Đồng bằng sông Cửu Long tìm cách sống chung với hạn mặn
Do tình hình hạn mặn sẽ kéo dài nên người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước theo thứ tự: Sinh hoạt, chăn nuôi, tưới rau màu, tưới cây ăn trái có giá trị, tưới cây ăn trái lâu năm và các ưu tiên khác.
Quân đội cung cấp nước ngọt cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long
Đắp đập trữ nước ngọt
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến tháng 5/2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-20%. Từ ngày 1-5/4, xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm chậm trong 1-2 ngày đầu, sau tăng trở lại.
Hạ nguồn các địa phương gồm: TP Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, nước ngọt xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp, sông Cổ Chiên xâm nhập mặn từ 40-45km, sông Hậu 45-50km, sông Vàm Cỏ 95-110km, sông Cái Lớn 60-65km.
Các sông Hàm Luông, cửa Đại và cửa Tiểu khả năng lấy nước hạn chế do mặn nền tiếp tục duy trì cao. Trong thời kỳ từ 26/3-5/4, các địa phương vùng ĐBSCL tranh thủ tích trữ nước ngọt ngay khi có thể khi triều thấp, đề phòng xâm nhập mặn cao trở lại vào giữa tháng 4.
Video đang HOT
Ghi nhận tại các địa phương, tại Vĩnh Long, cuối tháng 3, độ mặn trên một số nhánh sông đã giảm, tại số nơi đã vào ngưỡng an toàn. Vì vậy, người dân đã tranh thủ lấy nước ngọt nhiều nhất có thể từ các sông, kênh, rạch có nước ngọt để dự trữ.
Riêng Tiền Giang, độ mặn vẫn duy trì mức cao nên hầu như người dân các huyện: Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, TP Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy… không thể lấy nước từ sông để tưới cho cây ăn trái, cũng như sinh hoạt được.
Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng tỉnh Tiền Giang theo 3 hướng: cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ và sông Hàm Luông. Mặn lấn sâu vào đến kênh Nguyễn Văn Tiếp, nghiêm trọng nhất là kênh Nguyễn Tấn Thành đến Vàm Trà Lọt.
Để trữ nước ngọt cho sản xuất, Tiền Giang cũng phối hợp với Long An đắp 6 đập là Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè và các cống trên quốc lộ 62. Đồng thời, đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành để phục vụ sản xuất trên 80.000ha và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 800.000 hộ dân của huyện Châu Thành, TP Mỹ Tho và các huyện phía Đông.
Tiền Giang cũng bố trí 10 thuyền máy bơm tổng công suất 2.200m3/h, tổ chức được 12 điểm cấp nước, vận hành 8 giếng khoan, mở 67 vòi nước công cộng để cấp nước miễn phí cho các hộ dân ven biển, ven sông… Đến nay, tỉnh đã đảm bảo nước sinh hoạt cho hơn 1,1 triệu hộ dân, gồm 800.000 hộ ở Tiền Giang và 300.000 hộ ở Long An.
Do hạn mặn kéo dài, UBND tỉnh Tiền Giang đã xuất kinh phí khoảng 37 tỷ đồng thuê sà lan chở trên 2,45 triệu m3 nước ngọt “cứu khát” cho trên 28.000ha cây ăn trái đang bị suy kiệt. Hạn mặn còn diễn biến khốc liệt, Tiền Giang đã có kế hoạch vận chuyển nước ngọt về các huyện phía Đông để cứu vườn cây thanh long, mít, bưởi đang bị thiếu nước, với phương án thuê sà lan chở khoảng 230.000 nghìn m3 để hỗ trợ khẩn cấp cho 2.222ha diện tích cây ăn trái đang giai đoạn suy kiệt.
Trước đó, đối với cây sầu riêng, tỉnh Tiền Giang đã thuê sà lan chở nước về cung cấp tại 37 điểm của 4 huyện, thị xã phía Tây. Dự kiến sẽ có khoảng 1,375 triệu m3 nước ngọt cho người dân đến lấy từ ngày 12/3-30/4.
Cho đất nghỉ hoặc chuyển sang cây trồng cạn
Các tỉnh ĐBSCL hiện đã cơ cấu lại lịch thời vụ lúa hè thu, cho đất nghỉ ngơi hoặc chuyển sang cây trồng cạn nhằm giảm áp lực nước tưới để đối phó với hạn, mặn.Vụ đông xuân 2019-2020, ĐBSCL xuống giống 1.541.000ha, giảm 63.000ha. Đến nay, Cục Trồng trọt đã đưa ra lịch xuống vụ hè thu 2020. Theo đó, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1.627.500ha. Trong đó, Đông Nam Bộ gieo sạ 88.500ha. Khu vực ĐBSCL gieo sạ gần 1,6 triệu ha.
Theo khuyến cáo, các địa phương xuống giống trong tháng 3, 4 tập trung ở vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu, vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên. Xuống giống trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam quốc lộ I cách biển 70km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Xuống giống khoảng nửa đầu tháng 6 khi có mưa, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển.
Hiện mực nước ở đầu nguồn xuống rất thấp và theo dự báo thì mùa mưa năm nay đến trễ (khoảng giữa tháng 5/2020), để hạn chế tình trạng thiếu nước ở đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang khuyến cáo các địa phương không sản xuất lúa 3 vụ/năm.
Tại Đồng Tháp, toàn tỉnh xuống giống vụ lúa hè thu khoảng 185.000ha, giảm khoảng 5.000ha. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái. Trong đó, chú trọng vào các cây trồng có thế mạnh như: bắp, ớt, khoai lang, xoài… có thể đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa từ 2-3 lần.
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thông báo, trên cơ sở dự báo dòng chảy từ Trung Quốc về ĐBSCL và dự báo triều tháng 4, nên hiện tượng xâm nhập mặn tháng 4/2020 vẫn ở mức nghiêm trọng, mặc dù có giảm nhẹ hơn so với tháng 3/2020. Trước tình hình này, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam khuyến cáo, những vùng không chủ động được nước ngọt, người dân cần chuyển thời gian xuống giống lúa hè thu sang tháng 5 để hạn chế rủi ro…
Lam Hạnh
Nước ngọt từ biên giới Đồng Tháp đến vùng biển Bến Tre
Hàng chục 'Chuyến xe nghĩa tình' đã được các bạn trẻ tại vùng biên giới TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) chở nước ngọt tiếp tế cho người dân bị hạn mặn các huyện ven biển Bến Tre.
Nhóm thiện nguyện của Nguyễn Thanh Phong chuẩn bị nước tiếp tế cho người dân H.Bình Đại, Bến Tre - Ảnh: Trần Ngọc
Gần 2 tuần qua, cứ vào khoảng 17 giờ, tại khu vực bờ kè thuộc P.An Thạnh, TX.Hồng Ngự lại xuất hiện hình ảnh rộn ràng, nhộn nhịp của việc chuẩn bị nước ngọt tiếp tế cho người dân bị hạn mặn tỉnh Bến Tre của nhóm thiện nguyện hơn chục thành viên có tuổi đời chưa đến 30.
Trưởng nhóm thiện nguyện này là Nguyễn Thanh Phong (21 tuổi, ngụ P.An Thạnh, TX.Hồng Ngự). Phong chia sẻ: "Tìm hiểu, biết bà con mình đang rất khó khăn do hạn hán, bị xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt sử dụng nên tôi cũng muốn góp một chút công sức nhỏ để giúp bà con. Chúng tôi tự đóng góp, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ can nhựa đựng nước và phương tiện vận chuyển nước ngọt cho bà con".
Theo Phong, ban đầu nhóm gom góp mua được 200 can nhựa loại 30 lít/can để đựng nước ngọt, rồi mượn xe tải vận chuyển đến tiếp tế cho người dân H.Bình Đại, Bến Tre.
Nhiều người dân ở Đồng Tháp thấy những người trẻ như Phong có việc làm mang lại ý nghĩa cho cộng đồng, kẻ góp công, người góp kinh phí, phương tiện để cùng nhóm thiện nguyện của Phong hỗ trợ nước ngọt cho người dân bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Kết quả, số lượng can nhựa và thùng phuy đựng nước ngọt tiếp tế của nhóm ngày càng tăng lên. Tính đến chiều 26.3, Phong đã huy động được 1.000 can nhựa và hàng chục thùng phuy nhựa đựng nước ngọt. Cứ đều đặn 2 ngày/lần, nhóm của Phong lại mang những giọt nước nghĩa tình từ vùng biên giới Đồng Tháp cho người dân ở H.Bình Đại.
Đến nay, nhóm của Phong đã thực hiện được 5 chuyến tiếp tế nước ngọt miễn phí cho người dân tỉnh Bến Tre, trung bình mỗi chuyến tiếp tế được khoảng 50 m3 nước. Ước tính tổng chi phí hỗ trợ gần 50 triệu đồng.
Trần Ngọc
Cà Mau: Hạn, mặn đe dọa hệ thống cống thủy lợi vùng ngọt hóa Hàng chục cống thủy lợi bao ngoài ở vùng ngọt hóa Cà Mau, với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang bị đe dọa trong đợt hạn hán lịch sử năm nay. Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, nắng hạn ngày càng gay gắt trong những...