba chục ký không hề suy suyển”.
Và để kết lại, xin dẫn lời bạn đọc NamHuongTran: “Tôi nghĩ, bây giờ là lúc Nhà nước phải tìm mọi cách để người dân Bắc Trà My được sống đầy đủ hơn, sung sướng hơn chứ không phải kêu gọi họ tiếp tục hi sinh, đặc biệt là hi sinh cho những dự án làm lấy được”.
Theo laodong
Động đất mạnh lại rung động thủy điện Sông Tranh 2
Khoảng hơn 13h40 ngày 27/9, một trận động đất nữa lại làm rung chuyển một số nơi trên địa bàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Dù chỉ diễn ra một vài giây, lần rung chấn này có cường độ khá mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - cho biết, trận động đất có cường độ mạnh làm nhiều nhà dân rung chuyển. Trận động đất kéo dài khoảng 5 giây. Ông Tuấn cũng cho biết chưa xác định được trận động đất này bao nhiêu độ richter vì còn phải chờ Viện Vật lý địa cầu báo cáo con số chính xác.
Người dân thôn Tân Hiệp (xã Trà Sơn, Bắc Trà My) bỏ chạy ra ngoài vì động đất.
Ông Vũ Đức Toàn - Phó trưởng BQL dự án thủy điện 3 cho hay, máy gia tốc tại đập thủy điện Sông Tranh 2 đo được mức cao nhất 38,64cm/s2. Đập thủy điện vẫn an toàn.
Bí thư xã Trà Sơn - ông Lê Đình Trung cho biết, trận động đất xảy ra lúc khoảng 13h40, người dân trong địa bàn xã cảm nhận rung lắc mạnh gần bằng trận xảy ra lúc gần 11h ngày 23/9 vừa qua. Ông Trung cũng thông tin thêm, cơ quan chức năng đang cho cán bộ đi kiểm tra nhà dân bị hư hại để báo cáo với huyện.
Chủ tịch xã Trà Đốc - ông Hồ Văn Lợi cho biết, lúc xảy ra động đất người dân trên địa bàn xã cũng rất lo lắng. "Người dân chúng tôi đã quá mệt mỏi vì động đất rồi. Bây giờ nó có nổ hay rung lắc gì cũng kệ nó" -ông Lợi than thở.
Đã có 211 công trình công cộng và nhà dân bị hư hại do động đất. Trong ảnh, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi xã Trà Sơn bị nứt tường do động đất
Ngay sau động đất xảy ra, lãnh đạo huyện Bắc Trà My cử cán bộ xuống các xã như Trà Đốc, Trà Bui, Trà Sơn... kiểm tra tình hình thiệt hại của nhà dân và các công trình công cộng.
Theo thống kê mới nhất của huyện Bắc Trà My, những trận động đất vừa qua trên địa bàn huyện đã làm cho 211 nhà dân và công trình công cộng bị hư hại.
Theo Dantri
Phổ biến kiến thức về động đất cho người dân vùng Sông Tranh 2 Ngày 18/10, hơn 300 cán bộ và người dân trên địa bàn Quảng Nam đã được các chuyên gia ở Viện Vật lý địa cầu phổ biến kiến thức về động đất và cách phòng tránh, ứng phó khi có động đất xảy ra. PGS.TS. Cao Đình Triều - chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu - là người chủ trì buổi...