Đón Tết, coi chừng cụp xương sống!
Nhiều người bị thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa… không ngờ rằng một phần nguyên nhân của bệnh là từ cú cụp xương sống xảy ra một thời gian dài trước đó
“Năm ngoái, chuyến du Xuân của chúng tôi phải hủy bỏ do con trai bị cụp xương sống nặng, tôi cũng đau nhức xương sống cả nửa tháng do khiêng một cái chậu cây nặng…” – ông Trần Văn T. (65 tuổi; ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) trả lời thắc mắc của người hàng xóm vì sao việc “khởi động chào Xuân” của gia đình ông không nhộn nhịp như năm trước.
Di chứng đến nhiều năm sau
Nỗi sợ khiến ông T. trở nên cẩn thận quá mức còn bởi những lý giải của vị bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP HCM) khi ông đưa cậu con trai đến khám. BS bảo rằng cụp xương sống mà không chăm sóc đúng sẽ là nguyên nhân của một số bệnh lý cột sống về sau, vì thế đã dặn dò cậu đủ điều. Ông T. cũng nhân tiện khám luôn.
Qua cuộc trò chuyện, ông mới vỡ lẽ cái cột sống hay đau nhức vì thoát vị đĩa đệm của mình có một nguyên nhân “xa lắc xa lơ”: lần cụp xương sống do chơi thể thao năm ông gần 30 tuổi.
Thời điểm cận Tết, nhiều người phải bưng bê vật nặng khi dọn dẹp nhà cửa dẫn đến số ca cụp xương sống gia tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết trong thời điểm cuối năm, tai nạn cụp xương sống dễ xảy ra do trong lúc dọn dẹp nhà cửa để đón Tết, nhiều người thường bưng bê vật nặng không đúng cách. Ngoài ra, tai nạn khi tập luyện thể thao cũng có thể dẫn đến cụp xương sống. Thực ra, tiếng “cụp” phát ra lúc bị nạn là do một phần dây chằng cột sống bị đứt, giãn nặng. Cho dù bệnh nhân nghỉ ngơi và hết đau sau vài tuần, những căn bệnh vốn là di chứng muộn của tổn thương này có thể “tìm đến” họ sau này.
Video đang HOT
“Hãy thử tưởng tượng, các đĩa đệm trong cột sống được giữ yên bởi chính hệ thống dây chằng. Khi một phần dây chằng đã bị tổn thương, không còn đủ sức cố định các đĩa đệm, hiện tượng thoát vị đĩa đệm sẽ xảy ra, có thể ngay lập tức, có thể nhiều năm sau. Vì thế, nguyên nhân sâu xa của chứng đau lưng, đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm ở nhiều người lớn tuổi có thể là lần cụp xương sống từ thời trẻ. Ngoài ra, những người có dây chằng cột sống từng bị tổn thương nặng cũng dễ bị thoái hóa cột sống hơn người bình thường” – BS Ánh lý giải.
Thoát bệnh nếu xử lý đúng
Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa cú cụp xương sống trở thành các căn bệnh cột sống về sau, bệnh nhân cần lưu ý 2 điều: xử lý đúng khi mới gặp nạn và có chế độ sinh hoạt, tập luyện phù hợp.
“Cụp xương sống cần được thăm khám. Tuy nhiên, khi mới bị nạn, điều cần thiết đầu tiên là hãy nằm yên và nhờ người nhà mua giúp một cái nẹp lưng (thường có bán ở các nhà thuốc hay tiệm dụng cụ y khoa). Sau khi đã cố định xong mới di chuyển đến BV, có thể dùng thêm thuốc giảm đau nếu bệnh nhân quá đau đớn. Nếu vội vàng mà bỏ qua bước cố định, quãng đường di chuyển đến BV sẽ làm tổn thương nặng thêm” – TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, nhấn mạnh.
Thông thường, bệnh nhân cụp xương sống sẽ bớt đau dần sau khoảng 3-4 tuần nghỉ ngơi, cố định phần cột sống đúng cách. Tuy nhiên, không phải hết đau là xong chuyện. BS Đỗ Trọng Ánh khuyên rằng bệnh nhân cần được thăm khám và hướng dẫn các bài tập để ngăn ngừa tình trạng thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống về sau.
Các bài tập này nhằm tăng cường sức mạnh của các nhóm cơ ở vùng lưng, giúp chúng đủ khỏe để gánh bớt một phần công việc của vùng dây chằng đã bị thương tổn, yếu đi. Bệnh nhân có thể tham khảo các bài tập này ở những đơn vị y tế chuyên khoa. Việc tập luyện nên được duy trì lâu dài, nhất là khi tuổi bắt đầu lớn. Nhiều người bị cụp xương sống khi còn rất trẻ nhưng đến lúc trên 40 tuổi, cơ thể không còn dẻo dai, hệ xương cốt suy yếu thì những vấn đề thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa mới xuất hiện.
Tuy vậy, các BS khuyên tốt nhất là chúng ta đừng để… cụp xương sống. Cách phòng ngừa không khó. Khi cần bưng bê vật nặng, thay vì đứng cúi người xuống thì hãy ngồi xổm và từ từ nâng vật đó bằng cách đứng lên, bảo đảm cột sống được giữ thẳng, vuông góc với mặt đất. Khi tập luyện thể thao, nên tham khảo ý kiến giới chuyên môn để đúng phương pháp, phòng ngừa cụp xương sống cũng như các tai nạn khác.
Đau nặng, phải đến ngay bệnh viện TS-BS Nguyễn Tiến Lý lưu ý bệnh nhân cụp xương sống nếu được cố định, nghỉ ngơi đúng cách thì sẽ dần bớt đau. Tuy nhiên, nếu cơn đau tăng lên hoặc vài tuần, vài tháng sau có vẻ như hết đau rồi đột nhiên nặng hơn thì nên trở lại BV ngay. Đó là dấu hiệu rõ ràng của thoát vị đĩa đệm, cần được thăm khám bởi BS chuyên khoa.
Theo Anh Thư (Người lao động)
Đau lưng - nguyên nhân và cách phòng tránh
Đau lưng gây cảm giác phiền toái, và hầu hết ai cũng trải qua đau lưng ít nhất một lần trong đời.
Dân văn phòng thường xuyên bị đau lưng. ẢNH: SHUTTERSTOCK
Dấu hiệu của đau lưng
Đau lưng là một trong những lý do khiến mọi người tìm đến bác sĩ hoặc phải bỏ dở dang công việc đang làm. Đau lưng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần được coi là cấp tính. Nếu đau lưng kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn được coi là mạn tính.
Theo TS BS Nguyễn Minh Anh - Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) - các dấu hiệu của bệnh đau lưng có thể bao gồm: đau cơ, đau lan xuống chân, không có khả năng đứng thẳng...
Khi đau lưng có các triệu chứng sau thì không nên xem thường mà phải nhanh chóng tìm đến bác sĩ. Đó là, đau lưng không giảm hoặc cường độ cao, đặc biệt là vào ban đêm, khi nằm xuống hoặc khi đi lại. Đau lưng lan xuống một hoặc cả hai chân, đặc biệt là nếu cơn đau kéo xuống dưới đầu gối. Yếu, tê hoặc ngứa ran ở một chân hoặc cả hai. Rối loạn tiêu tiểu. Đau lưng kèm với sốt, sụt cân không giải thích được.
Yoga là một trong những liệu pháp giúp giảm đau lưng hiệu quảẢNH: SHUTTERSTOCK
Nguyên nhân của đau lưng
ThS. BS Lê Viết Thắng - Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) cho biết đau lưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do căng cơ và dây chằng, đau thần kinh tọa, viêm khớp, trượt đốt sống, loãng xương, ung thư cột sống.
Hiện nay, rất ít người phẫu thuật khi chữa bệnh đau lưng. Phẫu thuật chỉ có hiệu quả trên những bệnh chèn ép thần kinh nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc và vật lý trị liệu như: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, gãy xẹp đốt sống do loãng xương, u tủy... Ngoài ra còn có những phương pháp trị liệu khác mang hiệu quả nhất định như: nắn bóp chăm sóc, châm cứu, massage, thư giãn và yoga.
Phòng chống
Có thể tránh đau lưng bằng cách cải thiện điều kiện thể chất và thực hành vận động thích hợp: tập thể dục, trong đó đi bộ và bơi lội là những lựa chọn tốt; bỏ hút thuốc lá; giảm cân; tư thế đứng và ngồi đúng. Đồng thời, hạn chế các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đau lưng bao gồm: hút thuốc lá, béo phì, làm việc chân tay nặng, lo âu, trầm cảm...
Ngọc Khuê
Theo Thanhnien
Những dấu hiệu ung thư vú thường bị bỏ qua Biết được các triệu chứng sớm của ung thư vú có thể giúp bệnh nhân điều trị kịp thời và kéo dài thời gian sống. Tuy vậy, một số triệu chứng dưới đây lại thường bị phụ nữ bỏ qua, theo boldsky. ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK Đau núm vú hoặc xả dịch. Núm vú hơi đau hoặc chạm vào núm vú hơi đau,...