Dọn nhà đón Tết, cẩn thận kẻo té ngã
Cuối năm, ai cũng lo dọn dẹp nhà cửa khang trang để đón Tết được vui vẻ. Tuy nhiên, nếu sơ ý có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Chỉ riêng trong hai ngày 24 và 25/1/2019, Khoa Ngoại chấn thương Chỉnh hình thần kinh – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã tiếp nhận và phẫu thuật hai trường hợp phụ nữ lớn tuổi đều bị gãy liên mấu chuyển xương đùi (gãy đầu trên xương đùi) do bị té ngã khi chuẩn bị đón Tết.
Người nhà bà Q.T.B (79 tuổi, Đà Nẵng) cho biết, trong lúc bà B đi chợ, mua thực phẩm Tết cho gia đình không may trượt té, đập vùng mông xuống sàn, đau nhiều ở vùng đùi và khớp háng trái. Sau khi nhập viện cấp cứu và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bà B bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái, và đã phẫu thuật thay khớp bán phần cho bà B.
Tương tự, bà Đ.T.C. (83 tuổi, Quảng Ngãi) cũng vừa được chuyển mổ kết hợp xương bằng nẹp vít thành công chiều ngày 25/1/2019 do trượt chân té ngã trong lúc leo cao lau chùi nhà vệ sinh, dẫn đến bị gãy liên mấu chuyển xương đùi phải.
Một trường hợp khác là cô T.T.K.S. (60 tuổi, Đà Nẵng) đứng trên thang ghế để quét mạng nhện trần nhà thì bị trượt chân té ngã, tay phải bị gãy xương do đập vào cạnh bàn ở gần đó. Khi người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu, phần cánh tay phải của cô rất đau, sưng phồng, tê, gần như không cử động được và phải chuyển phẫu thuật bắt nẹp vít ngay sau đó.
Cô S. đang được nhân viên y tế xử trí tạm thời trước khi phẫu thuật
Video đang HOT
Cả ba trường hợp trên tuy không nguy hiểm đến tính mạng tức thời, nhưng có thể gây bất tiện trong việc sinh hoạt sau này nhất là trong thời điểm những ngày Tết đang đến cận kề.
Ths.Bs. Hà Nguyên Minh Quang, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương Chỉnh hình thần kinh – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, nhất trong thời điểm gần Tết, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp gãy xương nặng ở người lớn tuổi. Với tâm lý mọi thứ đều sạch sẽ, tươm tất đón Tết nên mọi người thường bận bịu trong việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ; đặc biệt là người già có thói quen leo thang thắp hương nên những nguy cơ té ngã, gây gãy xương nặng khá nhiều như gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển…Chính vì vậy, mọi người trong gia đình không nên để người già trèo cao và nếu cần thiết thì nên có sự hỗ trợ của người thân”.
Cũng theo Ths.Bs Quang, ngoài việc lau dọn nhà cửa, những ngày cận Tết cũng là thời gian mọi người bê vác, di chuyển các vật dụng đồ đạc trong nhà, chậu cây hoa chưng Tết,… từ đó dễ gây tổn thương đến các vùng cơ và xương, dẫn đến hiện tượng đau nhức tay, chân, vai, hông và lưng. Vì thế, mọi người nên lưu ý tránh mang vác quá nặng cũng như tránh vác đồ bị lệch vai.
Anh Vũ
Theo Dân trí
Cứu cụ bà 101 tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi
Sau cú té ngã, cụ bà đau đớn không thể tự ngồi được, bác sĩ xác định bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi. Tuổi cao lại có tiền căn bệnh tim mạch, khi con cháu đang "chuẩn bị tinh thần" thì các bác sĩ đã nỗ lực phẫu thuật giúp cụ qua nguy kịch.
Ngày 20/12, thông tin từ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi. Bệnh nhân là cụ Nguyễn Thị H. (101 tuổi, ngụ tại Định Quán, Đồng Nai) được con cháu chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau đớn vùng đùi.
Cụ bà đã được bác sĩ nỗ lực phẫu thuật, tránh nguy cơ tử vong
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình được biết, trước đó trong lúc đi lại trong nhà, cụ không may bị té đập mông xuống đất. Sau cú ngã cụ đau đớn vùng khớp háng trái không thể tự đi lại được. Tình trạng đau mỗi ngày một dữ dội hơn nên cụ được con cháu đưa đến bệnh viện thăm khám.
BS Nguyễn Anh Tuấn, khoa Chi dưới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cho hay: Qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái sau tai nạn sinh hoạt. Trên phim X-quang khớp háng ghi nhận liên mấu chuyển xương đùi bị gãy nhiều mảnh và di lệch khiến bệnh nhân đau nhiều.
Cũng theo BS Anh Tuấn, đây là trường hợp gãy xương phức tạp trên cơ địa bệnh nhân già yếu 101 tuổi, có bệnh lý tim mạch, tiền sử tăng huyết áp. Nếu bệnh nhân không được can thiệp phẫu thuật rất dễ xảy ra các biến chứng như viêm phổi, thuyên tắc phổi do nằm bất động lâu ngày, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, việc can thiệp phẫu thuật trên cơ địa bệnh nhân già yếu, có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao trong quá trình phẫu thuật.
Sau 50 phút phẫu thuật, bác sĩ đã cố định ổ gãy, bắt vít vào cố định xương cho cụ bà
Sau hội chẩn, với sự đồng thuận của gia đình người bệnh các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc mổ cho cụ bà. Trong cuộc phẫu thuật, ê kíp bác sĩ đã mở lòng tủy ở đỉnh mấu chuyển, đặt cờ dẫn từ đỉnh mấu chuyển qua ổ gãy. Khoan tủy, đóng đinh chốt rỗng cố định ổ gãy, bắt vít vào cổ xương đùi.
Cuộc phẫu thuật diễn ra khẩn trương và hoàn tất sau 50 phút. Sau mổ, cụ bà được điều trị kháng sinh, giảm đau, bù điện giải, ổn định huyết động. 3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của cụ diễn tiến tốt, cụ đã được tập ngồi tại giường và sẽ được tập phục hồi chức năng vận động sau khi vết mổ ổn định.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, gãy cổ xương đùi, hoặc liên mấu chuyển xương đùi là tai nạn thường gặp ở người lớn tuổi. Tình trạng lão hóa của cơ thể khiến hệ cơ xương của các cụ rất yếu, khó nâng đỡ được trọng lượng cơ thể, hạn chế vận động. Trong lúc đi lại nếu mất thăng bằng hoặc nghiêng người sai tư thế các cụ có thể bị té ngã dẫn tới bị gãy xương. Việc can thiệp y tế ở người lớn tuổi rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xương bị gãy cũng lâu bình phục.
Do đó, người cao tuổi ngoài nhu cầu được đảm bảo tốt về dinh dưỡng, bổ sung can xi đều đặn cho hệ xương thì con cháu trong gia đình cần phải chăm sóc chu đáo cho cha mẹ, ông bà mình. Tại những điểm có nguy cơ té ngã cao như bậc thềm, bậc thang, nhà cầu hoặc sàn nhà phải lót sàn hoặc lát gạch có độ ma sát cao, tường nhà cần phải làm tay vịn để hỗ trợ việc đi lại cho các cụ.
Vân Sơn
Theo Dân trí
4 thủ phạm khiến chúng ta dễ bị té ngã hơn khi về già Khi bạn già đi, nguy cơ té ngã, gãy xương và các chấn thương khác tăng lên. Nếu biết những thủ phạm đằng sau nguy cơ này ở tuổi già, bạn có thể có các biện pháp để giảm thiểu rủi ro. 1. Yếu cơ Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Quản lý Sức khỏe...