Donetsk đề nghị sáp nhập vào Nga
Phe tự trị ở miền đông Ukraine liên tục có những động thái khiến khủng hoảng chính trị – xã hội ở nước này ngày càng diễn biến nghiêm trọng.
Người thân Nga ở Donetsk ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý – Ảnh: AFP
Tờ Le Monde ngày 13.5 dẫn lời lãnh đạo phe đòi tự trị tại tỉnh Donetsk Denis Pushilin chính thức kêu gọi Moscow xem xét thu nhận “Cộng hòa nhân dân Donetsk” vào Liên bang Nga. Phe đòi tự trị ở một tỉnh miền đông khác là Lugansk trước đó cũng thông báo có thể tổ chức trưng cầu về việc sáp nhập vào Nga. Cuộc trưng cầu dân ý ngày 11.5 tại 2 tỉnh nói trên cho kết quả ủng hộ với tỷ lệ rất cao (lần lượt là gần 90% và trên 96%) việc thành lập nhà nước độc lập. Việc “Cộng hòa nhân dân” Donetsk và Lugansk đòi “chia tay” với Kiev có thể xem là diễn biến bất ngờ. Cho đến khi đóng cửa phòng phiếu ngày 11.5, lực lượng thân Nga chỉ đưa ra những phát biểu về “lãnh thổ tự trị”, tức vẫn thuộc Ukraine ít nhất trong một thời gian và chỉ tính chuyện nhập vào Nga nếu Kiev không thực hiện cải cách nhằm tăng quyền cho các địa phương. Bên cạnh đó, nhiều cử tri bỏ phiếu thuận ở Donetsk và Lugansk tuy rất phản đối chính quyền trung ương lâm thời nhưng không muốn tách khỏi Ukraine.
Giới quan sát nhận định phe đòi tự trị đang đi những nước cờ cứng rắn để gây sức ép khiến Kiev phải nhượng bộ và tiến đến “liên bang hóa” Ukraine. Cụ thể, ngay sau khi ông Pushilin tuyên bố muốn nhập vào Nga, đến lượt “Tư lệnh quân đội” tự phong của “Cộng hòa nhân dân” Donetsk Igor Strelkov thông báo mở chiến dịch “chống khủng bố” nhằm vào “những nhóm tân phát xít” như đảng cực hữu Khu vực cánh hữu và kể cả lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine, theo RIA-Novosti. Đây có thể xem là lời đáp trả của lực lượng thân Nga với chiến dịch “chống khủng bố” ở miền đông do Kiev phát động từ đầu tháng 4. Ông Strelkov cũng cho biết các binh sĩ và cảnh sát Ukraine ở Donetsk có 48 giờ để tuyên thệ trung thành với chính quyền tự trị hoặc rời khỏi nơi này.
Quyết tâm tự trị ở Donetsk và Lugansk chắc chắn sẽ khiến tình hình Ukraine thêm căng thẳng. Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov mới đây khẳng định vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch “chống khủng bố” và quân đội nước này sẵn sàng đối đầu với “những kẻ muốn khiêu khích”. Đặc biệt, ông Avakov nhấn mạnh kỳ bầu cử tổng thống ngày 25.5 vẫn diễn ra tại Donetsk, Lugansk như dự kiến dù lực lượng chống chính phủ tại hai nơi này đã tuyên bố tẩy chay.
Video đang HOT
Trước những diễn biến phức tạp ở miền đông Ukraine, Nga tỏ ra khá thận trọng. Khác hẳn với cuộc trưng cầu tại Crimea hồi tháng 3, Điện Kremlin ra thông cáo “tôn trọng ý nguyện của người dân Donetsk và Lugansk” nhưng vẫn chưa thừa nhận kết quả của cuộc trưng cầu ngày 11.5. Moscow cũng chưa đưa ra bình luận gì về đề nghị sáp nhập vào Nga của hai nơi này. Cùng lúc đó, Nga tỏ ý ủng hộ EU và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) làm trung gian hòa giải để hạ nhiệt căng thẳng nhưng đồng thời vẫn tiếp tục gây sức ép lên Ukraine. Trong thông cáo ngày 13.5, Bộ Ngoại giao Nga nhận định việc Kiev từ chối ngồi vào bàn đàm phán với phe đòi ly khai ở miền đông và đông nam là “khước từ đối thoại với nhân dân”. Cùng ngày, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom (Nga) thông báo sẽ cắt nguồn khí đốt cung cấp cho Ukraine vào ngày 3.6 nếu Kiev không thanh toán hóa đơn của tháng này trễ nhất vào ngày 2.6.
Theo TNO
Máu lại đổ ở đông Ukraina
BBC dẫn các thông tin báo chí cho biết 7 binh sĩ Ukraina vừa bị giết trong một cuộc phục kích ở vùng Donetsk thuộc miền đông nước này.
Vụ tấn công xảy ra nhằm vào một đơn vị gần thị trấn Kramatorsk. Theo Bộ Quốc phòng ở Kiev, họ bị khoảng 30 quân nổi dậy được trang bị nhiều vũ khí tấn công.
Căng thẳng ở các vùng miền đông Ukraina đang leo thang. (Ảnh: EPA)
Các phóng viên đưa tin, đây là thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng nhất của chính phủ tạm quyền ở Kiev trong chiến dịch chống li khai ở miền đông. Donetsk là một trong hai vùng đã tuyên bố tách khỏi Ukraina sau các cuộc trưng cầu dân ý ngày 11/5 mà Kiev, EU và Mỹ lên án là trái phép.
Bộ Quốc phòng Ukraina cho biết, một xe bọc thép chở lính dù đã bị tấn công bởi súng phóng lựu và phát nổ. Thêm nhiều binh sĩ nữa bị giết và bị thương trong một trận đọ súng do quân nổi dậy trốn trong bụi rậm khởi sự.
Hôm 12/5, lực lượng li khai thân Nga tuyên bố độc lập ở Donetsk nói rằng tất cả quân lính Ukraina trong khu vực sẽ bị xem là lực lượng chiếm đóng và phải rời đi. Lãnh đạo của họ, Denis Pushilin, còn lên tiếng kêu gọi Nga "tiếp nhận" Donetsk.
Denis Pushilin (giữa) tự nhận là lãnh dạo "Cộng hòa Nhân dân Donetsk". (Ảnh: EPA)
Trong khi đó ở vùng Luhansk gần đó, phe li khai cáo buộc có âm mưu nhằm giết chết một thủ lĩnh của họ. Thống đốc tự xưng Valery Bolotov bị bắn và mất nhiều máu song tính mạng của ông không gặp nguy hiểm.
Trong một diễn biến khác, khi tới thăm Kiev, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi các bên ở Ukraina hãy ngồi lại đối thoại. Ông bày tỏ sự ủng hộ cho một cuộc đàm phán quốc gia mà chính phủ Ukraina dự định tổ chức trong hôm nay (14/5).
Giới chức ở Kiev cho biết, cuộc gặp sẽ bao gồm các chính trị gia và lãnh đạo dân sự đến từ miền đông song phe li khai nơi đây từ chối đàm phán.
Ngoại trưởng Đức cũng ủng hộ cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraina vào ngày 25/5, sự kiện mà ông khẳng định là "cốt yếu" trong việc đưa đất nước này ra khỏi khủng hoảng.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Bàn tay tài phiệt Ukraina sau làn sóng tự trị ở miền đông Với các làn sóng bạo lực liên tiếp xảy ra tại miền đông Ukraina, nơi nhiều thể hiện mong muốn một quy chế tự trị cho Donetsk và Lugansk, câu hỏi đặt ra là các nhà tài phiệt lắm tiền nhiều của nhất của Ukraina đang làm gì... với túi tiền của mình. Không giống như tỉ phú Petro Poroshenko đang bỏ tiền...