Donald Trump khó từ bỏ châu Á vì không muốn ‘Mỹ yếu đuối’
Mặc dù Donald Trump có thể giảm hiện diện của Mỹ ở châu Á nhưng với bản tính của mình, ông cũng không muốn tạo dựng hình ảnh nước Mỹ yếu ớt.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP
Theo những tuyên bố trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhiều nhà quan sát cho rằng tổng thống mới đắc của của Mỹ sẽ loại bỏ những di sản mà Tổng thống Barack Obama dày công xây đắp, trong đó có chính sách xoay trục châu Á. Tuy nhiên một số chuyên gia lại cho rằng điều đó không chắc xảy ra.
“Các cố vấn của ông Trump đang chỉ trích chính sách xoay trục châu Á nhưng dường như họ sẽ không duy trì quan điểm này. Trên tờ Foreign Policy, một số cố vấn kêu gọi tăng cường chi tiêu cho Hải quân Mỹ nhằm tăng hiện diện của Washington ở Thái Bình Dương. Các cố vấn về Trung Quốc của ông Trump vẫn có quan điểm khá cứng rắn”, Giáo sư John Delury, Đại học Yonsei, Hàn Quốc, trao đổi với VnExpress.
Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Nick Bisley, Đại học La Trobe, Australia, không cho rằng Mỹ sẽ giảm đáng kể sự hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương. Giáo sư cũng bác bỏ nghi ngờ Tổng thống mới đắc cử Trump sẽ không quan tâm nhiều đến tình hình ở Biển Đông để dành ưu tiên cho các vấn đề đối nội, do những hành động của Trung Quốc ở vùng biển này được coi như là sự xem thường uy tín của Mỹ và vị thế của nước này trên toàn cầu.
Chuyên gia Bisley lưu ý ông Trump chỉ nhắc đến Biển Đông khi chỉ trích chính quyền của ông Obama yếu ớt.
“Ông Trump là người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và ông sẽ không có những hành động khiến bản thân hay nước Mỹ trông có vẻ yếu đuối”, ông Bisley nói.
Tiếp cận vấn đề dưới khía cạnh thương mại, ông Phạm Trọng Nghĩa, Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ, Chương trình nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu của Đại học Oxford (Anh) và Đại học Princeton (Mỹ), cho biết ông Trump không nhắc nhiều đến vấn đề Biển Đông trong quá trình tranh cử nhưng những mâu thuẫn về thương mại với Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới chính sách của ông về vấn đề này. Ông Trump từng doạ sẽ đánh thuế rất cao với hàng hoá từ Trung Quốc, nếu hai nước có chiến tranh thương mại, mâu thuẫn về các vấn đề khác sẽ nảy sinh và khó tìm được tiếng nói chung.
Theo ông Nghĩa, về phía Trung Quốc, nếu có chiến tranh thương mại với Mỹ, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong ngắn hạn, Bắc Kinh có thể phải cắt giảm các nguồn lực dành cho các yêu sách trên Biển Đông nhưng về dài hạn nếu khủng hoảng kinh tế dẫn tới khủng hoảng xã hội, rất có thể Trung Quốc sẽ có chính sách ngoại giao hung hãn hơn.
Châu Á nên chuẩn bị trước cho mọi kịch bản
Giáo sư Delury cảnh báo Donald Trump nhiều lần thể hiện sự thiếu nhất quán trong chiến dịch tranh cử tổng thống về các chính sách đối nội và đối ngoại. Ông cũng chưa từng có kinh nghiệm trong việc đưa ra các quyết sách liên quan đến các vấn đề ngoại giao. Do đó việc dự đoán chính sách của Trump cực kỳ khó, thậm chí cả khi ông tuyên bố bổ nhiệm các thành viên nội các sắp tới. Trong khi các cố vấn ngụ ý có thể tăng chi tiêu cho Hải quân Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương, ông Trump lại muốn các đồng minh của Mỹ chi trả cho các chi phí để duy trì mối hợp tác quân sự. Điều đó cho thấy ông sẽ không muốn thay đổi quan điểm để bảo vệ các nước láng giềng của Trung Quốc trước sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Video đang HOT
Ông Bisley cũng cho rằng việc bàn các chính sách của ông Trump thời điểm này chỉ mang tính “võ đoán”.
Là một đại diện từ Nhật Bản, nước đồng minh thân thiết của Mỹ, Giáo sư Tosh Minohara, Đại học Kobe, tỏ rõ sự lo ngại về tổng thống đắc cử Trump trong duy trì quan hệ với châu Á nói chung.
“Vấn đề chính ở đây là ông Trump chủ trương Mỹ là trước hết (America First). Các chính sách của ông sẽ xem xét điều gì là tốt nhất cho Mỹ, Washington sẽ bỏ bớt trách nhiệm với thế giới và tập trung nhiều hơn vào các lợi ích của họ. Là một doanh nhân, ông Trump sẽ nhìn nhận mọi việc từ điểm mấu chốt này”, ông Minohara nói.
Chuyên gia người Nhật dự đoán quan hệ kinh tế và an ninh giữa Mỹ và các nước châu Á sẽ bị suy giảm do chính sách thương mại của Trump dựa trên chủ nghĩa bảo hộ.
“Các lãnh đạo khôn ngoan ở khắp châu Á sẽ phải chuẩn bị cho rất nhiều khả năng về chính sách của ông Trump. Chúng ta vẫn đang trong thời điểm không biết chắc”, ông Delury nói.
Việt Anh
Theo VNE
Đồng minh châu Á thấp thỏm sau chiến thắng của Trump
Đòi đồng minh đóng góp thêm cho chi phí triển khai quân của Mỹ hay phản đối TPP, tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump đang khiến các đồng minh châu Á thấp thỏm.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng đưa ra nhiều tuyên bố gây bối rối cho các đồng minh của Washington ở châu Á, từ việc đòi hỏi họ phải góp nhiều hơn trong khoản chi phí mà hai bên cùng đóng để duy trì sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ cho đến việc gợi ý rằng Tokyo và Seoul có thể phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.
Vì thế, chiến thắng của nhà tài phiệt New York trong cuộc bầu cử tổng thống càng khoét sâu thêm mối lo âu hiện hữu đối với các đồng minh Mỹ ở châu Á về cam kết mà Washington đưa ra đối với các thỏa thuận hợp tác an ninh hậu Thế chiến II, trước bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và Triều Tiên ngày càng khó lường, theo Reuters.
Khẩu hiệu "nước Mỹ trước tiên" và việc Trump kêu gọi đồng minh phải góp thêm cho chi phí đóng quân của Mỹ ở khu vực khiến một số lãnh đạo châu Á không an tâm. Họ cũng lo lắng trước việc ông Trump phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thành tố cốt yếu trong chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà Washington theo đuổi.
"Chúng ta nên tiên liệu về những thay đổi mạnh mẽ ở môi trường an ninh khu vực", Chung Jin-suk, lãnh đạo đảng Saenuri (Mặt trận Mới), Hàn Quốc, nói hôm 10/11.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm: "Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên để mối quan hệ đồng minh quân sự Hàn - Mỹ dao động".
Một quan chức Nhật Bản giấu tên đã kêu gọi tổng thống Mỹ đắc cử đưa ra thông điệp trấn an đồng minh.
"Tổng thống Mỹ mới đắc cử phải có một tuyên bố càng sớm càng tốt nhằm trấn an thế giới rằng cam kết của Mỹ với các đồng minh vẫn mạnh mẽ và đáng tin cậy", ông này nói.
Dù cho rằng các chính sách mà Trump thực thi chắc chắn sẽ khác với những lời hô hào của ông nhưng vị quan chức Nhật cũng bày tỏ quan ngại trước các phát biểu mà nhà tài phiệt New York đưa ra cho đến nay về mối quan hệ đồng minh và vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt tại Nhật Bản.
Cam kết an ninh
Trong một bài báo phê phán chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ là "thùng rỗng kêu to", hai cố vấn cho nhà tài phiệt New York tiết lộ ông Trump sẽ tăng cường sức mạnh hải quân Mỹ, đồng thời khẳng định việc Seoul và Tokyo phải trả thêm chi phí để Mỹ bảo đảm an ninh cho hai nước này là điều hợp lý.
"Không còn gì nghi ngờ về việc Trump xem cam kết an ninh với các đồng minh châu Á của Mỹ là nền tảng giúp ổn định khu vực", Peter Navarro, giáo sư ở Đại học California, và Alexander Gray, cựu cố vấn cho hạ nghị sĩ Randy Forbes, viết trong một bài phân tích đăng trên Foreign Policy số ra ngày 7/11.
Bài viết cũng chỉ trích chính quyền Obama vì không thể ngăn chặn các hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo hai tác giả, ông Trump kêu gọi đóng thêm nhiều tàu cho hải quân Mỹ. "Đề xuất chương trình hải quân của Trump sẽ giúp trấn an các đồng minh rằng Mỹ vẫn cam kết lâu dài với vai trò từ trước đến nay như là nước bảo đảm trật tự và tự do ở châu Á", các tác giả viết.
Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận của tỷ phú Mỹ với các đồng minh an ninh tại Bắc Á có thể khơi mào những lời kêu gọi ở Nhật về một lập trường an ninh độc lập hơn, dù việc thảo luận nghiêm túc về việc sở hữu vụ khí hạt nhân có khả năng không xảy ra ở quốc gia duy nhất bị dội bom nguyên tử này.
"Tôi nghĩ họ có lý do chính đáng để làm vậy", một nhà ngoại giao Nhật giấu tên nói, ám chỉ những người tìm kiếm lập trường an ninh mạnh mẽ hơn. "Tuy nhiên, công chúng Nhật sẽ không muốn đi theo hướng đó và chúng ta không có năng lực về ngân sách hay nhân sự để theo đuổi một lập trường như thế", ông nói.
Binh sĩ Mỹ đồn trú tại căn cứ Iwakuni, Nhật Bản. Ảnh: U.S. Marine Corps
TPP không chỉ là thương mại
Các đồng minh Mỹ ở châu Á tham gia TPP giờ đây lo sợ hiệp định này sẽ chết yểu vì bị Trump phản đối mạnh mẽ.
Hệ lụy của quyết định từ bỏ TPP không chỉ liên quan đến thương mại mà còn ảnh hưởng đến cả an ninh vì Washington và Tokyo trước đây nhìn nhận TPP như một phương cách để tạo ra một cấu trúc khu vực bền vững dựa trên những quy tắc nhằm đối chọi Trung Quốc.
"TPP không chỉ là một thỏa thuận thương mại đơn thuần vì nó còn giúp Mỹ và Nhật sát cánh cùng nhau... Những nước chia sẻ các giá trị này sẽ tạo ra một trật tự khu vực cấp cao với tầm ảnh hưởng không chỉ về kinh tế mà còn cả ngoại giao và an ninh. Đó là biểu tượng cho thấy Mỹ cam kết với khu vực", Toshihiro Nakayama, giáo sư từ Đại học Keio, Tokyo, nhận định.
Chuyên gia an ninh Tim Huxley ở Singapore cảnh báo một thời kỳ tiềm ẩn bất ổn đang ở phía trước khi khu vực chờ đợi các dấu hiệu chiến lược rõ ràng hơn về ý nghĩa của nhiệm kỳ tổng thống Trump đối với châu Á.
Các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ ông Trump sẽ phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện bộ máy nhân sự và bắt tay vào xây dựng chính sách. Hệ thống chính trị chia rẽ của Mỹ cũng có thể gây trì trệ tiến trình công việc. Điều này đồng nghĩa khả năng xảy ra những diễn biến đột ngột là không cao.
"Tôi không nghĩ sẽ có một sự thay đổi lớn trong lập trường của ông ấy đối với Nhật. Ông ấy đã ghi nhận tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Những gì ông ấy nói đến là các tiểu tiết, chẳng hạn như việc tăng mức đóng góp của Nhật cho quân Mỹ đóng tại Nhật", Masashi Adachi, người đứng đầu ban phụ trách chính sách ngoại giao của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản, nhận xét.
Hồng Vân
Theo VNE
Khác biệt trong chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Trump, Clinton Hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump có thể sẽ dẫn dắt nước Mỹ đi theo hai con đường đối ngoại hoàn toàn đối lập nếu họ đắc cử tổng thống. Sau khi nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2017, bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump sẽ bước chân vào Nhà Trắng và dẫn dắt nước Mỹ với chính sách đối...