Động đất liên tục ở huyện A Lưới: Không nên hoang mang?
Các chuyên gia nhà khoa học cho rằng, ở A Lưới không thể xảy ra động đất lớn nên người dân không nên hoang mang.
Trong tháng 12 này, tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra 5 trận động đất. Thống kê, trong 2 năm qua, tại huyện miền núi này xảy ra vài chục trận động đất lớn nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhà khoa học cho rằng, ở A Lưới không thể xảy ra động đất lớn nên người dân không nên hoang mang.
Tin động đất ở A Lưới trên Website chính thức của Viện Vật lý địa cầu.
Trang thông tin điện tử chính thức của Viện Vật lý Địa cầu những ngày qua, dày đặc các thông tin về động đất ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trận động đất mới nhất xảy ra vào lúc 18 giờ 44 phút tối 22/12 có cường độ 3,4 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Nhiều người dân ở A Lưới cũng cảm nhận được động đất bởi rung lắc nhẹ. Như vậy, từ tháng 5 năm ngoái đến nay, tại huyện A Lưới và vùng phía Tây, thị xã Hương Trà giáp với A Lưới đã xảy ra 15 trận động đất, trong đó, trận động đất mạnh nhất xảy ra vào ngày 15/5/2014 tại huyện A Lưới với cường độ 4,7 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
Ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, động đất xảy ra liên tiếp trong thời gian qua trên địa bàn huyện mặc dù chưa gây ra thiệt hại nhưng khiến người dân lo lắng, bất an: “Gần đây, tần xuất động đất rất là dày. Về phía bà con người ta cũng hoang mang, chính quyền địa phương chúng tôi cũng lo lắng. Bây giờ chỉ biết trấn an người dân bình tĩnh, nếu mà có xảy ra động đất thì tránh những nơi có công trình tạm bợ hay những chỗ có cây cối mình tránh xa… chứ hiện nay phương án là chưa có. Cứ sau mỗi trận động đất chúng tôi mới được thông báo, chứ cảnh báo thì chưa có”.
Tiến sĩ Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, động đất ở A Lưới liên quan đến đới đứt gãy A Lưới- Rào Quán kéo dài qua Thà Khẹt, nước bạn Lào, hiện đới đứt gãy này đang hoạt động.
Video đang HOT
Theo ông Nam, khi đới đứt gãy đang hoạt động mà xây dựng thêm hồ thủy chứa nước, tích nước thì dẫn đến khả năng giải phóng năng lượng, tạo ra những trận động đất, gọi là động đất kích thích. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là dự đoán. Bởi vì trước đây, khi chưa xây dựng các đập thủy lợi, thủy điện ở khu vực này đã xảy ra động đất. Thậm chí năm 1997, xảy ra động đất mạnh đến 4,7 độ richter. Nhưng với tần suất xảy ra liên tục trong 2 năm qua thì nhận định nguyên nhân động đất là động đất kích thích là hoàn toàn có cơ sở.
Ông Trần Ngọc Nam cũng cho rằng, người dân không nên hoang mang, bởi các nhà khoa học đã dự báo khó có khả năng xảy ra động đất với cường độ trên 5,5 độ richter. Ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để đánh giá một cách tổng quát, khách quan về hiện tượng động đất ở huyện A Lưới, đơn vị đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thiết lập nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia đột xuất, phát sinh nhưng chưa được Bộ phê duyệt: “Chúng tôi đã đề xuất hơn 1,5 năm nhưng do các quy định quản lý nhà nước về khoa học công nghệ đang thay đổi theo luật mới (Luật Khoa học Công nghệ 2013). Nên Bộ vẫn đang xem xét chứ chưa phê duyệt. Do nó vượt tầm nghiên cứu của địa phương nên chúng tôi chỉ biết chờ đợi sự hỗ trợ của Trung ương”.
Cùng chung nhận định với Tiến sĩ Trần Ngọc Nam, Giáo sư Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, khu vực này đang có đới đứt gãy đang hoạt động từ Rào Quán kéo dài qua Sông Tranh 2 đến Bình Định nhưng chưa được quan tâm nhiều. Hiện nay, đới đứt gãy này đang hoạt động, dẫn đến động đất kiến tạo. Giáo sư Cao Đình Triều cho rằng động đất ở A Lưới, nguyên nhân chính là động đất kiến tạo nhưng cũng có tác động khi các hồ chứa hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã tích nước dẫn đến động đất kích thích: “Vùng đó đã xảy ra động đất 4,7 độ richter là lớn nhất. Theo mình dự đoán cũng chỉ thế thôi không cao hơn đâu. Còn động đất kiến tạo ở đấy thì người ta đã xác định tối đa là 5,5 độ richter để kháng chấn cho công trình thủy điện A Lưới cho nên nó nằm trong ngưỡng an toàn không có ảnh hưởng gì đâu”.
Thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh bảo sóng thần viện Vật lý địa cầu cũng cho biết, động đất kích thích thường là các trận động đất nhỏ và trung bình, có chấn tiêu nằm gần mặt đất nên thường gây rung động trên mặt đất và kèm theo tiếng nổ, nhưng ít có khả năng gây thiệt hại trực tiếp.
Các chuyên gia, nhà khoa học đều có chung nhận định ban đầu là ở khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ít có khả năng xảy ra động đất mạnh. Tuy nhiên, người dân thì không khỏi lo lắng! Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá về tình hình động đất tại khu vực huyện A Lưới, báo cáo Thủ tướng và công bố để chính quyền và nhân dân địa phương biết nhằm tránh hiểu lầm, hoang mang./.
Thanh Hà
Theo_VOV
Vì sao động đất liên tiếp xảy ra ở Thừa Thiên - Huế?
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là huyện A Lưới xảy ra liên tiếp nhiều trận động đất.
Huyện miền núi A Lưới. Ảnh minh họa
Chỉ riêng nửa đầu tháng 12, đã có 4 trận động đất. Gần nhất là trận động đất ngày 14/12 tại huyện A Lưới với cường độ 2,9 richter.
PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, cho hay, tại khu vực chạy qua Thừa Thiên - Huế có một đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy này theo hướng tây bắc-đông nam, trải dài từ phía Lào qua Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Việc xảy ra liên tiếp động đất ở huyện A Lưới, Hương Trà có thể do đới đứt gãy này tăng cường hoạt động. Thời gian trước, động đất trên đới đứt gãy này cũng xảy ra nhiều ở phía biên giới Lào, nhưng ít xảy ra ở Việt Nam.
Theo TS Lê Huy Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, đới đứt gãy này, sau một thời kỳ yên tĩnh, tích lũy năng lượng, có thể bây giờ bắt đầu giải phóng, dẫn đến các trận động đất liên tiếp.
PGS Cao Đình Triều cho rằng, không ngoại trừ khả năng động đất xảy ra tại Thừa Thiên - Huế thời gian qua là động đất kích thích, giống như động đất từng xảy ra tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam năm 2012. Động đất này xảy ra khi có tác động của hồ chứa trên nền đứt gãy hoạt động khiến cho năng lượng tích lũy được giải phóng sớm, gây ra động đất. Động đất kích thích dễ xảy ra nếu các đập chứa có sự thay đổi mức nước cao thấp quá nhanh.
Huyện A Lưới hiện có hồ thủy điện A Lưới tích nước hai năm nay với dung tích hồ chứa 60,2 triệu m3. Do hệ thống trạm quan trắc của Việt Nam còn mỏng nên chưa ghi nhận được chu kỳ hoạt động động đất ở đới đứt gãy này. Dù vậy, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, động đất mạnh nhất ở đới đứt gãy này không quá 6 độ richter.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, các trận động đất nhẹ nên chưa gây ra thiệt hại đáng kể, ngoại trừ trận động đất ngày 15/5/2014 mạnh 4,7 độ richter, gây ra rung lắc trong vòng bán kính 40km. Tuy nhiên, động đất liên tiếp xảy ra khiến bà con hết sức hoang mang. "Chúng tôi mong các cấp chính quyền vào cuộc nhận định, phân tích tình hình để bà con yên tâm", ông Hùng nói.
Đại diện Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, địa phương đã đề xuất Bộ KHCN triển khai chương trình nghiên cứu tổng thể về hiện tượng động đất tại A Lưới. Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu các chủ hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh kiểm tra và đảm bảo độ ổn định cũng như khả năng kháng chấn.
Theo_Dân việt
Lại xảy ra động đất tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế Ngày 22/12, một trận động đất 2,9 độ Richter đã xảy ra tại khu vực huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo tin tức từ báo VietnamPlus/TTXVN, nguồn tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, vào hồi 15h48 ngày hôm qua (22/12), một trận động đất có độ...