Động chùa Am Tiên – nơi pháp trường xử án, thái hậu tu hành
Động Am Tiên nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, nơi vua Đinh Tiên Hoàng từng nuôi hổ báo, xây pháp trường, đồng thời có ngôi chùa Thái hậu Dương Vân Nga tu hành cuối đời.
Động Am Tiên nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật (nguyên Viện trưởng Viện Sử học), động Am Tiên ở trên lưng chừng núi phía đông nam khu thành ngoại, xưa là nơi Vua Đinh nuôi nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ có tội. Dưới chân núi có ao Giải, nơi vua nuôi giải để ném những kẻ có tội xuống ao cho giải ăn thịt. Ngoài ra còn có hang Muối, hang Tiền… là nơi vua cất giữ lương thực, ngân khố…
Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng phong cho Trương Ma Ní làm Tăng Lục Đạo Sĩ. Sau đó, Trương Ma Ní và con trai Trương Ma Sơn đã cải tạo nơi hiểm trở này thành một pháp trường xử án để giúp vua trị nước (theo Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sĩ) .
Chùa động Am Tiên được bao quanh 4 bề là núi, tạo ra một thế giới riêng biệt. Phong cảnh nơi đây hùng vĩ, nên thơ nhưng ám một màu u buồn, huyền bí như còn lưu dấn ấn tàn dư của pháp trường năm xưa.
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Vua (Đinh Tiên Hoàng) muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn”.
Video đang HOT
Phần lớn khu vực động Am Tiên là thung lũng ngập nước, được bao bọc xung quanh bởi vách núi đá. Tương truyền vua Đinh nuôi hổ ở đây, rồi cho những kẻ bị tử hình vào. Kẻ nào nào trốn ra được thì được sẽ miễn tội.
Để vào được động, sau khi qua cổng, bạn phải đi xuống một lối đi bên phía tay trái, cạnh hồ nước rộng được thả sen, súng, cá rô Tổng Trường và rùa. Nước ở đây đặc biệt trong xanh, có thể nhìn thấy tận đáy với nhiều rong rêu. Tương truyền nơi đây từng là ao nuôi giải thời xưa.
Động Am Tiên ở lưng chừng núi, để đến được đây phải leo qua 205 bậc đá qua vách núi. Động có hình giống như miệng con rồng nên còn được gọi là hang rồng.
Trên núi có chùa Am Tiên. Đây cũng là nơi những năm cuối cuộc đời, Thái hậu Dương Vân Nga xuất gia tu hành.
Với địa thế hiểm trở ở nơi thâm sơn cùng cốc ít người qua lại, động chùa Am Tiên vẫn còn chứa ẩn nhiều điều bí ẩn.
Thảo Nhi
Ảnh: Phi Ba Ngơ
Theo Zing
Nhà đá trăm tuổi độc nhất ở cố đô Hoa Lư
Ngôi nhà cổ ở xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) có bốn bề tường vách, cột kèo, sân cổng làm bằng đá và gỗ lim, ghép nối hoàn toàn không dùng chất kết dính.
Chủ nhân của ngôi nhà đặc biệt này là bà Đinh Thị Long (77 tuổi) thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân. Bà Long cho biết, ông nội của chồng bà là cụ Lương Văn Xiển làm thợ chế tác đá có tiếng trong vùng. Xưa kia, cụ Xiển được mời tham gia xây dựng nhà thờ đá Phát Diệm (huyện Kim Sơn). Xây dựng xong nhà thờ, cụ Xiển đưa cả tốp thợ về quê xây dựng căn nhà đá này.
Ngôi nhà tuổi đời trên 100 năm này được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 gian 2 chái. Gian giữa là nơi thờ tự gia tiên, hai bên là phòng tiếp khách, còn hai chái được gia chủ sử dụng làm nơi nghỉ ngơi.
Toàn bộ công trình từ khung nhà, tường vách, sân, ngõ, bình phong, sập gụ... được làm từ đá xanh. Bà Long cho hay, để có đủ đá xây dựng ngôi nhà này, các cụ xưa mất 2 năm đào đá núi, sau đó mang về đục đẽo thủ công.
Các vì, kèo, rui, mè, khóa gian và 12 cánh cửa được làm bằn.g gỗ lim, trên mái lợp bằng ngói âm dương mũi hài. Các chi tiết ngôi nhà được ghép nối với nhau hoàn toàn bằng mộng và không sử dụng chất kết dính nào.
Độc đáo nhất là hai bên đầu hè được chạm khắc hai bức tứ quý "Tùng, Trúc, Cúc, Mai", tinh xảo đến từng góc cạnh.
Chiếc sập gụ làm từ đá xanh nguyên khối nặng cả chục tấn. Bà Long kể, để đưa được chiếc sập vào nhà thợ phải dỡ ngói, tháo mái, sau đó dùng cần cẩu cẩu chiếc sập vào. Chiếc sập gụ này được con trai bà Long làm lại thay thế cho chiếc sập cổ bằng đá trước kia của ngôi nhà bị gãy. Từng có người hỏi mua chiếc sập với giá 90 triệu đồng nhưng gia chủ không bán.
"Những năm 1953 - 1954, căn nhà bị thực dân Pháp phá dỡ phần mái để lấy gỗ làm đồn bốt do vậy nhà bị hư hỏng phần mái, còn lại khung và các cột của ngôi nhà không phá được. "Nhà còn nhiều dấu tích bị bom bắn phá trong chiến tranh. Trong quá trình sử dụng các con tôi phải sửa chữa hai lần nhưng vẫn giữ nguyên bản nếp nhà cổ", bà Long chỉ tay vào vết bom nói.
Để đủ không gian sinh hoạt cho cả nhà, gia đình bà Long thiết kế thêm một gian gác vuông bên chái. Ngày nay các con bà đều ra ở riêng và làm nghề chế tác đá, bà Long ở lại nơi này trông coi tổ đường.
Hai cây đèn đá được làm cùng thời gian với ngôi nhà, đặt ở tiền sảnh.
Bức tường bao quanh bằng đá, trang trí hình đồng tiền âm dương cầu kỳ. Nhà nằm trên diện tích đất đắc địa trong làng.
Trước sân nhà đặt hòn non bộ, hai con chó đá, cá chép hóa rồng... tạo thêm không gian cổ kính cho ngôi nhà.
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân chia sẻ, căn nhà đá của gia đình bà Long là ngôi nhà cổ có một không hai ở địa phương. Nhiều nhà nghiên cứu từng đến đây để tìm hiểu cách xây dựng. "Kiến trúc, hoa văn chạm khắc đá của ngôi nhà được những người thợ trong làng học hỏi để nâng cao tay nghề", ông Diệu nói.
Phương Vy
Theo VNE
Khám phá cung đường xuyên Việt từ Nam ra Bắc trong 20 ngày Thực hiện một hành trình dài xuyên Việt để khám phá từ những nét đẹp tự nhiên đến nét đẹp văn hóa, lịch sử và con người là điều mà rất nhiều phượt thủ mong muốn thực hiện. Với một chuyến xuyên Việt ngẫu hứng, lựa chọn lộ trình như thế nào phụ thuộc vào sở thích và điều kiện của mỗi người....