Đông Anh dốc sức đưa xã cuối cùng về đích
Dù đã về đích huyện nông thôn mới (NTM) năm 2016 nhưng hiện nay, huyện Đông Anh (Hà Nội) vẫn còn xã Dục Tú chưa được công nhận đạt chuẩn. Hiện huyện Đông Anh đã đề ra nhiều giải pháp mang tính cốt yếu để khắc phục các yếu điểm trên nhằm đảm bảo chương trình xây dựng NTM của địa phương phát triển đúng hướng.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Ông Nguyễn Văn Quang – Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho hay, nhờ thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của Đông Anh từ 2,24% vào năm 2016 đã giảm xuống còn 1,86% vào đầu năm 2017. Đến nay, huyện chỉ còn 460 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,57%.
Nghề trồng quất cảnh đang mang lại thu nhập cao cho các hộ dân tại một số xã của huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Đ.H
“Chúng tôi nhấn mạnh vai trò của xã hội hóa. Đây là trợ lực có ý nghĩa lớn với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, huyện Đông Anh phủ kín 100% quy hoạch trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/500″.Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh
Theo ông Quang, nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, giá trị sản xuất nông nghiệp huyện Đông Anh đã đạt trên 250 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn huyện tiếp tục được nâng cao, đến nay đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm.
Trong giai đoạn thực hiện xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM giai đoạn 2016-2020, đến hết quý I/2018, số xã được công nhận xã chuẩn NTM của huyện Đông Anh là 22/23 xã.
Hiện, chỉ còn xã Dục Tú chưa đạt chuẩn NTM. Theo kết quả đánh giá chấm điểm 19 tiêu chí xây dựng NTM, hiện xã đạt 16 tiêu chí, chưa đạt 3 tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất, văn hóa và trường học.
Theo kết quả chấm điểm huyện NTM giai đoạn 2016 – 2020 theo Hướng dẫn số 108/HD-UBND của TP.Hà Nội, huyện Đông Anh hiện đạt 99/100 điểm.
Video đang HOT
Huyện Đông Anh cũng triển khai thực hiện xây dựng NTM xã Đông Hội theo hướng điển hình tiên tiến gắn với phát triển đô thị. Đến nay, xã Đông Hội đã đạt 13 tiêu chí, chưa đạt 6 tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Anh vẫn còn ở quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất còn hạn chế. Tiến độ xây dựng NTM ở xã Dục Tú còn chậm, một số tiêu chí có tỷ lệ đạt còn thấp như an toàn thực phẩm, môi trường…
Để khắc phục tồn tại này, ông Lê Thiết Cương – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, huyện Đông Anh cần tiếp tục tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để sớm đưa xã Dục Tú cán đích xã NTM, đồng thời thực hiện từng bước phù hợp để đưa xã Đông Hội trở thành xã NTM điển hình gắn với phát triển đô thị.
“Bên cạnh đó, huyện cũng cần tập trung thực hiện quy hoạch phù hợp với tình hình của địa phương, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp” – ông Cương nói.
Chú trọng công tác quy hoạch
Xác định quy hoạch là khâu cốt yếu trong mục tiêu xây dựng NTM theo hướng đô thị hóa nông thôn, huyện Đông Anh tập trung huy động các nguồn lực để đẩy nhanh công tác này, phấn đấu hoàn thành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn vào năm 2020.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh Nguyễn Quang Đặng, đầu năm 2018, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND về đẩy mạnh việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của 85 điểm dân cư nông thôn trên địa bàn. Cùng với đó là 28 đồ án quy hoạch điểm dân cư nông thôn của 10 xã, giai đoạn 2018 – 2020. Đây được xem là cơ sở để huyện tăng cường công tác quản lý đầu tư, xây dựng theo quy hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng nguồn lực từ đất.
Ông Nguyễn Xuân Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, trong vòng 5 năm tới, nhu cầu sử dụng đất phát triển đô thị trên địa bàn huyện sẽ có những biến đổi lớn. Việc đẩy nhanh công tác quy hoạch sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hóa nông thôn.
“Địa phương đã xác định và phân công trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Cùng với đó là đẩy mạnh tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo quy trình, trình tự theo đúng quy định Nhà nước hiện hành, trên cơ sở dân chủ, công khai, cũng như bảo đảm chất lượng và tính khả thi cao của các đồ án quy hoạch” – ông Linh chia sẻ.
Theo Danviet
Xã hội hóa bảo tồn di tích - được ít, mất nhiều?
Bên cạnh những thành tựu, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích, di sản, danh lam thắng cảnh, cũng bộc lộ nhiều hạn chế và tiêu cực. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện được vai trò định hướng, quản lý dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa cao, tình trạng vi phạm trong hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo đã làm sai lệch các yếu tố gốc, thậm chí làm mới di tích.
Di tích bị xâm phạm thành chuyện thường ngày
Chỉ trong 1 năm qua, đã có hàng chục di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị vi phạm nghiêm trọng, thậm chí còn bị san phẳng. Chuyện di tích - di sản bị xâm phạm đã trở nên phổ biến và dường như mọi chế tài chưa đủ để răn đe cũng như chưa có những biện pháp tích cực trong việc khắc phục sự cố xảy ra, gây bức xúc trong dư luận.
Tam quan mới được xây dựng trước chùa Bổ Đà (Bắc Giang) - Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: L.C
"Trùng tu di tích hay di sản ở những nơi nhạy cảm thì nên tổ chức những hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia có thẩm quyền để tìm ra phương án tối ưu trên nguyên tắc bảo tồn hiện trạng và trùng tu một cách hợp lý, hợp tình". PGS-TS Tống Trung Tín
Mặc dù năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nhưng Huế thường xuyên phải đối mặt với nạn xâm hại nghiêm trọng đến vùng "lõi" quần thể di tích. Ngày 21.11.2017, lăng mộ của bà Trần Thị Nga - mẹ Vua Dục Đức bị kẻ gian đập phá, đào bới nghiêm trọng. Tiếp sau đó, để phát triển du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp 17.000m2 đất cho Công ty THNH Chuỗi Giá Trị khai thác làm bãi đỗ xe tham quan lăng Vua Tự Đức và lăng Vua Đồng Khánh đã và đang gây phương hại không chỉ ở góc độ bảo tồn di tích mà còn dẫn đến những hệ lụy trong các hoạt động văn hóa, du lịch. Cụ thể, trong quá trình san ủi mặt bằng, đơn vị thi công đã san phẳng lăng mộ bà họ Lê - tài nhân của Vua Tự Đức.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế thẳng thắn nhìn nhận: "Huế mang trong mình nhiều sứ mệnh lịch sử văn hóa vùng miền, quốc gia và quốc tế nên số di sản được chính thức công nhận vẫn còn rất khiêm tốn. Tiếp cận một di tích, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn với một di sản. Tôi cho rằng thái độ và quan điểm của các ngành chức năng khi nhìn nhận về di sản văn hóa có phần cứng nhắc, khi chỉ căn cứ trên phương diện hành chính (xếp hạng) dẫn đến cực đoan".
Một thông tin cũng đang gây bất bình trong dư luận trên các trang mạng xã hội, nhất là đối với người dân Huế, chính là kế hoạch "hạ giải" để làm mới chùa Từ Hiếu. Chùa Từ Hiếu (hay Tổ đình Từ Hiếu) là tên một ngôi chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ Hiếu là một trong những ngôi cổ tự lớn và là danh lam có tính văn hoá và lịch sử lâu đời của cố đô Huế. Ngoài ra, nhiều di tích, hiện vật khác thuộc quần thể cố đô Huế như: Lăng Khải Định, trường Quốc Tử Giám, bia Quốc học, Cửu vị thần công, Phu Văn Lâu, chùa Thiên Mụ... trong nhiều năm qua cũng bị rơi vào tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng.
Mới đây, báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về việc xây cổng tam quan mới ở chùa Bổ Đà hay còn gọi là chùa Quán Âm hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ. Đây là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất đất Kinh Bắc, là trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Bức xúc trước sự xuất hiện của cổng tam quan bề thế trước tam bảo, họa sĩ Đăng Kính, người đã có nhiều năm nghiên cứu về đình chùa và là một phật tử khẳng định: "Không có tam quan là điểm riêng đặc biệt của ngôi cổ tự Bổ Đà giờ đã bị cào bằng lẫn với các công trình khác. Nền tảng kiến trúc cũ vốn cũng đã để lại dấu ấn quen thuộc và hài hòa với địa hình nguyên thủy của chùa. Đâu phải các cổ đức tiền bối bỏ tam quan một cách tùy tiện, phải chăng các ngài muốn nói rằng Phật giáo chính là đời thường, là những điều bình dị nhất ở ngay xung quanh chúng ta, ngay trong tâm mỗi chúng ta, là chính chúng ta..., không thể có khoảng cách, ranh giới ngăn ngại nhưng vẫn rất thoát tục tôn nghiêm... Tu bổ trên tinh thần bảo tồn di tích cổ khi bị hư hoại là cần thiết nhưng phá vỡ giá trị lịch sử của di tích thì khó chấp nhận".
Nan giải bài toán bảo tồn và phát triển
Ngày 19.6.2017, khi thực hiện dự án bãi đỗ xe ở TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), đơn vị thi công đã san phẳng lăng mộ vợ vua Tự Đức. Trong ảnh: Vị trí cắm cọc chính là huyệt mộ của lăng. Ảnh: A.S
Theo thống kê, hiện tại nước ta có khoảng hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố. Hầu hết các di tích đều có niên đại xây dựng cách đây hàng trăm năm. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nhiều di tích rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có di tích mất dấu. Việc dành ngân sách tu bổ chỉ ưu tiên đối với các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc những di tích cấp tỉnh và hàng chục ngàn các di tích khác không được tu bổ và chưa được xếp hạng do nguồn kinh phí hạn hẹp.
"Luật Di sản văn hoá" có hiệu lực từ tháng 6.2001 đã thúc đẩy hoạt động xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản văn hoá. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng bộc lộ những bất cập, thậm chí tiêu cực trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn, làm xâm hại đến di tích. Qua những sự việc kể trên cho thấy, còn nhiều bất cập trong việc giải quyết hài hòa bài toán về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Trao đổi với PGS-TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, ông cho rằng: "Khi trùng tu, tôn tạo di tích, di sản phải nghiên cứu cơ sở pháp lý, các điều luật liên quan đến việc bảo tồn di tích, di sản. Mặc dù về lý lẽ theo thời gian cũng có những thay đổi, bổ sung, nhưng bổ sung như thế nào? Trùng tu di tích hay di sản ở những nơi nhạy cảm thì nên tổ chức những hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia có thẩm quyền để tìm ra phương án tối ưu trên nguyên tắc bảo tồn hiện trạng và trùng tu một cách hợp lý, hợp tình".
Trong một lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho rằng: "Giải quyết hài hòa giữa các lợi ích là bài toán khó. Trong từng trường hợp, cần đánh giá, nhận diện giá trị cốt lõi để xác định đối tượng ưu tiên và có biện pháp ứng xử phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương, nguyện vọng của cộng đồng và khả năng thực hiện công tác xã hội hóa".
Xâm hại di sản là căn bệnh trầm khaNhà thơ Võ Quê - người đã dành cả cuộc đời đau đáu với văn hóa và nghệ thuật xứ Huế không khỏi chạnh lòng chia sẻ: "Huế nổi tiếng là thành phố đẹp và thơ nhờ cảnh quan thiên nhiên và những giá trị kiến trúc của triều Nguyễn, kiến trúc của Pháp, được UNESCO đánh giá là "Bài thơ đô thị". Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo, nhà quản lý văn hóa không thẩm thấu hết phần tinh hoa, tinh túy, là hồn cốt xứ Huế".
Câu chuyện xâm hại vùng "lõi" di sản dường như đang trở thành căn bệnh trầm kha, khó chữa. Người ta ngang nhiên thực hiện những gì mà họ muốn với ý nghĩ "có tiền mua tiên cũng được". Điều này thực sự không có gì khó hiểu, bởi chỉ có đồng tiền mới làm mờ mắt một số cơ quan chức năng và những người thực thi pháp luật có biểu hiện đồng lõa và hành vi tiếp tay "làm ngơ" trước hành động coi thường luật pháp của một số tổ chức cá nhân, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở những nơi di sản được thế giới công nhận.
Theo Danviet
Chọn Hải Hậu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu: Chim đầu đàn đi trước Ngày 12.12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định và các bộ ngành liên quan đi thăm các mô hình thực tế và chủ trì hội nghị thông qua Đề án xây dựng huyện Hải Hậu nông thôn kiểu mẫu "Sáng - xanh - sạch - đẹp". Theo kế hoạch dự...