Đòn trả thù của bác sĩ với đồng nghiệp
Bác sĩ Brian Stidham đi ra xe sau một ngày làm việc mệt mỏi mà không biết đang bước vào cái bẫy được giăng sẵn.
Khoảng 22h30 ngày 5/10/2004, thi thể của Stidham được người qua đường phát hiện tại một bãi đỗ xe gần văn phòng khám của bác sĩ ở thành phố Tucson, bang Arizona. Khi nhân viên y tế tới nơi, Brian đã tử vong vài giờ trước.
Chiếc xe của nạn nhân biến mất, gần thi thể là miếng bánh pizza cắn dở. Các đồ vật giá trị bên người Brian còn nguyên vẹn nên có thể loại trừ khả năng đây là vụ cướp của giết người.
Nhân viên tại phòng khám cho biết chiều tối hôm đó, Brian làm xong việc rồi tranh thủ giảng bài cho nhóm sinh viên y khoa. Như vậy, có thể Brian bị tấn công khi đang chuẩn bị lái xe về nhà. Không may, khu đỗ xe khá tối tăm và bị khuất tầm nhìn, không có camera an ninh, cũng không có nhân chứng trông thấy hung thủ.
Cảnh sát liên hệ với Daphe Stidham, vợ của Brian nhưng không có hồi âm, khi đến tận nhà kiểm tra cũng không có ai mở cửa. Sau khi phá cửa, cảnh sát thấy Daphe cùng hai con nhỏ đang ngủ say.
Bên cạnh giường ngủ của hai vợ chồng là các hồ sơ tài chính của gia đình được bày la liệt, điện thoại trong phòng ngủ bị ngắt dây. Khi bị đánh thức, câu đầu tiên Daphe thốt lên là “có phải chồng tôi đã bị bắn không?”. Daphe nói đã uống vài viên thuốc ngủ nên ngủ say.
Vì câu nói lạ lùng, cảnh sát ban đầu nghi ngờ Daphe có liên quan tới sự việc. Tuy nhiên, dấu vết trong căn nhà cho thấy chị ta đã ở nhà suốt buổi tối. Câu hỏi bất thường của Daphe cũng có thể được lý giải do bất ngờ gặp cảnh sát trong nhà. Daphe tạm thời được loại khỏi diện tình nghi.
Biên bản giải phẫu kết luận nạn nhân chết vào khoảng 19h30 do bị đâm 15 nhát dao. Thủ đoạn gây án dã man khiến cảnh sát cho rằng kẻ tấn công có thể là người quen đem lòng thù hận Brian, vụ cướp chỉ để đánh lạc hướng điều tra.
Cảnh sát thử gọi vào số điện thoại di động của Brian, nếu như điện thoại được bật, cảnh sát có thể gửi tín hiệu đến điện thoại để định vị gần đúng thông qua tín hiệu trả về từ các cột sóng. Bằng phương pháp này, cảnh sát tìm được chiếc xe của nạn nhân, bên trong xe là chiếc điện thoại di động.
Kiểm tra chiếc xe, cảnh sát thấy nhiều vết máu cả bên trong và bên ngoài cửa xe, từ đó xác định nạn nhân bị đâm ngay khi vừa mở cửa. Tuy nhiên, những chứng cứ pháp y thu thập ban đầu từ chiếc xe không có nhiều giá trị.
Điều tra đời tư của bác sĩ Brian hé lộ nhiều điều bí ẩn. Năm 2001, Brian đến thành phố Tucson theo lời mời tuyển dụng của Bradley Schwartz, một bác sĩ khác. Tuy nhiên, ít lâu sau, Schwartz trở thành đối tượng bị cơ quan phòng chống ma túy (DEA) điều tra vì liên quan đến vụ việc làm giả thuốc. Sau khi Schwartz bị truy tố và tước giấy phép hành nghề, Brian tách ra lập phòng khám riêng của mình, đem theo toàn bộ danh sách khách hàng, khiến Schwartz gần như không còn cơ hội làm lại cuộc đời.
Thời điểm xảy ra án mạng, Schwartz đã chấp hành xong bản án và lấy lại giấy phép hành nghề. Ban đầu, cảnh sát loại trừ Schwartz khỏi danh sách nghi phạm bởi cho rằng mâu thuẫn giữa Brian và Schwartz đã xảy ra nhiều năm trước. Ngoài ra, các nhân viên làm việc cho Brian cũng không nhận thấy sự mâu thuẫn nào giữa gia đình bệnh nhân với vị bác sĩ.
Khi được phỏng vấn, vợ Brian cho biết chồng mình là người được mọi người yêu quý, chỉ có kẻ thù duy nhất là Schwartz. Tuy nhiên, Schwartz có chứng cứ ngoại phạm xác đáng bởi vào đêm án mạng xảy ra, Schwartz đang ăn tối trong nhà hàng.
Dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp, cảnh sát phỏng vấn Lisa, bạn gái của Schwartz về buổi tối hôm đó và lập tức phát hiện điều đáng ngờ. Lisa cho biết, khi ở trong nhà hàng, một người đàn ông tên Bruce gọi điện cho Schwartz, sau đó cùng tham gia bữa tối với hai người. Lúc này là 20h30, một tiếng trước khi Brian bị giết.
Video đang HOT
Trong bữa ăn, Bruce không gọi món mà chỉ gọi một cốc bia, thi thoảng lại bốc đồ ăn trong đĩa của hai người. Bruce có vẻ đã quen Schwartz tại buổi gặp gỡ của những người đang cai nghiện ma túy. Theo Lisa, khi Schwartz bất ngờ hỏi về chủ đề quần áo phẫu thuật, Bruce nói rằng mặc quần áo phẫu thuật để cưỡi ngựa. Nội dung trao đổi hết sức lạ lùng nên gây ấn tượng sâu sắc với Lisa.
Kiểm tra lịch sử cuộc gọi, cảnh sát phát hiện Schwartz từng nhận cuộc gọi từ bốt điện thoại trả tiền ở cửa hàng tiện lợi chỉ cách văn phòng của bác sĩ Brian hơn 120 m, 30 phút trước thời điểm xảy ra án mạng. Nhân viên tại cửa hàng tiện lợi cũng xác nhận người đàn ông sử dụng điện thoại trả tiền mặc bộ quần áo phẫu thuật.
30 phút sau khi xảy ra án mạng, Schwartz tiếp tục nhận cuộc gọi từ bốt điện thoại công cộng gần nơi cảnh sát tìm thấy chiếc xe của Brian.
Theo cảnh sát, Bruce từng đến khám tại văn phòng của bác sĩ Schwartz vì bị tổn thương mắt do ẩu đả. Bruce không xa lạ với lực lượng chức năng vì anh ta từng ngồi tù do dính líu tới ma túy, tới nay đã được thả. Hiện, anh ta thất nghiệp, không xe cộ, nhà cửa, điện thoại,…
Sau ngày Brian bị sát hại, Bruce được trông thấy mang trong người rất nhiều tiền. Anh ta khoe với bạn bè rằng số tiền này lên tới khoảng 10.000 USD. Dữ liệu từ camera an ninh cũng cho thấy Schwartz đã rút số tiền tương tự từ ngân hàng cùng ngày hôm đó.
Với chứng cứ thu được, cảnh sát bắt giữ Bruce và Schwartz nhưng vẫn cần chứng cứ pháp y để có thể thuyết phục bồi thẩm đoàn. Điều tra viên ra lệnh khám xe nạn nhân một lần nữa.
Các mẫu vật thu được được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhưng hầu hết chỉ chứa ADN của nạn nhân. Chỉ khi phân tích đến mẫu thứ 60, mẫu thu thập được từ nút chỉnh điều hòa, chuyên gia mới phát hiện ADN lạ từ tế bào da. Tế bào này nhỏ đến nỗi gần như không thể đo được, nhưng với phương pháp xét nghiệm ADN mới, các chuyên gia đã xác định được chủ nhân của mẫu ADN này chính là Bruce.
Mẫu thu được trên nút chỉnh điều hòa chưa ADN của hung thủ. Ảnh: Filmrise.
Tại tòa, công tố viên cáo buộc Schwartz vẫn ghen tức với Brian vì lập phòng khám riêng nên đã âm mưu thuê Bruce giết người. Khoảng 19h tối, Bruce mặc quần áo phẫu thuật gọi điện cho Schwartz để báo rằng mình đã sẵn sàng. 30 phút sau, khi Brian ra xe về nhà thì bị Bruce bất ngờ tấn công bằng dao. Sau đó, Bruce lái xe của nạn nhân bỏ đi.
Trong suốt quá trình gây án, Bruce đeo găng tay nhằm không để lại dấu vết, nhưng Bruce có thể đã lau mồ hôi trên trán và vặn nút chỉnh điều hòa nên đã để lại tế bào da siêu nhỏ tại hiện trường. Sau khi giấu xe, Bruce một lần nữa gọi điện cho Schwartz để thông báo, sau đó cùng ăn tối với Schwartz và bạn gái.
Bruce bị kết tội giết người cấp độ I, phạt tù chung thân. Schwartz bị kết tội mưu sát, chịu án tối thiểu 25 năm tù.
Cậu bé nhận diện nhầm khiến người đàn ông chịu án oan
"Vết sẹo tuổi thơ" hằn trong tâm trí, ám ảnh David Leon khi cậu trốn đi chơi và bị xâm hại tình dục.
Tối 29/10/1983, David được mẹ đưa đi lễ nhà thờ tại thành phố Tucson, bang Arizona nhưng cậu bé lại bị hấp dẫn bởi lễ carnival đang diễn ra gần đó. David nhân lúc mẹ không để ý đã trốn đi chơi hội.
Tới nửa đêm, người mẹ nhận được điện thoại từ nhà thờ nói tìm thấy David trong tình trạng tâm lý bị sốc, quần áo bị lộn trái và rách nát. Thấy con trai nói bị gã đàn ông lạ mặt bắt cóc và xâm hại, người mẹ đưa đi khám.
Tại bệnh viện, David mô tả hung thủ là người da đen, một mắt bị tật. Hắn nhờ David giúp chuyển đồ lên ôtô và hứa trả công 5 USD. Chờ cậu bé tới gần, gã đẩy em vào xe, chở tới chỗ vắng xâm hại.
Nhận tin báo, lực lượng chức năng làm mọi thứ đúng quy trình. Họa sĩ vẽ chân dung nghi phạm theo mô tả của David. Cảnh sát ghi chép thương tích và giữ lại quần áo. Bác sĩ dùng bộ kit chuyên dụng để lấy mẫu như tóc và dịch cơ thể của cậu bé. Việc còn lại lúc này là truy tìm thủ phạm.
Rà soát người có đặc điểm tương tự, cảnh sát xác định Larry Youngblood, người có tiền án Cướp tài sản từ 10 năm trước, bị tật một mắt, hiện sống trong thành phố Tucson. 9 ngày sau vụ án, cảnh sát tập hợp ảnh của Larry với 5 người khác, tất cả đều bị che đi một bên mắt và đưa cho David nhận dạng.
Sau một hồi quan sát, cậu bé chọn ra Larry.
Bộ ảnh nhận dạng do cảnh sát lập nên, Larry Youngblood ở góc trên bên phải. Ảnh: PBS.
Dù khẳng định ngủ tại nhà bạn gái tại thời điểm xảy ra vụ án, Larry vẫn bị khởi tố về tội Xâm hại trẻ em, Tấn công tình dục và Bắt cóc. Larry và luật sư muốn giám định mẫu dịch dính trên quần nạn nhân nhưng phát hiện cảnh sát đã không lưu trữ vật chứng trong tủ đông, mẫu vật từ đó bị hủy. Lúc này, công nghệ chưa phát triển nên không thể xét nghiệm ADN với những mẫu vật khác.
Ngay từ đầu, mô tả của David không trùng khớp hoàn toàn với đặc điểm của bị cáo. Cậu bé kể ôtô của kẻ bắt cóc có hai cửa, trong khi xe của Larry là loại có bốn cửa. Thủ phạm được mô tả có dải tóc màu bạc, nhưng tại tòa, chuyên gia tạo mẫu tóc làm chứng rằng tóc của Larry chưa bao giờ được nhuộm hoặc bạc màu. David không mô tả hung thủ đi khập khiễng, nhưng một chân của Larry ngắn hơn chân kia. Ngoài ra, nạn nhân khẳng định gã đàn ông bật nhạc đồng quê trong xe, trong khi mọi người quen đều biết Larry không ưa thể loại này.
Tuy vậy, phiên tòa vẫn xét xử vẫn đi theo hướng bất lợi cho Larry. Ví dụ, để cho thấy David có thể nhận dạng nhầm, bên bào chữa gọi bác sĩ mắt tới làm chứng về độ cận thị của cậu bé, nhưng bác sĩ giải thích cho bồi thẩm đoàn rằng mắt của David đủ tốt để được phép lái xe sau này.
Tiếp theo, nhà khoa học do bên bào chữa gọi tới làm chứng rằng nếu cảnh sát bảo quản quần áo của nạn nhân, xét nghiệm có thể chứng minh tinh trùng dính trên đó không phải của Larry. Nhưng khi bị công tố viên hỏi, nhà khoa học này lại thừa nhận xét nghiệm cũng có thể không gỡ tội cho Larry.
Năm 1985, bồi thẩm đoàn ra phán quyết Larry phạm tội như cáo buộc, phạt 10 năm 6 tháng tù.
Trong đơn kháng cáo, luật sư của Larry lập luận việc cảnh sát làm hỏng chứng cứ có thể gỡ tội đã xâm phạm quyền được xét xử đúng quy trình; hơn nữa không có chứng cứ liên kết hành vi của Larry với cáo buộc phạm tội.
Tòa phúc thẩm bang Arizona đồng ý với lập luận này, xác định dù cảnh sát không có ác ý khi không bảo quản vật chứng nhưng việc hủy án là cần thiết để tránh "phiên tòa bất công". Hai năm sau khi bị kết án sơ thẩm, Larry tạm thời được trả tự do vào năm 1986 chờ kết quả kháng cáo.
"Thắng lợi" này của Larry hết sức ngắn ngủi. Sau khi vụ án được tòa tối cao liên bang lấy lên xem xét vào năm 1988, 6 trong 9 thẩm phán tòa tối cao nhất trí khôi phục bản án với Larry vì nhận định bị cáo không bị xâm phạm quyền được xét xử đúng quy trình hợp lý. Theo phán quyết, cơ quan chức năng không có nghĩa vụ bảo quản chứng cứ có tính chất "có thể gỡ tội". Quyền của Larry chỉ được coi là bị xâm phạm nếu cảnh sát cố ý hủy vật chứng để ngăn xét nghiệm.
Trong khi đó, ba vị thẩm phán có ý kiến phán đối lại cho rằng "Hiến pháp yêu cầu bị cáo phải được xét xử công bằng, không chỉ đơn thuần là sự cố gắng "thiện chí" để đạt được phiên xét xử công bằng". Với nhận định thà để kẻ có tội tự do còn hơn kết án người vô tội, ba thẩm phán chung quan điểm "chứng cứ trong vụ án chưa thuyết phục", khả năng Larry được gỡ tội "tương đối cao".
Dù vậy, đây vẫn chỉ là ý kiến thiểu số, bản án của Larry vẫn được khôi phục.
Sau một lần kháng cáo nữa tại tòa tối cao bang Arizona nhưng không thành công, Larry phải hoàn thành bản án 10 năm 6 tháng tù. Khi ra tù, Larry bị lưu tên trong hệ thống quản chế tội phạm xâm hại tình dục. Năm 1999, ông bị bạn gái đuổi ra khỏi nhà, 5 tháng sau bị bắt vì không khai báo địa chỉ mới theo yêu cầu của hệ thống quản chế.
Lúc này, công nghệ ADN đã đạt bước đột phá. Nhân vụ bắt giữ, luật sư của Larry yêu cầu xét nghiệm mẫu tinh trùng ít ỏi còn nguyên vẹn từ 16 năm trước. Kết quả xét nghiệm cho thấy Larry không phải chủ nhân của mẫu tinh trùng lạ. Ngày 9/8/2000, Larry cuối cùng được hủy án và được công nhận là người vô tội.
Nhưng nếu Larry vô tội, ai là hung thủ xâm hại David? Trong vòng 16 tháng tiếp theo, vụ án không có lời giải cho tới khi mẫu ADN lạ được nạp vào cơ sở dữ liệu tội phạm quốc gia. Kết quả của mẫu trùng khớp với Walter Calvin Cruise, khi ấy đang ngồi tù tại bang Texas vì tội danh liên quan tới cocaine.
Walter có hai tiền án về xâm hại trẻ em và bị tật một mắt, giống mô tả của nhân chứng.
Walter Calvin Cruise (trái) và Larry Youngblood. Ảnh: PBS.
Sau khi được di lý tới thành phố Tucson để bị xét xử vào năm 2002, Walter bị kết án 24 năm tù. Tại tòa, Walter cho biết thường say rượu tới mức không biết gì và "xin lỗi vì mọi hành động đã làm tổn thương tới người khác".
Theo The Atlantic, dù ngắn ngủi, lời xin lỗi của hung thủ vẫn ý nghĩa hơn cách cư xử của bang Arizona với Larry. Trước khi được mang mẫu ADN đi xét nghiệm, Larry phải ký giấy từ bỏ quyền khởi kiện công tố viên, phòng cảnh sát, hoặc bộ tư pháp bang để đòi bồi thường oan sai. Kể cả khi ra quyết định hủy án, cơ quan công tố vẫn nhấn mạnh không làm gì sai vì "đã truy tố bị cáo dựa trên chứng cứ tốt nhất có sẵn lúc đó".
Tòa tối cao liên bang cũng chưa bao giờ xin lỗi Larry. Thậm chí, từ khi Larry được minh oan, tòa tối cao vẫn căn cứ phán quyết khi ấy để giải quyết ít nhất ba vụ án khác theo hướng có lợi cho cơ quan công tố.
Trong giới nghiên cứu luật pháp, phán quyết tòa tối cao liên bang về sự việc của Larry đã trở thành đối tượng bị chỉ trích. Một bài viết năm 1989 trong Tạp chí khoa học pháp lý Harvard về quyền tự do dân sự đã cho rằng cách phân tích của tòa "không hợp lý về lý thuyết và đã làm suy yếu chế định bảo vệ bị cáo". Ba bài viết khác cũng có nhận định tương tự.
Sau khi tự do, Larry phải ăn xin trong những năm cuối đời trên đường phố Tucson. Năm 2003, ông ta bị bắt vì rút dao đe dọa nhân viên tiệm ăn nhanh. Bốn năm sau, Larry chết ở tuổi 54 vì dùng ma túy quá liều sau thời gian dài sống trong tình cảnh vô gia cư mà chưa bao giờ nhận được tiền bồi thường.
Nạn nhân David Leon cũng không có cuộc sống êm đẹp. Bị xâm hại từ lúc 10 tuổi, David mang theo vết sẹo tâm lý và trở thành con người bạo lực với hai tiền án đánh bạn gái. David là người rất nóng nảy, dường như "giận dữ với cả thế giới", cán bộ quản chế nhận xét.
Năm 2004, David chết do bị tàu hỏa đâm và được xác định đã say xỉn khi gặp nạn.
Đợt bùng phát thứ hai của virus SARS-CoV-2 sẽ không xảy ra tại Mỹ? Ông Kevin Hassett thừa nhận cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc, nhưng khẳng định chiều hướng tích cực đã diễn ra những tuần gần đây. Ngày 12/6, các quan chức phụ trách kinh tế của Nhà Trắng, đã hạ thấp mối quan ngại về những đợt gia tăng đột biến số ca nhiễm bệnh Covid-19 mấy ngày gần đây tại một...