Donald Trump bắt đầu “ra tay” với Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (15/2) đã lên tiếng cảnh báo Washington “không được thách thức” chủ quyền của họ. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi có tin Mỹ đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải mới ở khu vực Biển Đông tranh chấp.
Ảnh minh họa
Hồi cuối tuần vừa rồi, tờ Thời báo Hàng hải (Navy Times) đưa tin, giới tướng lĩnh của Lực lượng Hải quân Mỹ và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đang xem xét kế hoạch đưa nhóm tàu sân bay tấn công Carl Vinson đóng ở San Diego đi thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang đã nói, tình trạng căng thẳng ở Biển Đông đã được bình ổn nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Trung Quốc kêu gọi các nước bên ngoài, trong đó có Mỹ, hãy tôn trọng điều đó.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ không có bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, ông Geng đã nói như vậy tại một cuộc họp báo định kỳ diễn ra ngày hôm qua.
Lần gần đây nhất Mỹ tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông là hồi tháng 10 năm ngoái. Khi đó, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ đã tiếp cận sát đến các khu vực mà Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Tuy nhiên, lâu nay mọi phản đối hay cảnh báo của Trung Quốc không làm lay chuyển được quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ sự tự do hàng hải ở Biển Đông. Giới chức Lầu Năm Góc từng tuyên bố, những chuyến tuần tra như vậy sẽ tiếp tục được thực hiện. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch định kỳ và hợp pháp vòng quanh thế giới, trong đó có cả ở Biển Đông, nhằm bảo vệ các quyền, sự tự do và quyền được sử dụng hợp pháp mọi vùng biển, vùng trời được luật pháp cho phép. Điều này sẽ không thay đổi.
Chiến dịch “tự do hàng hải” được thực hiện bằng cách đưa tàu chiến Mỹ vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Washington tuyên bố, đây là cách để Mỹ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như duy trì luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Tình hình Biển Đông đang “ nóng như lửa” khi Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đáng chú ý hơn là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Âm mưu của Trung Quốc là dùng những công trình bất hợp pháp này để đặt mọi sự đã rồi và từ đó đòi chủ quyền đối với những khu vực vốn không thuộc của họ. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung.
Trước tham vọng của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đang ra sức ngăn cản. Mỹ đang ngày một tích cực trong các hoạt động nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc có thể độc chiếm khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.
(Theo Vnmedia)