Donald Trump có thể tung đòn đáp trả nếu bị ‘ngã ngựa’
Nếu thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ứng viên tranh cử tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump có thể phản đòn bằng những biện pháp gây biến động chính trường Mỹ.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: AP
Bằng cách thuê Steve Bannon, chủ tịch trang tin Breitbart, làm người điều hành chiến dịch tranh cử và chấp nhận đơn xin từ chức của PaulManafort, chủ tịch ban vận động, Donald Trump dường như đang muốn phát đi tín hiệu rằng trong hơn hai tháng còn lại của cuộc đua vào Nhà Trắng, ông sẽ “toàn tâm toàn ý” theo đuổi phương pháp tiếp cận hung hăng, mang màu sắc đả kích mà nhà tài phiệt New York từng áp dụng rất thành công, giúp ông chiến thắng áp đảo ở những vòng bầu cử sơ bộ và bỏ phiếu kín, theo Politico.
Trang tin Breitbart nhiều tháng gần đây luôn thể hiện sự trung thành tuyệt đối với ứng viên đảng Cộng hòa thông qua việc chỉ trích những tiếng nói chống lại Trump. Breitbart cũng chủ động đăng tải hàng loạt thuyết âm mưu đánh vào uy tín của bà Clinton.
Nhà tài phiệt New York từng khẳng định điều duy nhất khiến ông thất bại là một cuộc bầu cử “gian lận”. Giới chuyên gia nhận định tuyên bố “bạo miệng” này cho thấy Trump hoàn toàn tự tin vào chiến thắng của mình và nếu bại trận, ông chắc chắn sẽ phản kháng bằng những động thái vô cùng quyết liệt.
“Nếu thua, Trump sẽ nói ‘đây là một cuộc bầu cử gian trá’. Nếu thắng, Trump sẽ nói dù mờ ám nhưng ông ấy đã đánh bại tất cả. Đó là cách mà mọi chuyện kết thúc, bất kể kết quả ra sao”, một đồng minh lâu năm của tỷ phú Mỹ cho hay. “Nếu thua, Donald Trump sẽ đổ lỗi cho truyền thông và kể cả đảng Cộng hòa. Tôi không nghĩ Trump muốn nhân nhượng”.
“Ông ấy cũng hành động y như vậy mỗi khi nhìn vào kết quả thăm dò”, một cố vấn thân cận khác của Trump cho biết thêm. “Nếu thăm dò cho thấy Trump dẫn trước, ông ấy tỏ ra thích thú. Nhưng nếu kết quả ngược lại, ông ấy sẽ nghĩ nó bị can thiệp”.
Video đang HOT
Trump bắt đầu đề cập đến việc kết quả bầu cử có thể “bị dàn xếp” từ tháng trước trong bối cảnh bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, vượt mặt ông về tỷ lệ ủng hộ sau khi đại hội toàn quốc ở cả hai đảng diễn ra.
“Thứ duy nhất khiến tôi thất bại tại Pennsylvania là sự gian lận”, ông Trump phát biểu tại một buổi vận động tranh cử ở thành phố Altoona. Vài ngày trước đó, tại Wilmington, bang Bắc Carolina, ông cảnh báo rằng nếu không có các quy định về việc xác minh cử tri chặt chẽ hơn, người ta sẽ “bầu 15 lần cho bà Hillary”.
Những phát ngôn mà nhà tài phiệt New York đưa ra bước đầu đã có ảnh hưởng nhất định. 38% người ủng hộ Trump tin vào việc phiếu bầu của họ sẽ được kiểm đếm chính xác và chỉ 49% trong tổng số các cử tri đăng ký “rất tự tin” rằng công tác kiểm phiếu sẽ không xảy ra lỗi, theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Pew thực hiện tuần trước.
Cây bút Eli Stokols từ Politico đánh giá các nhận xét của ông Trump về tính chính xác trong quy trình bầu cử ở Mỹ sẽ mang đến những tác động nghiêm trọng cả trong ngắn và dài hạn.
Theo nhiều quan chức cấp cao đảng Cộng hòa, viễn cảnh Donald Trump dùng mọi nguồn lực vốn có để đả kích, hạ bệ các giá trị dân chủ không chỉ đe dọa tới sự tồn vong của đảng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn hệ thống chính trị quốc gia.
“Chúng ta chưa bao giờ có một tổng thống nào lại đi nghi ngờ tính hợp pháp của kết quả bầu cử toàn quốc”, chuyên gia chính sách Dan Senor bình luận. “Việc ứng viên tổng thống thực sự hoài nghi về quá trình bầu cử sẽ đưa chúng ta tới một thế giới mới. Và những thiệt hại đối với nền dân chủ là rất đáng kể”.
Bên cạnh đó, một số thành viên đảng Cộng hòa còn lo lắng về việc nếu thất bại, ông Trump sẽ lợi dụng truyền thông chính thống để đánh vào niềm tin của cử tri về tính công bằng và hợp pháp của quá trình bầu cử cũng như bộ máy chính trị.
“Bạn sẽ khôi phục nhận thức công chúng như thế nào sau tất cả những chuyện này?”, Charlie Sykes, người dẫn chương trình phát thanh có tiếng nói phản đối ông Trump, đặt câu hỏi đồng thời nhấn mạnh nhà tài phiệt New York rõ ràng đang tìm cách để vô hiệu tính pháp lý của tất cả các thể chế Mỹ.
Sykes cho rằng việc các phát ngôn của ông Trump về hệ thống chính trị “gian lận” được truyền tải, khuếch trương rộng rãi nhờ những trang tin như Breitbart là “rất nguy hiểm”.
“Một lượng không nhỏ người ủng hộ Trump sẽ tin vào những điều ấy, và đó chính là chất độc đối với nền dân chủ”, Sykes quả quyết. “Donald Trump biến chúng thành chính thống và ‘vũ trang hóa’ chúng. Đấy là điều mà chúng ta chưa từng phải đối mặt”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trump kêu gọi điều tra đặc biệt Quỹ Clinton
Ứng viên đảng Cộng hòa kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra đặc biệt với quỹ của nhà Clinton vì nghi có sự can thiệp từ Bộ Ngoại giao.
Ông Trump kêu gọi điều tra đặc biệt với quỹ Clinton. Ảnh: Reuters.
Reuters hôm nay dẫn lời ông Trump nói rằng các nhà tài trợ cho Quỹ từ thiện Clinton có thể đã nhận được "sự đãi ngộ đặc biệt" từ Bộ Ngoại giao Mỹ khi bà Hillary Clinton còn là bộ trưởng. Tỷ phú New York cáo buộc vợ chồng đối thủ đã biến quỹ thành chương trình "đổi chác" với các nhà tài trợ giàu có ở trong và ngoài nước Mỹ.
Ông Trump đưa ra lời kêu gọi này khi diễn thuyết trước hàng nghìn người ủng hộ tại Akron, Ohio trong nỗ lực lấy lại danh tiếng sau khi tỷ lệ ủng hộ giảm trong vài cuộc thăm dò dư luận gần đây. Cuộc bầu cử quyết định ông Trump hay bà Clinton là tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào 8/11.
Ứng viên đảng Cộng hòa chỉ trích đối thủ sau khi Judicial Watch, nhóm giám sát tư pháp bảo thủ, đưa ra tài liệu 725 trang của Bộ Ngoại giao trong đó có nhắc tới việc giám đốc quỹ là ông Douglas Band yêu cầu đãi ngộ cho các nhà tài trợ.
Đại diện quỹ Clinton cho biết họ không còn nhận tiền từ các nhà tài trợ nước ngoài và tuyên bố quỹ sẽ đạt được những bước tiến chưa từng có trong lĩnh vực từ thiện nếu bà Clinton Clinton trở thành tổng thống Mỹ.
Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton là ông John Podesta tuyên bố ông Trump nên "làm rõ với cử tri về mạng lưới kinh doanh phức tạp" của mình với các doanh nghiệp đang nợ nhiều khoản tiền lớn, đặc biệt là nợ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
"Donald Trump nên dừng ngay việc lẩn trốn trách nhiệm với những lời bào chữa giả tạo. Ông ta cần cung cấp ngay tờ khai thuế của mình và công bố đầy đủ lợi nhuận kinh doanh", ông Podesta nói.
Thành lập năm 1997, Quỹ Clinton đến nay quyên góp được gần hai tỷ USD, hoạt động tại gần 180 quốc gia, giúp trang trải chi phí cho hơn 3.500 dự án.
Quỹ Clinton đã chấp nhận hàng chục triệu USD tiền ủng hộ từ những quốc gia mà Bộ Ngoại giao Mỹ từng chỉ trích vì các vấn đề về nhân quyền hay tình trạng phân biệt giới tính, ví dụ như Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Oman, Brunei hay Algeria.
Văn Việt
Theo VNE
Quỹ từ thiện tỷ đô gây rắc rối cho bà Clinton vào Nhà Trắng Những rắc rối và xung đột lợi ích liên quan đến một quỹ từ thiện trị giá hàng tỷ USD của nhà Clinton có thể trở thành chướng ngại vật ngăn bước ứng viên tổng thống đảng Dân chủ vào Nhà Trắng. Cả gia đình Clinton trò chuyện trong một sự kiện của Quỹ Clinton hồi tháng 3/2014. Ảnh: Reuters Quỹ Clinton của...