‘Đòn tự sát’ của Liên Xô để đánh chìm tàu sân bay Mỹ
Liên Xô từng có kế hoạch triển khai 100 oanh tạc cơ Tu-22M mang tên lửa để tấn công kiểu cảm tử vào cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ.
Máy bay F-14 Mỹ hộ tống oanh tạc cơ Tu-22M Liên Xô. Ảnh: Wikipedia.
Vào giai đoạn cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1980, Liên Xô không đủ khả năng chạy đua chế tạo tàu sân bay để cạnh tranh với Mỹ. Điều này khiến Moscow bí mật xây dựng chiến lược răn đe bằng cách tiêu diệt tàu sân bay Mỹ dựa trên chiến thuật tấn công tự sát của Nhật Bản trong Thế chiến II, theo WATM.
Trong Thế chiến II, Liên Xô nhận thấy Nhật Bản có nhiều chiến hạm uy lực, nhưng sự ra đời của hạm đội tàu sân bay Mỹ đã thay đổi hoàn toàn bản chất hải chiến. Hầu hết tàu chiến hải quân Nhật đã bị chiến đấu cơ Mỹ đánh chìm trong giai đoạn cuối cuộc chiến, khiến họ không có cách đối đầu với tàu chiến Mỹ.
Cách duy nhất để Nhật Bản đối phó với Mỹ là tung đòn đánh phủ đầu gây thiệt hại nặng cho tàu sân bay, khiến chiến đấu cơ không thể xuất kích, vô hiệu hóa vũ khí uy lực nhất của hải quân Mỹ. Điều này buộc Tokyo đưa ra chiến thuật cảm tử “Kamikaze” (Thần phong), sử dụng máy bay mang bom lao thẳng vào tàu chiến Mỹ.
Chiến lược tiêu diệt tàu sân bay Mỹ của Liên Xô cũng lấy không quân làm nòng cốt, lực lượng này sẽ đóng quân ở các căn cứ gần bờ biển. Kế hoạch này không bắt chước chiến thuật Kamikaze, nhưng Liên Xô ước tính mỗi đơn vị tấn công tàu sân bay Mỹ sẽ mất tới 50% lực lượng khi làm nhiệm vụ.
Theo kế hoạch, không quân hải quân Liên Xô sẽ điều 100 oanh tạc cơ Tu-22M trang bị tên lửa diệt hạm tấn công cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ. Chiến lược gia Liên Xô muốn vô hiệu hóa hệ thống phòng không của biên đội hộ tống tàu sân bay, tạo ra “thời điểm vàng” để tung đòn tấn công bằng tên lửa.
Liên Xô biết phi đội tiêm kích đánh chặn Mỹ hoạt động dựa trên chỉ dẫn của kiểm soát không lưu. Họ sẽ tìm cách đánh lừa sĩ quan điều hành, khiến hệ thống cảm biến quá tải và tàu chiến Mỹ không kịp phản ứng trước một cuộc tấn công tổng lực.
Phi công hải quân Liên Xô cũng không tin tưởng vào dữ liệu chỉ thị mục tiêu từ vệ tinh hoặc tình báo. Nguồn thông tin đáng tin cậy nhất với họ là các tàu chỉ điểm liên tục bám đuôi hạm đội Mỹ để gửi dữ liệu trực tiếp theo thời gian thực.
Video đang HOT
Những chiếc Tu-22M mang tên lửa là trọng tâm của “đòn tự sát”. Ảnh: Wikipedia.
Thậm chí, thủy thủ đoàn trên các tàu bám đuôi xác định sẽ bị hủy diệt nếu chiến tranh nổ ra. “Ngay khi có thông báo tuyên chiến hoặc nhận lệnh cấp trên, thuyền trưởng sẽ thông báo vị trí hạm đội Mỹ cho oanh tạc cơ qua điện đàm, sau đó nã pháo vào đường băng và tháp chỉ huy tàu sân bay. Con tàu cũng có thể lao thẳng vào tàu sân bay Mỹ”, Maksim Y. Tokarev, cựu sĩ quan hải quân Liên Xô, tiết lộ.
Oanh tạc cơ Liên Xô sẽ phóng hàng loạt tên lửa từ khoảng cách xa nhất để nghi binh, trong khi hai chiếc trinh sát cơ Tu-16 sẽ tìm cách xâm nhập vào trung tâm đội hình Mỹ để tìm tàu sân bay bằng mắt thường. Họ sẽ thông báo vị trí chính xác của nó cho toàn bộ lực lượng còn lại qua điện đàm. Phi hành đoàn Tu-16 hiểu rằng đây là nhiệm vụ tự sát, không có hy vọng trở về an toàn.
Khi xác định được vị trí tàu sân bay Mỹ, lực lượng chủ lực Liên Xô sẽ đồng loạt phóng tên lửa hành trình diệt hạm. Các phi đoàn oanh tạc cơ sẽ tấn công từ các hướng và độ cao khác nhau, nhằm gây khó khăn cho hệ thống phòng không đối phương. Thời điểm vàng để tấn công chỉ kéo dài trong một phút nhằm đạt hiệu quả cao nhất. “Nếu trong tập trận, thời gian tiến hành tấn công lâu hơn một phút, đòn tập kích này bị xem là thất bại”, ông Tokarev cho biết.
Theo tính toán của Liên Xô, cần tới 12 tên lửa chống hạm dùng đầu đạn thông thường hoặc một quả đạn hạt nhân để đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Do độ khó và tỷ lệ thương vong quá cao trong kế hoạch này, phi hành đoàn oanh tạc cơ hải quân Liên Xô thường tự coi mình là phi đội tự sát. Họ cũng tính toán rằng các tàu dẫn đường sẽ chỉ sống sót trong khoảng 20-25 phút đầu tiên của trận đánh với biên đội tàu sân bay Mỹ. Mức độ thiệt hại quá nặng trong khi hiệu quả đánh chìm tàu sân bay không thực sự được bảo đảm khiến Liên Xô từ bỏ kế hoạch này.
Theo Duy Sơn (VnExpress)
Tàu ngầm Oscar - sát thủ thầm lặng của tàu sân bay Mỹ
Được trang bị 24 tên lửa hành trình P-700 Granit tầm bắn 625 km, tàu ngầm lớp Oscar của Liên Xô là mối đe dọa thực sự với tàu sân bay Mỹ.
Một tàu ngầm thuộc Đề án 949A. Ảnh: Reddit.
Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô thiết kế tàu ngầm tấn công hạt nhân khổng lồ Đề án 949 Granit (NATO định danh: Oscar) với nhiệm vụ duy nhất là săn lùng tàu sân bay, biểu tượng cho sức mạnh và niềm tự hào của Hải quân Mỹ, theo National Interest.
Theo chuyên gia quân sự Sebastien Roblin, mỗi tàu sân bay Mỹ đều có một lực lượng tàu chiến hộ tống. Nhiều chiếc trong số đó chuyên tác chiến săn ngầm, nên tàu Oscar không thể bí mật tiếp cận để dùng ngư lôi tấn công tàu sân bay. Thay vào đó, nó được thiết kế để phóng tên lửa hành trình diệt hạm từ khoảng cách hàng trăm km.
Dựa trên tàu ngầm tên lửa hành trình thế hệ ba, Đề án 949 Granit được Liên Xô phát triển giữa thập niên 1970. Đây là loại tàu có thiết kế hai lớp, trong đó vỏ chính bên trong chứa khoang thủy thủ đoàn và các hệ thống trên tàu. Vỏ ngoài bằng thép mỏng để bảo đảm hình dáng thủy động lực học, giảm sức cản của nước theo tiêu chuẩn đóng các tàu ngầm cỡ lớn của nước này.
Tàu ngầm lớp Oscar có kích cỡ lớn để mang vũ khí hạng nặng. Với chiều dài 154 m, lượng giãn nước 12.500 tấn khi nổi, đây là loại tàu ngầm lớn thứ tư từng được chế tạo trong lịch sử. Tàu đạt vận tốc tối đa là 60 km/h khi lặn, độ sâu tối đa tới 500 m.
Dù có tốc độ lặn chậm, khả năng cơ động thấp, tàu ngầm lớp Oscar có thể phóng tới 24 tên lửa hành trình P-700 Granit (NATO định danh: SS-N-19 Shipwrecks) có uy lực diệt hạm rất lớn.
Tên lửa P-700 Granit được nạp lên tàu ngầm lớp Oscar. Ảnh: Imgur.
Mỗi quả tên lửa P-700 dài 10 m, nặng 8 tấn, tầm bắn 62 km và vận tốc hành trình gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh (3.087 km/h). Tên lửa được dẫn đường bằng vệ tinh, thông qua một ăng ten gắn trên thân. Trong trường hợp khai hỏa đồng loạt, chúng có thể kết nối qua đường truyền dữ liệu (datalink) để chia sẻ thông tin mục tiêu, giúp tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau.
P-700 thường sử dụng đầu nổ mạnh (HE) nặng 750 kg. Ngoài ra, nó có thể trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá 500 kiloton, tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT.
So với tuần dương hạm hạng nặng lớp Kirov và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, tàu ngầm Oscar khó bị phát hiện hơn. Nó còn có khả năng phóng tên lửa từ dưới lòng biển mà không sợ bị tấn công trả đũa.
Tàu ngầm Oscar còn được trang bị hệ thống vũ khí tầm ngắn, bao gồm 4 ống phóng cỡ 533 mm cho tên lửa chống ngầm RPK-2 (NATO định danh: SS-N-15 Starfish), hai ống phóng cỡ 650 mm cho đạn RPK-6/7 (NATO định danh: SS-N-16 Stallion) nhằm diệt mục tiêu ở khoảng cách 101 km. Cả hai loại vũ khí này có thể dùng đầu đạn ngư lôi thông thường hoặc hạt nhân.
Hai chiếc Oscar đầu tiên có tên Arkhangelsk và Murmansk được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Severodvinsk vào năm 1980 và 1982. Trong giai đoạn 1982-1996, 11 chiếc được nâng cấp thuộc Đề án 949A Antey (NATO định danh: Oscar II). Tàu dài hơn phiên bản cũ 10 m, được trang bị các hệ thống điện tử hiện đại.
Sau khi Liên Xô tan rã, Hải quân Nga tập trung vào việc bảo dưỡng, nâng cấp hạm đội tàu ngầm Oscar để chúng tiếp tục theo dõi tàu sân bay Mỹ trong thập niên 1990. Một chiếc thậm chí đã mắc lưới tàu đánh cá Tây Ban Nha năm 1999.
Thủy thủ đoàn bên trong một ống phóng tên lửa Granit. Ảnh: Reddit.
Dù chưa từng tham gia chiến đấu, tàu ngầm lớp Oscar vẫn trải qua những tình huống rất nguy hiểm.
Ngày 12/8/2000, một vụ nổ kéo theo phản ứng dây chuyền có sức công phá tương đương 3-7 tấn thuốc nổ TNT xảy ra trên khoang tàu ngầm Kursk (K-141) đang tham gia cuộc tập trận hải quân ở Severomorsk, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Ngày 7/4/2015, tàu ngầm Orel (K-266) bị cháy tại ụ nổi ở nhà máy đóng tàu Severodvinsk. May mắn là nhiên liệu hạt nhân và vũ khí không được bố trí trên khoang tàu, cũng như không có thiệt hại về người.
Hải quân Nga đang vận hành 7-8 tàu ngầm lớp Oscar trong biên chế hạm đội Biển Bắc và Thái Bình Dương. Tàu ngầm tàng hình Đề án 885 Yasen (NATO định danh: Severodvinsk) trong tương lai sẽ thay thế lớp Oscar trong vai trò diệt tàu sân bay.
Quân đội Nga đã tuyên bố sẽ nâng cấp ít nhất ba tàu ngầm theo thiết kế Đề án 949AM vào năm 2020, với mức giá 180 triệu USD/chiếc. 24 tên lửa P-700 lạc hậu sẽ được thay thế bằng 72 tên lửa P-800 Oniks hoặc Kalibr. Hệ thống định hướng, tác chiến thông tin và thiết bị cảm biến mới cũng sẽ được bổ sung.
Dù không sở hữu công nghệ tàng hình tối tân, nhưng lớp Oscar vẫn là công cụ răn đe hiệu quả từ khoảng cách xa với các tàu mặt nước quý giá của Mỹ, chuyên gia Roblin nhận định.
Duy Sơn
Theo VNE
Tàu sân bay 12,9 tỷ USD của Mỹ ghi dấu mốc lịch sử Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trị giá gần 13 tỷ USD mới nhất của Hải quân Mỹ vừa ghi dấu mốc lịch sử khi thực hiện thành công đợt thu, phóng máy bay chiến đấu bằng hệ thống phóng điện từ. Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters) Trang RT ngày 30/7 đưa tin tàu...