Đông Á “dậy sóng” sau bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản
Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tỏ ra giận dữ trước bài phát biểu lịch sử của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Quốc hội Mỹ, cho rằng nhà lãnh đạo này đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ với các nước láng giềng liên quan đến những bất đồng lâu nay về Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Các nước Đông Á phản đối mạnh mẽ phài phát biểu của Thủ tướng Abe tại Quốc hội Mỹ (Ảnh: )
Trong phản ứng chính thức đưa ra sáng nay 30/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lên án mạnh mẽ việc Thủ tướng Abe đã không nhân cơ hội có bài phát biểu lịch sử trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ để đưa ra lời xin lỗi về những tội ác mà quân đội Nhật Hoàng gây ra trong Thế chiến II, đặc biệt là việc ép nhiều phụ nữ châu Á làm nô lệ tình dục.
Theo cơ quan trên, lẽ ra nhà lãnh đạo Nhật Bản phải tận dụng cơ hội này để cho mọi người thấy rõ “những hiểu biết đúng đắn về lịch sử” và tạo ra “bước ngoặt” hướng tới việc hòa giải thực sự với Hàn Quốc cũng như các nước khác trong khu vực, ám chỉ Trung Quốc và cả Triều Tiên.
“Điều rất đáng tiếc là không hề có những hiểu biết như vậy, cũng như không có một lời xin lỗi chân thành (trong bài phát biểu trên)”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh.
Không chỉ Hàn Quốc, gần như cùng thời điểm, Triều Tiên cũng đã đưa ra quan điểm tương tự về bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nhật Bản khi cho rằng ông Abe đã cố tình che đậy những tội ác thời chiến trước đây của quân đội Nhật.
“Những tội ác của Nhật Bản chống lại loài người trong thời gian chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên và Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 là những thực tế lịch sử rõ ràng không thể che giấu được… Nếu nhà cầm quyền Nhật Bản cứ cố giấu giếm và lặp lại lịch sử đầy tội ác của mình thì họ sẽ không bao giờ có thể tránh được sự hủy diệt còn đáng xấu hổ hơn cả sự thất bại của họ trong cuộc chiến tranh trước đây”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ.
Video đang HOT
Truyền thông Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích việc ông Abe không đưa ra lời xin lỗi chính thức mà chỉ đề cập một cách gián tiếp đến vấn đề “phụ nữ mua vui”.
Trước đó, trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 29/4, Thủ tướng Nhật Bản chỉ bày tỏ sự “hối tiếc sâu sắc” về những tội ác do quân đội Nhật đã gây ra trong Thế chiến II, mà không đưa ra lời xin lỗi chính thức về vấn đề này.
“Lịch sử không thể sửa lại được. Thời hậu chiến, chúng tôi đã bắt đầu ghi nhớ trong tâm trí những cảm giác hối tiếc sâu sắc về cuộc chiến này. Những hành động của chúng tôi đã gây đau khổ cho người dân các nước châu Á. Chúng tôi không được phép ngoảnh mặt quay đi trước thực tế này”, ông nói trước các nhà lập pháp Mỹ.
Theo các nhà sử học, số nạn nhân làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Hoàng trong Thế chiến II là hơn 200.000 người. Tuy nhiên, hiện chưa đến 100 người trong số này còn sống.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo dantri
Thủ tướng Nhật Bản sắp có bài phát biểu lịch sử tại Quốc hội Mỹ
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trở thành thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản có bài phát biểu trong phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhân chuyến thăm Mỹ vào tháng tới.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga ngày 27/3 khẳng định bài phát biểu sắp tới của Thủ tướng Abe tại Quốc hội Mỹ "có ý nghĩa to lớn, trong đó thể hiện mạnh mẽ những ảnh hưởng của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật với thế giới".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh AFP)
"Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để gửi thông điệp tới thế giới rằng mối quan hệ Mỹ - Nhật, vốn đã được hàn gắn sau chiến tranh, đang tiếp tục đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng trên thế giới", ông Suga nhấn mạnh.
Trước đó, trong bức thử mời gửi tới nhà lãnh đạo Nhật Bản, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông John Boehner cho biết bài phát biểu của Thủ tướng Abe sẽ là cơ hội để người dân Mỹ lắng nghe từ một đồng minh thân cận về những cách mở rộng hợp tác ở cả lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh.
Trong thông báo, Chủ tịch Hạ viện Boehner khẳng định: "Tất nhiên, bài phát biểu của ông Abe sẽ nhắc tới quá trình đàm phán giữa hai nước về các thị trường tự do cũng như những biện pháp thúc đẩy tăng trường kinh tế thông qua tự do thương mại".
Thương mại hiện đang là nhân tố quan trọng trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của Tổng thống Barack Obama. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước được kỳ vọng sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm trong chuyến đi kéo dài 8 ngày của Thủ tướng Abe tới Mỹ.
Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng sẽ thảo luận với giới chức Mỹ về cách đưa ra phản ứng chung giữa hai nước trước những hành động của Trung Quốc tại châu Á thời gian qua, đặc biệt là việc mở rộng và cải tạo một số đảo ở Biển Đông.
Trong khi đó, có một số ý kiến phản đối lời mời nêu trên do lập trường của Thủ tướng Abe về "các vấn đề lịch sử" hồi Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Jeff Rathke cho biết bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản hôm 12/2 "đã gửi đi một thông điệp tích cực về các vấn đề lịch sử và Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Nhật Bản tiếp cận các vấn đề này theo hướng hòa giải và hàn gắn".
Như vậy Thủ tướng Abe sẽ đi vào lịch sử khi trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên phát biểu tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Trước đây, cha của ông Abe, Thủ tướng Kishi Nobusuke từng có bài phát biểu tại Hạ viện Mỹ vào năm 1957. Sau đó, Thủ tướng Hayato Ikeda cũng có bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ vào năm 1961.
Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ 3 có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong năm nay. Trước ông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu hôm mùng 3/3 và mới đây là Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.
Ngọc Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Nghị sỹ hai đảng hối thúc Obama vũ trang cho Ukraine Các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi thư thúc giục Tổng thống Obama cung cấp vũ khí sát thương phòng vệ cho quân đội Ukraine. Họ cho rằng Mỹ cần nắm vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng Ukraine trong bối cảnh châu Âu "không rõ ràng" và "thiếu kiên quyết". Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner...