Đồng bằng sông Cửu Long bước vào cao điểm xâm nhập mặn
Đồng bằng sông Cửu Long đang trong đợt mặn cao điểm, kéo dài tới ngày 15-3-2020. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khuyến cáo các địa phương hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Tiền Giang chở nước ngọt cấp miễn phí cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hồ Phúc
Ngày 10-3, độ mặn đo được trên sông Cửa Tiểu là 7,5g/l, kéo dài tới 57km cao hơn mùa khô năm 2015-2016 2,1g/l; trên sông Cửa Đại là 10g/l; sông Hàm Luông là 16,1g/l, vào sâu 18km.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn, thời gian mùa mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy năm chỉ ở mức trung bình – thấp. Dòng chảy về đồng bằng từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, đang xuống ở mức rất thấp so với tài liệu trung bình nhiều năm từ 1980 đến nay.
Hai yếu tố thượng lưu quan trọng chi phối chủ đạo đến nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là lượng trữ trong Biển Hồ (TonleSap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ MeKong). Lưu lượng về đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô 2019-2020.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai dự báo, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.
Video đang HOT
Tính đến ngày 2-3, hạn mặn đã gây thiệt hại nặng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau hơn 27.000 ha lúa bị thiệt hại; 3.568 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, địa phương này xảy ra 887 điểm (21.167m) sụp lún ven bờ kênh; đáy Cống Trùm Thuật Nam, huyện Trần Văn Thời bị xoáy lở.
Tỉnh Bến Tre cũng bị thiệt hại 104,7 ha lúa Thu Đông (30-70%); 5.000ha lúa Đông Xuân sinh trưởng và phát triển chậm (khả năng cao bị mất trắng). Toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng do nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.
Tỉnh Trà Vinh có 624ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại từ 30-70%. Tổng số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt là 8.662 hộ (huyện Càng Long, Châu Thành).
Tỉnh Vĩnh Long chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất nông nghiệp nhưng có tới 66.200 hộ (huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình) bị ảnh hưởng do nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.
Tỉnh Kiên Giang có 172ha lúa mùa (huyện An Minh) bị thiệt hại hoàn toàn và 1.503ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại từ 30-70%.
1.000 ha lúa Đông Xuân của tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại (30-70%: 773ha,>70%: 227ha).
Bích Nguyên
Theo Bienphong
Chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân
Trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, 7 tỉnh miền núi phía Bắc (Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng và Sơn La) đã xảy ra dông, lốc, sét và mưa đá. Hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân, trong đó, làm 2 người chết và 16 người bị thương, ước tính thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân lên tới hàng tỉ đồng.
Mưa đá phủ trắng đường tại xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lở Tông
Ngày 3-3, trận mưa đá kéo dài 30 phút kèm theo dông lốc bất ngờ xảy ra tại các xã Dào San, Tung Qua Lìn, Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của nhân dân. Ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phong Thổ cho biết: "Sau khi xảy ra tình trạng mưa đá trên địa bàn các xã của huyện Phong Thổ, chúng tôi đã khẩn trương thành lập các đoàn công tác liên ngành, trực tiếp xuống cơ sở, kết hợp với chính quyền địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thống kê thiệt hại của nhân dân để đề xuất phương án khắc phục, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt".
Tại thành phố Lai Châu, một số nơi như phường Đông Phong, xã San Thàng cũng xuất hiện mưa đá có đường kính từ 2 - 3cm, kèm theo gió to, làm dập nát nhiều diện tích hoa và rau màu của nông dân. Chiều 3-3, tại khu vực thị trấn và các xã lân cận của huyện Mường Tè cũng xuất hiện mưa đá, thời gian kéo dài khoảng 10 phút. Bước đầu, mưa đá làm thiệt hại 412,3ha lúa, 390ha hoa màu, 92ha cây trồng lâu năm, 27,8ha cây trồng hàng năm, 352ha cây ăn quả, 18ha rừng thông. Ngoài ra, 106 con gia súc và 77 con gia cầm bị lũ cuốn trôi. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với thiên tai, thực hiện tốt phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả".
Tại Yên Bái, mưa đá, dông và lốc xảy ra tối 2-3, tại các huyện Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái, làm bị thương 4 người (do mái tôn và ngói rơi vào người). Ngoài ra, 2.073 ngôi nhà ở thành phố bị tốc mái, 3 nhà ở huyện Yên Bình bị sập đổ hoàn toàn. Mưa đá, dông và lốc cũng làm đổ 23 cột điện, 5 trường học hư hỏng nặng, trên 200 cây lớn bị đổ. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các huyện, thành phố đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT-TKCN các xã, phường tập trung huy động lực lượng tại chỗ, khẩn trương giúp các hộ gia đình khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.
Tại tỉnh Hà Giang, trong 2 ngày 3 và 4-3, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã làm 15 nhà bị tốc mái tại xã Phương Thiện và Phương Độ, thuộc thành phố Hà Giang. Mưa lớn cũng làm sạt lở khoảng 20m3 đất đá đoạn qua thôn Khuổi My đi Lùng Vài, xã Phương Độ. Mưa gây ngập úng 4,1ha lúa mới cấy tại xã Ngọc Đường; đồng thời, làm trôi bùn, đất khối lượng lớn của công trình san ủi mặt bằng thuộc dự án khu dân cư Hà Sơn, tổ 17, phường Nguyễn Trãi, khiến hơn 10 hộ gia đình bị bùn, đất tràn vào nhà; khoảng 50m đường bị bùn ứ đọng dày 40-50cm khiến nhiều phương tiện gặp khó khăn. Ước tính thiệt hại trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, mưa lớn làm đổ cột điện khiến 1 người chết do điện giật, 1 người chết do đá lăn. Tại huyện Hoàng Su Phì, ngày 3-3, xảy ra nhiều đợt gió lốc, kèm theo mưa đá làm hư hỏng một số công trình phúc lợi xã hội và tài sản của nhân dân trên địa bàn huyện, trong đó, có 64 nhà bị tốc mái. Về hoa màu, toàn huyện Hoàng Su Phì có 73,2ha bị ảnh hưởng, ước tính tổng thiệt hại do gió lốc, mưa đá gây ra tại Hoàng Su Phì là trên 2 tỷ đồng. Trước thực tế trên, UBND thành phố Hà Giang đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT-TKCN, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường chủ động kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra để kịp thời có biện pháp khắc phục; đồng thời, nhanh chóng cử lực lượng xuống giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa, cây cối bị thiệt hại.
Hiện nay, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh, thành phố đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, thông tin, cảnh báo sớm và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và tổ chức kiểm tra, tổng hợp thiệt hại, huy động lực lượng để khắc phục hậu quả. Đối với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc cũng đang khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong những ngày qua; tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Kim Nhượng
Theo Bienphong
1 người chết, gần 5.000 ngôi nhà thiệt hại vì mưa đá Tối 3-3, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có báo cáo cập nhật về tình hình thiệt hại do mưa đá, dông lốc, thiên tai gây ra tại miền Bắc. Tính đến tối 3-3, mưa đá xảy ra tại 5 tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và Sơn La. Tại bản...