‘Đóng cửa chính phủ làm tổn hại uy tín quân sự Mỹ’
Bộ trưởng Mỹ Chuck Hagel hôm nay lên tiếng cảnh báo việc chính quyền Liên bang Mỹ phải đóng cửa sẽ tạo ra sự “bất ổn” đối với các nhiệm vụ quân sự ở nước ngoài và làm dấy lên sự lo ngại cho các nước đồng minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lo ngại chính phủ đóng cửa sẽ làm tổn hại uy tín quân sự của Washington với các nước đồng minh. Ảnh: Greatpowerpolitics
Mặc dù các binh sĩ trong quân đội Mỹ không nằm trong phạm vi ngừng hoạt động và sẽ tiếp tục được trả lương, nhưng việc đóng cửa chính phủ sẽ không tránh khỏi hậu quả là gây tổn hại đến uy tín của Mỹ, ông Hagel phát biểu với các phóng viên tại Seoul, Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang có chuyến thăm đầu tiên tới hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Chuyến thăm chủ yếu nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ với hai đồng minh quân sự quan trọng trong khu vực, và ông Hagel nhận xét hành động “cực kỳ vô trách nhiệm” của Quốc hội Mỹ là nguyên nhân duy nhất cản trở nỗ lực đó.
“Bóng mây đen của sự bất ổn này sẽ gây ảnh hưởng cho những nhiệm vụ của chúng ta trên toàn thế giới. Nó khiến các đồng minh phải đặt câu hỏi về hành động của chúng ta”, AFP dẫn lời ông Hagel nói.
Tuy việc đóng cửa chính phủ sẽ không ảnh hưởng đến các hiệp ước quân sự của Mỹ nhưng “nó đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin cho các đồng minh”, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm.
Video đang HOT
Ông Hagel cho biết các luật sư tại Bộ Quốc Mỹ phòng đang nỗ lực để tìm giải pháp mở rộng danh sách các nhân viên phi quân sự của bộ được tiếp tục làm việc mà không phải nghỉ việc hàng loạt.
Chính phủ Mỹ bước vào quá trình đóng cửa từng phần và có trật tự từ hôm nay. Việc đóng cửa là hệ quả của tình trạng hai viện quốc hội nước này không thể thống nhất về vấn đề ngân sách cho năm tài khóa mới trước ngày 1/10. Lần đầu tiên sau 17 năm, nhiều cơ quan liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động. Đây là lần đóng cửa thứ 18 của chính phủ Mỹ kể từ năm 1976.
Ước tính có gần một triệu nhân viên liên bang phải nghỉ việc không lương, cho đến khi chính phủ hoạt động trở lại hoàn toàn. Kể từ sau nửa đêm 30/9, một số trang web của các cơ quan liên bang Mỹ đã thông báo về hoạt động trong tình trạng mới.
Vũ Hà
Theo VNE
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm khu phi quân sự liên Triều
Trong tuyên bố đưa ra hôm qua khi tới thăm khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định Mỹ không có kế hoạch cắt giảm quân đồn trú ở Hàn Quốc dù ngân sách bị co hẹp.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin hướng dẫn người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel trong chuyến thị sát khu phi quân sự Panmunjom ở biên giới chung liên Triều.
Phát biểu trong chuyến thăm khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc 4 ngày nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ đã đưa ra nhiều sự đảm bảo làm yên lòng đồng minh Hàn Quốc.
"Không, (chúng tôi) chưa bao giờ có bất kỳ suy nghĩ nào về việc cắt giảm quân số hay thay đổi trách nhiệm bảo vệ Hàn Quốc cũng như bất kỳ địa điểm nào ở khu vực này", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan-jin.
Ông Hagel cho biết mặc dù ngành quốc phòng Mỹ phải chịu áp lực cắt giảm gần 1.000 tỷ USD ngân sách trong vòng một thập niên tới nhưng lực lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc, hiện đang là 28.500 quân, vẫn được giữ nguyên.
Ông cũng tái khẳng định chính sách của Tổng thống Barack Obama trong việc xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương sau hàng chục năm chỉ chú tâm vào cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi việc để cố gắng xoay sở trong thời buổi cắt giảm ngân sách nhưng cùng lúc cũng đảm bảo với các đối tác, đặc biệt là các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương rằng, những cam kết của chúng tôi sẽ không thay đổi".
Ông Hagel đã dành chọn ngày đầu tiên trong chuyến thăm Hàn Quốc 4 ngày để tới thăm khu phi quân sự Panmunjom, nơi nhất cử nhất động của ông đều nằm dưới sự canh phòng cẩn mật của binh sĩ Hàn Quốc và giám sát chặt chẽ của binh sĩ Triều Tiên.
"Đây có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới còn tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh", ông Hagel nói khi tới thăm tòa nhà sơn xanh, nơi từng diễn ra các cuộc đàm phán liên Triều.
Ông Hagel cũng đã tới thăm Khu An ninh Hỗn hợp và trạm quan sát Ouellette tọa lạc ở vị trí cao nhất tại DMZ, nơi ông có thể nhìn bao quát toàn bộ khu vực và phóng tầm mắt sang cả phần đất của Triều Tiên, đối thủ chính của Hàn Quốc trong khu vực hiện nay.
Theo kế hoạch, Mỹ đáng lẽ đã bàn giao quyền chỉ huy thời chiến cho Hàn Quốc vào năm ngoái, nhưng đã bị hoãn lại cho tình hình căng thăng gia tăng đột biết trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. Hiện tại, hai bên đang cân nhắc lùi thời gian bàn giao này đến năm 2015, nhưng phía Hàn Quốc thậm chí còn muốn kéo dài hơn. Ông Hagel cho biết việc kéo dài thời hạn sẽ chưa được đưa ra trong chuyến thăm lần này của ông.
Ngoài việc tới thăm Hàn Quốc nhân kỷ niệm 60 quan hệ đồng minh, ông Hagel còn có sứ mệnh quan trọng khác là đồng chủ tọa một buổi lễ tại Seoul vào ngày 2/10 để chào mừng vị Tư lệnh mới của lực lượng Mỹ ở Triều Tiên.
Kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ lên đường đi Nhật Bản để cùng với Ngoại trưởng John Kerry tham dự các cuộc thảo luận về các vấn đề khu vực, trong đó có tình hìh tại bán đảo Triều Tiên và căng thẳng Nhật - Trung.
Vũ Anh
Theo Dantri
Điểm lại những lần Chính phủ Mỹ đóng cửa Chính phủ liên bang Mỹ đã phải ngừng hoạt động tổng cộng 18 lần kể từ năm 1976, và có năm, chính phủ Mỹ phải đóng cửa tới 3 lần. 1976: Ngừng hoạt động trong 11 ngày (30/9-11/10) Lấy lý do mất kiểm soát chi tiêu, Tổng thống Gerald Ford bác bỏ dự luật cấp tiền cho Bộ Lao động, Bộ Y tế,...