Đòn đánh TikTok, WeChat gia tăng chia rẽ Internet
Những sắc lệnh nhằm vào TikTok, WeChat cho thấy Mỹ sẵn sàng hành động mạnh tay như Trung Quốc, gây nguy cơ phân cực và chia rẽ Internet sâu sắc.
Trung Quốc và Mỹ từng có cách quản lý Internet hoàn toàn đối lập. Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng, chặn nhiều website nước ngoài và bảo hộ công ty nội địa nhằm phát triển những giải pháp thay thế các sản phẩm phương Tây. Trong khi đó, Washington theo đuổi phương pháp cởi mở, thúc đẩy khả năng phát triển của nhiều tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu của TikTok và WeChat hồi tháng trước, Nhà Trắng cho thấy họ sẵn sàng áp dụng chiến thuật “ngăn sông cấm chợ” của Trung Quốc.
Trụ sở Tiktok tại bang California, Mỹ. Ảnh: AFP.
Trump sau đó còn ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi hoạt động của TikTok tại Mỹ trong 90 ngày, đồng thời cảnh báo có thể gia tăng áp lực nhằm vào nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có Alibaba. Nhà Trắng hôm 17/8 cũng thêm 38 chi nhánh của Huawei vào “danh sách đen”, hạn chế công ty này tiếp cận công nghệ chip qua bên thứ ba.
Những động thái này cho thấy hướng đi mới của Mỹ trong quản lý công nghệ, gần giống với chính sách bảo hộ của Trung Quốc. Điều đó có thể gây hại cho những tập đoàn lớn như Facebook và Google, vốn thu được nhiều lợi ích từ môi trường không biên giới trên mạng Internet, cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sang phương Tây như Tencent và Alibaba.
Nếu nhiều quốc gia theo bước Mỹ và kiểm soát thế giới kỹ thuật số dựa trên quan hệ ngoại giao, các mục tiêu bảo hộ nội địa hoặc an ninh thông tin cho người dân, mạng Internet có thể sẽ bị phân chia rõ rệt và trở nên giống biên giới địa lý gây khó khăn cho đi lại giữa các nước như hiện nay.
“Một lệnh cấm toàn diện sẽ dẫn đến những đòn đáp trả và đào sâu tình trạng chia rẽ trên mạng Internet từ nhiều năm nay”, Ron Deibert, Giám đốc nhóm nghiên cứu Citizen Lab thuộc Đại học Toronto ở Canada, nhận xét.
Sắc lệnh của Trump nhằm vào TikTok và WeChat dự kiến có hiệu lực từ ngày 20/9, được coi là biện pháp bảo vệ công dân Mỹ khỏi nỗ lực thu thập dữ liệu của Trung Quốc. Đây là một phần trong chính sách đáp trả “có đi có lại” trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung xoay quanh những vấn đề như thương mại, chính sách công nghiệp và quản lý thông tin.
Tuy nhiên, nó cũng có thể khiến Mỹ phải trả giá đắt. Có ít quốc gia áp dụng biện pháp đóng cửa bảo hộ doanh nghiệp nội địa như Trung Quốc, nhưng nhiều chính phủ đã tỏ ra lo ngại trước sự thống trị của các doanh nghiệp Mỹ như Facebook, Google và Amazon trong lãnh thổ của họ, đồng thời đang xem xét áp đặt những loại thuế và giới hạn mới.
Việc chính quyền Trump công kích TikTok và WeChat có thể khiến nhiều nước đánh giá lại sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp công nghệ Mỹ.
Phần mềm và ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc đang có cơ hội đẩy lùi sản phẩm của phương Tây ở những nước đang phát triển. Trung Quốc đã dành nhiều năm để mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, trong đó các nhà sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông đang chiếm ưu thế nhờ tập trung vào cung cấp sản phẩm giá rẻ.
Video đang HOT
Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát Internet từ cuối thập niên 1990 với việc xây dựng “Tường lửa Vĩ đại”. Chính quyền nước này coi Internet là vấn đề hệ trọng với an ninh và toàn vẹn quốc gia, dẫn tới những chính sách kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng, đồng thời chặn nhiều ứng dụng lớn của Mỹ như Google, Facebook và Twitter.
Cùng lúc đó, các tập đoàn nội địa như Alibaba, Baidu và Tencent phát triển nhanh chóng nhờ thị trường hơn một tỷ dân. Người dùng Internet Trung Quốc đã quen thuộc với các trang tìm kiếm, thương mại điện tử và mạng xã hội do nước này tự phát triển, họ gần như không biết đến những ứng dụng nổi tiếng thế giới như Facebook và Instagram.
Nhiều chính trị gia Mỹ từng chỉ trích chính sách của Trung Quốc, nhưng gần như không có hành động thực tế nhằm đáp trả. Các đời tổng thống trước đây cho rằng nước Mỹ đủ lớn mạnh để trở thành tấm gương phát triển cho thế giới và không cần ra tay với Trung Quốc.
Trải qua nhiều năm, tốc độ phát triển kinh tế và những mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc đã làm xói món sự tự tin đó. Sự xuất hiện của Tổng thống Trump đã thay đổi tình hình, mở ra thời kỳ “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trump họp báo tại Nhà Trắng hôm 10/8. Ảnh: AFP.
Các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ đang buộc phải áp dụng những chiến thuật từng được công ty Mỹ dùng để né tránh những biện pháp kiểm soát ở Trung Quốc. Những biện pháp này gồm thoái vốn và chia cắt tài sản, nắm cổ phiếu thiểu số ở các công ty mới và thay đổi nơi lưu trữ dữ liệu khách hàng.
Chính quyền Trump cũng đang thúc đẩy mở cửa Internet và đòi lợi ích cho những tập đoàn công nghệ Mỹ bằng cách ngăn cản nỗ lực kiểm soát nền kinh tế kỹ thuật số của các nước khác. Nỗ lực này gồm chiến dịch phản đối những loại thuế dịch vụ điện tử nhắm tới Google, Amazon ở Pháp, Anh, Italy và Ấn Độ, đồng thời phản đối châu Âu chặn dữ liệu người dùng chuyển về Mỹ vì lo ngại quyền riêng tư.
Internet toàn cầu chia rẽ vì chính trị
Internet toàn cầu đang chia rẽ vì các động thái chính trị và lệnh cấm TikTok của Ấn Độ càng làm gia tăng ngăn cách giữa các nước.
Mạng Internet đang chia rẽ, khiến những người như Anusmita Dutta phải hứng chịu.
Dutta, 24 tuổi, tham gia TikTok cách đây ba năm và đã có hơn 350.000 người theo dõi. Cô quay những video hài hước từ nhà riêng tại Kolkata, miền đông Ấn Độ, với những nội dung mà ai cũng thấy đồng cảm. Cô cũng có thể tìm kiếm hàng loạt video từ khắp nơi nhờ tính năng Discovery của ứng dụng này.
TikTok khiến cô cảm thấy được kết nối với cả thế giới. Việc Ấn Độ ra lệnh cấm TikTok cùng hàng loạt ứng dụng Trung Quốc đã gây thất vọng với Dutta và không ít người dân nước này. "Nhiều nhân tài xuất hiện qua ứng dụng này tại Ấn Độ. Sự biến mất đột ngột của nó rõ ràng là gây chán nản", Dutta nói.
TikTok được coi là dịch vụ Internet đầu tiên của Trung Quốc có cộng đồng người hâm mộ toàn cầu, nhưng nó đang nhanh chóng trở thành nạn nhân ngoài ý muốn do quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và nhiều nước. Điều này là một trong những dấu hiệu cho thấy thế giới kỹ thuật số, vốn được coi là không gian thống nhất vượt mọi ranh giới cũ, đang dần phân chia theo những đường biên giới quốc gia như ngoài đời.
TikTok được tải hơn 610 triệu lần và hiện có 200 triệu người dùng thường xuyên ở Ấn Độ.
Căng thẳng Ấn - Trung đã leo thang kể từ vụ ẩu đả ở vùng biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6. Chính quyền Ấn Độ hồi đầu tuần ra lệnh cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, cho rằng chúng đang bí mật chuyển dữ liệu người dùng tới những máy chủ ngoài Ấn Độ.
Quyết định này đã đánh vào nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu. Tuy nhiên, không ai chịu ảnh hưởng nặng hơn TikTok và công ty mẹ ByteDance, khi họ đã xây dựng được cộng đồng người dùng khổng lồ ở Ấn Độ, một phần trong chiến dịch mở rộng toàn cầu.
TikTok đã được tải hơn 610 triệu lượt ở Ấn Độ, so với khoảng 165 triệu ở Mỹ.
Trung Quốc lập "Tường lửa vĩ đại" trên mạng Internet từ nhiều năm trước. Việc chặn những người khổng lồ như Google và Facebook cho phép các công ty Trung Quốc có thể phát triển và chiếm lĩnh thị trường đông dân nhất thế giới, trong khi chính quyền có thể kiểm soát nhiều nội dung trên mạng.
Nhiều công ty đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài, ngay cả khi căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đang ngày càng leo thang. Nhiều tập đoàn ngành sản xuất thiết bị và AI đang hứng chịu hậu quả, không chỉ riêng TikTok và ByteDance.
Nhiều chính phủ cũng đang muốn giành lại quyền kiểm soát thương mại và chia sẻ nội dung trên Internet. Liên minh châu Âu đã áp đặt quan điểm cứng rắn khi giám sát những tập đoàn lớn của Mỹ như Apple và Google, buộc họ tuân theo luật pháp địa phương.
Dev Khare, lãnh đạo ở công ty đầu tư Lightspeed India, thừa nhận lệnh cấm ứng dụng Trung Quốc là bước đi mang tính "dân túy" nhằm vỗ về dân chúng, nhưng không phải động thái ngoài dự đoán. "Đó là điều Trung Quốc từng làm trong quá khứ. Nếu đó là điều họ đã làm với phần còn lại của thế giới, chúng ta cũng có quyền làm vậy với họ", Khare nói.
Nikhil Gandhi, giám đốc TikTok Ấn Độ, cho biết đại diện công ty đã được mời gặp các quan chức chính phủ, đồng thời khẳng định TikTok không chia sẻ dữ liệu người dùng Ấn Độ với chính phủ Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào.
Dù vậy, Trung Quốc đã quen với sử dụng thị trường tiêu dùng làm vũ khí trong những cuộc đối đầu địa chính trị.
Sau khi một lãnh đạo Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) đăng dòng tweet ủng hộ biểu tình ở Hong Kong năm ngoái, truyền hình quốc gia Trung Quốc đã hủy các buổi tường thuật bóng rổ Mỹ. Nước này cũng ngừng nhập khẩu dầu cải từ Canada sau vụ bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vào năm 2018.
Ấn Độ mua nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, nhưng lệnh cấm ứng dụng di động do Trung Quốc phát triển cho thấy chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang nhằm vào lĩnh vực đặc biệt quan trọng với Trung Quốc. Các công ty Internet Trung Quốc đang dần cạn người dùng mới trong nước, họ coi Ấn Độ là mảnh đất đầy tiềm năng, có thể áp dụng nhiều bài học từ quá trình phát triển nội địa.
Ngược lại, người dân Ấn Độ cũng đam mê nhiều ứng dụng của Trung Quốc, đặc biệt là TikTok.
Một thanh niên Ấn Độ dùng TikTok trước lệnh cấm.
Ankush Bahuguna, một cư dân ở New Delhi, cho rằng nhiều nền tảng mạng xã hội khác có thể thu hút cộng đồng người dùng TikTok khi ứng dụng này bị cấm, nhưng chúng sẽ mất nhiều thời gian để đạt thành công như TikTok.
"TikTok là một trong những nền tảng chấp thuận nhiều nhóm người khác nhau. Tôi chưa từng thấy mạng xã hội nào ủng hộ nam nghệ sĩ múa bụng hoặc các cặp đôi đồng tính như vậy. TikTok dễ sử dụng, cho phép người dùng thu hút chú ý ngay cả khi họ không biết tiếng Anh hay sở hữu máy quay đắt tiền", Bahuguna nói.
Một trong những người như vậy là Saddam Khan, 22 tuổi, nhân viên bốc vác ở ga tàu New Delhi và đang sở hữu hơn 41.000 người theo dõi trên TikTok. Anh đang gánh hai valy trên đầu vào thời điểm nghe tin Ấn Độ cấm ứng dụng này. "Tôi chỉ muốn vứt đống đồ và khóc", Khan nói.
Lượng lớn người theo dõi trên TikTok chưa giúp Khan đổi đời, nhưng anh vẫn buồn rầu khi tham vọng nổi tiếng của mình đã vuột khỏi tầm tay. "TikTok tạo ra hiệu ứng gợn sóng. Những cậu bé từ các ngôi làng nhỏ trở thành ngôi sao chỉ qua một đêm. Nó thay đổi cuộc sống và giúp nâng cao địa vị xã hội của họ", Khan nói thêm.
Giới chức Ấn Độ từ lâu đã ngờ vực ứng dụng này. TikTok bị xóa khỏi các trang ứng dụng của Ấn Độ hồi năm ngoái, sau khi một tòa án kết luận nó phát tán nội dung người lớn, quyết định này sau đó được rút lại. Nhiều chính trị gia cũng chỉ trích TikTok là nền tảng lưu trữ nội dung kích động thù hằn.
Lãnh đạo các công ty công nghệ Ấn Độ hoan nghênh quyết định của chính phủ, trong đó có Naveen Tewari, người sáng lập và giám đốc điều hành InMobi, công ty vận hành hai nền tảng kỹ thuật số gồm Glance và Roposo.
Nhiều người sáng tạo nội dung đã xem lại nền tảng hoạt động trong bối cảnh căng thẳng Ấn - Trung lên cao và bắt đầu chuyển sang dùng Roposo. Công ty này đang sẵn sàng chiếm lợi thế khi TikTok bị cấm. "Điều đầu tiên chúng tôi làm sẽ là trấn an hàng triệu người dùng TikTok rằng họ sẽ có nền tảng nội địa. Họ hoàn toàn có thể chuyển sang đó và tiếp tục làm nội dung giải trí, có thể là với nhiều trách nhiệm hơn chút ít", Tewari nói.
Tuy nhiên, một số tổ chức giám sát cho rằng chính quyền Modi thường dùng những chính sách rộng khắp vì mục đích chính trị.
"Đây là hành động có ảnh hưởng chưa từng thấy với người Ấn Độ. Mọi chính sách dựa trên lý do an ninh quốc gia cần xây dựng theo những quy chuẩn chặt chẽ, điều mà chúng ta không thấy ở đây", Apar Gupta, giám đốc điều hành Quỹ Tự do Internet tại Ấn Độ, cho hay.
App Store có nguy cơ bị đóng cửa tại Trung Quốc Trung Quốc có thể trả đũa Mỹ vì cấm TikTok và WeChat bằng cách trừng phạt Apple vì hành vi "lách luật" trên App Store. Theo The Information, tương lai của App Store Trung Quốc với gần 1,5 triệu ứng dụng, đang rất bất ổn, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu các nhà chức trách tại đây siết chặt các...