Đón cháu cho chị gái, người dì bị anh rể tố cáo tội bắt cóc
Hạnh nhờ người em gái đến đón hộ tại trường, ai ngờ Tuấn biết chuyện tố cáo cô em vợ hành vi “bắt cóc trẻ con”.
Hạnh và Tuấn lấy nhau từ năm 2010, cả hai người đều là nhân viên văn phòng nên cuộc sống khá ổn định dù phải lập nghiệp tại Hà Nội. Hạnh là kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu rượu ngoại, còn Tuấn là một kĩ sư xây dựng nhưng làm ở mảng nghiên cứu nên cũng không phải đi đâu quá xa xôi. Đứa con trai đầu lòng ra đời trong sự vui mừng của tất cả mọi người nhưng rồi khi Hạnh và Tuấn đưa nhau ra tòa ly dị, mọi người chỉ biết tiếc nuối. Yêu nhau gần chục năm nhưng rồi chỉ sau 3 năm thành vợ thành chồng họ đã đường ai nấy đi mà mâu thuẫn không thể nào dung hòa được. Tuấn được quyền nuôi con vì bỗng chốc Hạnh lạc lối vào ma túy. Và rồi, vì nhớ con, Hạnh nhờ người em gái đến đón hộ tại trường, ai ngờ Tuấn biết chuyện tố cáo cô em vợ hành vi “ bắt cóc trẻ con“.
Ảnh minh họa.
Hạnh phúc vỡ tan
Có lẽ nếu như Hạnh và Tuấn không ly hôn thì họ sẽ trở thành hình mẫu cho bất kì đôi bạn trẻ nào để phấn đấu cả về sự nghiệp lẫn tình yêu. Cùng học tại một trường cấp 3 ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình, khi đó Tuấn và Hạnh là hai người bạn rất thân. Rồi thì Hạnh thi đỗ trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn Tuấn cũng là sinh viên trường Đại học Xây dựng ở Hà Nội. Điều đáng nói là hai ngôi trường nằm rất gần nhau, chỉ cần vài bước chân là có thể gặp nhau.
Những ngày đầu đi học, Tuấn thường xuyên sang chỗ Hạnh thăm nom vì cùng cảnh nhà quê ra tỉnh học hành. Rồi thì tình cảm của họ cứ thế phát triển theo thời gian. Họ đến với nhau như một sự tất yếu của cuộc sống. Đã quá hiểu nhau nên khi yêu chỉ một thời gian ngắn. Tuấn và Hạnh đã về sống cùng. Họ chấp nhận cuộc sống thử như là một sự nương tựa lẫn nhau. Cả hai đều có niềm tin rằng người mình yêu mai sau sẽ là chồng, là vợ. Và đúng như vậy, sau khi ra trường, Tuấn và Hạnh vẫn yêu nhau và cả hai cùng đều dự liệu cho tương lai của mình khi mà hai gia đình đều rất nghèo.
Hạnh được nhận vào làm kế toán cho một công ty rượu có trụ sở ở tòa cao ốc đẹp nhất nhì Hà Nội, còn Tuấn cũng làm một kỹ sư xây dựng rất tài năng với hàng loạt dự án đình đám tại đất Thủ đô. Thu nhập của cả hai người chẳng phải bàn cãi, cuộc sống của họ tịnh tiến một cách nhanh chóng, từ chỗ phải lo ăn, lo ở đến bây giờ đã tính đến chuyện hưởng thụ, học hỏi cách sống của những người kiếm ra tiền. Đám cưới của Tuấn và Hạnh diễn ra trong sự chúc tụng của họ hàng hai bên, ai nấy đều tin rằng đôi bạn trẻ này sẽ có được một cuộc sống viên mãn.
Nhưng rồi, mọi chuyện chẳng ai ngờ được, những sự va chạm, mối quan hệ mới đã khiến cho Hạnh trở thành một người phụ nữ hoàn toàn khác ngay cả khi cô đã là một người vợ, người mẹ. Hạnh bắt đầu biết đi bar, biết hàng hiệu, biết đến những thú chơi của một bộ phận cư dân trẻ thành phố. Dường như Hạnh muốn bù đắp lại những ngày tháng khó khăn trước đây, cô muốn tận hưởng tất cả. Nhìn thấy người yêu rồi vợ thay đổi theo chiều hướng không mấy tốt đẹp, Tuấn rất buồn dù đã cố khuyên nhủ nhưng chẳng được nên đành lầm lì giải khuây bằng những cuộc nhậu vô bờ bến.
Rồi Tuấn thật sự sốc khi biết Hạnh nghiện ma túy. Một hôm Tuấn bất chợt mở cửa phòng vệ sinh thì bàng hoàng nhìn thấy Hạnh đang phê bất tận, bên cạnh là một chiếc cóng để đựng ma túy đá. Tuấn không tin vào mắt mình, anh túm áo vợ gào lên những lời chất vấn đầy tuyệt vọng. Và rồi cũng từ đây, Hạnh chìm đắm trong cuộc sống của một con nghiện ma túy cho đến ngày hai vợ chồng dắt tay nhau ra tòa ly dị, Tuấn được quyền nuôi con vì lúc này Hạnh chỉ là một con nghiện không làm chủ được bản thân.
Sự sợ hãi của cô em vợ
Ly hôn xong, Hạnh ra ở riêng trong một căn phòng trọ nho nhỏ. Cô vẫn đi làm nhưng bao nhiêu tiền đều nướng vào các cuộc chơi vô bờ bến. Tuấn thì lo sợ đứa con gái nhỏ tiếp xúc với người mẹ nghiện ma túy sẽ có những ảnh hưởng không tốt nên anh đã quyết định không cho con gặp mẹ. Những lần Hạnh muốn gặp con thì đều phải có sự đồng ý và giám sát rất chặt chẽ của Tuấn, thậm chí anh còn dặn các cô giáo ở trường là không giao con gái cho bất kì ai.
Video đang HOT
Đó là vào ngày sinh nhật của con, Hạnh nhớ con đến quặn lòng. Cô muốn sửa lỗi, muốn bù đắp cho con bé nhưng không gặp được vì các cô giáo không đồng ý nên đành nhờ người em gái đón giúp. Cô em gái vì thương chị và lúc trước cũng đã từng đến đón cháu lúc hai anh chị còn chưa ly hôn nên đã đến đón cháu cho chị. Được em gái đón cháu từ buổi trưa, cả chiều hôm đó hai mẹ con Hạnh đi chơi khắp nơi, mua rất nhiều thứ nhưng khi Tuấn đến đón con thì anh đã tức đến mức mắng cả cô giáo vì sao lại giao con anh cho người dì.
Thế rồi, tối hôm đó, Hạnh muốn ôm ấp con nên đã giữ con ngủ lại với mình với suy nghĩ sáng mai sẽ đưa con đến tận trường và báo cho Tuấn biết. Nhưng Tuấn lại chẳng thể ngồi yên, anh điên cuồng tức giận và đùng đùng đi tố cáo hành vi bắt cóc trẻ em với cô em vợ. Nghe thấy tin Tuấn tố cáo, cô em ruột của Hạnh vô cùng lo lắng và không biết rõ được mình sẽ bị kết tội như thế nào nếu như bị pháp luật truy cứu. Dù sau đó Hạnh đã nói lời xin lỗi vì đã trót đón con đi chơi nhưng Tuấn khẳng định sẽ phải “làm ra ngô, ra khoai” chứ không thể để con bé tiếp tục dính dáng đến một kẻ nghiện ma túy.
Luật sư tư vấn
Theo luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng văn phòng luật sư Danh Chính, Hà Nội, thì theo quy định Luật hôn nhân và gia đình hiện hành, mặc dù sau khi cha mẹ đã ly hôn, tòa án đã phán quyết giao con cho một người trực tiếp nuôi dưỡng, nếu như không bị Tòa tuyên hạn chế quyền nuôi con thì người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con chưa thành niên. Đối với việc thăm nuôi con, Điều 82 Luật hôn nhân gia đình quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”.
Căn cứ quy định của pháp luật, thấy rằng, nếu như chị Hạnh không bị tòa án hạn chế quyền thăm nom con, thì việc anh Tuấn hạn chế quyền thăm nom con, chăm sóc con của chị Hạnh là chưa đúng quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của chị Hạnh và chính đứa con. Bởi vì, pháp luật quy định, việc chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cha mẹ.
Đối với trường hợp chị Hạnh vì quá nhớ con, bị anh Tuấn ngăn cản nên có nhờ em gái đến đón cháu về chơi. Trong trường hợp anh Tuấn có đơn khiếu kiện, nếu sau khi cơ quan chức năng điều tra, xác minh đúng như vậy thì không có căn cứ kết luận là em gái chị Hạnh đã bắt cóc cháu bé. Trong trường hợp này, để giải quyết vụ việc có tình, có lí, đúng quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng có thể giải thích cho chị Hạnh, anh Tuấn biết rõ nghĩa vụ của cha mẹ với con cái sau khi ly hôn. Bản thân chị Hạnh và anh Tuấn cũng cần trao đổi, thống nhất về cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng, thăm nom con. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được, hoặc một bên có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của bên kia liên quan đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng con thì có thể nhờ tòa án giải quyết.
HÀ CHI
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông các lực lượng đến đâu?
Hiện có rất nhiều lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Vậy theo quy định lực lượng này có được phép xử phạt vi phạm giao thông không?
Xử phạt vi phạm giao thông: Theo quy định, đúng là nhiều lực lượng có thẩm quyền được dừng phương tiện và xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên các lực lượng này trong nhiều trường hợp không được tùy tiện dừng hoặc xử phạt mà chỉ được dừng để kiểm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm, và không phải tất cả đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT): Điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
"Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ".
Thông tư 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 quy định: cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân.
Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định các trường hợp được dừng phương tiện:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
..............
đ) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Với các quy định tại 87 Luật giao thông đường bộ 2008, Thông tư 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 , Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA cho thấy, khi Cảnh sát giao thông phát hiện có hành vi vi phạm về giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, khi cho dừng phương tiện, Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phải xuất trình biển hiệu khi làm nhiệm vụ. Biển hiệu này hình chữ nhật, có màu xanh da trời, có hình công an hiệu in chìm và phần ghi các thông tin cá nhân, chữ màu đen.
Như vậy, lực lượng CSGT được quyền xử phạt tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông các lực lượng đến đâu
Thanh tra giao thông đường bộ: Theo thông tư 08/2010/TT-BGTVT ngày 19/3/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của Thanh tra đường bộ, Thanh tra giao thông đường bộ có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ.
Khoản 6 Điều 68 Nghị định 171/2013/NĐ-CP cho phép Thanh tra giao thông có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ, khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ; hành vi vi phạm quy định về đào tạo sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ và một số hành vi vi phạm khác...
Lực lượng này chỉ được dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm xảy ra và được quyền xử phạt theo thẩm quyền đối với các vi phạm trên. Thanh tra viên có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với vi phạm trong giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với giao thông đường sắt.
Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã: Theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/3/2010 thì: Các lực lượng có thể được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết gồm: công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng cảnh sát khác (gồm cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát bảo vệ, và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).
Các lực lượng này chịu sự kiểm tra, giám sát của CSGT, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong trường hợp có mặt CSGT thì CSGT xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định.
Trường hợp các lực lượng trên tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có CSGT đi cùng, nếu phát hiện vi phạm hành chính thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và tại Điều 68, 69, 70 nghị định 171/2013/NĐ-CP. Chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với vi phạm trong giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với vi phạm đường sắt. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thực tế, hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM còn có các Tổ công tác liên ngành như 141, 113 gồm: cảnh sát cơ động, CSGT, cảnh sát hình sự được thành lập với nhiệm vụ chính là tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính để phòng ngừa, ngăn chặn trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Vì vậy, lực lượng này cũng có quyền được phép dừng xe và xử phạt người vi phạm giao thông.
Lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố: Theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 6 Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố thì lực lượng dân phòng cùng với lực lượng bảo vệ dân phố có quyền: Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội".
Lực lượng dân phòng chỉ có trách nhiệm báo cáo với UBND và CA phường về hành vi vi phạm chứ không được quyền xử phạt. Tuy nhiên, thực tế thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng vượt quyền, lạm quyền của lực lượng này nên cũng gây sự bức xúc đối với người dân. Tình trạng này cần sớm được chấn chỉnh để tránh những hậu quả và nguy cơ xung đột không đáng có.
Như vậy, các lực lượng được xử phạt vi phạm giao thông bao gồm:
Lực lượng CSGT, cảnh sát 113, 141 được dừng xe và xử phạt đối với các vi phạm về giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông. Khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT phải đeo biển hiệu và Giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát.
Lực lượng cảnh sát khác và công an xã, phường, thị trấn được dừng xe vi phạm và xử phạt khi được huy động phối hợp với CSGT đường bộ theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Người tham gia giao thông có quyền hỏi lực lượng công an khi bị dừng xe và xử phạt về kế hoạch và quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép dừng xe vi phạm giao thông và xử phạt.
Thanh tra giao thông dừng xe và xử phạt trong một số trường hợp thuộc thẩm quyền theo quy định.
Khi bị dừng phương tiện, người dân có quyền được biết mình đã vi phạm về hành vi gì và lực lượng dừng xe có trách nhiệm thông báo về lỗi vi phạm.
Gia Huy
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Nhiều lần anh rể làm chuyện "người lớn" với em vợ 9tuổi Con bé nó ngây ngô lắm, 9 tuổi nhưng cháu chỉ mới học lớp 1, vì trí nhớ kém", bà T.vừa nói vừa rơm rớm nước mắt Là con rể trong gia đình, lợi dụng lúc mẹ vợ và những người trong gia đình đi vắng, L.C.H ( sinh năm 1983, ngụ ở Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) tìm đến dụ...