ĐÒN THÙ DÃ MAN TỪ AXÍT (*): Thiệt hại nặng, mức phạt nhẹ
Sử dụng axít gây thương tích cho người khác có thể bị xử lý về tội “giết người”. Tuy nhiên, nhiều vụ tạt axít gây hậu quả khốc liệt nhưng hung thủ lại nhận mức phạt khá nhẹ do chỉ bị kết tội “cố ý gây thương tích”
Axít là một trong những loại hóa chất được quản lý theo Luật Hóa chất được thông qua ngày 21-11-2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định, việc sản xuất, kinh doanh axít được quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua axít lại không mấy khó khăn.
Cần là có, rẻ như rau
Tại TPHCM, axít được bán nhiều nơi, từ điểm sạc bình ắc quy, tiệm sửa xe đến cửa hàng hóa chất, thậm chí cả ở một số cửa hàng dụng cụ y khoa. Có khá nhiều loại axít: axít sunfuric, axít nitric (độ đậm đặc 98%), axít clohydric (30%)…
Tại một tiệm sửa xe gắn máy trên đường Thành Thái, quận 10 – TPHCM, chúng tôi thấy 4-5 can (loại 30 lít) axít, đều không có nhãn hiệu. “Axít mới giá 15.000 đồng/lít, loại cũ giá rẻ hơn một nửa, muốn mua bao nhiêu cũng có, cần loại đậm đặc thì cứ đến chợ Kim Biên” – ông chủ tiệm cho biết.
Axít bán tràn lan ở chợ Kim Biên – TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, có cả chục cửa hàng bán hóa chất, chỗ nào cũng bán axít từ loại tinh khiết dùng cho phân tích thí nghiệm đến hàng công nghiệp lẫn nhiều tạp chất. Một chủ cửa hàng tên Hùng giới thiệu: “Axít lẻ đóng chai loại 500 ml hàng Trung Quốc giá 30.000 đồng, hàng Hàn Quốc hoặc Đài Loan 70.000 đồng; còn loại nhập từ Đức chai 1.000 ml giá 485.000 đồng. Muốn mua sỉ axít công nghiệp từ vài thùng trở lên, mỗi thùng 20-35 kg thì phải đặt hàng trước khoảng vài giờ”.
Ở chợ Kim Biên, khu vực đường Nguyễn Thị Nhỏ, Vạn Tượng, quận 5 – TPHCM…, đủ loại axít bày bán ê hề. Hầu hết các điểm bán axít đều không xuất trình hóa đơn cho khách. Giá axít công nghiệp bán phổ biến từ 15.000 đồng đến 18.000 đồng/lít. Khách muốn mua lẻ cũng được đáp ứng ngay nhưng phải chịu giá cao hơn.
Thực tế nêu trên cho thấy việc quản lý sản xuất, kinh doanh axít còn nhiều bất cập. Trong khi đó, cơ quan QLTT cho biết chỉ quản lý về sổ sách chứng từ, hàng không có hóa đơn, tức hàng lậu, sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, axít là mặt hàng nguy hiểm cao, cần phải được quy định chặt chẽ: Bên bán phải có điều kiện, bên mua cần chứng minh bằng giấy tờ, văn bản chứng minh mục đích sử dụng.
“Cố ý gây thương tích” hay “giết người”?
Từ lâu, axít đã trở thành một vũ khí tàn độc trong các vụ tấn công, hành hung người khác, để lại những di chứng nặng nề cho nạn nhân cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo Nghị quyết 02/2003 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, axít được xem là một “hung khí nguy hiểm” mà khi sử dụng nó để gây thương tích sẽ bị xem là tình tiết định tội. Không phải mọi trường hợp sử dụng axít gây thương tích cho người khác chỉ bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”, mà còn có thể bị xử lý về tội “giết người”. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều vụ sử dụng axít gây hậu quả khốc liệt nhưng hung thủ chỉ nhận mức phạt khá nhẹ do chỉ bị kết tội “cố ý gây thương tích”.
Việc kết tội “cố ý gây thương tích” hay “giết người” phục thuộc nhiều yếu tố, trong đó có ý thức chủ quan và hậu quả. Nếu như ý thức chủ quan của người phạm tội mong muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân thì có thể bị xử lý về tội “giết người”. Trong trường hợp hậu quả do việc tạt axít do người phạm tội thực hiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những bộ phận quan trọng trên cơ thể củanạn nhân như đầu, cổ cũng vẫn có thể bị truy tố về tội “giết người”.
Video đang HOT
Không chỉ riêng axít, các hung khí nguy hiểm khác khi người phạm tội sử dụng mà gây những hậu quả khác nhau đều có thể bị xử lý về tội “giết người”. Chẳng hạn, nếu một người dùng cây sắt đánh vào chân một người khác thì có thể bị xử lý về tội “cố ý gây thương tích” nhưng cũng với cây sắt đó mà đánh vào đầu nạn nhân thì có thể bị xử lý về tội “giết người”.
Theo NLD
"Tạt axit phải xử tử hình!"
Tử hình là mức án mà hàng trăm bạn đọc Báo Người Lao Động cho rằng xứng đáng với tính chất nguy hiểm và hành vi man rợ của các sát thủ dùng axit tấn công người khác, khiến họ phải sống quãng đời còn lại trong cảnh đau đớn, tủi hận.
Có rất nhiều nguyên nhân để người ta hất axit vào mặt người khác, nhưng dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì nạn nhân sống không bằng chết trong khi kẻ thủ ác nhởn nhơ với những bản án chưa nghiêm khắc.
Sống không bằng chết
Tôi lặng người khi bước vào Khoa Phỏng-Bệnh viện Chợ Rẫy, bắt gặp hình ảnh nữ sinh viên ngành Y, N.T.T.T (25 tuổi, ngụ quận 9) đang chống chọi với những cơn đau do axit gây ra.
Axit phủ toàn bộ khuôn mặt T., vết thương đau rát và biến dạng qua từng ngày khiến ai nhìn thấy cũng xót xa. Chúng tôi không dám hỏi gì thêm khi thấy những giọt nước mắt pha lẫn máu ứa xuống đôi gò má của em.
Gương mặt thanh tú của chị T. bị hủy hoại ghê gớm bởi axit
Bên hành lang khoa phỏng, gia đình T. cho biết, sáng ngày 12-4, gia đình đau đớn nhận được hung tin em bị kẻ xấu tạt axit trên đường đến trường.
Lúc đó, T. chỉ kịp nhìn thấy một đôi nam nữ đi trên xe gắn máy trước khi ca axit văng vào mặt.
T. ngã quỵ giữa đường, cô được người dân đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện quận 9 rồi được chuyển đến Chợ Rẫy với thương tật 8% tạm thời và nguy cơ giảm thị lực rất lớn.
Nằm cạnh phòng T., anh P.N.T.(28 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) cũng đang được chăm sóc đặc biệt với vết thương do axit gây ra.
Anh P.N.T đang được chăm sóc đặc biệt với vết thương do axit gây ra.
Anh T đau xót kể lại: "Buổi sáng đầu tháng 4, tôi vừa ngủ dậy thì nhận được điện thoại của một thanh niên kêu đi quay phim đám cưới. Tôi tranh thủ đi mua kem đánh răng về để rửa mặt, đi gặp khách hàng cho kịp giờ hẹn. Vừa dắt xe ra khỏi nhà thì bị hai kẻ lạ mặt ép sát, hất axit vào mặt".
Theo anh T, anh không hề có mâu thuẫn với ai trong cuộc sống, trong công việc và trong tình yêu thì lại càng không thể. Anh vẫn không hiểu vì sao người ta lại ra tay tàn độc với mình như vậy.
Vụ tạt axit cả nhà anh Nguyễn Quốc Tuấn và chị Phạm Thị Xuân (ngụ đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, Gò Vấp) càng đau đớn, tang thương gấp bội. Từ cuộc sống hạnh phúc, gia cảnh khá giả, giờ gia đình anh Tuấn rơi vào cảnh vợ chồng con cái ly tán, kinh tế kiệt quệ, mẹ ruột anh phải chạy ngược chạy xuôi, vay nóng đưa con đi điều trị.
Nguy cơ tàn phế đối với anh Tuấn rất cao, hy vọng tìm lại ánh sáng mà bác sĩ nhen nhóm trong anh là rất mong manh. Giờ đây, con trai anh, Nguyễn Quốc Huy Bảo, mới hơn 3 tuổi, cũng đang oằn mình chống chọi với hàng chục vết sẹo đang hoành hành trên cơ thể.
Nguy cơ tàn phế đối với anh Tuấn rất cao
Trong vụ án này, dư luận vô cùng phẫn uất khi nhìn thấy hình ảnh một gia đình hạnh phúc lại rơi vào cảnh bỉ cực, khốn cùng. Bản án nào thích đáng cho hung thủ Lâm Tiến Dũng khi y chỉ bị khởi tố tội cố ý gây thương tích?
Công an khởi tố tội giết người, tòa án xử tội cố ý gây thương tích!
Ngày 20-12-2011, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm 14 năm tù đối với Trần Dũng (SN 1984) và 13 năm tù đối với Nguyễn Văn Hương (SN 1986 cùng ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội "Cố ý gây thương tích".
Điều khiến dư luận quan tâm đó là Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khởi tố hai bị cáo nói trên tội giết người nhưng VKSND và TAND cùng cấp xử tội cố ý gây thương tích.
Nạn nhân kháng cáo đòi đổi tội danh Dũng và Hương sang tội giết người nhưng TAND tỉnh Đồng Nai đã bác kháng cáo của bị hại, tuyên y án sơ thẩm.
Bản án này được cho là quá nhẹ đối với hai kẻ tàn độc khi hủy hoại khuôn mặt của một phụ nữ với thương tật 96% vĩnh viễn, khiến chị sống một quãng đời còn lại như một phế nhân.
Chị K. T. với thương tật 96% do axit gây ra
Chiều 5-11-2010, chị N.T.K.T (SN 1968, ngụ ở ấp Hoà Bình, xã Đông Hoà, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đang đi đón con thì bất ngờ Dũng và Hương đi xe máy từ phía sau vọt lên ép xe chị vào lề. Chị T. chưa kịp phản ứng đã bị đổ thẳng axit vào đầu, mặt, người. Gây án xong, hai tên mất tính người tăng ga bỏ chạy.
Trong khoảng thời gian từ năm 2006-2007, chị T. hợp đồng nuôi 2.500 hécta cá nước ngọt tại hồ Sông Ray (thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với Trần Anh Cường (SN 1965, ngụ ở tỉnh Khánh Hoà).
Do mâu thuẫn trong dự án nuôi cá này, Cường đã "ký hợp đồng tạt axit" chị T. với Dũng và Hương giá 52 triệu đồng. Cường ứng trước 2 triệu để hai tên này gây án, sau khi khiến nạn nhân sống không bằng chết sẽ thanh toán số còn lại.
Tuy nhiên, khi thuộc cấp sa lưới, đối tác kinh doanh sống những ngày tháng đoạn trường, Cường đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
"Tạt axit phải xử tử hình!"
Sau khi Báo Người Lao Động thông tin vụ tạt axit cả gia đình tại quận Gò Vấp-TPHCM, bạn đọc Hoài Nam (27 tuổi, ngụ Cà Mau) cho rằng: "Tạt axit phải xử tử hình mới đúng. Bởi, axit khiến người khác sống không bằng chết, nhẹ thì hủy hoại cơ thể, nặng thì mù lòa có khi dẫn đến chết người. Mức án dành cho những kẻ hủy hoại khuôn mặt người khác mà tòa án xử trong thời gian quan chưa xứng đáng với hành vi và tính chất dã man của các bị cáo gây ra".
Bạn đọc Nguyễn Xuân Khánh bức xúc: "Theo tôi hãy xử kẻ giết người tàn độc này ở mức án cao nhất để làm gương cho xã hội. Yếu tố nhân thân "gia đình giàu truyền thống cách mạng; có cha, anh và em công tác trong ngành công an..." không thể làm căn cứ để giảm bớt tội trạng của y. Trong vụ tạt axit này, theo tôi thấy, mức độ còn tàn ác và vô nhân tính thể hiện rất rõ vì kẻ thủ ác không tha cả đứa trẻ vô tội. Thiết nghĩ phải loại y khỏi đời sống xã hội mới thuyết phục và răn đe những người khác".
Phẫn nộ khi nhìn thấy những hình ảnh gia đình nạn nhân đau đớn với những cơn đau, cháu bé 3 tuổi oằn mình với những vết thương, bạn đọc Công Lý nhận định: "Nếu ai dùng a-xít trong các cuộc xung đột sẽ bị án chung thân hoặc tử hình. Vì đã dùng a-xít là hủy hoại đời sống đồng loại, dù người bị hại không chết nhưng cuộc sống gần như khép lại với họ rồi. Như trường hợp gia đình anh Tuấn, dù các nạn nhân có sống cũng không còn thấy ánh sáng mặt trời nữa, còn khổ nào hơn như thế. Nhất là cháu bé có tội gì đâu mà phải chịu cảnh mù lòa, tối tăm".
Sâu sắc hơn, bạn đọc Dân Sài Gòn chia sẻ: "Pháp luật được tạo ra không chỉ để trừng trị người phạm tội mà còn phải có tác dụng răn đe với những người "có ý định phạm tội". Nếu không có tác dụng răn đe này, thì pháp luật chỉ đóng vai trò "giải quyết hậu quả" chứ không có vai trò "kiểm soát hành vi". Nếu hình phạt nhẹ hơn tội ác gây ra thì những kẻ thủ ác sẽ không sợ và những hành vi man rợ này sẽ có khả năng tái diễn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh tòa Hình sự TAND TPHCM cho biết: "Hành vi dùng axit tấn công người khác cũng chưa thể khẳng định người đó phạm tội giết người như nhiều người thường nghĩ.
Để xác định tội danh cố ý gây thương tích hay giết người thì công việc đầu tiên của các thẩm phán khi xét xử là phải xác định được ý thức phạm tội, nồng độ axit mà bị cáo dùng để gây án đặc hay loãng... Trong trường hợp kẻ thủ ác dùng axit hất vào đầu, cổ hoặc một chỗ nguy hiểm nào khác trên cơ thể con người thì đó là giết người".
Theo NLD
Tạt axit người yêu vì không chịu tiếp tục "sống thử" Ngày 17-6, ông an quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, cho biết sau gần nửa tháng điều tra đã xác định được nguyên nhân đôi tình nhân bị bỏng a xít trong phòng trọ xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm. Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 28-5, Khoa Bỏng- Tạo hình, bệnh viện Đà Nẵng tiếp...