Đồng bitcoin sẽ được Đại học FPT sử dụng như thế nào?
Câu chuyện về việc Trường ĐH FPT vừa quyết định cho sinh viên đóng học phí bằng đồng tiền ảo bitcoin đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện đồng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác chưa phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, vì vậy, việc FPT sử dụng cho sinh viên đóng học phí có thể gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, lãnh đạo trường này giải thích, việc trường cho sinh viên dùng đồng bitcoin chỉ là một cách… thử nghiệm.
Ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT – cho biết, việc sử dụng đồng bitcoin cũng là phục vụ mục đích nghiên cứu.
Ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT – cho biết, trường mong muốn thử nghiệm bằng cách chỉ chấp nhận cho sinh viên nước ngoài sử dụng thanh toán học phí cho trường. Theo đại điện FPT, việc này sẽ tạo sự thuận tiện cho sinh viên ngoại quốc, vì công tác quản lý tài chính của một số nước rất chặt chẽ về ngoại tệ nên việc đóng học phí với các em cũng là một trở ngại lớn.
Ông Tùng cũng khẳng định, ĐH FPT kỳ vọng sẽ sử dụng bitcoin như một công cụ phục vụ mục đích nghiên cứu. “Cần nói rõ, việc thử nghiệm của trường cũng chỉ ở quy mô nhỏ vì thực tế hiện trường có khoảng 100 SV nước ngoài theo học, chiếm 1% số sinh viên đang theo học. Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố về quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường. Chúng tôi sẽ triển khai phù hợp với những quy định pháp lý hiện nay” – ông Tùng nói.
Nói về cách sử dụng đồng bitcoin trong đóng học phí, ông Tùng cho biết, bitcoin sẽ là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí của sinh viên. Sinh viên ngoại quốc có thể tự chuyển bitcoin thành đồng tiền được phép lưu thông tại Việt Nam và nộp cho trường.
Cách thứ hai là ĐH FPT dự kiến hình thành 1 tài khoản bitcoin. Sinh viên sẽ hiến tặng bitcoin, còn trường sẽ hoán đổi bằng cách cấp học bổng tương đương với số bitcoin đó.
Bitcoin là một loại tiền ảo được phát hành năm 2009 bởi một người có tên Stoshi Nakamoto. Giao dịch với đồng bitcoin là giao dịch được thực hiện mà không cần thông qua trung gian, do đó, không cần có lệ phí giao dịch và cũng không cần phải cung cấp tên thật. Bitcoin không thể in như tiền mặt, chúng được tạo ra bởi một hệ thống máy tính trên toàn cầu. Giá trị của nó cũng giống các loại tiền tệ khác được xác định theo quy luật cung – cầu.
Video đang HOT
Theo Danviet
Đại học FPT lý giải việc cho đóng học phí bằng "tiền ảo" bitcoin
Rủi ro trượt giá, sinh viên đóng học bằng bitcoin giả, chưa có khung pháp lý bảo vệ là những vấn đề được các chuyên gia đặt ra xung quanh câu chuyện Đại học (ĐH) FPT tuyên bố sẽ chấp nhận cho sinh viên đóng học phí bằng bitcoin - đơn vị tiền ảo có khối lượng giao dịch lớn nhất trên thị trường.
Nhận thanh toán học phí bằng bitcoin có thể khiến ĐH FPT chịu nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ rủi ro tỷ giá giữa Bitcoin và ngoại tệ là tương đương
Vừa qua, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng tuyên bố: "Đại học FPT chấp nhận cho các đối tượng đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên của trường nộp học phí bằng bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại".
Trao đổi với báo chí, ông Tùng cho biết, trường sẽ bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH FPT. Đó là những sinh viên châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria, họ rất khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí.
Ông Tùng chia sẻ, Bitcoin thực tế là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí của sinh viên. Sinh viên dùng bitcoin để chuyển tiền sang Việt Nam, sau đó có thể đổi từ bitcoin sang tiền mặt để nộp cho trường.
Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng cho rằng tỷ lệ rủi ro tỷ giá giữa bitcoin và ngoại tệ là tương đương. (Ảnh. PV)
Đánh giá về mức độ rủi ro của việc thu học phí bằng tiền ảo Bitcoin, ông Tùng cho rằng, việc thu phí bằng Bitcoin hay thu phí bằng ngoại tệ như hiện nay đối với sinh viên nước ngoài thì tỷ lệ rủi ro tỷ giá là tương đương. Mặt khác theo TS Tùng, hiện Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến bitcoin. Nhiều trường đại học trên thế giới cũng đã chấp nhận cho sinh viên sử dụng bitcoin để thanh toán học phí.
Ông Lê Trường Tùng chia sẻ thêm: "Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Chúng tôi muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của Cách mạng Công nghiệp 4.0, là một trường ĐH đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0".
Sinh viên đóng Bitcoin giả, FPT chịu thiệt?
Trao đổi với Dân Việt, TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra một số hạn chế của hình thức thanh toán học phí bằng tiền ảo bitcoin.
TS. Cấn Văn Lực chỉ ra những rủi ro của thanh toán bằng bitcoin
TS. Lực phân tích: "Rủi ro tất nhiên là có bởi đồng tiền ảo bitcoin chưa được Việt Nam công nhận. Đầu tiên, đó là việc quy đổi từ đồng Việt Nam qua bitcoin. Nếu xảy ra tranh chấp, rất khó để xử lý vì đồng tiền này chưa được công nhận ở Việt Nam.
Thứ hai, với đối tượng sinh viên, số lượng người sở hữu bitcoin không nhiều. Ngoài ra, giá trị bitcoin hiện rất lớn, hơn 5.800USD/bitcoin trong khi số tiền đóng học nhỏ hơn rất nhiều. Vậy hình thức thanh toán học phí này có thực sự khả thi?
Thứ ba, ĐH FPT có công nghệ để nhận diện đồng tiền ảo bitcoin là thật hay giả hay không? Tiền thật có thể nhận diện, phân biệt được chứ với tiền ảo sinh viên hoàn toàn có thể lợi dụng công nghệ để lừa đảo.
Thứ tư, nếu sinh viên chuyển bitcoin qua ngân hàng, rồi tiền từ ngân hàng chuyển về tài khoản của FPT, tôi không biết là ngân hàng đó có chấp nhận chuyển tiền hay không?".
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng giá trị của đồng tiền ảo bitcoin biến đổi rất nhanh và mạnh, ĐH FPT hoàn toàn có thể phải chịu rủi ro về tỉ giá khi giá trị đồng bitcoin sinh viên nộp thay đổi so với giá trị ban đầu.
LS. Trương Thanh Đức cho rằng sử dụng bitcoin để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp. (Ảnh: I.T)
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, đồng tiền Bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Song Luật sư Trương Thanh Đức cũng chia sẻ thêm, giao dịch thu học phí khác với các hợp đồng dân sự trao đổi hàng hóa, tài sản theo quy định tại Điều 455 về "Hợp đồng trao đổi tài sản" của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định, Khoản 6, Điều 6 về "Các hành vi bị cấm", Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: "sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp".Về việc xử phạt, theo Điểm d, Khoản 6, Điều 27 về "Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán", Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ về "Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiển tệ và ngân hàng", quy định phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm "sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp".
Theo Danviet
Tiền ảo Bitcoin ngừng giao dịch, hàng trăm hộ dân điêu đứng Hoạt động theo mô hình đa cấp, "Ngân hàng cộng đồng Bitcoin" đã biến mất khi trang web sàn giao dịch đóng cửa, hàng chục tỷ đồng của người dân ở Gia Lai mất trắng. Tiền ảo Bitcoin ngừng giao dịch, hàng trăm hộ dân điêu đứng Những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở thị xã An Khê, Gia Lai điêu đứng...