“Donald Trump không biết nhiều về Triều Tiên”
Dù chưa đầy một tháng nữa ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức nhưng Tổng thống Mỹ đắc cử dường như chưa có kế hoạch đối phó trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Yonhap đưa tin trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, cố vấn cấp cao khu vực châu Á của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và châu Á (CSIS), bà Bonnie Glaser cho rằng nhóm chính sách đối ngoại của ông Trump cũng chưa hoàn thành xây dựng một chiến lược toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc.
Theo bà Glaser, “ông Trump là người không biết nhiều về Triều Tiên” đồng thời nhấn mạnh đối với Washington, Bình Nhưỡng có thể trở thành mối đe dọa tiềm năng nếu như Triều Tiên đủ năng lực sản xuất đầu đạn hạt nhân với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
“Liệu chúng ta có cần một chiến lược tập trung vào quốc phòng? Chúng ta có cần tăng cường các hành động răn đe Triều Tiên? Một số người đang lo ngại về khả năng xảy ra các cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa bởi chúng ta không thể biết Triều Tiên đặt vệ tinh hay đầu đạn hạt nhân lên bệ phóng”, bà Glaser ám chỉ chính sách đối ngoại trong tương lai của ông Trump.
Video đang HOT
“Nhiều cuộc thảo luận bàn về việc liệu chúng ta có thực sự cần phải cắt đứt hoạt động thương mại để gây khó cho nền kinh tế Triều Tiên và liệu rằng lệnh trừng phạt có thể khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt”, bà Glaser nói thêm.
Trong khi đó, phần lớn các chuyên gia Mỹ đều có chung quan điểm rằng Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề lớn mà chính quyền của ông Trump phải đối mặt khi Bình Nhưỡng vẫn không từ bỏ tham vọng sản xuất đầu đạn hạt nhân đủ sức vươn tới lục địa Mỹ. Tổng thống Barack Obama được cho đã đưa ra lời cảnh báo tới ông Trump về mối đe dọa từ Triều Tiên khi hai người gặp mặt tại Nhà Trắng hồi tháng trước.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ tạo thêm áp lực buộc Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng với Triều Tiên bởi Bắc Kinh đóng vai trò là nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng chính cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Trump cho biết sẵn sàng tiến hành đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Song tuyên bố của ông Trump đã vấp phải sự phản đối lớn từ dư luận.
Hồi đầu tháng 12, Tổng thống Mỹ đắc cử còn chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc “vì không giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên trong khi Trung Quốc hoàn toàn có thể”. Ông Trump còn đặt ra câu hỏi vì sao Mỹ vẫn duy trì quan điểm với chính sách “một Trung Quốc” vốn coi Đài Loan là một tỉnh tự trị của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh không hợp tác với Washington để giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng.
“Ông Trump dường như muốn phá vỡ thế cân bằng với Trung Quốc bằng cách đưa ra tín hiệu về việc ông ấy sẽ không thực hiện phương thức đàm phán như Tổng thống Obama đã làm trong 8 năm qua mà thay vào đó sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc”, bà Glaser chia sẻ
(Theo Infonet)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trân Châu Cảng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hạ cánh ở Hawaii trong chuyến thăm Trân Châu Cảng - căn cứ hải quân Mỹ bị Nhật Bản tấn công vào năm 1941.
Đài BBC (Anh) hôm 26-12 cho biết ông Abe sẽ tới thăm Trân Châu Cảng cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong khuôn khổ chuyến đi kéo dài 2 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên có sự góp mặt của 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật kể từ năm 1941.
Trước khi rời Nhật Bản, ông Abe phát biểu với các phóng viên: "Chúng ta không được lặp lại cuộc chiến kinh hoàng một lần nữa. Cùng với Tổng thống Obama, tôi xin gửi lời cam kết này đến toàn thể thế giới".
Ông Abe dự kiến sẽ tưởng niệm những người đã khuất nhưng không xin lỗi về cuộc tấn công do quân đội Nhật phát động cách đây 75 năm, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết đầu tháng này.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng "mục đích của chuyến thăm là để tỏ lòng kính trọng đối với những người bỏ mạng vì chiến tranh, không phải để xin lỗi".
Thủ tướng Abe đặt hoa tại Nghĩa trang Tưởng niệm Quốc gia Thái Bình Dương ở TP Honolulu, bang Hawaii hôm 26-12. Ảnh: JAPAN TIMES
Trận chiến năm 1941 đã giết chết 2.300 thủy thủ và lính thủy đánh bộ Mỹ, đồng thời kéo Mỹ vào Thế chiến thứ hai. Tổng cộng 8 tàu chiến tại Trân Châu Cảng lúc đó bị hư hại và 4 chiếc bị đánh chìm. Tuy nhiên, các tàu sân bay chính của Mỹ vẫn an toàn trên biển.
Sau khi thăm Trân Châu Cảng và đặt vòng hoa tại nghĩa trang quốc gia Punchbowl, hai ông Obama và Abe sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh ở Hawaii, cũng là cuộc họp cuối cùng giữa hai người trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng sẽ vinh danh 9 sinh viên và thủy thủ đoàn Nhật Bản bị chết đuối hồi tháng 2-2001 khi tàu cá Ehime Maru bị đắm trong một vụ va chạm với tàu ngầm Mỹ lúc nó trồi lên mặt nước.
Chuyến thăm của Thủ tướng Abe diễn ra 3 tuần sau lễ kỷ niệm 75 năm trận chiến Trân Châu Cảng. Hồi đầu năm nay, Tổng thống Obama đã tới thăm TP Hiroshima - Nhật Bản, nơi hứng chịu 1 quả bom nguyên tử vào năm 1945 do Mỹ thả xuống khiến ít nhất 150.000 người thiệt mạng. Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Hiroshima.
Trước ông Abe, cố Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Yoshida từng ghé Trân Châu Cảng năm 1951 nhưng chỉ đi một mình.
(Theo Người Lao Động)
Trump có chiến thắng lớn đầu tiên khi còn chưa nhậm chức Giám đốc điều hành của Tập đoàn Lockheed Martin phải vội vàng tuyên bố hạ giá chiến đấu cơ F-35 để chiều lòng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ngay sau khi ông lên tiếng chê mẫu máy bay này quá đắt đỏ. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chê chiến đấu cơ F-35 của nhà thầu vũ khí Lockheed Martin...