Đồng chí Đỗ Mười với ngành Dầu khí Việt Nam
Đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhưng cũng rất gần gũi với những người làm dầu khí chúng tôi với tên gọi thân thiết – Anh Mười, Bác Mười.
Đồng chí Đỗ Mười thăm công trình khí và làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam
Rất không đầy đủ và có lỗi với Ông nếu chỉ qua một số sự kiện để nói lên vai trò lãnh đạo của một vị lãnh tụ đối với ngành công nghiệp quan trọng, nhưng tôi muốn nói lên sự quan tâm sâu sắc của Ông trong việc xây dựng ngành và sự có mặt rất quyết định của Ông ở những bước ngoặt lịch sử của ngành dầu khí mà vai trò chỉ đạo của Ông đã thúc đẩy sự phát triển, đặt nền móng cho những thành tựu giai đoạn hiện nay của ngành Dầu khí Việt Nam…
Tôi chỉ được làm việc và lần đầu tiên tiêp xúc với Ông khi tôi là Phó Tổng Giám đốc của Liên Doanh Dầu khí Vietsovpetro. Tôi được nghe nói rất nhiều về Ông như một đồng chí lãnh đạo rất sâu sát, cụ thể, chi tiết, đòi hỏi cấp dưới phải có tinh thần tự chủ, quyết liệt xây dựng nội lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Ông luôn nhắc nhở chúng tôi phải nhanh chóng xây dựng ngành Dầu khí làm nền tảng cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Vào đầu tháng 3-1981 ở cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ông đã đến kiểm tra công tác xây dựng và chuẩn bị hạ thủy chân đế giàn khoan đầu tiên của Vietsovpetro. Chúng tôi đã báo cáo với Ông về tiến độ và những khó khăn kỹ thuật vì phải nhập tất cả và đồng bộ từ Bacu, công nhân kỹ thuật lắp ráp 100% là người Liên Xô…v.v. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Ông quay sang hỏi lãnh đạo phía Việt Nam – một chân đế giàn khoan có bao nhiêu tấn thép, loại mác gì? Bao nhiêu bulong, mác thép, kích cỡ, bao nhiêu “cút nối”, chế tạo ra sao? Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không trả lời được đầy đủ vì đó là phần thiết kế của nhà máy chế tạo. Trước gương mặt suy tư của Ông, chúng tôi đã cảm thấy thiếu sót lớn không chỉ là sự thiếu sâu sát, mà vấn đề quan trọng là không suy nghĩ phía Việt Nam có thể làm được gì, những nhà máy cơ khí, các Viện thiết kế của chúng ta có thể làm được gì, dù là những chi tiết rất đơn giản để không phải nhập từ Liên xô?
Video đang HOT
Để sửa sai, chúng tôi đã tranh thủ sự hợp tác của các nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Sông Công, Ba Son, các Viện thiết kế công trình biển (Bộ Xây dựng), Viện thiết kế công trình thủy (Bộ Giao thông Vận tải), Công ty xây lắp 18/3, v.v… Từ chân đế thứ 2, 3 sau này, chúng tôi đã thay thế một số lớn chi tiết sản xuất tại Việt Nam, bắt đầu chế tạo các “cút nối” là bộ phận khó trong chân đế ở tại cảng Vietsovpetro. Đặc biệt là sự trưởng thành của đội ngũ kỹ thuật lắp ráp người Việt có thể thay thế người Liên Xô.
Tinh thần “phát huy nội lực” xuyên suốt trong chỉ đạo của Ông. Đối với công trình sớm đưa khí vào bờ từ mỏ Bạch Hổ, sau gần mười năm khai thác mỏ Bạch Hổ, lượng khí đồng hành vẫn phải đốt bỏ hằng năm lúc đó đã lên đến gần 1 tỷ mét khối tương đương 1 triệu tấn dầu, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Ta không đủ về năng lực tài chính và kỹ thuật nên kêu gọi liên doanh đầu tư. Việc đàm phán với liên doanh bị kéo dài do nhiều nguyên nhân. Không chờ đợi kết quả đàm phán, Ông cho phép ngành Dầu khí tự vay vốn, tự đầu tư và bắt đầu từng bước xây dựng đường ống và những công trình xử lý, tàng trữ. Quyết định phát huy nội lực sớm đưa khí vào bờ của Ông đã đem lợi cho đất nước hàng chục ngàn tỷ đồng, tăng giá trị gia tăng của khai thác dầu thô và kịp thời giải quyết được sự thiếu hụt năng lượng của đất nước những năm 1996-1999, quan trọng hơn cả là đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp khí theo hướng hiện đại hóa.
Ông rất quan tâm đến sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí toàn diện hoàn chỉnh và bền vững. Mỗi lần công tác phía Nam, Ông đều yêu cầu chúng tôi báo cáo về hoạt động khai thác dầu khí ở Liên doanh Vietsovpetro. Ông luôn nhắc nhở chúng tôi việc gia tăng sản lượng phải bền vững, duy trì đời mỏ và kết hợp gia tăng trữ lượng. Ông kiên định đường lối hợp tác với Liên Xô (Nga) để xây dựng ngành Dầu khí về cơ sở kỹ thuật và đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia, tin tưởng ở trình độ khoa học dầu khí của Nga.
Đồng chí Đỗ Mười thăm cảng Vietsovpetro
Vào những năm 1986-1987, mặc dù chúng ta đã bắt đầu khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ, nhưng những giếng khai thác sớm vì được thiết kế dựa theo tài liệu cũ của Công ty Mobil, kết quả không như mong đợi, gây tâm lý hoài nghi trong toàn ngành. Lúc đó Liên doanh Vietsovpetro chủ trương mở rộng diện thăm dò bằng giếng khoan số 4. Phương án này không được các cán bộ kỹ thuật Hà Nội đồng tình. Ý kiến khác biệt được báo cáo đến Ông. Và sau khi nghe Liên doanh báo cáo, với sự tin tưởng vào khả năng của đội ngũ địa chất Việt Nam và Liên xô, Ông đã quyết cho phép khoan giếng số 4. Sự thành công phát hiện dầu lưu lượng lớn của giếng khoan số 4 không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà quan trọng là khẳng định tầng chứa dầu mới thứ 2 ở Việt Nam và khu vực mà trước đây nhiều công ty tư bản làm việc ở Việt Nam không thừa nhận, giúp chúng tôi làm giảm đi sự hoài nghi, hoang mang đối với tương lai phát triển của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro.
Ông rất tình cảm và tế nhị, được các chuyên gia Nga mến phục không chỉ vì Ông là nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam mà vì tình cảm rất “con người” của Ông (một từ ngữ Nga nói lên tính cách giản dị, nhân ái), khi Tổng giám đốc Vietsovpetro – đồng chí Ardjanov bị bệnh, Ông đã gọi điện hỏi thăm và chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Dầu khí làm việc với bệnh viện chăm sóc chữa trị.
Nhưng Ông cũng rất nguyên tắc và kiên định trong bảo vệ quyền lợi nước chủ nhà của phía Việt Nam trong Liên doanh. Ông đã yêu cầu tổ đàm phán về sửa đổi Hiệp định Liên doanh tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí Vietsovpetro, kiên trì thuyết phục phía bạn về các điều khoản kinh tế. Những chỉ đạo rất nguyên tắc và kiên định của Ông đã mang lại thành công và Hiệp định sửa đổi của Liên doanh dầu khí Việt Xô năm 1990 là cơ sở hoạt động có hiệu quả của Liên doanh dầu khí trong gần 30 năm qua, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong chỉ đạo, Ông xem ngành Dầu khí là công cụ kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Ông yêu cầu chúng tôi phải báo cáo rất chi tiết, cụ thể những chỉ tiêu, từ việc quản lý tiền bán dầu, hiệu quả khai thác của Vietsovpetro, lợi nhuận hằng năm Vietsovpetro phải đóng góp cho Nhà nước mỗi khi làm việc với Ông.
Ông rất quan tâm đến “giá trị chuỗi” của công nghiệp khí và sự đóng góp của ngành trong việc tạo sự phát triển ổn định kinh tế đất nước. Khi gặp khó khăn trong đàm phán để tổ chức liên doanh xây dựng nhà máy đạm ở Phú Mỹ, cũng như nếu không tổ chức được hộ tiêu thụ khí ở miền Tây Nam Bộ thì ta phải bán khí khai thác được ở Tây Nam với giá rẻ cho nước ngoài, mặc dù lúc đó Ông đã chuyển sang làm Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương nhưng Ông rất quan tâm và yêu cầu Chính phủ ủng hộ để ngành dầu khí tự vay vốn, tự đầu tư xây dựng khu Khí-Điện-Đạm Phú Mỹ và Khí-Điện-Đạm Cà Mau. Hiệu quả kinh tế của Quyết định sáng suốt này có thể thấy rõ nhưng ý nghĩa chính trị-xã hội của những công trình này chắc còn thời gian mới nhận biết được trong chính sách đảm bảo an ninh lương thực và đường lối công nghiệp hóa nông thôn của Đảng. Nhưng quan trọng đối với ngành Dầu khí – đó là nền tảng ban đầu của sự phát triển toàn diện và hoàn chỉnh của ngành dầu khí như một Tập đoàn kinh tế nhà nước.
Ngày nay ngành dầu khí đã trở thành Tập đoàn kinh tế phát triển hoàn chỉnh, đa ngành, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân và là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ. Nền tảng của sự phát triển này là kết quả của đường lối và chủ trương phát triển ngành dầu khí của Đảng và Nhà nước, trong đó có vai trò và dấu ấn của Ông, đặc biệt trong những giai đoạn bước ngoặt lịch sử của ngành. Tập thể lãnh đạo và cán bộ ngành Dầu khí Việt Nam hiện đang thực hiện thắng lợi, xứng đáng với sự mong ước và tin cậy của Ông đối với ngành.
Kính xin vĩnh biệt Bác Mười với sự tri ân sâu sắc của những người lao động Dầu khí.
Ngô Thường San – Nguyên Tổng Giám đốc Liên Doanh Dầu khí Vietsovpetro Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam
Theo tapchicongthuong
Vĩnh biệt đồng chí Đỗ Mười - người cộng sản mẫu mực và trung kiên
Theo tin từ Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 23 giờ 12 phút ngày 01 tháng 10 năm 2018 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, thành phố Hà Nội.
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở cương vị công tác nào, đồng chí Đỗ Mười cũng luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cộng sản, luôn tận tâm, tận lực vì nước, vì dân.
Trưởng thành trong thực tiễn cách mạng
Đồng chí Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Là một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, năm 19 tuổi, đồng chí Đỗ Mười tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân.
Năm 1939, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hỏa Lò, Hà Nội.
Tháng 3/1945, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông.
Đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh khu Tả Ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu một số bộ, ngành, nhiều năm tham gia lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng.
Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX.
Trưởng thành từ một công nhân, với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, lại chịu khó tự học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cùng với sự mẫn cảm chính trị đã tạo cho đồng chí Đỗ Mười sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực với một tư duy sắc sảo, nhạy bén và khả năng hùng biện, cuốn hút mọi người cùng hành động.
Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, cùng với những thăng trầm trong tiến trình phát triển của đất nước đã tôi luyện đồng chí Đỗ Mười thành một nhà lãnh đạo có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán và gắn bó máu thịt với nhân dân.
Từ cuối thập niên 70 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, nền kinh tế nước ta trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn, trong nhiều vấn đề cụ thể còn là cuộc đấu tranh về quan điểm phát triển đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao.
Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước đi quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, từng bước đổi mới mô hình phát triển kinh tế.
Nhờ đó, những khó khăn của nền kinh tế dần được tháo gỡ, sản xuất và đời sống nhân dân được từng bước cải thiện. Trên cơ sở phát huy nội lực, Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34% năm 1989, 14% năm 1992.
Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Đồng chí Đỗ Mười là một lãnh đạo cầu thị. Đồng chí đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và tạo ra không khí tranh luận sôi nổi ở các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở.
Đồng chí cũng chính là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở.
Dù ở cương vị nào và ngay cả lúc đã nghỉ công tác, đồng chí vẫn luôn giữ cho mình thói quen đọc sách, nghe tin tức để cập nhật kiến thức và nắm tình hình.
Trong thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào định hướng phát triển phương thức lãnh đạo, quản lý đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...
Đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển.
Đối với công tác xây dựng Đảng, đồng chí Đỗ Mười luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, nhưng cũng rất lắng nghe và cầu thị.
Đồng chí là người luôn chăm lo đến công tác đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước. Đối với đồng chí, cán bộ phải được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn của cách mạng để thể hiện năng lực cũng như bản lĩnh chính trị.
Với tình cảm chân thành và trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo đi trước, đồng chí luôn tận tình giúp đỡ, truyền đạt những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cho các thế hệ đi sau.
Gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân là bản chất, là tính cách tự nhiên của đồng chí Đỗ Mười.
Với tác phong sâu sát cơ sở, giữ vững nguyên tắc, tôn trọng và lắng nghe ý kiến cấp dưới, đồng chí luôn giữ được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, phát huy được trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Đồng chí luôn gần gũi và sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù rất bận nhưng đồng chí vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền.
Đặc biệt quan tâm đến những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất phong tặng Danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xác lập thêm một hình thức tri ân, đền ơn đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội.
Trong những năm gần đây, tuy tuổi đã cao, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng và Nhà nước. Đồng chí vẫn đọc, vẫn nghe, vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười trong tám thập kỷ hoạt động cách mạng liên tục, ngày 28/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc mừng và trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Đỗ Mười.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đây vừa là vinh dự lớn lao của bản thân đồng chí và gia đình, vừa là niềm tự hào của Đảng đã tôi luyện nên những chiến sỹ cộng sản kiên trung mà đồng chí Đỗ Mười là tấm gương mẫu mực, sáng ngời để các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo."
Vĩnh biệt Tổng Bí thư Đỗ Mười! Tổ quốc và nhân dân mãi nhớ tới hình ảnh của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, gần gũi, trung kiên, nhiệt huyệt cách mạng, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân./
Theo vietnamplus
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Căn nhà cấp 4 giản dị của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười Sáng nay (2.10) con đường dẫn về ngôi nhà nơi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gắn bó cả tuổi thơ có đông người qua lại hơn thường lệ. Ai cũng chung tâm trạng tiếc thương khi hay tin người con ưu tú của quê hương qua đời. Theo thông tin từ Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ TƯ nguyên...