Đồng bằng Sông Cửu Long: Đối diện thách thức – Bài 3: Xâm nhập mặn kéo dài
Nguồn nước đầu nguồn sông Mekong thiếu hụt, kéo theo ĐBSCL sẽ khan hiếm nước ngọt, đe dọa trực tiếp tới sinh hoạt, sản xuất của người dân khu vực này. Trong khi đó, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đang là nỗi lo lớn.
Hệ thống cống ngăn mặn liệu có ngăn chặn được mặn xâm nhập vào nội đồng.
Mặn tới sớm hơn và xâm nhập sâu hơn
Tại thời điểm này, do mưa nhiều, kéo dài, nên độ nhiễm mặn tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL có giảm. Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng), độ mặn đo được trên các tuyến sông, rạch đã giảm đáng kể. Trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh độ mặn tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, năm nay, tại ĐBSCL, mặn tấn công sớm hơn và lấn sâu hơn so với những năm trước. Cuối tháng 12/2018, mặn từ biển Tây đã xâm nhập vào các địa bàn của Hậu Giang như huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh, đến khoảng tháng 6/2019 có lúc độ mặn đo được lên tới 11g/l (trong khi 4g/l đã ảnh hưởng xấu tới cây lúa).
Số liệu nghiên cứu của cơ quan chức năng về xâm nhập mặn cho thấy:
Khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền: Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l, vào sâu nội đồng (so với mức trung bình nhiều năm) từ 20km đến 25km.
Video đang HOT
Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu: Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l, vào sâu nội đồng từ 15km đến 20km.
Khu vực ven biển Tây (trên sông Cái Lớn): Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l, vào sâu nội đổng từ 5km đến 10 km.
Như vậy, dù có giảm độ mặn vào một thời điểm cụ thể thì việc mặn xâm nhập sâu nội đồng ở khu vực ĐBSCL là rõ rệt và có xu hướng nặng nề hơn.
Trước tình hình đó, nhiều tỉnh, thành đã chủ động ứng phó. Tại tỉnh Cà Mau, để bảo vệ diện tích hơn 130.000 ha đất trồng lúa nước và cây màu tập trung ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời, Chi cục Thủy lợi tỉnh này đã chủ động kiểm tra, theo dõi diễn biến của mặn để kịp thời ứng phó. Ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, khi mặn xâm nhập vào vùng ngoài đê và đi vào trong vùng đê bao nước ngọt, tỉnh đã chủ động bơm nước mặn ra phía ngoài đê nên không ảnh hưởng nhiều đến diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, Cà Mau còn thường xuyên đầu tư nạo vét các tuyến kênh, rạch nhằm tích trữ nước vào mùa mưa, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Không thể chủ quan
Mới đây tỉnh Hậu Giang đã đầu tư 67,5 tỉ đồng để đắp mới, nâng cấp, sửa chữa 120 đập thời vụ và cống ngăn mặn; nạo vét 71 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn để trữ nước ngọt trên đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, ở vùng có nguy cơ hạn hán, tỉnh đã kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, trạm bơm điện, bơm dầu, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa công trình để trữ nước ngọt. Đối với vùng nguy cơ nhiễm mặn, tỉnh tiếp tục nâng cấp, tu bổ sửa chữa công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt nội đồng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Là người chuyên nghiên cứu về sinh thái của vùng ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện cũng có những nhận định và dự báo về tình hình khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020: Sau Tết, sang khoảng tháng 3/2020, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt, mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng. Ông Thiện cho rằng, đối với khô hạn cực đoan và xâm nhập mặn sâu, không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu.
Vẫn theo ông Thiện, dù có cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn là vô ích. Lý giải, ông Thiện cho biết: Những vùng mặn ở ĐBSCL như ở Bán đảo Cà Mau, mặn từ trong đất mặn ra. Quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp Bán đảo Cà Mau nên đất ở đây mặn. Tuy nhiên vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Vì vậy những năm khô hạn, mưa ít và trong nước ở sông Hậu ít và thấp thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong đẩy nước mặn ra ngoài.
Như vậy, với những bất thường của biến đổi khí hậu và thực tế mưa, lũ trên dòng Mê Kông thời gian qua, tình hình nhiễm mặn sâu vào nội đồng tại ĐBSCL đã thấy rõ. Để hạn chế tác hại của nó, rất cần giải pháp tổng thể cho toàn vùng, đặc biệt là những địa phương gần cửa sông.
(Còn nữa)
Quốc Trung
Theo ĐĐK
Cà Mau: Nhiều trạm bơm tiền tỷ... "trùm mền"
Bên cạnh những trạm bơm được đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát huy hiệu quả, giúp người trồng lúa tránh được tình trạng ngập úng kéo dài vào mùa mưa, thì vẫn có những trạm bơm "trùm mền"...
Nhiều trạm bơm ở Cà Mau chưa phát huy hiệu quả
Theo quy hoạch sản xuất trên địa bàn xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thì ô thủy lợi vùng sản xuất lúa 2 vụ ở ấp 1 và ấp 6 có quy mô ban đầu 120ha sẽ được khép kín để làm lúa 2 vụ. Thực hiện quy hoạch này, năm 2014, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã triển khai đầu tư trạm bơm đặt tại kênh Năm Quận, cùng với hệ thống cống hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, khi trạm bơm làm xong thì có khoảng 50% diện tích lúa 2 vụ đã chuyển sang canh tác 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Do đó, ô thủy lợi này mâu thuẫn với sản xuất mặn - ngọt.
Ông Huỳnh Cao Minh, xã Tân Lộc bức xúc: "Cống được đầu tư mấy năm nay nhưng không phục vụ gì nhiều cho nông dân nơi đây. Thậm chí không ít người dân khổ vì cái cống này. Mỗi lần đi bơm nước phải vác máy móc qua đập rất nặng nề. Do cống khép không kín nên nước mặn thấm qua, làm ảnh hưởng đến năng suất lúa".
Còn 2 trạm bơm đặt tại kênh Cựa Gà và kênh Tân Bửu phục vụ cho vùng sản xuất lúa - tôm tại ấp Tân Bửu (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) thì "trùm mền" mấy năm nay. Hai trạm bơm này được đầu tư vào năm 2013, nhưng do đặt "nhầm chỗ" nên không phát huy hiệu quả như mong đợi. Nói về 2 trạm bơm này, ông Trương Văn Hớn (nguyên Phó Bí thư ấp Tân Bửu) cho biết: "Ban đầu, 2 trạm bơm khi đưa vào sử dụng bơm nước khá tốt. Thế nhưng sau khi bơm rửa phèn xong thì người dân cấy lúa không phát triển được do đất bị nhiễm mặn cao. Sau đó, cấp trên cử người xuống hỗ trợ kỹ thuật làm thí điểm 7 hộ. Tuy nhiên, việc thí điểm cũng không thành công. Sau nhiều năm thất bại với mô hình 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm nên người dân đã từ bỏ. Thế là trạm bơm không hoạt động cho đến nay".
Theo người dân địa phương, nguyên nhân các trạm bơm không phát huy hiệu quả là do đặt "nhầm chỗ". Vùng này đất đã nhiễm mặn cao, gần các con sông lớn nên nước mặn dễ xâm nhập, không thể sản xuất lúa được...
Ông Hứa Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, cho biết, trước khi xây dựng trạm bơm, xã kết hợp với huyện và tỉnh để họp dân lấy ý kiến, được sự đồng thuận của dân. "Tuy nhiên, khi trạm bơm đưa vào vận hành lại không phát huy hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân do cống thiết kế sập nên khi vận hành phải kéo lên rất khó khăn. Ngoài ra, hệ thống nắp cống thường xuyên bị hư hỏng và không kín. Vì vậy, khi bơm nước ra thì một phần nước lại luồn qua khe chảy ngược trở lại. Hiện một số vùng da beo, người dân đã chuyển sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, do đó xã cũng gặp khó khăn", ông Tý nói.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, chương trình trạm bơm được đầu tư từ năm 2013; đến nay có 14 trạm bơm với kinh phí 50 tỷ đồng. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho rằng, các trạm bơm khi được đầu tư đã phát huy hiệu quả như góp phần giúp người dân chủ động trong sản xuất. Song, một số trạm bơm cũng gặp khó khăn, bất cập. Điển hình như khi bơm thì các cống phải ngăn lại nên ảnh hưởng đến giao thông. Cơ cấu sản xuất không nhất quán, lúa tôm đan xen nhau nên rất khó trong việc vận hành.
"Nếu giữ nước mặn phục vụ nuôi tôm thì ảnh hưởng đến sản xuất lúa và ngược lại. Vì vậy, trạm bơm muốn phát huy hiệu quả phải có ranh giới mặn ngọt rõ ràng. Ngoài ra, do lúc đầu thực hiện dự án kinh phí hạn hẹp nên lựa chọn công nghệ ở mức tương đương; từ đó một số trạm bơm khó khăn trong việc vận hành. Tới đây, có thể sẽ xem xét di dời những trạm bơm chưa hiệu quả...", ông Hoai nói.
NGỌC CHÁNH
Theo SGGP
Gồng mình ứng phó thiên tai Khu vực Tây Nguyên mưa lũ đang gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người dân. Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sạt lở, thời tiết cực đoan vẫn đang diễn biến phức tạp. Kịp thời cứu dân vùng mưa lũ Từ đêm 6 và sáng 7-8 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa lớn, trong...