“Đòn hiểm” của phương Tây nhằm vào kinh tế Nga
Biết kinh tế Nga chủ yếu dựa vào dầu mỏ, phương Tây tìm mọi cách ấn giá mặt hàng này giảm sâu khiến đồng rúp Nga liên tục phá đáy. Với “đòn hiểm” này, phương Tây đang dùng chiêu bài phá hoại kinh tế để làm lung lay nền tảng ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Là người từng có kinh nghiệm vực dậy kinh tế Nga kể từ năm 1998 và đang nhận được sự ủng hộ rất lớn của cử tri sau nhiều năm kinh tế phát triển ổn định bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những đòn đánh kinh tế hiện nay của phương Tây chắc chắn “không hạ bệ” được Tổng thống Putin như những nước này mong muốn, mà chỉ tạo ra những khó khăn trước mắt cho nhà lãnh đạo Nga và giúp ông một lần nữa có đất phô diễn khả năng xoay sở tài tình của mình.
Kinh tế Nga đang đối mặt với những khó khăn lớn do cả dầu mỏ và đồng nội tệ cùng bị rớt giá mạnh.
Trong “cơn bão kinh tế” do Mỹ và châu Âu tạo ra hiện nay, giá dầu đã xuống đến mức thấp kỷ lục trong 5 năm trở lại đây và được giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng, sụt gần một nửa so với lúc đỉnh điểm. Chịu tác động mạnh từ giá dầu và tác động từ các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt của Mỹ và châu Âu, đồng rúp Nga cũng giảm sâu với mức sụt giá mạnh nhất lên tới 20% chỉ trong ngày 16/12, buộc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga phải cấp tốc nâng lãi suất cơ bản lên 17% ngay trong đêm. Hiện tượng người dân rút tiền ồ ạt để quy đổi sang ngoại tệ cũng đã bắt đầu xảy ra khiến nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lúng túng, trong khi chính phủ phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp để vạch ra các biện pháp ổn định tình hình.
Cố nhiên ai cũng hiểu kinh tế không phải là nguyên nhân duy nhất khiến đồng rúp của Nga trượt giá và càng không phải là lý do để mặt hàng “vàng đen” giảm sâu. Trong buổi họp báo cuối cùng của năm 2014, Tổng thống Putin đã thẳng thừng tuyên bố phương Tây đang tìm cách tạo ra các mối đe dọa mới để xiềng xích “gấu Nga”. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavov cũng nói rằng ông có “những lý do hết sức nghiêm túc” để cho rằng phương Tây đang áp đặt các biện pháp để tìm cách thay đổi chính quyền Mátxcơva.
Vậy điều gì đang thực sự xảy ra phía sau sự biến động bất thường và đột ngột này của đồng rúp và giá dầu? Đánh giá toàn diện sẽ thấy nổi lên nhiều vấn đề, nhưng chủ ý của phương Tây muốn mượn khủng hoảng kinh tế “diệt” nước Nga mới là nguyên nhân chính.
Xét trên góc độ kinh tế, trên thị trường dầu mỏ thế giới đang xuất hiện tình trạng cung vượt trội so với cầu vì hai lẽ. Thứ nhất là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kiên quyết không cắt giảm sản lượng, cho dù nhu cầu dầu mỏ đang giảm mạnh vì kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Âu đều đang giảm tốc. Thứ hai là Iran và Mỹ trong vài năm gần đây đã tăng mạnh lượng cung ứng dầu ra thị trường, góp phần làm phong phú thêm nguồn cung dầu mỏ. Theo quy tắc thị trường, khi cung vượt cầu, tất yếu giá dầu sẽ bị đẩy xuống cho tới khi thị trường tìm được điểm cân bằng giá mới.
Video đang HOT
OPEC ước tính trong năm 2015, mỗi ngày thế giới sẽ tiêu thụ 93,9 triệu thùng dầu, trong đó có 28,9 triệu thùng do các thành viên OPEC cung cấp. Tuy nhiên, tổ chức này lại duy trì sản xuất 30 triệu thùng/ngày, nên bình quân riêng OPEC đã tạo ra số dư 1,2 triệu thùng/ngày.
Khi giá giảm, những nước có nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ như Iran, Iraq, Venezuela, Arập Xêút và Nga đương nhiên thiệt hại nhiều nhất. Với sản lượng 10,6 triệu thùng dầu/ngày, lớn nhất thế giới, mức giá dầu hiện nay sẽ khiến ngân sách của Nga bốc hơi 221 tỷ USD/năm.
Theo chuyên gia Lubomir Mitov thuộc Viện Tài chính quốc tế, nếu giá dầu hiện nay được duy trì trong một năm hoặc lâu hơn, đầu tư và tiêu dùng ở Nga sẽ sụt giảm, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng phá sản, kinh tế lún vào khủng hoảng với mức sụt giảm GDP có thể lên tới 5%. Nhiều chương trình phúc lợi xã hội bị cắt xén và quan trọng nhất là niềm tin, sự ủng hộ của người dân Nga dành cho Tổng thống Putin sẽ bị giảm sút. Phương Tây muốn cho người dân Nga thấy rằng họ đang phải trả giá cho chính sách cứng rắn của Tổng thống Putin trong vấn đề sáp nhập Crimea và bất ổn ở miền Đông Ukraine. Chuyên gia Mitov nhấn mạnh: “Đây là mối đe dọa trực tiếp (đối với nước Nga)”.
Nhưng là người lên nắm quyền ngay sau cuộc vỡ nợ năm 1998 và từng có kinh nghiệm trong việc khôi phục kinh tế cũng như bảo vệ đồng nội tệ, nhà lãnh đạo Nga rất biết cách chèo lái con thuyền kinh tế đất nước. Điều này cũng đã được chứng minh trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu vừa qua khi kinh tế Nga liên tục đạt mức tăng trưởng cao, bất chấp kinh tế Mỹ và châu Âu rơi vào cảnh khốn đốn và đến nay vẫn chưa thể phục hồi nguyên trạng. Việc giá dầu luôn được duy trì ở mức cao trong nhiều năm qua, tất nhiên, đã đóng góp rất lớn cho thành công kinh tế ngoạn mục của Nga song thành công đó sẽ không thể có được nếu như thiếu đi một “thuyền trưởng” biết nhìn xa trông rộng như ông Putin.
Trong suốt các năm đó, tận dụng lợi thế xuất khẩu dầu và giá dầu cao, nước Nga đã làm đầy thêm ngân khố dự trữ khoảng 570 tỷ USD, chiếm gần 1/3 GDP. Số ngân quỹ này giúp ích rất nhiều cho đất nước mỗi khi đối mặt với khủng hoảng.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay cũng vậy. Dù muốn nhưng phương Tây khó có thể đẩy kinh tế Nga vào cảnh vỡ nợ như năm 1998, bởi khi đó nợ chính phủ chiếm 50% GDP và dự trữ chỉ chiếm 5% GDP, còn bây giờ nợ chính phủ là 35% GDP và dự trữ tăng lên 30% GDP. Hơn nữa, nội lực kinh tế hiện nay của Nga đã mạnh hơn trước rất nhiều nhờ có khu vực tư nhân linh hoạt và có khả năng thích ứng cao, giúp hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ngoài ra còn một lý do khác là sự kết nối chặt chẽ của kinh tế Nga với kinh tế thế giới. Là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và đã hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, nếu Nga rơi vào suy thoái kéo dài thì không chỉ Nga mà cả những nước khác cũng phải gánh chịu hậu quả. Khu vực chịu tác động đầu tiên là Liên minh châu Âu (EU) với một số thành viên chủ chốt đang có quan hệ thương mại mạnh với Nga. Tiếp đến là những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành xuất khẩu năng lượng cũng như vũ khí của Nga, trong đó có Trung Quốc, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ. Mạng tin “National Interest” của Mỹ cũng đã nhận định: “Trong thời buổi quan hệ đan xen chặt chẽ hiện nay với đầy rẫy rủi ro trên quy mô toàn cầu, việc để mất nước Nga chẳng khác nào hành động (phương Tây) tự bắn vào chân mình, thậm chí đầu mình”.
Bởi thế, không quá khi nói rằng những gì mà phương Tây đang tạo ra ở Nga hiện nay là mối đe dọa đối với kinh tế thế giới và trật tự toàn cầu. Nước Nga có thể đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ trước mắt nhưng về lâu dài, những hậu họa từ diễn biến này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế toàn cầu, nhất là châu Âu. Để tránh phải chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông” trong tương lai, Mỹ và châu Âu cần phải có những quyết định “nhìn xa, trông rộng” hơn để giữ đại cục.
Đức Vũ
Theo dantri
Kiều hối về Việt Nam đang chảy vào đâu?
34,5% lượng kiều hối (tiền người Việt ở nước ngoài gửi về Việt Nam) được sử dụng cho chi tiêu hàng ngày, 16% lượng kiều hối được đổ vào phục vụ sản xuất kinh doanh...
Đó là nhận định trong Báo cáo Toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp với Western Union đưa ra ngày 17/12.
Hiện Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. (Ảnh: người Việt Nam đi xuất khẩu lao động)
Về lĩnh vực đầu tư, báo cáo chỉ rõ: hiện hơn 30% lượng kiều hối được gửi về Việt Nam trong 3 - 5 năm gần đây được gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Gần 30% được đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. 20% để tích trữ vàng, hơn 16% đổ vào bất động sản và nhà đất.
Dự báo, năm 2014 kiều hối của cả nước có thể đạt từ 11 - 12 tỷ USD, chiếm khoảng 8% GDP cả nước năm 2014. Năm 2013, lượng kiều hối đổ về Việt Nam cũng đạt con số ấn tượng 11 tỷ USD, và năm 2012 cũng đạt 10 tỷ USD.
Theo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, năm 2013 Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Và con số lao động Việt Nam sang làm ăn tại nước ngoài sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.
Mặc dù có những dấu hiệu sáng về mục đích sử dụng kiều hối nhưng báo cáo chỉ ra có 20% kiều hối đổ vào đầu cơ tích trữ vàng cũng là điều đáng quan. Theo một chuyên gia kinh tế độc lập, việc kiều hối đổ vào vàng 20% cho thấy tâm lý người dân vẫn nghe ngóng và niềm tin đầu tư dân doanh vẫn chưa hồi phục. Chính vì vậy, cần kêu gọi người dân đẩy mạnh vốn vào sản xuất, kinh doanh, thậm chí gửi ngân hàng cũng cần được tính đến. "Tôi ví đơn cử, nếu kiều hối năm nay là 12 tỷ USD, thì 20% được tích trữ vào vàng, người Việt sẽ "cất hòm" đi 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so sánh giá vàng bán ra và mua vào từ đầu năm đến nay, người mua vàng đang được hưởng lợi rất ít. Trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn, nhất là vay chăn nuôi và nông nghiệp".
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM cho biết: "Kiều hối bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Ngoài ra, kiều hối còn đóng góp lớn cho đầu tư và trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước trong thời gian qua. Lợi thế lớn nhất của kiều hối hiện nay là không tiềm ẩn rủi ro như vốn FDI, ODA, những dòng vốn mà có thể đem đến như phụ thuộc chủ quyền hoặc các can thiệp mang động cơ chính trị của các nhà tài trợ. Kiều hối về ta và do người dân làm chủ đầu tư".
Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia nhận được lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Kiều hối từ Hoa Kỳ chuyển về Việt Nam chiếm nhiều nhất với khoảng 57% tổng số lượng kiều hối, tiếp sau đó là Canada, Đức, Campuchia và Pháp.
Báo cáo "Toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam" được nghiên cứu thực hiện trong 3 tháng từ 9 - 11/2014 tại 7 tỉnh và thành phố lớn của cả nước là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nghệ An và một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Đề phòng Nga, các nước Baltic mạnh tay chi tiêu quốc phòng Trước việc gần đây Nga tăng mạnh tần suất hoạt động quân sự tại khu vực biển Baltic, ba nước Estonia, Latvia và Lithuania đã quyết định ký kết những hợp đồng vũ khí "khủng" và dự kiến sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2015. Máy bay F-16 của Hà Lan thuộc lực lượng tuần tra khu vực...