Đón Tết giữa trùng khơi
Khi kim đồng hồ sắp đến 0 giờ đêm giao thừa, ngư dân nổ máy, quay mũi tàu về đất liền, mở đài nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Nhiều tàu hẹn nhau neo cùng chỗ. Giờ khắc ấy thật thiêng liêng
Tại cảng cá Sa Kỳ (huyện Bình Sơn – Quảng Ngãi), chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết Tết này, chồng con chị đón Xuân trên biển. Chồng chị Hạnh là ngư dân Võ Thanh Nam, lao động trên tàu câu mực mới xuất cảng ra Hoàng Sa đánh bắt cách đây mấy hôm. “Vì mới đi, tổn phí lớn mà về liền sao được? Phải chấp nhận ở lại đón Tết trên biển thôi” – chị Hạnh giải thích.
Cũng là cái nghiệp
Ngư dân Trần Văn Cước tâm sự rằng cả năm chỉ có 3 ngày Tết, chẳng ai muốn xa gia đình nhưng những người làm nghề biển phải chấp nhận. “Mình đi biển, gắn bó với biển, có lẽ đón Tết cùng biển cũng là cái nghiệp”- anh Cước cười xòa. Năm nào cũng có khoảng 5-10 tàu của Sa Kỳ đón giao thừa trên biển. Có người đón Tết trên biển đã khoảng 10 lần. Tàu của anh Cước cũng đang chuẩn bị khẩn trương để xuất bến.
Chuẩn bị nhổ neo đưa tàu ra khơi đánh bắt dịp Tết. Ảnh: Hồng Ánh
Theo nhiều ngư dân Quảng Ngãi, sở dĩ phải làm xuyên Tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Đặc biệt, thời điểm giáp Tết, cá chuồn bay dày đặc ở biển Hoàng Sa. Bình thường, một mẻ lưới ngư dân bắt được 2-3 tạ cá nhưng dịp này có thể được cả tấn. Hơn nữa, những tháng trước Tết, biển miền Trung thường có bão nên tàu thuyền phải nằm bờ. “Có nhiều chàng trai chưa vợ lần đầu tiên ăn Tết trên biển cứ ngơ ngác như con tàu lạc hướng. Những lúc như vậy, nhờ sự động viên của anh em nên nỗi nhớ cũng nguôi ngoai”- ngư dân Nguyễn Văn Hải tâm sự.
Sở NN-PTNT Phú Yên cho hay dịp Tết Quý Tỵ sẽ có hơn 300 tàu với gần 3.000 ngư dân của tỉnh này đón Tết trên biển. Riêng TP Tuy Hoà có 193 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương trên vùng biển Trường Sa với hơn 1.800 ngư dân.
Gặp nhau giao thừa nhé!
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội Kiểm soát hành chính Đà Rằng thuộc Đồn Biên phòng 352 Phú Yên, cho biết hơn một nửa số tàu ở cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa đã ra khơi đón Tết trên biển. Dù giá cá ngừ loại 1 hiện chỉ 140.000 đồng/kg nhưng cá đầu mùa chất lượng thịt tốt, sản lượng đánh bắt lại cao nên hầu hết tàu ra khơi trong dịp này đều có lãi.
Video đang HOT
Trung tá Huỳnh Văn Đính, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, nói trong dịp Tết, lực lượng biên phòng sẽ trực 24/24 giờ, tất cả các máy bộ đàm sẽ mở liên tục để ngư dân liên hệ và kịp thời hỗ trợ bà con trong tình huống khẩn cấp. “Chúng tôi muốn nói với ngư dân rằng bà con cứ yên tâm ra khơi bám biển. Chúng tôi luôn sát cánh với bà con” – trung tá Đính khẳng định.
Sáng 5/2 tàu cá PY-96262-TS của ông Trần Văn Đi (TP Tuy Hòa) cập bến. “Chưa đầy 1 tháng nhưng chuyến biển này chúng tôi câu được hơn 70 con cá, lãi cũng khá nên tranh thủ bán để chia tiền cho vợ con ở nhà ăn Tết, còn anh em chúng tôi phải ra khơi tiếp vào tối 6/2″ – ông Đi nói.
Từ Trường Sa, thuyền trưởng Võ Văn Dinh trên tàu PY-92285-TS (TP Tuy Hòa) cũng cho biết đón giao thừa trên biển là dịp rất đặc biệt đối với ngư dân. Tranh thủ thả câu từ chiều trước, đến khoảng 22 giờ là tất cả đều được nghỉ, tắm rửa để đón giao thừa. “Khi kim đồng hồ chuẩn bị chỉ 0 giờ, chúng tôi cho nổ máy, quay mũi tàu về hướng đất liền, mở đài và im lặng nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Có những Tết, một số tàu hẹn nhau neo cùng một chỗ để đón giao thừa. Giờ khắc ấy thật thiêng liêng”- anh Dinh tâm sự.
Chiều 5/2, tàu PY-92614-TS của anh Trần Văn Đức (TP Tuy Hòa) cũng rời bến. Những người vợ đưa chồng ra tận bến tàu trong cái nhìn trìu mến. Lẫn trong tiếng máy tàu, anh Đức phấn khích bên máy bộ đàm trò chuyện với những người bạn ngoài khơi: “Chờ đấy, mình đang ra. Gặp nhau giao thừa nhé!”.
Trách nhiệm với biển đảo quê hương
Thuyền trưởng Hồ Tấn Phương trên tàu PY-92115-TS (Phú Yên) đang đánh bắt cá ngừ đại dương cách đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa – Khánh Hòa, hơn 55 hải lý về hướng Đông – Đông Bắc cho biết dẫu không ai nói với ai nhưng trong lòng mỗi ngư dân ra khơi dịp Tết đều thấy rõ trách nhiệm giữ vững chủ quyền biển đảo của mình. “Sẽ là nói quá nếu bảo rằng chúng tôi ra khơi chỉ vì bảo vệ chủ quyền.
Mục đích mưu sinh là điều không phủ nhận nhưng nếu chỉ mưu sinh thôi mà phải xa vợ, xa con trong dịp Tết thì chẳng mấy người chịu đi”- anh Phương bộc bạch. Theo anh, những năm trước, việc tìm lao động ra khơi dịp Tết rất khó khăn dù trả công cao hơn nhiều so với ngày thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không chỉ ngư dân mà những người làm nông cũng đăng ký ra khơi đón Tết.Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry khẳng định lực lượng biên phòng rất trân trọng những chuyến ra khơi vào dịp Tết của ngư dân nên thường làm thủ tục nhanh gọn để bà con có thể ra khơi sớm, vừa đánh bắt vừa thể hiện chủ quyền biển đảo của mình.
Theo 24h
Xóm chài cuối cùng ở Sài Gòn
Nếu có dịp đi qua và nhìn xuống dưới chân cầu Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh, TP HCM), du khách sẽ thấy có mấy chiếc thuyền chài cũ kỹ đang neo đậu. Đó có thể là những chiếc thuyền chài cuối cùng, của những ngư dân cuối cùng, sống nhờ nghề chài lưới trên sông Sài Gòn.
Tôi loạng choạng bước xuống chiếc thuyền cũ nát, đậu sát bờ của ông Bùi Văn Bảy, lúc ông đang ngồi cặm cụi bên đống lưới. Nghe tiếng bước chân, ông cất tiếng hỏi mà không ngẩng đầu lên: "Ai dzậy? Thuyền nhỏ, không chắc đâu, coi chừng té đó nghen". Tôi cười chào ông và giới thiệu. Lúc này ông Bảy mới ngẩng lên nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: "Trời đất, hết chuyện rồi sao mà kiếm tui viết báo dzậy?". Nói vậy nhưng ông vẫn với tay lấy bình nước sát vách thuyền rót mời tôi và hỏi: "Chú muốn hỏi gì?". "Dạ, cháu muốn tìm hiểu về xóm chài mình đây...". Người đàn ông lại phán: "Ối giời, có gì đâu mà tìm hiểu". Nói vậy, nhưng rồi ông cũng "vẽ" xong cho tôi một bức tranh về xóm chài đang lay lắt bên bờ sông Sài Gòn.
Xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi
Nét mặt sạm đen, râu tóc bờm xờm, nhìn người đàn ông này, ít ai nghĩ năm nay ông mới ngoài 50 tuổi. "Ngày xưa, xóm chài này đông vui lắm. Bây giờ chỉ còn gần chục chiếc thuyền. Nước mênh mông vậy chứ ô nhiễm nặng nên cá mú chẳng còn bao nhiêu mà đánh bắt nên mọi người lên bờ kiếm việc hết rồi. Mà cũng chẳng có chỗ neo đậu thuyền. Chỉ còn chỗ này thôi. Mai mốt, cầu Bình Lợi mới làm xong, chúng tôi chắc sẽ bị đuổi nữa. Lúc đó không biết đi đâu", ông Bảy cám cảnh nói.
Hiện nay, không biết chính xác số nhân khẩu của xóm chài này là bao nhiêu, chỉ biết trên mỗi thuyền có từ 3 đến 7 người. Như vậy, cũng có khoảng hơn ba chục con người đang bám víu vào dòng sông nghèo cá tôm này để sống qua ngày. Đây có lẽ là xóm chài cuối cùng của thành phố này bởi đa số ngư dân trước kia đã chuyển nghề vì nhiều lý do khác nhau. Lúc tôi đến, con nước đang ròng, xuống thấp rất cạn, các thuyền khác bên cạnh cũng phải tìm cách di tản đi nơi khác để đánh bắt, nếu chậm trễ có thể mắc kẹt lại ven bờ cho đến khi nước lớn.
Ông Bảy có 3 người con đều đã lớn và lên bờ kiếm việc làm ổn định. Riêng vợ chồng ông vẫn ngày ngày bám theo từng con nước kiếm sống. "Tui theo nghề chài lưới từ nhỏ, đã gắn bó với nó rồi, giờ bỏ nó nhớ không chịu được. Với lại, tui chẳng biết làm gì ngoài thả lưới, buông câu", ông cười buồn.
Ông Bảy trước "căn nhà di động" của mình
Mỗi ngày, ông Bảy giong thuyền men theo sông Sài Gòn, ngược lên mạn An Phú Đông (Q.12) để đánh cá. Sau đó lại trở về "quê hương" nằm dưới chân cầu này. Ông bảo, những ngày triều xuống, nước chảy khá mạnh, cá thấy động, thường theo dòng mà di chuyển, đó là dịp để mình kiếm ăn. Nếu may mắn, một ngày có thể kiếm được trăm ngàn. Còn bình thường, một ngày chỉ dăm chục ngàn thôi, bởi hiện nay cá trên sông Sài Gòn (nhiều nhánh sông khác) cũng chẳng còn nhiều.
Lớn lên, lấy vợ, sinh con rồi vẫn ngày ngày quăng lưới. Trước kia, khúc sông này có rất nhiều cá tôm, bạn bè chài lưới đánh cá cũng nhiều. Tối nào bạn bè cũng tụ tập nhậu nhẹt, rất xôm tụ. Với những người lênh đênh sông nước, bến nào cũng là nhà, làm được bao nhiêu, ăn uống hết bấy nhiêu, chẳng lo nghĩ gì nhiều.
2. Ngoài chiếc ghe của đôi vợ chồng ông Bảy, xóm chài này còn có gần chục gia đình khác đang bám vào dòng sông mưu sinh như vợ chồng ông ba Chúc, vừa thả lưới vưa kiêm "nghề" vớt xác trên sông, ông Nguyễn Văn Huân, nhặt ve chai trên sông Sài Gòn, anh Nguyễn Huy Lịch, làm nghề bắt trùn chỉ...
Năm nay 47 tuổi, anh Lịch đã có ngót 20 năm dầm mình dưới dòng nước đen ngòm này. "Làm nghề này cực khổ mà nguy hiểm nữa. Bởi vì trùn chỉ rất thích sống ở khu nước bẩn, nằm sâu dưới lớp bùn. Tìm được ổ trùn, phải lặn sâu dưới nước để vớt. Mỗi ngày làm từ sáng đến chiều. Nếu may có thể kiếm 2 - 3 trăm ngàn đồng. Nhưng nghề này ảnh hưởng đến sức khỏe lắm, tui đi bệnh viện hoài vì bệnh phổi, đau nhức khớp xương. Chưa kể những tai nạn như mảnh chai, sắt rỉ cắt vào chân nhiễm trùng", anh Lịch nói.
Anh Lịch đang dầm mình vớt trùn chỉ dưới sông
Hiện nay, anh là trụ cột kiếm tiền lo cho cả gia đình, lo cho 2 đứa con ăn học. Theo anh Lịch, trên đoạn sông này hiện có khoảng 30 người làm cái nghề vớt trùn. Anh bảo, sông ô nhiễm, tôm cá biến mất hết, không đi lượm ve chai thì chỉ có cái nghề bắt trùn chỉ này. Cũng may, càng bẩn, trùn chỉ càng sinh sôi.
Không mưu sinh bằng nghề chài lưới, ông Nguyễn Văn Tám, một cư dân khác của xóm chài này, lại kiếm sống bằng cách vớt ve chai trôi nổi trên sông. Ông bảo, mỗi ngày thường chèo thuyền men theo các tấm lục bình, dọc bờ sông vớt chai nhựa đem bán. Hiện nay, những khu du lịch, những nhà hàng ven sông Sài Gòn đang vô cùng hút khách. Người ta ngồi ăn nhậu bên sông, ném vỏ chai xuống là ông chèo thuyền tới lượm. Mỗi cái được 600 đồng. Nếu may mắn, một ngày ông cũng kiếm từ 30 đến 40 ngàn đồng. Ngày cuối tuần có khi được hơn 50 ngàn đồng.
Mặc dù cuộc sống rất khó khăn, bấp bênh nhưng tình người, sự cảm thông và lòng nhân ái ở xóm chài nhỏ bé này lại đủ đầy. Bà Hinh, một người đã gắn bó với cây cầu này hơn 20 năm tâm sự: Ở đây, tuy chúng tôi là dân ngụ cư, là người tứ xứ sông nước nhưng bà con trên bờ rất quý mến. Vẫn cho mắc điện, dẫn nước ngọt để dùng trong sinh hoạt.
Nói về cuộc sống, bà bảo, sợ nhất là nhìn thấy... xác người. Trong mấy chục năm qua, hai vợ chồng bà đã vớt không dưới 30 cái xác. Kẻ thì từ nơi khác trôi về, người thì đứng trên cầu nhảy xuống. Có lúc, đang đêm nghe tiếng kêu la, hai ông bà lại hối hả chèo thuyền ra. May mắn thì sống sót, run rủi thì sáng hôm sau mới tìm thấy. Về chuyện này, bà cho hay hai vợ chồng bà đã cứu được gần chục người, giờ họ nhận làm con nuôi, vẫn thường thăm hỏi, gửi quà cho gia đình. Hơn nữa, ông bà còn được Ủy ban phường tặng bằng khen.
Mặt sông, nơi tấm lưới của người ngư phủ vừa bủa xuống, như một tấm gương lớn đang in bóng những tòa nhà cao tầng bên bờ sông Sài Gòn in xuống lộng lẫy. Nhìn vào đó, tôi thấy có hai thế giới trái ngược nhau đang tồn tại song song cùng lúc, cùng nơi. Đó là giàu và nghèo.
Mặt trời đã ngả bóng, phía xa xa, cầu Bình Lợi mới với những vòng khung khổng lồ vồng lên, ánh màu đỏ rực, những nhịp bê-tông cuối cùng cũng sắp được hoàn thành. Nhìn cây cầu mang tầm vóc thế kỷ bắc qua sông Sài Gòn, những người dân ở xóm chài này không khỏi chạnh lòng rầu rĩ, bởi khi cây cầu được khánh thành, không biết họ sẽ đi về đâu? Tuy nhiên, đó là chuyện của...ngày mai. Còn hôm nay, mọi người vẫn cứ ở đây, bình yên đến lúc phải rời đi.
Chia tay họ, bước lên khỏi thuyền, thành phố đã lên đèn với ánh sáng lấp lóa từ những tòa cao ốc chọc trời. Một chiếc tàu du lịch sang trọng chạy dọc sông, để lại hai sợi chỉ sóng dài, vắt ngang sông rồi nhanh chóng tan biến, nhìn chiếc thuyền của xóm chài dập dềnh theo sóng, lòng tôi chợt trĩu buồn.
Theo 24h
Đạp sóng cứu người: Tình người đất Việt Sau khi được cứu, nhiều người nước ngoài đã xin ở lại Việt Nam để đi biển cùng những ngư dân Việt tốt bụng. Ánh sáng trên biển đêm Sau 2 ngày đêm ôm can nhựa trôi dạt trên biển, đói khát, kiệt sức, hai thuyền viên Ron Cha Non Phen (50 tuổi) và Xay Xa Phon (33 tuổi) tắt dần hy vọng...