Donald Trump có thể khiến Mỹ suy yếu như thế nào
Nền tảng sức mạnh toàn cầu của Mỹ nằm ở các quan hệ đồng minh, trong khi tỷ phú Trump muốn xóa bỏ các quan hệ này, chỉ tập trung vào nước Mỹ.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: CNN
Ngày 26/5, hãng thông tấn AP sau khi phỏng vấn những đại biểu của đảng Cộng hòa chưa chính thức cam kết sẽ ủng hộ ai đã tính toán rằng tỷ phú Donald Trump đã có được 1.238 đại biểu, nhiều hơn một phiếu so với số đại biểu cần thiết để trở thành đại diện của đảng ra tranh cử tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng, với các quyết sách của mình, ông Trump sẽ khiến nước Mỹ trở nên suy yếu, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại.
Trong một bài viết trên trang Project Syndicate, ông Joseph S. Nye, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, giáo sư tại Đại học Harvard, cho hay trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump luôn bày tỏ sự bi quan sâu sắc về giá trị của các đồng minh Mỹ. Giáo sư Nye cho rằng đây chính là thế giới quan điển hình của những nhà lãnh đạo nước Mỹ thế kỷ 19.
Cách đây 200 năm, nước Mỹ đã thực hiện đúng lời khuyên của George Washington, đó là tránh “tham gia các liên minh” và theo đuổi Học thuyết Monroe, vốn chỉ tập trung vào lợi ích của Mỹ ở Tây Bán cầu. Học thuyết này được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ lúc đó không có đội quân thường trực lớn, hải quân Mỹ vào thập niên 1870 còn yếu hơn cả Chile, và nước Mỹ đóng vai trò rất nhỏ trong bàn cờ quyền lực thế giới trong thế kỷ 19.
Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi một cách sâu sắc khi Tổng thống Woodrow Wilson quyết định phá vỡ truyền thống và đưa quân tham chiến ở châu Âu trong Thế chiến I. Không những thế, ông còn đề xuất thành lập Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hợp Quốc, để điều phối an ninh tập thể trên nền tảng toàn cầu.
Khi Thượng viện Mỹ bác bỏ đề xuất gia nhập Hội Quốc Liên vào năm 1919, lính Mỹ không còn được triển khai ra nước ngoài, và nước Mỹ “trở lại bình thường” như trước kia. Lúc đó, dù đã trở thành một cường quốc toàn cầu, Mỹ gần như tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới. Việc cường quốc này không tham gia bất cứ một liên minh nào trong thập niên 1930 đã tạo tiền đề cho một thập kỷ thảm họa, với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng, nạn diệt chủng và một cuộc thế chiến khác.
Video đang HOT
Tổng thống không cần đồng minh
Bài phát biểu chi tiết nhất của Trump từ trước tới nay về chính sách đối ngoại của ông cho thấy tỷ phú này lấy cảm hứng chính xác từ thời kỳ tự cô lập của nước Mỹ, và được thể hiện bằng khẩu hiệu mới là “Nước Mỹ trên hết”. Tuy nhiên, quan niệm đặt nước Mỹ vào vị thế trung tâm, không cần đến bạn bè, đồng minh này chỉ cản trở, chứ không hề thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong và ngoài nước Mỹ, theo Nye.
Quân đội Mỹ diễn tập chung với các đồng minh châu Âu. Ảnh: Stripes
Donald Trump cho rằng nước Mỹ không nên tiếp tục bảo trợ an ninh “không công” cho các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc và Nhật Bản, hứa hẹn sẽ giải tán khối NATO nếu ông đắc cử, thậm chí chỉ trích các đồng minh đang “lợi dụng” nước Mỹ.
Chuyên gia Nye cho rằng chính quan điểm này của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ thụt lùi và suy yếu nếu tỷ phú đắc cử tổng thống. Các đồng minh hiện nay không chỉ củng cố sức mạnh của Mỹ, họ còn duy trì sự ổn định địa chính trị cho Mỹ, chẳng hạn như ngăn cản quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân đầy nguy hiểm. Dù tổng thống và bộ trưởng quốc phòng Mỹ đôi khi kêu ca về mức chi tiêu quốc phòng thấp của các đồng minh, họ luôn hiểu rằng các đồng minh đó là những đối tác giữ ổn định tốt nhất, như những người bạn, chứ không phải những vụ giao dịch bất động sản.
Các quan hệ đồng minh của Mỹ hiện nay giúp duy trì một trật tự quốc tế có thể lường trước được. Trong khi đó, Trump lại ca ngợi tính “khó lường” trong giải quyết vấn đề – một chiến thuật có thể hữu ích khi mặc cả với kẻ thù, nhưng lại là thảm họa khi đem ra trấn an bè bạn.
Trong trật tự thế giới hiện nay, Mỹ chính là người cầm lái. Theo thống kê của Viện Lowy, Mỹ hiện có 60 đồng minh theo hiệp ước, trong khi Trung Quốc chỉ có vài đồng minh ít hỏi. Tạp chí Economist cũng ước tính rằng trong số 150 quốc gia lớn nhất thế giới, có gần 100 nước ngả theo Mỹ.
Theo chiến lược gia Lawrence Freedman của Anh, điều giúp Mỹ giữ vững được vai trò lèo lái của mình suốt 70 năm qua chính là “sức mạnh Mỹ dựa trên đồng minh chứ không phải thuộc địa”. Đồng minh là tài sản, còn thuộc địa là món nợ, ông này nhấn mạnh.
Nhưng nếu ông Trump trở thành tổng thống và rút khỏi các liên minh quan trọng, vai trò dẫn dắt đó có thể rơi vào tay Trung Quốc, Nga, châu Âu hoặc Ấn Độ, những thế lực có thể vượt mặt Mỹ trong vài thập kỷ tiếp theo.
Nếu ông Trump áp đặt tư duy “thế kỷ 19″ để rút nước Mỹ vào vỏ ốc, điều đó có thể khuyến khích những nước khác như Nga hoặc Trung Quốc thực hiện chính sách phiêu lưu hay áp đặt hơn với các quốc gia láng giềng. Sự trỗi dậy của các thế lực nhà nước và phi nhà nước khác sẽ đặt ra những thách thức mới cho trật tự quốc tế, tạo ra sự hỗn loạn khó lường.
Chiến đấu cơ Hàn Quốc bay cùng máy bay ném bom B-52 của Mỹ. Ảnh: USAF
Chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ làm suy yếu các quan hệ đồng minh của Mỹ, và điều đó khó có thể khiến “nước Mỹ vĩ đại trở lại” như khẩu hiệu tranh cử của ông. Trong một thế giới ngày càng phức tạp, không nước nào có thể tự mình giải quyết những vấn đề quốc tế, và nước có mối quan hệ kết nối nhiều nhất mới là thế lực hùng mạnh nhất, Nye khẳng định.
“Trong tương lai, sự thống trị về kinh tế, quân sự và sức mạnh mềm của Mỹ sẽ không còn được như trước. Thị phần của Mỹ trong nền kinh tế thế giới sẽ giảm, đi kèm với đó là khả năng tạo ảnh hưởng và tổ chức hành động sẽ ngày càng hạn chế. Hơn lúc nào hết, khả năng duy trì sự tin cậy với đồng minh cũng như thiết lập những mạng lưới mới sẽ vẫn là chìa khóa dẫn đến thành công toàn cầu của Mỹ”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Donald Trump muốn đồng minh trả thêm tiền để Mỹ bảo vệ
Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng sẽ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản nếu ông làm tổng thống. Tuy nhiên, hai nước này cần chi tiền nhiều hơn cho sự hỗ trợ của Mỹ.
Tỉ phú Donald Trump cho rằng các nước đồng minh mà Mỹ bảo vệ đang trả cho Mỹ một khoản tiền rất nhỏ. REUTERS
Trong chương trình truyền hình trên kênh MSNBC ngày 20.5, ông Donald Trump trấn an sự lo ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc rằng ông sẽ tiếp tục bảo vệ 2 nước này. Tuy nhiên, "họ chỉ trả cho chúng tôi một khoản tiền bé xíu so với mức chi phí. Tôi muốn họ phải chi trả".
Tỉ phú Donald Trump tỏ ra không hài lòng với các nước đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông từng có những quan điểm tiêu cực đối với các cam kết an ninh của Mỹ ở nước ngoài và cho rằng Mỹ cần chấm dứt việc làm cảnh sát cho thế giới, theo Yonhap ngày 21.5.
Ông Trump cũng tuyên bố rằng Mỹ nên chuẩn bị ngừng bảo vệ đồng minh trừ khi các nước này chi trả nhiều hơn. Ông còn từng nói là cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản tự phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ nhằm giảm bớt gánh nặng an ninh cho Mỹ.
"Chúng ta không phải là nước có thể gánh trách nhiệm bảo vệ cho Ả Rập Xê Út, Đức, 28 nước NATO trong khi nhiều nước trong số đó không chi trả cho chúng ta. Họ không thực hiện điều mà họ đã thoả thuận. Chúng ta như những kẻ đần độn khi phải bảo vệ mọi người. Chúng ta phải được hoàn tiền vì chúng ta không thể đủ sức", ông Trump lập luận.
Ông Trump cho biết có khoảng 28.000 lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc. Nước này hiện chi khoảng 900 triệu USD mỗi năm, tức gần một nửa chi phí cho sự hiện diện của lính Mỹ tại đây, theo Yonhap. Các quan chức Mỹ, gồm chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks nói chi phí cho số lính Mỹ này nếu đóng quân ở Mỹ là cao hơn so với tại Hàn Quốc.
Theo cố vấn chính sách đối ngoại của tỉ phú Donald Trump, những phát biểu của ông về việc rút quân chỉ là cách để đạt được những mục đích thông qua đàm phán chứ không phải là chính sách thực sự. Việc tối đa hoá lợi ích của Mỹ thông qua đàm phán là quan điểm số 1 trong chính sách đối ngoại America First của ông Trump. Và với kỹ năng thương lượng của một doanh nhân, ông Trump nhấn mạnh rằng có thể giành lại lợi ích của Mỹ bị mất đi dưới chính quyền của đảng Dân chủ.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Mỹ, Nhật, Hàn diễn tập chống tên lửa Triều Tiên, Trung Quốc lo ngại Mỹ và 2 đồng minh châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên sẽ tham gia một cuộc diễn tập chống tên lửa Triều Tiên, một quan chức Hàn Quốc cho hay ngày 16.5. Chiến hạm Hàn Quốc phóng tên lửa. AFP Cuộc tập trận sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.2016 ở khu vực bờ biển gần Hawaii, trước...