Đóng 3.000 tàu cá vỏ sắt thay vỏ gỗ để ngư dân vươn khơi, bám biển
Ngày 4-6, trao đổi với Phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã và đang đẩy nhanh triển khai chương trình đóng tàu cá vỏ sắt thay thế vỏ gỗ và một số tàu kiểm ngư.
Mẫu tàu đánh cá lưới rê Hải Âu do Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam đóng tại Nam Định. Nguồn ảnh: Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP Hồ Chí Minh.
Riêng chương trình tàu cá vỏ sắt đã được xây dựng cách đây nhiều năm, vừa qua đã được Chính phủ quan tâm, bố trí vốn triển khai thực hiện. Tại hội nghị phát triển thuỷ sản ở Đà Nẵng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương hoán đổi tàu cá vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên trong tổng số hơn 130.000 tàu cá của cả nước. Tổng số vốn đầu tư cho đóng 3.000 tàu cá vỏ sắt đầu tiên là 10.000 tỷ đồng.
Trước đó, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã thí điểm đóng mẫu 6 tàu cá vỏ sắt từ cuối năm 2013. Đến nay, đã bàn giao 3 chiếc cho ngư dân hai tỉnh: Nam Định, Quảng Ngãi. Sau khi bàn giao, ngư dân đã đưa tàu đi đánh cá và khen ngợi, đánh giá cao mô hình tàu cá vỏ sắt. “Với lợi thế của tàu cá vỏ sắt hiện đại, ngư dân có thể thu hồi vốn trong vòng 3-5 năm, đủ chi trả cho đầu tư khoảng 4-5 tỷ đồng cho một tàu đóng mới. Với một số ngư dân làm ăn hiệu quả có thể thu hồi vốn ngay trong vòng 1-2 năm” – ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định và cho biết thêm: “Ban đầu một số ngư dân chưa quen tàu sắt, sợ tốn nhiên liệu vì công suất máy lớn, thường hơn 400 sức ngựa trở lên. Nhưng sau mấy chuyến đi biển về nhiều ngư dân đã thấy được tốc độ tàu nhanh hơn, lại tiết kiệm được 15% nhiên liệu. Tàu có khoang chứa lưới lớn, có khoang chứa ngư cụ, khoang bảo quản sản phẩm. Tàu cá vỏ sắt còn trang bị máy dò cá, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Trước kia ngư dân đi tàu gỗ không bảo quản sản phẩm được lâu nay có thiết bị bảo ôn có thể bảo quản sản phẩm tốt, giúp đi biển được dài ngày hơn. Trước tàu gỗ chỉ đi được sóng cấp 4-5, nay sóng cấp 7,8 vẫn có thể đi biển được”.
Mẫu tàu đánh cá lưới vây Hoàng Anh do Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam đóng tại Quảng Ngãi. Nguồn ảnh: Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cho biết, đến nay, rất nhiều địa phương có hiệp hội nghề cá đã đề xuất với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy để sớm triển khai chương trình đóng tàu cá vỏ sắt, như: các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, TP Hồ Chí Minh…
Ngày 12-6 tới đây, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ tổ chức cuộc hội thảo lớn ở Quảng Bình để giới thiệu các đội tàu cá và giới thiệu những ưu việt của sản phẩn tàu cá vỏ sắt. “Với năng lực của chúng tôi và nếu đủ nguồn tài chính thì một năm có thể đóng được 400 tàu cá vỏ sắt, cứ hai tháng ra một tàu, thậm chí nếu tập trung cao độ theo phương thức “gối đầu” thì có thể 5 ngày cho ra một tàu” – ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.
Video đang HOT
Mẫu tàu đánh cá Bảo Duy do Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam đóng tại Đà Nẵng. Nguồn ảnh: Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP Hồ Chí Minh.
Liên quan tới các dự án đóng tàu cá vỏ sắt, PGS.TS, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP Hồ Chí Minh cho biết, vào ngày 7-6 tới, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Đóng tàu đánh cá vỏ thép” để trao đổi về ba phương án tàu mẫu dùng lưới rê, lưới vây và lưới kéo của Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Thủ tướng thị sát tàu Kiểm ngư lớn nhất Việt Nam
Sáng 4/6 tại Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm Công ty Đóng tàu Hạ Long. Tại đây, Thủ tướng đã thị sát tàu kiểm ngư cỡ lớn mang số hiệu KN-781 vừa được Công ty hoàn thành và sẽ bàn giao trong tháng 6/2014.
Tàu KN 781. Ảnh: Trần Bá Khảng
Video Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tàu KN 781
Tại Công ty Đóng tàu Hạ Long (doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát tàu kiểm ngư cỡ lớn mang số hiệu KN-781, một trong những con tàu tuần tra lớn nhất của Việt Nam, có lượng giãn nước hơn 2.000 tấn; tàu có khu vực chứa và sân đỗ cho máy bay trực thăng trong những chuyến tuần tra.
Việc được trang bị tàu tuần tra cỡ lớn sẽ giúp lực lượng Kiểm ngư Việt Nam thực hiện được những chuyến tuần tra xa bờ, dài ngày để hỗ trợ ngư dân cũng như bảo đảm việc thực thi pháp luật trên vùng biển của Việt Nam.
Bên cạnh tàu kiểm ngư KN-781, một tàu kiểm ngư tương tự cũng đang được Công ty Đóng tàu Hạ Long đóng và dự kiến sẽ được bàn giao trong tháng 7/2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tàu kiểm ngư KN-781. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cũng tại Công ty Đóng tàu Hạ Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2014, về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu, chương trình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân, tình hình thực hiện công tác tái cơ cấu, hoạt động đóng tàu kiểm ngư,...
Về chương trình tàu cá vỏ thép thí điểm, theo lãnh đạo Tổng Công ty, chương trình đã được triển khai thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên theo chương trình thí điểm đã được Tổng Công ty bàn giao cho chủ tàu vào cuối năm 2013 và chủ tàu đã đưa vào khai thác chuyến đầu tiên từ giữa tháng 1/2014. Đến nay đã có 3/6 chiếc tàu được bàn giao cho ngư dân đưa vào khai thác.
Theo đánh giá bước đầu, tàu vỏ thép đã thể hiện những tính năng vượt trội so với tàu vỏ gỗ truyền thống, như tốc độ di chuyển cao hơn, mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn khoảng 15% so với tàu gỗ có cùng kích thước; tính an toàn cùng khả năng đi biển tốt hơn tàu vỏ gỗ nên có thể hoạt động liên tục dài ngày; khả năng đánh bắt, bảo quản sản phẩm tốt hơn;...
Với những ưu điểm nêu trên, mặc dù mức đầu tư của tàu vỏ thép cao hơn khoảng 60% so với tàu vỏ gỗ cùng kích thước và công suất, song tàu vỏ thép sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn từ việc gia tăng sản lượng, chất lượng đánh bắt và đặc biệt là độ an toàn cao trong khai thác.
Tổng Công ty sẽ tiến hành đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện dự án đóng mới tàu mẫu đánh cá vỏ thép sau khi các tàu đã được bàn giao hết và đưa vào khai thác, dự kiến vào cuối tháng 6/2014. Trên cơ sở đó, Tổng Công ty sẽ báo cáo các cơ quan liên quan về kết quả của dự án đóng mới tàu mẫu đánh cá vỏ thép, đồng thời phối hợp với cơ quan thiết kế để hoàn thiện các tính năng kỹ thuật của từng mẫu tàu, sẵn sàng đưa vào sản xuất trên diện rộng.
Thủ tướng trao đổi với cán bộ Công ty Đóng tàu Hạ Long. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Làm việc với Tổng Công ty, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia biển, có vùng biển rộng lớn với diện tích trên 1 triệu km2, đây là không gian sinh tồn, không gian phát triển của đất nước, của dân tộc. Kinh tế biển và các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, vận tải biển,... thời gian qua đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ trương phát triển ngành công nghiệp đóng tàu biển là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển kinh tế biển. Những năm qua, ngành đóng tàu của Việt Nam đã có bước tiến dài, các kỹ sư, công nhân chúng ta đã đóng được nhiều thế hệ tàu hiện đại, có chất lượng, thời gian đóng nhanh. Phải tiếp tục khẳng định và phát triển ngành đóng tàu, vừa đáp ứng cho nhu cầu trong nước, phục vụ cho đánh bắt thủy hải sản, vận tải, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển,..., vừa đáp ứng cho xuất khẩu. Những yếu kém của Vinashin không phải là yếu kém của ngành đóng tàu, mà là yếu kém trong lãnh đạo quản lý, trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, quản lý đầu tư; những yếu kém này đã được nhìn nhận nghiêm túc và xử lý kiên quyết, nghiêm minh và khẳng định quan điểm không vì những yếu kém của Vinashin mà chúng ta từ bỏ ngành đóng tàu.
Từ quan điểm như vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quyết định tái cơ cấu Vinashin, giữ lại thành Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy với 8 doanh nghiệp chủ lực; 8 doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% năng lực đóng tàu của cả nước.
Thời gian qua, Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy đã hết sức nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả trong hoạt động. Trước hết là trong tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu sản xuất, tổ chức lại sản xuất, tiếp tục duy trì được sản xuất, duy trì được năng lực đóng tàu, thoái được vốn đầu tư ngoài ngành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy tiếp tục tập trung cho thực hiện công tác tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu tái chính và xử lý nợ, tái cơ cấu sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động; đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc; hết sức quan tâm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh, biểu dương Tổng Công ty thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ được giao là đóng tàu kiểm ngư, góp phần thiết thực vào bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Nhấn mạnh các tàu kiểm ngư các cỡ do các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty đóng đã được giao có chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu, Thủ tướng đề nghị Tổng Công ty tiếp tục thực hiện đóng và bàn giao theo đúng kế hoạch được giao đối với các tàu kiểm ngư còn lại, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm ngư nhằm bổ sung thiết kế cho tàu kiểm ngư để phù hợp với yêu cầu thực tế; luôn sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao về bảo dưỡng, sửa chữa, đóng các tàu phục vụ cho lực lượng chấp pháp biển.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh luôn mong mốn trang bị cho ngư dân tàu lớn hơn, hiện đại hơn, an toàn hơn nhưng phải gắn liền với tính hiệu quả, đảm bảo tính bền vững. Trên tinh thần đó, mô hình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân đã được triển khai thực hiện, cơ chế tài chính cho thí điểm cũng đã được ban hành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Tổng Công ty tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, ngư dân để đóng các tàu vỏ thép phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của ngư dân, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển ngành đánh bắt hải sản.
Theo Chính Phủ
Huyện đảo Hoàng Sa mua lại con tàu bị Trung Quốc đâm chìm Ông Võ Công Chánh - Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng), đề xuất mua lại con tàu ĐNa 90152TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm để trưng bày, tố cáo hành vi sai trái. Ông Ngữ và cán bộ huyện đảo Hoàng Sa khảo sát hiện trạng hư hại con tàu đắm. Sáng nay (4/6), ông Chánh cùng đoàn công...