‘Donald Trump sẽ hủy hoại mọi thứ Mỹ đã làm ở châu Á’
Chuyên gia Mỹ Robert A. Manning cảnh báo thế giới quan và chính sách của ông Donald Trump sẽ phá hủy mọi thứ mà Mỹ đã làm để thiết lập sự hiện diện và ảnh hưởng của mình trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á.
Chính sách đối ngoại tỉ phú Donald Trump vừa công bố đang gây nhiều tranh cãi – Ảnh: Reuters
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap ngày 4.4 dẫn phân tích của chuyên gia Mỹ Robert A. Manning cho rằng nếu tỉ phú Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ thì thế giới quan mà ứng cử viên này theo đuổi sẽ xóa bỏ những gì Mỹ đã làm để thiết lập sự hiện diện và ảnh hưởng của mình trên thế giới. Đặc biệt, chính sách của Trump đối với các đồng minh có thể “làm sáng tỏ toàn bộ trật tự sau Thế chiến thứ 2″.
“Lúc nào Trump cũng nghĩ Mỹ chẳng được gì”
Trong bài viết của mình đăng trên trang web của tổ chức Atlantic Council (một viện chính sách có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ), ông Manning chỉ ra những điều đáng lo ngại trong chính sách đối ngoại mà tỉ phú Donald Trump đưa ra. Những chính sách này bao gồm việc đàm phán lại tất cả những hiệp định thương mại hiện có và các chính sách đối với châu Á.
Ông Manning phân tích, ông Trump không nhận thấy sự hiện diện bên ngoài lãnh thổ quốc gia của Mỹ và mạng lưới đồng minh là thứ có thể tạo ra vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ cũng như giúp Washington ngăn chặn các đối thủ và thực thi hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Thay vào đó, tỉ phú này chỉ nghĩ rằng đó là “tiền bảo hộ”.
“Tệ hơn là ông Trump dường như không nhận thức được chuyện Nhật Bản phải mang gánh nặng hỗ trợ Mỹ 1,6 tỉ USD mỗi năm cho các căn cứ của Mỹ ở nước này. Tương tự, Hàn Quốc cũng phải trả 867 triệu USD hằng năm để bù trừ cho các chi phí của lực lượng Mỹ có mặt tại Hàn Quốc”, ông Manning viết.
Video đang HOT
Theo chuyên gia Mỹ, ông Trump lúc nào cũng nghĩ các đồng minh của Mỹ được hưởng lợi một chiều và Washington chẳng được gì. Thế nhưng trên thực tế các đồng minh châu Á của Mỹ đang ngày càng cho thấy mối quan hệ hai chiều. Cụ thể như Nhật Bản mới đây đã thông qua chính sách an ninh quốc gia mới cho phép lực lượng phòng vệ nước này được tham chiến ở nước ngoài, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ 2.
Ông Manning chỉ ra rằng nếu không có các căn cứ quân sự ở khu vực như đang đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ sẽ không thể nhanh chóng trở thành một cường quốc Thái Bình Dương và tăng cường sức mạnh ở châu Á. Ấy vậy mà tỉ phú Trump lại sẵn sàng rút quân và hủy bỏ hiệp ước đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc nếu hai nước này từ chối tăng cường hỗ trợ lực lượng Mỹ.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung – Ảnh: Reuters
Chuyên gia Mỹ còn phân tích việc chọn thời điểm kỳ quặc của ông Trump. Theo đó, giữa lúc vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đang gia tăng và Trung Quốc đang có nhiều hành động quyết liệt trên Biển Đông và biển Hoa Đông thì ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ này lại nghĩ tới chuyện cần rút quân và hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Manning nhấn mạnh Trung Quốc đã hung hăng bồi đắp phi pháp các đá và rạn san hô trên Biển Đông thành đảo nhân tạo, triển khai xây dựng cảng, đường băng, thậm chí bố trí các thiết bị quân sự trên đó. Hơn lúc nào hết Mỹ cần giữ vững vai trò vốn có để ứng phó với Trung Quốc, thế nhưng tỉ phú Trump chẳng màng tới điều đó.
“Chẳng biết gì về Trung Quốc”
Cũng trong quan hệ với Trung Quốc, ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ có sức mạnh kinh tế vượt trội hơn hẳn Trung Quốc nên có thể dùng kinh tế đối phó các hành động của Trung Quốc. Thế nhưng theo ông Manning, tỉ phú Mỹ dường như không biết đến việc Bắc Kinh nắm giữ 1,2 nghìn tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Và ông Trump cũng chẳng hề tính đến việc Trung Quốc trả đũa nếu Mỹ dùng thương mại làm vũ khí trước Trung Quốc.
Phản ứng trước những chính sách mà tỉ phú Trump đưa ra, nhật báo JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) có bài viết rằng: “Chúng tôi thực sự chết lặng trước quan điểm thiển cận của một ứng cử viên hàng đầu như thế. Thái độ đó có thể gây mất lòng tin và bất bình đối với Chú Sam (ý chỉ nước Mỹ)”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dù không bình luận về cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng nhanh chóng nhấn mạnh Hiệp ước quốc phòng chung Mỹ – Hàn là nền tảng của mối quan hệ liên minh với Mỹ.
Về phía Nhật, sau khi tỉ phú Trump đưa ra những phát ngôn trên, Thủ tướng Shinzo Abe đã nói rằng: “Dù bất kỳ ai làm tổng thống tiếp theo của Mỹ thì mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật vẫn là cơ sở của nền ngoại giao Nhật Bản. Sẽ không có sự thay đổi nào đối với quan hệ hợp tác mật thiết này”.
Theo tác giả Manning, kể từ sau Thế chiến thứ 2, Mỹ đã tăng cường vai trò của mình trên toàn thế giới, bao gồm khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những gì Mỹ đã làm đến nay đều mang những ý nghĩa nhất định và sự hiện diện của Mỹ đã tác động đáng kể đến khu vực. Thế nhưng “Donald Trump hình như sẵn sàng làm thay đổi tất cả những điều đó”.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Tổng thống Obama nói ông Trump chẳng biết gì về hạt nhân
Phát ngôn của tỉ phú Donald Trump về việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời để 2 nước này tự phát triển vũ khí hạt nhân một lần nữa hứng chịu chỉ trích, lần này từ Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Obama ám chỉ ông Trump chẳng biết gì về chính sách hạt nhân - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Obama sau hội nghị an ninh hạt nhân ngày 1.4 nói về phát biểu của tỉ phú Trump rằng: "Người đưa ra những tuyên bố như vậy chẳng biết gì nhiều về chính sách ngoại giao, về chính sách hạt nhân, về tình hình bán đảo Triều Tiên hay thế giới nói chung", theo ABC News ngày 1.4.
Tổng thống Obama cho biết nhiều nhà lãnh đạo các nước đã tiếp cận riêng với ông và bày tỏ lo ngại về những đề xuất của ứng cử viên tổng thống Donald Trump trong suốt chiến dịch tranh cử.
"Tôi đã từng nói trước đây rồi, mọi người chú ý rất nhiều đến cuộc bầu cử tại Mỹ. Những hành động của chúng ta rất quan trọng với phần còn lại của thế giới", tổng thống Mỹ nói.
Ông Obama xem liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong những nền tảng đối với sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, theo The Politico. Tổng thống Obama nhấn mạnh việc có mặt tại khu vực này là lợi ích vô cùng to lớn cho ngành thương mại và sự ảnh hưởng của Mỹ.
Ngoài ra, việc Mỹ hiện diện trong khu vực này còn ngăn ngừa khả năng leo thang và xung đột hạt nhân giữa các nước trong quá khứ và xuyên suốt đến nay. Tổng thống Obama cho rằng chẳng ai muốn một người không hiểu được tầm quan trọng của những điều đó lại trở thành tổng thống Mỹ.
"Đừng làm rối tung mọi thứ lên. Chúng tôi không muốn ai đó xuất hiện trong phòng Bầu Dục này mà lại không nhận ra tầm quan trọng trong của điều đó (liên minh giữa Mỹ-Nhật-Hàn)", ông Obama nói.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Donald Trump mà có quyền, thế giới tha hồ xài... vũ khí hạt nhân Trước thềm hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Mỹ, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bản thân ông sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu. Ông Donald Trump đang cổ súy cho việc phổ biến vũ khí hạt nhân - Ảnh: Reuters Nước Mỹ hết tiền? Phát biểu trên...