‘Đơn vị đặc biệt’ mang quân hàm xanh
Đó là đội bảo vệ mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa – Đảo Yến (xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình), thuộc Đồn Biên phòng Roòn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình do thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào làm Đội trưởng.
Thượng úy Hào, sinh năm 1985 quê xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình kể: 33 Cán bộ chiến sĩ trong đội, dù quê Quảng Bình hay tỉnh khác, đều tâm niệm nhiệm vụ canh gác đặc biệt này là trách nhiệm thiêng liêng của con cháu đối với người Cha.
Trưởng thành từ thô sơ, thiếu thốn
Ngay sau khi mất, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện tâm nguyện của ông, chọn Vũng Chùa – Đảo Yến (xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) – địa bàn Đồn Biên phòng Roòn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) phụ trách quản lý, làm nơi an nghỉ của Đại tướng.
BĐBP đến viếng Đại tướng – Ảnh: Lê Huy Hoàng
Vòng hoa của các đoàn khách trên khu vực mộ Đại tướng – Ảnh: Lê Huy Hoàng
Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình vinh dự được Bộ Quốc phòng, Cấp ủy – chính quyền địa phương và gia đình Đại tướng tin tưởng giao cho công tác phục vụ, bảo vệ lễ an táng Đại tướng. Với niềm kính phục, tri ân và bằng cả tấm lòng chân thành, vinh dự và trách nhiệm với Đại tướng và nhân dân cả nước, BĐBP đã cố gắng hết sức mình, không quản ngại ngày đêm, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa gió sau bão, địa tầng đất đá… (tất cả phải sử dụng công cụ cầm tay) đã cùng với các lực lượng và gia đình cùng chuẩn bị nơi an nghỉ chu đáo, phục vụ tận tình trong quá trình tang lễ và bảo vệ an toàn tuyệt đối lễ Quốc tang của Đại tướng.
Hướng dẫn khách vào viếng mộ – Ảnh: Lê Anh Tuấn
Video đang HOT
Sau lễ Quốc tang, BĐBP Quảng Bình được Bộ Quốc Phòng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP giao nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối, an toàn khu mộ, giữ yên giấc ngủ ngàn thu cho Đại tướng; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn chu đáo, tận tình cho nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến thăm viếng.
Thực hiện chỉ đạo, tháng 10.2013, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã có Quyết định lâm thời thành lập Đội Bảo vệ gồm 30 cán bộ chiến sĩ trực thuộc Đồn Biên phòng Roòn. “Nhận nhiệm vụ mới, vinh dự lớn, nhưng trọng trách nặng nề, mỗi cán bộ chiến sĩ trong đội phải vượt qua mọi khó khăn từ nhỏ nhất đến lớn để yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ” – thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào nghiêm trang nói vậy. Thượng úy Hào kể “mấy chuyện khó khăn nho nhỏ” như: Đơn vị mới thành lập, nơi ăn ở sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ còn tam bợ, chưa có doanh trại phải ở tạm nhà của gia đình Đại tướng; chật chội, không đủ diện tích để kê giường, phải ngủ chung, một số chiến sĩ phải trải nệm dưới sàn nhà để ngủ; nhà ăn, nhà bếp chật hẹp, xa khu dân cư; điện nước không đảm bảo để phục vụ nấu ăn, sinh hoạt và chiếu sáng. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa lắm, nắng nhiều, gió lộng quanh năm, anh em sống chung với bụi bẩn ngay cả trong bữa ăn hằng ngày. Phương tiện, trang bị thô sơ, địa hình rộng, anh em hầu hết chưa có kinh nghiệm trong công tác…
Mỗi buổi sáng, cán bộ chiến sĩ trong Đội thực hiện nghi lễ thắp hương cho Đại tướng – Ảnh: Lê Anh Tuấn
Nhiệm vụ đặc biệt
Chỉ những người lính mang quân hàm xanh canh giấc ngủ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nắm rõ nhất số lượng khách đến thăm viếng mộ Đại tướng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt người đến viếng, đặc biệt ngày lễ tết, cao điểm có hơn 32.000 người, cả ban đêm, khách vẫn đến viếng.
Anh em bộ đội sau mỗi ca gác, lại kể cho nhau nghe những câu chuyện xúc động được chứng kiến: Cụ bà đã 94 tuổi ở Cần Thơ, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng vẫn dành dụm tiền, dọc đường phải ăn bánh mì qua bữa, chỉ mong được đến viếng Đại tướng một lần cho thỏa lòng; có cụ đang nằm trên giường bệnh Bệnh viện Quảng Trạch (cách mộ Đại tướng 30 km), biết mình khó qua khỏi đã yêu cầu con cháu cõng lên viếng Đại tướng để nếu có phải về với tổ tiên cũng mãn nguyện; có những thương binh ngồi trên xe lăn đã không cầm được nước mắt khi cắm nén hương lên phần mộ Đại tướng…
Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào, cho biết với lượng khách đến viếng mộ Đại tướng đông như vậy, cán bộ chiến sĩ đội bảo vệ phải làm nhiệm vụ 24/24 giờ với rất nhiều công việc như: Tiếp đón, đăng ký, hướng dẫn các đoàn khách; giúp đỡ người già, em nhỏ, thương binh, cựu chiến binh tuổi cao, sức yếu từ mọi miền của Tổ quốc về viếng; tổ chức lực lượng canh gác, tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực và khuôn viên khu mộ; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn và chính quyền địa phương làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn; phối hợp với lực lượng Công an làm nhiệm vụ phân luồng, điều hành xe vào viếng mộ đảm bảo thông thoáng… Ngoài ra, Đội bảo vệ còn kiêm nhiệm vệ sinh môi trường trong khuôn viên khu mộ và thực hiện một số công việc khác giúp gia đình Đại tướng.
Nhiệm vụ nặng nề, quân số ít, cường độ làm việc cao, điều kiện làm việc chủ yếu ở ngoài trời và đi lại nhiều, nhà làm việc vẫn chỉ nhà bạt, nên trong thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bộ đội… Ít ai biết, để có được hình ảnh những người lính Biên phòng nghiêm trang lễ tiết tác phong, anh em trong đội đã đúc rút từ thực tiễn, tự biên soạn tài liệu huấn luyện về nhiệm vụ của từng bộ phận, lễ tiết tác phong, phương pháp đón, hướng dẫn khách, cách xử trí các tình huống…
Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào, Đội trưởng Đội Bảo vệ làm nhiệm vụ đăng ký khách đến thăm viếng – Ảnh: Lê Anh Tuấn
“Thời gian huấn luyện không có vì phải bám nhiệm vụ, nên phải tổ chức huấn luyện vào ban đêm, huấn luyện cuốn chiếu, tranh thủ những lúc rảnh khách để huấn luyện, huấn luyện ngay tại nơi làm nhiệm vụ”, thượng úy Hào cười nhẹ, không trả lời thẳng câu hỏi của tôi: “Có thấy nhiệm vụ mới lạ lẫm với những gì đã được dạy trong học viên Biên phòng không?”, chỉ kể: “Quê em ở xã Mai Thủy, ngay gần nhà Đại tướng. Nhà lại gần Nghĩa trang liệt sĩ, nên hồi học cấp Tiểu học – THCS đã 2,3 lần ra đón Đại tướng về quê, ra Nghĩa trang liệt sĩ thắp hương. Hình ảnh Đại tướng in sâu trong tim và em ước được làm chiến sĩ bảo vệ cho Người. Ước mơ ấy tưởng như không thể thực hiện được, vì em vào Học viện Biên phòng. Nhưng giờ đây, không chỉ em mà 32 anh em khác, đã được bảo vệ canh gác cho giấc ngủ Đại tướng. Quá vinh dự cho Đội, Biên phòng tỉnh Quảng Bình mà còn cho cả lực lượng quân hàm xanh..
Lâu nay nói đến BĐBP, người ta thường nghĩ đến “rừng xanh núi đỏ” hoặc canh giữ chủ quyền trên biển, nhưng đến Đảo Yên – Vũng Chùa gặp những chiến sĩ mang quân hàm xanh canh giấc ngủ Đại tướng, ấn tượng về “Bộ đội Cụ Hồ” – người chiến sĩ Biên phòng còn vượt lên tất cả, cô đọng trong điều răn mỗi người lính: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” và đó, mới là chất thép của Bộ đội Biên phòng…”.
Theo Thanh Niên
VN103 Chuyến bay cuối cùng của Đại tướng về đất mẹ
Ngày 13/10 năm ngoái, ngành hàng không tổ chức chuyến bay lịch sử mang số hiệu đặc biệt VN103 đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ thủ đô về an táng tại quê mẹ Quảng Bình.
Đại tướng trút hơi thở cuối cùng lúc 18h09 ngày 4/10/2013, sau nhiều năm ốm nặng. Hơn 100.000 người đã đến viếng đại tướng trước lễ Quốc tang. Sau 9 ngày tiếc nhớ, Hà Nội gạt nước mắt tiễn đưa Đại tướng về với Quảng Bình. Lễ di quan Đại tướng về quê nhà được thực hiện bằng đường hàng không, sự kiện chưa từng có trong lịch sử các lễ quốc tang ở Việt Nam. Vietnam Airlines được giao thực hiện nhiệm vụ này đã huy động hai máy bay, gồm một chiếc ATR 72 được hoán chuyển chở linh cữu và một chiếc Airbus 321 chở quan khách và gia quyến.
Đối với phi công Vũ Tiến Thắng, đội trưởng đội bay ATR72 của Vietnam Airlines, ngày 13/10/2013 như vừa diễn ra hôm qua. Đó là ngày ông thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: làm cơ trưởng của chuyến bay mang số hiệu trùng với tuổi thọ Đại tướng. "Đối với tôi, đây là nhiệm vụ vinh dự nhất trong đời, niềm vinh dự chở một con người vĩ đại trong cuộc trường chinh cuối cùng về quê mẹ", phi công Vũ Tiến Thắng nhớ lại.
Chuẩn bị cho chuyến bay này có sự góp sức của nhiều bên từ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Hàng không, Cảng vụ Hàng không miền Bắc, sân bay Nội Bài và Đồng Hới cùng hai chiếc máy bay của Vietnam Airlines. Trước tang lễ, các bên có gần một tuần để chuẩn bị từ cơ sở hạ tầng đến diễn tập. Vietnam Airlines cũng phải tập trung trong thời gian ngắn nhất chuyển đổi chiếc ATR72 chở khách thành máy bay chở linh cữu bằng cách tháo bỏ 4 hàng ghế.
Chiếc ATR72 mang số hiệu VN-8225 sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đã quay về nhiệm vụ hàng ngày của mình là phục vụ trên cách chặng bay.
"Đêm trước chuyến bay là quãng thời gian không ngủ đối với những người tham gia phục vụ", ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng Giám sát An toàn của Cảng vụ Hàng không miền Bắc, người chịu trách nhiệm chuẩn bị cơ sở hạ tầng sân bay để đưa tiễn Đại tướng ở Nội Bài kể lại. Nhiệm vụ của ông Linh cũng như Cảng vụ là chuẩn bị và đảm bảo an ninh an toàn cao nhất để phục vụ cho việc chuyên chở linh cữu Đại tướng.
Trước đó Cảng vụ miền Bắc đã phục vụ cho hàng loạt chuyến chuyên cơ của các chính khách và lần nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định về an ninh, an toàn. Tuy nhiên, theo ông Linh, chuyến chuyên cơ VN103 thực sự đặc biệt, đông đảo nhân dân đến viếng. Do đó, đội ngũ chuẩn bị đã phải lên kế hoạch thêm cho nhiều tình huống khác, như nhân dân chen lấn xô đẩy, người dân lọt vào khu vực lễ tang ở sân bay, thậm chí cả khủng bố.
Buổi đưa tiễn ở sân bay đã diễn ra suôn sẻ hơn mong đợi, ông Trương Hữu Linh kể. Dù có hàng nghìn người dân tập trung dọc hai bên đường từ cầu Thăng Long tới sân bay Nội Bài, đoàn xe chở linh cữu không gặp cảnh tắc nghẽn. Người dân tự giác nhường đường cho xe đi qua. Khi đoàn xe đi gần đến cầu vượt, hàng trăm người ở trên cầu tự đi xuống hết, chờ cho đoàn xe đi qua hẳn mới lên cầu để nhìn vào sân bay được rõ.
Con trai trưởng Võ Điện Biên (ở giữa) và con trai thứ Võ Hồng Nam bên linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đúng 10h30 ngày 13/10, sau hơn một tiếng nghi thức ở sân bay, chiếc ATR72 chở theo linh cữu Đại tướng đã cất cánh rời Nội Bài, trở về quê hương Quảng Bình. Với cơ trưởng Vũ Tiến Thắng và cơ phó của chuyến bay Phạm Văn Hải, nhiệm vụ của họ trở nên khó khăn hơn vì phải tiết chế cảm xúc tiếc thương, tập trung điều khiển trong buồng lái.
Ngoài ra, tổ bay còn phải liên tục liên lạc với đài chỉ huy vì chuyến bay diễn ra trong hoàn cảnh thời tiết không thuận lợi. Ngày hôm đó, có tới 3 cơn bão cùng lúc tấn công châu Á. Trong đó, một cơn bão cường độ rất mạnh đã tràn qua Philippines và bắt đầu tác động đến khu vực Quảng Bình.
"Chúng tôi quyết tâm thực hiện chuyến bay tới đích, đưa Đại tướng về quê nhà an toàn. Tuy nhiên trước đó, tổ bay cũng đã phải đặt ra những phương án dự phòng. Nếu mưa bão khiến máy bay không tiếp cận được sân bay Đồng Hới, chúng tôi sẽ hạ cánh đến một sân bay gần nhất và ngay lập tức có phương tiện thay thế để đưa Đại tướng về quê nhanh nhất", phi công Vũ Tiến Thắng kể lại.
Cơ trưởng của chuyến bay VN103, cũng là Tổ trưởng của Tổ bay ATR72 Vietnam Airlines - phi công Vũ Tiến Thắng (trái), cùng cơ phó của chuyến bay, cũng là Tổ phó của Tổ bay ATR72, phi công Phạm Văn Hải (phải).
Cùng với chiếc ATR72, một máy bay mang số hiệu đặc biệt biểu tượng cho năm sinh của Đại tướng, VN1911 cũng cất cánh sau đó không lâu, chở theo gia quyến cùng thành viên ban tang lễ. Cất cánh sau, nhưng chiếc máy bay này có nhiệm vụ hạ cánh trước tại Đồng Hới, để ban lễ tang và người thân thực hiện nghi thức đón VN103. Sau gần một tiếng rưỡi bay trên bầu trời, chuyến bay mang sứ mệnh đặc biệt đã hạ cánh an toàn ở sân bay Đồng Hới. Linh cữu Đại tướng được chuyển sang di chuyển bằng đường bộ đi đến khu vực an táng tại Vũng Chùa, Đảo Yến.
Với những người tham gia phục vụ chuyến bay lịch sử, đây là nhiệm vụ không thể nào quên. "Sau khi nhiệm vụ kết thúc, mọi cảm xúc trong tôi mới vỡ òa", cơ phó của chuyến bay, anh Phạm Văn Hải kể lại. Còn với ông Trương Hữu Linh, điều đáng nhớ nhất là đã hoàn thành tâm nguyện được chạm vào Đại tướng lần cuối cùng khi tham gia khiêng linh cữu lên máy bay. "Đây là nhiệm đặc biệt mà suốt đời tôi không thể nào quên, Những kỷ niệm, bức hình và kịch bản của buổi tang lễ sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời", ông Linh nói.
Theo VnExpress
Ngày tiếp quản Thủ đô trong ký ức người cận vệ Những người Thanh Hóa có mặt ở Hà Nội vào thời khắc tiếp quản, giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954, đến nay chỉ còn mấy người. Trong ký ức khó phai mờ, vui mừng trào nước mắt, những người còn sống hôm nay luôn xem đó là kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên. Ông Nguyễn Đình Sơn (người cầm cuốn sổ)...