Động & bất động – Truyện ngắn của Nguyễn Trí
Khổ quá kham không nổi nên Hùng bỏ vợ con mang cái bản mặt đẹp trai chạy theo tình mới. Với gương mặt lạnh như nước đá, Linh bĩu môi chả cần.
Minh họa: Tuấn Anh
Mày theo ai mặc kệ mày – cô nhủ thầm – tao một mình nuôi con thử có chết thằng tây nào không. Cô vẫn tiếp tục đạp chiếc ba bánh đi lấy cát trong Suối Cạn về đổ nền cho những người đang làm nhà. Nghiệp này khổ lắm. Ba giờ sáng thức dậy lóc cóc vô suối xúc trộm. Bảo vệ bắt được là tịch thu xe. Từ ba đến năm giờ ăn cắp sao cho được ba xe. Mỗi xe hai tấc khối. Năm xe là một khối. Lúc còn chồng thì sáng nào cả hai cũng có một khối tạm gọi là sống được. Nay chồng đi rồi nửa khối hai mẹ con cũng chả chết. Nhưng mà sống kiểu này nó mờ mờ như bóng tối lúc ba giờ sáng trời ạ.
Long – anh trai Linh – kêu em gái về. Dù sao chăng nữa nó cũng là em. Cũng bởi nhẹ dạ lạt lòng nên mới ra nông nỗi. Nay bị chồng bỏ. Một nách nuôi con dại mình không ngó đâu phải người – vợ Long bảo vậy. Long nghe mà mát ruột mát gan. Vì sao? Vì Long là chuột sa chĩnh nếp đúng cái nghĩa của nó. Bà xã Long là con gái cưng của một nhà giàu. Chả hiểu duyên nợ làm sao mà cả chục thằng giàu có muốn cô là người ngọc lại trật chìa. Cô đắm đuối Long mê mệt đến nỗi song thân nhà giàu buộc phải kêu thằng khố rách đến gả quách cho rồi. Sau đám, họ cho con rể và con gái một căn nhà mặt tiền lộ cái hành nghề mua bán điện, điện tử, điện gia dụng. Long lên luôn từ đó. Anh giàu có mà em út khổ tâm cũng chả an. Nay nghe vợ bảo kêu em gái về lo cho nó thì mừng như bắt được vàng.
Nhưng mà lôi em và cháu về rồi ở vào đâu? Vợ nói:
- Cất cái cấp bốn trên miếng đất ba má anh để lại cho cô ấy ở. Cho cổ ít vốn mở quán nhỏ nhỏ nuôi con.
Linh bướng lắm. Dám bỏ nhà theo tình thì bướng thượng thừa chứ không phải bướng thường. Cô nói với anh trai:
- Cho thì đưa sổ đỏ đây tui muốn làm chi thì làm.
Nghe lời vợ Long đưa luôn sổ đỏ:
- Cha để lại cho tao với mày đó. Muốn gì phải bàn với tao.
- Ông bây giờ là đại gia. Tranh chi với tui năm mét đất.
Linh đem sổ đỏ lên ngân hàng vay vốn làm ăn. Thâm niên ăn cắp cát nên Linh biết nghiệp nầy ngon ăn. Bảo vệ chỉ bắt mấy cái ba bánh chứ xe lớn cho qua. Thậm chí còn có xáng cạp đóng đô tại chỗ múc cát bán cho tải nữa kìa. Linh tậu một chiếc năm tấn, thuê tài xế lơ xe. Với tư cách chủ, cô tút tát mông má lại cái nhan sắc một thời cũng tạm gọi là có giá. Đàn ông trên trần ai này xưa nay hễ thấy đẹp và thơm thì mười anh hết chín tít con mắt lại. Bảo vệ không ngoại lệ. Thời ăn nên làm ra cộng với giải tỏa đền bù nên thiên hạ thi nhau cất nhà to đẹp. Dân ba bánh đạp đổ nền nhà còn có ăn nói gì tải lớn. Thấy vậy Hùng rắp tâm quay lại tình xưa. Dù gì cũng còn chung một đứa con và chí ít hai ta cũng có trên năm năm trong nghĩa vợ chồng, và trước đó là thời gian yêu nhau những hai năm. Anh có sai lầm tí chút mong em bỏ qua…
- Biến đi cho tao nhờ – Linh gằn giọng – mày không phải đàn ông. Mới gian khó một chút đã bỏ của chạy lấy thân. Nếu muốn tao cho bắt con lại mà nuôi. Con vợ mới của mày chịu nuôi không?
Chỉ hai năm Linh lấy lại sổ đỏ và đủ tiền để sòng phẳng với ông anh trai năm mét đất. Nghĩa là lô đất mười mét chiều ngang, dài năm mươi mét thuộc sở hữu của cô. Linh đang làm lại căn nhà cho ngon lành thì – đùng một phát – con đường đất thó mưa bùn nắng bụi ổ voi ổ gà dày đặc được cải tạo nâng cấp. Đất lập tức hóa vàng. Một mẹ một con và mười mét đất chả phải rộng quá sao? Linh bán đi năm mét mà chả cần thông qua bất kỳ ai. Đã vậy cô còn tậu xe hơi đời mới nữa chứ.
Tâm – tài xế xế hộp của Linh có một hoàn cảnh khá bi. Anh ta bị vợ phản bội và yêu cầu ly dị. Ô kê. Ly thì ly. Đàn ông sợ chi. Tài sản tòa án quyết định chia hai và cô vợ được quyền nuôi con. Chồng có bổn phận cấp dưỡng… Tâm kêu bán căn nhà và cô Linh móc hầu bao chung cái rụp. Cô kêu thợ đến sơn lại căn nhà cho sáng sủa, kêu cả thầy bùa đến cúng tống quái. Thiệt là linh hiển. Hai tháng sau cô bán lại lãi ròng một nửa. Mua chục cây bán hai mươi cây. Thiệt là ngọt như mía lùi. Ông anh trai thấy cô em gái lên như diều mới ngộ ra rằng cô sắm xe để mua đi bán lại nhà cửa đất đai.
Cô nói với Biển – một thợ sơn nước nhỏ hơn cô một con giáp:
- Làm ba cái vụ nầy phải có xe có tài xế riêng thì ăn nói với khách hàng mới linh.
- Chị với anh Tâm sao lại chia tay?
Sau một thời gian ôm vô lăng, Tâm là tình nhân của Linh, được giao thêm quản lý cả chiếc xe tải. Lý ra cả hai đã nên một cặp nếu Tâm không lộ mặt quá sớm:
- Giao cho nó chiếc xe yêu cầu chung một tháng mười lăm triệu. Sư cha nó… tháng đầu nó chung đủ. Tháng thứ hai than lỗ còn mười. Tháng thứ ba chị phải lấy lại xe vì nó nuôi con khác. Đàn ông bây giờ không tin nổi Biển ơi.
Ngừng một lát nàng tiếp tục:
- Còn mày sao? Vợ có về thăm con hông cưng?
Video đang HOT
- Không chị. Nó theo thằng kia về miền Tây đẻ thêm hai đứa nữa rồi.
- Thì mày lấy vợ khác mẹ nó cho rồi.
- Có yêu con nào đâu mà lấy?
- Cần mẹ gì yêu.
- Giỡn chơi bà… đâu phải bóc bánh trả tiền mà nửa tiếng là xong. Sống suốt đời không yêu đâu có được. Kiểu như bà là vui ở buồn đi. Thậm chí thấy có tiền bọn ma giáo sẵn sàng khom lưng để đào mỏ… tui nói vậy đúng không?
Thằng Biển nói vậy mà đúng đó nghe. Tuy dầm sương dãi nắng với chức năng thợ và bỏ học năm lớp sáu nhưng Biển hơn đời ở chỗ có hai năm trong trại giáo dưỡng. Mười tám tuổi lấy vợ. Hai năm vợ đẻ liền hai đứa. Va vô khó khăn sớm quá nên vợ chồng hục hặc. Giận chồng cô vợ trẻ quăng con cho ông bà nội về cha mẹ đẻ. Sau vài tua năn nỉ ỉ ôi cô vợ không về Biển xù luôn. Không có thời gian kiếm tiền nuôi con ở đó mà tỉ tê. Với lại ông bà già vợ chẳng khuyên con thì chớ, thấy Biển thó mặt qua họ tế liền:
- Con tao ngu mới lấy một thằng giáo dưỡng như mày. Không cưới hỏi không đăng ký kết hôn mày chưa bao giờ là con rể nhà nầy. Cút đi.
Giận cành hông, cựu giáo dưỡng văng tục:
- Ông đếch cần.
Vậy là đường ai nấy đi. Biển lo cho hai ông bà già hai đứa con thiếu điều sói trán, may mà nó uy tín lừng tám cõi đường đời. Anh em thợ dưới trướng toàn tay nghề thượng hạng. Linh cất xong căn nhà ngang năm mét dài năm mươi mét kêu Biển tới sơn nước. Nghe Biển phán giá, Linh nói liền:
- Thiên hạ nhận hai lăm ngàn một mét vuông, em tới ba chục có quá lắm không?
- Thằng nào hăm lăm chị giao cho nó. Tui thì dưới ba chục không làm.
- Nhưng tại sao chênh lệch cao quá vậy?
- Bởi tui làm là phải đẹp và không ma giáo.
- Ma giáo?
- Chớ sao? Bọn hai lăm ngàn cho thuốc tẩy vào bột trét tường để làm nhanh hơn. Hiểu hông bà chủ?
- Cho thuốc tẩy vô làm chi?
- Cho bột mềm đi chớ sao.
Mềm thì kéo bột và chà láng nhanh hơn. Nhanh thì mau xuống cấp. Linh hiểu vậy nhưng không đơn giản chỉ là vậy:
- Nếu sang năm chị muốn lăn lại màu hồng thì phải cạo luôn lớp bột trét bị pha thuốc. Tức là phá ra để làm lại. Hiểu chưa? Còn tôi thì chỉ cần lột lớp sơn là đi lại màu khác.
Vậy là Linh và Biển kết một mối thâm tình. Giao căn nhà nào cho Biển làm mới lại thì Linh bán nhanh cấp kỳ. Cô cho rằng mình và Biển hợp tuổi:
- Chị mới mua một căn ở X. Mày sơn lại màu hồng cho chị nghe.
Tâm biến thì một tài mới ôm vô lăng đưa bà chủ đến căn nhà mới tậu. Biển trên tay ga chạy theo sau. Nhà chỉ trăm mét vuông và lăn sơn lại mặt tiền nên công việc chỉ cần thêm một phụ và một buổi là xong. Phụ của Biển là cha của nó. Ông già tóc bạc, da đen thùi, tướng tá lùi xùi đúng nghĩa bến tắm ngựa. Ông ta phụ bắc giàn giáo, cạo những chỗ sơn bị bong tróc và sau đó là vệ sinh cho nhà mới được khang trang. Tài xế chừng như là vắt vai mới của Linh nên lệnh rất chi là chủ cả:
- Ê… ông già… kéo cái bàn này lại chỗ kia…
Sau cái bàn là cái tủ:
- Phụ một tay coi ông già.
Linh lên tiếng:
- Nghĩ sao mà ông già khiêng còn anh lịnh? Không thấy chướng sao?
- Chứ thuê ổng làm gì?
- Ông ấy làm cho thằng Biển chứ cho anh à?
Ông già điềm đạm:
- Thôi… chuyện nhỏ cãi nhau làm chi. Cái tủ nhẹ hều mà.
Linh nhìn vắt vai:
- Tôi còn phải làm thì anh không có cửa ra lịnh.
Chỉ vậy thôi mà cô đổi tài xế xe con. Với Biển chuyện này không hề lạ. Nó kết nghĩa với bà chị này chục năm, từ chồng chính thức đến vắt vai gã này là thứ năm. Biển hỏi:
- Bà không yêu ai à?
- Yêu mẹ gì. Cặp kè cho vui. Phải thì tới không thì rút.
- Chắc bà hận ông Hùng lắm hả?
- Không. Thiệt ra tao cũng không yêu hắn. Lấy nhau rồi mới biết đồng sàng dị mộng… Chia tay rồi tao cũng không buồn không nhớ… Mày không hiểu đâu.
Rồi cô thở một hơi thiệt dài, thiệt não nuột buồn.
- Bà thở dài giống ông già tui quá.
- Sao không thuê người khác mà đưa ổng đi làm vậy Biển?
- Từ khi má tui mất ổng buồn lắm. Tui đưa ổng theo cho vui chứ làm lụng gì.
- Ông già bao nhiêu tuổi rồi?
- Trên sáu chục… ổng ngó lùi xùi chứ tài tử lắm đó. Tối nào ông cũng có mặt ở cà phê nhạc sống sân vườn Hương Đồng trên thị trấn mình đó bà.
- Ổng làm chi trên đó?
- Vừa dẫn chương trình vừa ca hát. Hôm nào rảnh rỗi bà ghé chơi. Không chừng thấy ổng “em mờ xy” bà mê cũng nên. Nếu thích tui gả ông cho bà… kha kha kha…
- Sư mày… tao bốn lăm ổng sáu chục ngó được sao mậy?
***
Linh đen tình nên đỏ bạc. Tay cô mở ra là vàng bạc đá quý ùa vào. Có tất cả nhưng lại thiếu cái quan trọng nhất của đời người. Tình yêu. Cũng có đêm Linh ôm tiền vàng mà khóc.
Thật vậy. Xong một hợp đồng. Ôm một cục cả vốn lẫn lãi về phòng riêng. Mở chai uống vài ly rồi lăn ra ngủ. Nửa đêm thức giấc quờ tay đụng phải cục tiền, Linh đã khóc. Cái cô cần lúc nửa đêm về sáng không phải tiền… Linh thèm biết dường nào một ai đó yêu cô và cô yêu lại. Có ai yêu mình không? Cô tự hỏi. Và lại hỏi mình yêu ai nhỉ? Mình đã yêu ai? Trong đêm dần tàn Linh đã nhận ra mình chưa hề yêu kể cả mối tình đầu tiên cũng như lần đầu cô gửi phận trao thân. Đó chỉ là một đam mê nhất thời với cái đẹp và sự ham muốn chứ không hề là tình yêu.
Buồn và đơn độc, cô cho xe chạy qua những ngõ ngách trong thị trấn. Dưới ánh đèn đêm cô chợt nhớ đến cái địa điểm có tên Hương Đồng mà thằng Biển nói cha nó đang trong vai trò hát hò và dẫn chương trình. Linh nhớ đến cái khắc khổ lam lũ đen đúa của một lão gia ngoài sáu mươi. Lên xe đến Hương Đồng. Linh không thích không khí ồn ào náo động của cái gọi là nhạc nhẽo sân vườn. Bầy trẻ hát ca hò hét và nhảy nhót. Cô nhìn sân khấu nhưng dẫn chương trình không hề là lão gia của Biển. Cô gọi cho thằng trẻ:
- A lô… mày hả Biển? Tao đang ở Hương Đồng nè… có thấy ông già mày đâu…
- Tui quên nói với bà… hôm nay chủ nhật ổng ở nhà. Bà rảnh ghé tui chơi.
- Sao ổng ở nhà?
- Con tui chủ nhật nên không nội trú. Bọn nhỏ về chơi với ông nội.
Ừ thì đến Biển cho vui. Giờ nầy về nhà mà tọng rượu để ngủ thì buồn lắm trời ạ. Tay ga rời thị trấn rời lộ cái. Nhà Biển ở cuối hẻm. Mười giờ đêm hẻm buồn vắng ngắt. Biển mở cổng dắt xe Linh vào sân. Trong đêm êm vắng tiếng đàn guitar dìu dặt vang lên. Biển yên lặng đưa Linh đến góc sân. Dưới tán cây bên một bàn đá, trên bàn có một chai bia . Lão gia đang chơi đàn. Đàn và hát. Giọng ca trầm buồn, giai điệu cũng buồn: “Thôi em đừng bối rối. Trong ta chiều đã tàn…”.
Biển rót bia ra ly cho Linh. Cô uống và nghe lòng mình vỡ vụn. Cô lặng đi khi một cái gì đó chạy qua tâm hồn. Cái gì nhỉ? Linh tự hỏi. Một cái gì đó rất gần và rất xa làm xao động hồn cô. Một réo rắt reo vui dội lên trong giai điệu buồn của bài hát: “Tóc em gầy trong gió, ta như giọt máu mù, xua theo ngày thương nhớ, vết buồn khắc trên da…”.
Bỗng dưng Linh muốn khóc. Người đàn bà bốn mươi lăm tuổi một chồng một con trai và có những bốn cái tình vụn vây vo rưng rưng nước mắt. Êm đềm chạy qua tâm tư nhưng phảng phất màu tuyệt vọng. Linh biết. Cái cô săn tìm, cái một đời cần phải có đang đến nhưng không thể nắm bắt.
Theo thanhnien.vn
Tặng quà như năm ngoái
Bạn tốt với nhau là như thế đấy.
1. Tặng quà như năm ngoái
2. Bạn tốt
Theo Tiin.vn
"Biển" Trong giờ địa lý , thấy Tí ngồi không chú ý bài ảnh minh họa - Cô giáo: Tí! Hãy cho cô biết biển là gì? - Tí (giật mình): Thưa cô! "Biển" là bài thơ của Xuân Diệu ạ! - Cô giáo: ?!? Theo trí thức trẻ