Dồn dập nhập viện vì lạnh
Thời tiết cả nước chuyển lạnh, tại các tỉnh phía Bắc là những đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay; còn tại TPHCM và khu vực phía Nam, nhiệt độ ban ngày, ban đêm cũng có sự chênh lệch gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân.
Trong những ngày này, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh phải nhập viện điều trị tăng hơn so với bình thường.
Trẻ nhỏ mắc cúm đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Gia tăng bệnh hô hấp người già
Tại phòng khám hô hấp của Bệnh viện (BV) Thống Nhất, trong vòng 3 tuần nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 80 bệnh nhân mắc bệnh hô hấp đến thăm khám, tăng 20 lượt so với các tháng trước. Trong đó, các bệnh thường gặp là viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bác sĩ CK2 Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa hô hấp BV Thống Nhất, cho biết, bệnh hô hấp là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, dễ tái phát và gây khó thở nên dễ nguy kịch cho người bệnh. Đối với người cao tuổi, các bệnh hô hấp thường gặp có liên quan đến nhiễm khuẩn ( viêm mũi họng, viêm phế quản…) nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa.
Thông thường có nhiều loại vi khuẩn như phế cầu, liên cầu, tụ cầu… sinh sống ở đường hô hấp trên của người khỏe mạnh mà không gây bệnh. Nhưng khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, thời tiết thay đổi thất thường sẽ giúp các vi khuẩn này phát triển và gây bệnh. Đặc biệt, người cao tuổi sức yếu, dinh dưỡng kém hoặc nằm một chỗ thời gian lâu do đột quỵ sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, bác sĩ Nguyễn Khánh Dương, Trưởng khoa cấp cứu của BV, cho biết, số lượng người nhập viện do thời tiết thay đổi tăng trong những ngày qua. Trong đó có nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu vì sử dụng than sưởi ấm để chống lạnh.
Điều này tưởng chừng vô hại, nhưng đó là lầm tưởng chết người. Bởi những loại than tổ ong, than củi khi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra loại khí cực độc là carbon monoxide (hay còn gọi là CO). Đây là loại khí không màu, không mùi, không gây kích thích cho da và mắt.
Bác sĩ Ngô Thế Hoàng cho biết, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát mà không có chỉ định của bác sĩ.
Video đang HOT
“Chúng tôi rất hay gặp những bệnh nhân cao tuổi bị bệnh hô hấp nhưng lại tự ý điều trị theo phương pháp không chính thống, làm bệnh tình nặng hơn thì mới nhập viện, như một số trường hợp lao phổi toàn phát. Bệnh ho kéo dài, sốt nhẹ, sụt cân nhưng chỉ nghĩ cảm cúm thông thường, điều trị tại các cơ sở tư, không đúng cách, không có hỗ trợ các cận lâm sàng. Đến khi bệnh nặng hơn, kiểm tra xét nghiệm đàm, chụp X-quang phổi phát hiện lao phổi khá nặng rồi”, bác sĩ CK2 Ngô Thế Hoàng cho hay.
Mùa cao điểm của cúm mùa
Theo TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương, trong vòng 2 tháng qua, trung tâm đã tiếp nhận điều trị gần 1.000 trẻ bị cúm mùa, chủ yếu là cúm A và B. Hiện có khoảng 50 bệnh nhân đang điều trị tại khoa là bệnh nhi mắc cúm.
Tuy nhiên, đáng lo là trong đó có không ít bệnh nhi mắc cúm mùa nhưng lại bị biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm phổi nặng. Trước số trẻ mắc cúm gia tăng, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em đã phải sắp xếp dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác đề phòng lây chéo trong bệnh viện. Hơn nữa, phần lớn trẻ nhập viện vì mắc cúm mùa đều chưa được tiêm vaccine ngừa cúm.
Trong khi đó, bệnh cúm mùa lại có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng, gây viêm đường hô hấp với các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Đối với những trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, thiếu máu, suy giảm miễn dịch… rất dễ diễn biến nặng và có thể tử vong.
Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột.
Các chuyên gia dịch tễ cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, nhưng trong giai đoạn thời tiết lạnh hiện nay rất dễ nhầm giữa bệnh cúm với cảm lạnh thông thường, vì đều có những triệu chứng mắc bệnh giống nhau. Tuy nhiên, giữa bệnh cúm mùa và cảm lạnh, tác nhân gây bệnh là khác nhau, khi cảm lạnh thường do một số siêu vi thông thường ở đường hô hấp gây ra như Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus.
Trong khi đó, bệnh cúm do virus cúm có tên khoa học là Influenzae và trẻ khi mắc cúm thường có biểu hiện rất rõ qua 3 hội chứng: hội chứng nhiễm trùng (với việc trẻ thường bị sốt cao liên tục 39-40C, mệt lả, đuối sức vì sốt); hội chứng đau nhức (nhất là vùng trán, vùng trên nhãn cầu) và hội chứng viêm long đường hô hấp (gồm hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác khô và đau rát họng).
TS Đỗ Thiện Hải cảnh báo, cúm mùa là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân nên thời gian tới số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng. Để phòng bệnh cúm mùa, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang. Việc tiêm phòng vaccine ngừa cúm có ý nghĩa quan trọng với nhóm có nguy cơ lây nhiễm, nhất là với trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 8 tuổi, nhân viên y tế và người có bệnh mạn tính.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng người cao tuổi mắc bệnh đường hô hấp
Khoảng 2 tuần trở lại đây, tại BV Thống Nhất (TP.HCM), số lượng người cao tuổi (NCT) đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến bệnh lý về đường hô hấp tăng từ 30-50%.
NCT dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi
Tại Khoa Hô hấp, BV Thống Nhất (TPHCM) bệnh nhân Hoàng Kim Thanh (72 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) đang được điều trị ở ngày thứ 14, sau khi cơn suyễn bị tái phát do thời tiết thay đổi. Bà Thanh bị bệnh suyễn từ năm 1 tuổi, từ đó đến nay đã 71 năm phải sống chung với bệnh này. Mỗi lần mệt mỏi hoặc thời tiết chuyển mùa bệnh lại tái phát.
Gần đây nhất, bà đang ở nhà thì bị lên cơn ho, tức ngực, khó thở, dù đã thở khí dung và dùng hết các thuốc, nhưng không cắt được cơn suyễn, bà được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Sau 2 tuần điều trị, đến nay tình trạng sức khỏe của bà Thanh đã có nhiều biến chuyển tốt.
Được điều trị nội trú gần 20 ngày nay, ông Trương Thuận (75 tuổi) dù khi ngồi còn thở mệt, khá khó khăn trong việc giao tiếp nhưng đã cải thiện hơn, so với trước khi nhập viện rất nhiều. Ông kể, trước khi vào viện ông bị ho, khó thở, cổ họng có nhiều đàm, nặng ngực, mệt mỏi, không chỉ các vấn đề về hô hấp ông cũng gặp nhiều khó khăn trong vận động.
Trước đó ông bị phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD từ năm 2002. Ngoài ra ông bị suy tuyến thượng thận, sỏi thận, thiếu máu cơ tim, viêm dạ dày trào ngược, loãng xương... Ông Thuận chia sẻ: "Hiện nay dù vẫn còn khó thở nhưng sức khỏe của tôi đã khá hơn nhiều so với trước đây".
BS.CKII Ngô Thế Hoàng - Trưởng khoa Hô hấp BV Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, trong thời gian qua đã có sự gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về hô hấp (tăng khoảng 30-50%), đặc biệt các bệnh như viêm phổi, đợt cấp của hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ...
Các bệnh này rất dễ tái phát, gây khó thở do đường hô hấp xuất tiết nhiều, dễ gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, khi NCT mắc một trong các bệnh đường hô hấp, phải cấp cứu khẩn trương, để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Những bệnh lý về đường hô hấp cần lưu ý
Theo BS Ngô Thế Hoàng, khi thời tiết có thay đổi hoặc vào những lúc giao mùa, NCT hay trở bệnh, trong đó bệnh thuộc đường hô hấp là dễ gặp nhất, đặc biệt là bệnh có liên quan đến nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân bởi bình thường có nhiều loại vi khuẩn (phế cầu, liên cầu, tụ cầu, vi nấm...) thường trú ở đường hô hấp trên của người khỏe mạnh mà không gây bệnh, nhưng khi có bất kỳ một lý do gì làm cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm (cảm lạnh, dinh dưỡng kém...), đặc biệt vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn này và gây bệnh. NCT sức đề kháng yếu, dinh dưỡng kém hoặc có thể bị tai biến nằm lâu một chỗ sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. NCT mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi vào mùa mưa, dễ bị các đợt kịch phát của bệnh, cần phải điều trị tích cực hơn hoặc đôi khi phải nhập viện do viêm phổi.
Bên cạnh nguyên nhân thời tiết thay đổi, NCT nếu ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, tắm rửa bằng nước lạnh, mặc không đủ ấm càng dễ bị viêm phổi. Ngoài ra, những người nghiện thuốc lá hoặc sống ở vùng có nhiều khói bụi, vệ sinh môi trường kém, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, nhà ở chật chội, không thông thoáng cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc hoặc tái phát các bệnh đường hô hấp nhất.
Thận trọng khi dùng thuốc
Trong nhiều trường hợp, việc điều trị các bệnh lý về hô hấp ở NCT gặp nhiều khó khăn phức tạp hơn người trẻ vì nhiều lý do: NCT thường có nhiều bệnh lý mạn tính (bệnh xương khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản mạn, hen suyễn, giãn phế quản, viêm họng mũi mạn ...), các loại bệnh này về mùa mưa thường tái phát hoặc nặng thêm. Khi điều trị, phải điều trị nhiều bệnh cùng lúc, dùng nhiều loại thuốc nên sự tương tác của thuốc sẽ làm giảm hiệu quả, đôi khi làm tăng tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó.
NCT có chức năng gan, thận, đường tiêu hóa ... suy giảm nên ảnh hưởng ít nhiều đến hấp thu và chuyển hóa của thuốc. Việc sử dụng thuốc thường dưới mức cần thiết nên hiệu quả điều trị thấp và chậm. NCT dễ bị tác dụng phụ khi dùng thuốc hơn người trẻ. Bên cạnh đó, các cấu trúc và chức năng của đường hô hấp của NCT bị biến đổi và suy giảm do quá trình lão hóa nên sự đáp ứng với thuốc tại chỗ cũng kém đi.
BS.CKII Ngô Thế Hoàng Trưởng khoa Hô hấp BV Thống Nhất (TP.HCM) đang khám cho bệnh nhân là NCT mắc các bệnh lý về hô hấp
"Người bệnh có thể quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc làm bệnh tái phát mặc dù bệnh đã được kiểm soát. Thuốc điều trị các bệnh lý hô hấp có thể được sử dụng dưới dạng hít hoặc phun khí dung, NCT có gặp khó khăn khi sử dụng các loại thuốc này và thiết bị máy móc. Do vậy, cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân hoặc người chăm sóc. Mặt khác, nhờ có người chăm sóc, các bệnh nhân già yếu không còn minh mẫn có thể dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi và phát hiện khi bệnh trở nặng cũng như những biến chứng do bệnh hoặc do thuốc gây ra", BS Hoàng nhấn mạnh.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
BS Hoàng khuyến cáo, việc chủ động phòng bệnh hô hấp cho NCT vào thời điểm giao mùa là hết sức cần thiết. Theo đó, việc tắm rửa hàng ngày nên dùng nước ấm, buồng tắm kín gió, không tắm lâu, lau khô và mặc quần áo ngay. Cần có người hỗ trợ, nếu NCT sức yếu không tự làm được. Hạn chế quạt máy và máy lạnh, không uống nước lạnh có đá, không khí luôn cần được thông thoáng.
Khi mưa rét, cần hạn chế đi ra đường, nên giữ ấm cơ thể tránh bị lạnh đột ngột. Phải mặc đủ ấm và đeo khẩu trang. Vệ sinh răng miệng sau ăn, trước và sau ngủ. Nếu có hàm răng giả, cần làm vệ sinh vài ba ngày một lần. Về dinh dưỡng, cần chế độ ăn hợp lý, bổ sung vitamin từ rau xanh, hoa quả để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, không hút thuốc lá, tập thể dục mỗi ngày, tập hít thở đều (hít sâu, thở ra từ từ), tiêm vaccine phòng cúm định kỳ hàng năm nhằm tăng sức đề kháng.
Tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát dù không có chỉ định, bởi sẽ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Sử dụng thuốc không phù hợp khiến người bệnh và các bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị. Bệnh tiến triển nặng, gây biến chứng, làm giảm cơ hội điều trị.
Những NCT mắc bệnh về đường hô hấp mạn tính hoặc các bệnh mạn tính khác nên khám bệnh định kỳ, để được tư vấn những điều cần thiết về bảo vệ sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa.
Truyền tế bào gốc chữa phổi tắc nghẽn mạn tính Ông Khoa 70 tuổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã 5 năm, hiện ở giai đoạn nặng, được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc. Ông khó thở khi leo cầu thang hoặc đi bộ 100-200 m. Trong một năm, ông xuất hiện nhiều đợt cấp, mức độ thông khí tắc nghẽn nặng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Trung...