“Đóng cửa Ngôi nhà Hạnh phúc để tránh hệ quả xấu như vụ Chùa Bồ Đề”
“Việc đề nghị đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc (huyện Bình Chánh, TPHCM) nhằm tránh nguy cơ dẫn đến hệ quả xấu đã xảy ra tại Chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), Trung tâm Bảo trợ Linh Xuân (quận Thủ Đức, TPHCM) trước đây”.
Ông Tô Đức, Cục phó Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với PV Dân trí thông tin liên quan tới việc đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc tại TPHCM mới đây.
Ông Tô Đức cho biết thêm: Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cơ sở này nằm trên miếng đất thuộc diện quy hoạch giải tỏa chưa đền bù của dự án Đô thị Hạnh Phúc. Hiện trạng điểm giữ trẻ gồm: Căn nhà cấp bốn, gác lửng, mái tôn, vách tường, trần nhà đóng la phông, có tổng diện tích hơn 200 m2 kể cả phần lợp mái tôn. Một phần đất do ông Hoàng, bà Vân thuê lại của của chủ đất từ năm 2011 đến nay.
Về hoạt động tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc đối tượng: Tháng 2 năm 2006, ông Hoàng và bà Vân bắt đầu mở điểm giữ trẻ, nhưng lúc đầu chỉ nuôi giữ với số lượng trẻ ít (khoảng 5 trẻ).
Từ năm 2010, số lượng trẻ tăng lên và tại thời điểm kiểm tra, tổng số người là 32 người, độ tuổi lớn nhất là 23 tuổi và nhỏ nhất là 7 tuổi, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 24 trẻ (14 nam, 10 nữ), gồm: trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Khi vợ chồng ông Hoàng tiếp nhận trẻ chỉ có giấy khai sinh của trẻ, không có các giấy tờ liên quan khác. Hiện ông Hoàng vẫn còn giữ được liên lạc với gia đình các trẻ.
Các cháu nhỏ tại cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc (Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM)
PV: Nguyên nhân nào dẫn tới việc đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc – nơi đang chăm nuôi 32 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn?
Ông Tô Đức: Sự việc bắt đầu vào giữa tháng 11/2013, khi đó UBND xã Bình Hưng kiểm tra hoạt động của cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc do ông Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1970) và bà Ngô Thị Kim Vân (sinh năm 1966) làm chủ.
Kết quả kiểm tra phát hiện điểm giữ trẻ của ông Hoàng chưa có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, UBND xã Bình Hưng đề nghị ông Hoàng ngưng hoạt động nuôi giữ trẻ không phép tại địa điểm trên và phải giao trả các trẻ về với gia đình trong thời gian 7 ngày.
Ông Hoàng chấp thuận với đề nghị của UBND xã Bình Hưng đồng thời đề nghị gia hạn thời gian giao trả các trẻ đến ngày 31/5/2015 với lý do vì hiện tại các trẻ đang đi học và gia đình các trẻ đều ở xa.
Video đang HOT
Ngày 3/6/2015, Ủy ban nhân dân xã Bình Hưng kiểm tra tình hình giao trả trẻ về gia định theo như nội dung ông Hoàng thống nhất tại biên bản trước đó. Tuy nhiên ông Hoàng vẫn chưa thực hiện. UBND xã Bình Hưng tiếp tục đề nghị ông Hoàng, bà Vân thực hiện giao trả trẻ, thời hạn thực hiện trước ngày 15/6/2015.
Sự việc này cũng được Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh xử lý và đánh giá cơ sở trên không đáp ứng điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 68/2008/NĐ-CP.
Ông Tô Đức, Cục phó Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)
Kết luận cơ sở không đủ tiêu chuẩn hoạt động là điều tất yếu dẫn tới việc phải đóng cửa. Nhưng theo phản ánh của báo chí, việc ra quyết định còn khiến chủ cơ sở và các cháu bé ở đây còn nhiều trăn trở, tâm tư. Ông có ý kiến gì về điều này?
Tôi cho rằng, sự ngỡ ngàng thậm chí là bức xúc của một số người dân là do công tác truyền thông, vận động chưa làm tốt. Các cơ quan chức năng cần làm là giúp người dân, dư luận nhận thấy những vấn đề, hệ quả tiêu cực từ các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh những hậu quả có thể xảy ra như vụ Chùa Bồ Đề, Trung tâm Bảo trợ Linh Xuân trước đây.
Đối với cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, Sở LĐ-TB&XH TP HCM cần phối hợp với UBND huyện Bình Chánh để làm việc, trao đổi, bàn bạc và thống nhất với ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Ngô Thị Kim Vân về phương án xử lý đối với cơ sở nhà Hạnh Phúc.
Theo đó, hướng xử lý là tìm kiếm các giải pháp, huy động sự ủng hộ của cộng đồng nhằm hỗ trợ cơ sở nhà Hạnh Phúc có điều kiện tiếp tục chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể là giải pháp giúp đỡ, hướng dẫn cơ sở thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP.
Trường hợp cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc đối tượng, cần bàn bạc, thống nhất với cơ sở về kế hoạch, lộ trình xử lý theo hướng tiến hành phân loại, bàn giao về địa phương những đối tượng có địa chỉ cụ thể; lập danh sách các đối tượng không xác định được địa chỉ để xem xét, đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội công lập của tỉnh, thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong quá trình thực hiện, Sở LĐ-TB&XH TP HCM có trách nhiệm tìm kiếm, bố trí, điều động các nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm hỗ trợ tâm lý cho các cháu; tư vấn, vận động cơ sở nhà Hạnh Phúc thực hiện các biện pháp bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các cháu và các đối tượng khác.
Được biết quyết định đóng cửa cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc đã được tạm dừng để các cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, dư luận quan tâm tới việc nếu quyết định được thực thi thì giải pháp hỗ trợ cho các cháu tại cơ sở sẽ ra sao, thưa ông?
Sáng nay (29/6), đại diện Cục Bảo trợ Xã hội, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH TP HCM đã trực tiếp xuống nắm tình hình, trao đổi với cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc và UBND huyện Bình Chánh.
Các đơn vị liên quan đã thống nhất đề nghị UBND huyện Bình Chánh chủ trì, hướng dẫn cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP.
Trường hợp cơ sở Ngôi nhà Hạnh Phúc không đủ điều kiện tiếp tục chăm sóc trẻ em, UBND huyện Bình Chánh chủ trì, phối với Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan bàn bạc, thống nhất với cơ sở Ngôi nhà Hạnh phúc về phương án xử lý cơ sở nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích đầy đủ cho trẻ theo quy định.
Đối với trẻ có gia đình, nếu gia đình có điều kiện thì giải quyết hồi gia, trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tiếp nhận trẻ vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đối với những trẻ đang theo học văn hóa, học nghề sẽ được đảm bảo trẻ được tiếp tục học văn hóa, học nghề.
Đảm bảo công tác giáo dục, sinh hoạt văn hóa, thể chất được duy trì. Trước khi chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội khác, trẻ và thân nhân, gia đình được thực hiện tư vấn tâm lý.
Xin cảm ơn ông!
Theo ông Tô Đức: TP HCM hiện có 53 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trong đó có 32 cơ sở đã được cấp phép (từ năm 2010 đến nay thực hiện cấp phép cho 17 cơ sở, thuộc thẩm quyền của Thành phố và quận, huyện). Trong năm 2013, Sở LĐ-TB&XH tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn Thành phố. Đối với những cơ sở đủ điều kiện hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp phép, đoàn kiểm tra hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định. Đối với những cơ sở qua rà soát, kiểm tra không đủ điều kiện hoạt động, đoàn kiểm tra kiến nghị UBND Thành phố hướng dẫn Quận, huyện thực hiện việc chấm dứt hoạt động nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của đối tượng như: Chuyển đối tượng về gia đình, đối với những đối tượng không xác định được thân nhân, gia đình thì tiếp nhận vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập hoặc ngoài công lập đã được cấp phép…
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo Dantri
Hà Nội có hơn 200 ngõ nhỏ xe cứu hoả "chịu chết"
Theo thống kê của Sở PCCC Hà Nội, Thủ đô còn thiếu khoảng 6.000 trụ nước cứu hỏa tại các khu dân cư và có 200 ngõ nhỏ xe cứu hoả không vào được.
Theo đánh giá mới đây của Sở PCCC Hà Nội, 6 tháng cuối năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra không phức tạp.
Số liệu thống kê sơ bộ cho biết, Hà Nội đã xảy ra 85 vụ cháy, hơn 100 vụ sự cố. Nghiêm trọng hơn cả là vụ cháy ngày 11/6 vừa qua khiến 5 người tử vong tại quận Hoàng Mai. Đây là vụ cháy có thiệt hại lớn về người nhất từ đầu năm đến nay. Theo Đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, qua vụ cháy gây thiệt hại về người nói trên cho thấy ý thức phòng ngừa cháy nổ của người dân chưa cao, đặc biệt là ở mức độ hộ gia đình.
Cụ thể, theo Đại tá Tô Xuân Thiều, nguyên nhân chủ yếu của các vụ hỏa hoạn là do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Hiện trường vụ cháy khiến 5 người thiệt mạng vừa xảy ra tại Hà Nội
Mặc dù các lực lượng chức năng đã phát động phong trào PCCC trong nhiều năm qua, tuy nhiên nhu cầu sử dụng lửa, điện, tổ chức bố trí, sắp xếp vật tư hàng hóa đảm bảo các điều kiện an toàn và trách nhiệm của người dân còn chủ quan, chưa thực sự được quan tâm, cũng như kiến thức người dân trang bị cho phòng chống cháy nổ còn hạn chế.
Hàng hóa buôn bán, đồ dùng sinh hoạt ở các chợ và các hẻm khu dân cư chưa đảm bảo an toàn phòng cháy là những nguy cơ trực tiếp gây cháy.
Bên cạnh đó, tại các chợ, người dân đã trang bị bình cứu hỏa để phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng quan tâm tìm hiểu cách sử dụng và thậm chí có người vì kiến thức hạn hẹp nên chưa nắm bắt được tình hình nghiêm trọng hoặc không quan tâm đến vấn đề cấp thiết này.
Cũng theo Đại tá Tô Xuân Thiều, hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 200 ngõ nhỏ, phố nhỏ xe cứu hỏa không vào được. Vì vậy, nếu công tác tuyên truyền đến người dân về kiến thức phòng cháy không được nâng cao thì nguy cơ cháy nổ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là khó tránh khỏi.
Một vấn đề nữa là hạ tầng phục vụ cho công tác PCCC còn chưa đồng bộ và tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù Chính phủ đã rất tích cực đầu tư thiết bị và cho thành lập mới nhiều Sở Cảnh sát PCCC, nhưng lực lượng vẫn còn quá mỏng, bán kính hoạt động rộng.
Nhiều đám cháy xảy ra cách Đội Cảnh sát PCCC quá xa nên khi tới nơi, đám cháy đã phát triển lớn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác cứu chữa. Bên cạnh đó, phương tiện vẫn còn rất yếu kém, hạ tầng chữa cháy lạc hậu, nhiều nơi thậm chí không có họng nước chữa cháy. Đơn cử như vấn đề trụ cứu hỏa trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, theo thống kê của Sở PCCC Hà Nội, Thủ đô còn thiếu khoảng 6.000 trụ nước cứu hỏa tại các khu dân cư. Khu vực trục đường Nghi tàm - Quảng Bá hiện dân cư tập trung rất đông đúc, nhưng chưa có hề một trụ nước cứu hỏa nào.
Trong năm 2014, thành phố đã đầu tư 500 trụ nước cứu hỏa mới tuy nhiên việc vận hành các trụ nước này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, tai các khu dân cư tập trung đông như khu vực phố cổ, trụ nước cứu hỏa đã bị hư hỏng nhiều vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Trong điều kiện khó khăn như vậy, chỉ có việc nâng cao ý thức của lãnh đạo các địa phương, của chủ doanh nghiệp, của mỗi người dân mới có thể hạn chế bớt nguy cơ.
Mùa nắng nóng đang diễn ra, đây là lúc nhu cầu sử dụng điện tăng cao và là đợt cao điểm xử lý thực bì để trồng rừng... nguy cơ xảy ra các vụ cháy là rất lớn. Việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức, chủ động phương án phòng, chống cháy nổ đang là nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.
Lê Tú
Theo Dantri
Tranh cãi có nên đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông ở Hà Nội Việc Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) "dâng đất" cho nhà Minh (Trung Quốc) và việc Mạc Thái Tổ tự trói tay, quỳ gối trước phương Bắc được ghi lại trong sử sách là điều đang gây nhiều tranh cãi. Vừa qua, UBND Hà Nội ra tờ trình dự thảo về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố...