Đòn bẩy hạ tầng Trung Quốc Bài 2: Thấy gì từ các “điểm hội tụ”
Việc “trung tâm hóa” vùng rìa của Trung Quốc thông qua chính sách phát triển hạ tầng giao thông của Trung Quốc tạo ra những “điểm hội tụ” đầy sức mạnh.
Theo Tiến sĩ (TS) Trương Minh Huy Vũ (*), “đầu mối” của Trung Quốc với các nước GMS là Vân Nam và Quảng Tây. Cần hiểu chữ “đầu mối” ở đây không những theo nghĩa các kết cấu về giao thông vận tải, và còn là sự kết nối và hàng hóa, thương mại và các chính sách hỗ trợ phát triển các vùng biên giới.
Phóng viên: Dự án “Một vành đai, một con đường” (MVĐMCĐ) đang là đề tài được thảo luận rất sôi nổi khắp nơi, từ giới chính sách đến các lò nghiên cứu hàng đầu của thế giới. Đan xen trong đó là cả yếu tố tích cực, lẫn quan ngại, đặc biệt là các nước láng giềng của Bắc Kinh. Tại sao có một hiện tượng nghịch lý như vậy?
TS. Trương Minh Huy Vũ: Chắc chắn đây không phải lần đầu tiên cơ sở hạ tầng được chú ý như một yếu tố quan trọng trong bối cảnh trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Nhưng dưới thời của Tập Cận Bình, đây trở thành “trọng tâm của các trọng tâm”, đánh dấu 3 “dịch chuyển”.
Thứ nhất là dịch chuyển phương châm hành động: từ “ẩn mình chờ thời” sang một khái niệm mà một học giả đại học Thanh Hoa gọi là “phấn đấu để thành công”, nhấn mạnh một Trung Quốc chưa tranh giành vị trí dẫn đầu, nhưng sẽ phất cờ.
Hai là dịch chuyển (lại) địa bàn ưu tiên: Trong thảo luận nội bộ Trung Quốc có nhiều trường phái xem khu vực nào là ưu tiên chiến lược quan trọng nhất. Với dự án MVĐMCĐ, vòng cung “ngoại vi” xung quanh các nước láng giềng kéo dài từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Á, và Nam Á quay trở lại thành “ưu tiên của ưu tiên”.
Cuối cùng là dịch chuyển phương pháp tiếp cận: Xác quyết chủ quyền bằng sức mạnh và song phương về mặt ngoại giao không tạo nên một “thế đứng” đủ mạnh cho Bắc Kinh từ 2009. MVĐMCĐ, đặc biệt là cái gọi là “con đường tơ lụa trên biển mới” đẩy mạnh chức năng lồng ghép: giữa mục tiêu phát trển kinh tế, và qua đó “mềm” hóa các tranh chấp lãnh hải, theo cách mà Trung Quốc đặt ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi trước tấm bản đồ về tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Đức. (Nguồn: AFP)
Ba bước chuyển này tùy góc nhìn có thể được đánh giá hệ quả khác nhau. Không rõ ràng về “ý định chiến lược” của một cường quốc trỗi dậy, khiến cho các nghi ngại về lồng ghép giữa an ninh và kinh tế đằng sau các đại công trình-dự án được Trung Quốc đề xuất ngày một càng tăng.
Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng vào 5 mảng: đường bộ, đường sắt, đường viễn thông, đường ống dẫn năng lượng và các hệ thống cảng biển tại tiểu vùng sông Mekong (GMS). Liệu đây có phải là “mắc xích đầu tiên” của MVĐMCĐ ở khu vực Đông Nam Á?
Nhóm nghiên cứu “đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại GMS” của chúng tôi tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã thống kê và biểu đồ hóa các số liệu thống kê đầu tư hạ tầng tại GMS giai đoạn 2014-2018.
Trong đó chỉ ra là số dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải của Trung Quốc tại khu vực này chiếm 33% trên tổng dự án. So sánh số vốn đầu tư đưa ra một kết quả ấn tượng hơn khi 89% vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung vào lãnh vực này.
Dự án Một vành đai – một con đường, bao gồm Con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. (Nguồn: internet)
Video đang HOT
“Đầu mối” của Trung Quốc với các nước GMS là Vân Nam và Quảng Tây. Chúng tôi hiểu chữ “đầu mối” ở đây không những theo nghĩa các kết cấu về giao thông vận tải, và còn là sự kết nối và hàng hóa, thương mại và các chính sách hỗ trợ phát triển các vùng biên giới.
Chiến lược đầu tư hạ tầng của Trung Quốc đưa Vân Nam, mà trọng tâm là thành phố Côn Minh, trở thành Vùng tập Trung với sự giao thoa của hầu hết các tuyến đường bộ, đường sắt, đường viễn thông, lẫn đường năng lượng.
Khu vực này được hỗ trợ phân mảng sản xuất từ các thành phố lân cận của Vân Nam và Quảng Tây, từ đó tiến hành các chính sách sản xuất và thương mại với các quốc gia khu vực GMS. Trong đó theo phân tích sơ bộ của chúng tôi, hạ tầng giao thông của khu vực GMS đến 2020 sẽ hội tụ tại ba địa điểm chính, bao gồm Vân Nam (Trung Quốc), Viên Chăn (Lào) và Bangkok (Thái Lan).
Các “điểm hội tụ” đó nói lên điều gì?
Chúng ta cần thêm nhiều phân tích về kỹ thuật để có một bức tranh tổng thể hơn về các điểm hội tụ, đặc tính của nó và các tác động lan tỏa đến các lãnh vực khác. Điều này đang là một nhu cầu không những cấp thiết, mà còn tối quan trọng vì một đại công trình -khác với những hợp đồng thương mại hay đầu tư- thường có tuổi thọ hàng nửa thế kỷ.
Nó không những điều chỉnh hành vi, ứng xử, mà cả cách thức tổ chức của một cộng đồng trong một khoảng thời gian nhất định, mà còn tạo ra những “ngoại sinh tích cực” thúc đẩy các tác nhân hoạt động nương theo hệ thống đó.
Nhưng ngược lại, nó cũng sẽ tạo ra những lực “từ trường nghịch” khổng lồ hàm chứa những yếu tố “ngoại sinh tiêu cực” trong việc sửa sai hay tìm kiếm một giải pháp thay đổi mô hình.
Một hình dung đơn giản như việc hội tụ các kết nối chính tại tiểu vùng GMS sẽ nâng cao “vị thế” của một số khu vực của Trung Quốc, nhưng ngược lại sẽ làm giảm vị thế của các khu vực khác. Vị thế ở đây về mặt kinh tế chúng tôi hiểu đó như một “trục đường chính” mà qua đó các dòng chảy thương mại, logistic, đầu tư hay dòng lao động dịch chuyển hay được tiến hành một cách tiện lợi nhất.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II – Kim Thành tại Lào Cai. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Được “quy hoạch” vào một trục đường chính như vậy không những nâng cao lợi ích kinh tế có được, mà còn là giá trị của người được nằm trong quy hoạch đó trong các thương lượng, đàm phán, hay ít nhất là trong các ứng xứ với các đối tác khác.
Nằm “trong trục đường phụ” ngược lại ví như căn nhà trong hẻm, với sự bất lợi không những về vị thế “mặt tiền”, mà còn sự vướng mắt về cả không gian, hành động lẫn tầm nhìn chiến lược trong việc hoạch định các phát triển dài hơi hơn.
Ông có thể phân tích rõ hơn ý nghĩa của các “điểm hội tụ” trong bối cảnh chung của việc Trung Quốc thúc đẩy dự án MVĐMCĐ?
Có hai ý chính cần được thảo luận. Một là MVĐMCĐ là “đại chiến lược” của thế hệ lãnh đạo thứ 5. Ví von thì đây là một dấu ấn mang tính lịch sử về đối ngoại mà Chủ tịch Tập Cận Bình muốn để lại.
Ứng phó với một “đại chiến lược” của một cường quốc đang mong muốn trở thành lãnh đạo thế giới thì không thể nào dùng một “tiểu chiến lược”, nhất là khi tiểu chiến lược đó đang bị chi phối, dằn xén theo nhiều xu hướng lợi ích cục bộ và ngắn hạn khác nhau.
Hai là trái với sự thành công của “hành lang” trên bộ, con đường trên biển của Trung Quốc kết nối với các nước ASEAN hiện vẫn chưa rõ ràng. Lý do chính được các nhà phân tích đưa ra là sự thiếu vắng liên kết giữa các dự án đầu tư của Trung Quốc với cơ sở hạ tầng hiện có hoặc hướng phát triển cơ sở hạ tầng hiện có ở các nước ASEAN. Đồng thời, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại các nước ASEAN hải đảo cũng không thể hiện sự kết nối với Mạng lưới vận tải RO – RO ASEAN (ARN).
Điều này có thể đang thay đổi khi Trung Quốc nỗ lực ráp nối các tuyến đường có sẵn vào công trình của mình dọc theo “con đường tơ lụa trên biển mới”.
Câu hỏi đặt ra cho các nước GMS có bờ biển sẽ tận dụng cơ hội nối kết đó như thế nào (và không phải chỉ riêng với các kết nối của Trung Quốc). Mở sinh lộ vùng biển đang là phương tiện, và sẽ là cứu cánh để “tháo nút” những chật hẹp địa dư đất liền.
Xin cảm ơn ông!
Theo Đỗ Thiện (thực hiện)
Pháp luật TPHCM
Đòn bẩy hạ tầng Trung Quốc bài 1: Bắc Kinh "trung tâm hóa" vùng rìa
Việc xây dựng các tuyến đường xuyên quốc gia được Bắc Kinh sử dụng để kết nối các nước nhằm thúc đẩy sự phát triển các vùng đất còn nghèo đói của nước này.
LTS: Mới đây,các công tyTrung Quốc và Thái Lan đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về dự án xây kênh đào Kra xuyên qua Thái Lan, nối Biển Đông (Thái Bình Dương) với Biển Andaman (Ấn Độ Dương) - hứa hẹn là tuyến đường biển huyết mạch nối giữa châu Á, Trung Đông và châu Âu mà không phải đi qua eo biển Malacca - tuyến hàng hải sầm uất nhất thế giới hiện chuyên chở 40% hàng hóa giao thương toàn cầu. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng sông Mekong... vấn đề xây dựng hạ tầng của Trung Quốc cũng đặt ra những thách thức về mặt chiến lược đối với các quốc gia. Pháp luật Thành phố khởi đăng loạt bài "Đòn bẩy hạ tầng Trung Quốc" nhằm cung cấp độc giả cái nhìn toàn cảnh về "những con đường chiến lược" của chính quyền Bắc Kinh tại khu vực tiểu vùng sông Mekong nói riêng và châu Á nói chung.
Chiến lược "thông máu" giữa các nước GMS
Khu vực tiểu vùng sông Mekong (gọi tắt là GMS) là khu vực bao gồm lãnh thổ của sáu quốc gia: Trung Quốc (gồm Tỉnh Vân Nam và Quảng Tây), Myanamar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam; được kết nối với nhau qua ba kênh chính: Sông Mekong (khởi nguồn từ Trung Quốc); Chín hành lang kinh tế; và các liên kết về văn hóa, xã hội. Từ khi Chương trình hợp tác kinh tế GMS được triển khai năm 1992, các quốc gia GMS đã cùng hợp tác tăng cường các chương trình đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực giao thông chiếm hơn 90% vốn đầu tư.
Dựa trên các số liệu về thương mại và các yếu tố liên quan thương mại của 30 cặp quan hệ kinh tế (Vân nam - Thái Lan, Thái Lan - Lào, Lào - Việt Nam, Vân Nam - Việt Nam...) từ sáu quốc gia GMS được thu thập từ năm 1981 đến năm 2003, nhóm tác giả Christopher Edmonds và Manabu Fujimura tiến hành nghiên cứu "Tác động của hệ hạ tầng giao thông xuyên quốc gia đối với thương mại và đầu tư tại GMS" và đi đến kết luận sự phát triển hạ tầng giao thông xuyên biên giới đã tạo ra ảnh hưởng tích cực, trở thành động lực quan trọng kích thích mua bán trao đổi hàng hóa trong khu vực GMS.
Đây là một trong những lý do chính thúc đẩy các quốc gia GMS phát triển hệ thống hạ tầng giao thông từ những năm cuối thế kỷ 20 đến nay. Quá trình mở rộng và hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông GMS đã tái định hình khu vực, trong đó nổi bật là sự xuất hiện "vùng tập trung quốc tế" (mà Trung Quốc gọi là International Hub) - nhân tố tác động đến mức độ hội nhập của từng vùng khác nhau, từng quốc gia khác nhau trong khu vực.
Gần đây, các quốc gia GMS đã đề ra Chương trình khung Đầu tư khu vực (RIF) hướng tới phát triển các dự án liên quan tới giao thông gắn với các định hướng trong khuôn khổ chiến lược mới. Các dự án giao thông khu vực hứa hẹn "thông máu" các nền kinh tế khu vực GMS, giúp việc di chuyển hàng hóa giữa các nước ngày càng trở nên dễ dàng, thuận lợi.
Nước cờ "tây nam tiến" của Trung Quốc
Trong chiến lược phát triển liên tục hệ thống giao thông tại GMS, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là Trung Quốc chọn lựa những "quân cờ" mang tính chiến lược - vừa giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển về mặt tổng thể, vừa nâng tầm các vùng kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu của Trung Quốc nhưng nằm trong liên kết với các nước GMS còn lại. Rõ ràng và cụ thể nhất chính là hai tỉnh Quảng Tây, và đặc biệt quan trọng là Vân Nam thông qua chiến lược "Tiến về phía tây nam".
Theo ba bản báo cáo nhà nước vào các năm 2002, 2005 và 2008 về việc tham gia vào tiểu vùng Mekong được đưa ra bởi Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Bộ tài chính Trung Quốc, mục tiêu tổng quát của Trung Quốc là nối các vùng đất hàng lang giữa tây nam Trung Quốc (cụ thể là tỉnh Vân Nam) với bán đảo Đông Dương, kết nối thị trường giữa tây nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Đó là lý do mà từ năm 1992, Trung Quốc đã rất nỗ lực kết nối tỉnh Vân Nam (và sau này còn có thêm vùng Quảng Tây) với các quốc gia khu vực GMS.
Trung Quốc đầu tư sâu và rộng hệ thống giao thông tại 5 quốc gia GMS. Ảnh: EFR
Tỉnh Vân Nam nằm ở khu vực biên giới phía tây nam của Trung Quốc, tiếp giáp với Lào, Myanmar và Việt Nam ở phía tây và phía nam, có đường biên giới dài 4060 km và gần với Thái Lan, Campuchia, Bangladesh và Ấn Độ. Vì lí do lịch sử, dù sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú và lợi thế địa lý tiếp cận với thị trường Đông Nam Á, nhưng Vân Nam vẫn trong tình trạng nghèo đói, kém phát triển suốt thời gian dài. Điều này thôi thúc chính quyền Bắc Kinh tận dụng chính sách đầu tư hạ tầng, giao thông GMS để Vân Nam có thể mở rộng cửa ngõ giao lưu với Đông Nam Á và Nam Á.
Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Nhóm phối hợp nghiên cứu quốc gia về việc phát triển tiểu vùng sông Langcang - Mekong vào năm 1994. Bên cạnh việc triển khai các dự án đã đề ra, Trung Quốc còn chi 30 triệu USD cho việc xây dựng đường cao tốc từ thành phố của tỉnh Vân Nam, Côn Minh, sang thủ đô Bangkok (Thái Lan), chạy qua Lào; 5 triệu USD cho việc dự án cải tiến kênh hàng hải tại khu vực thượng nguồn sông Mekong. Năm 2008, Trung Quốc cam kết chi 20 triệu nhân dân tệ để tiến hành nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng một đường tàu nối phần phía đông Singapore với Côn Minh.
Giai đoạn 2014-2018, theo Ngân hàng Phát triển châu Á, các nước chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông của Trung Quốc tại GMS, với khoảng 75% vốn đổ vào các con đường xuyên quốc gia tại khu vực do Trung Quốc đầu tư torng bối cảnh nguồn lực của các nước GMS còn lại rất hạn chế.
Sự phình to bất cân xứng tại khu vực
Năm 1992, Trung Quốc mở ra ba vùng kinh tế biên giới, gồm Thụy Lệ, Wanding, và Hà Khẩu. Đến tháng 5-2011, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố "Hỗ trợ Đẩy mạnh Xây dựng Vân Nam trở thành một tiền đồn quan trọng của khu vực Tây Nam", với thành phố Côn Minh trở thành một Vùng tập trung Quốc tế của khu vực Tây Nam Trung Quốc trong định hướng phát triển với các quốc gia GMS. Đến tháng 5-2013, Vân Nam thành lập sáu vùng hợp tác kinh tế biên giới. Bắc Kinh xây dựng một Vòng kinh tế Trung tâm Vân Nam bằng cách kết nối bốn thành phố Côn Minh, Khúc Tĩnh, Ngọc Khê, và Sở Hùng, với Côn Minh làm trung tâm.
Hầu hết các giao dịch thương mại giữa Trung Quốc với Lào, Myanmar tập trung tại Vân Nam. GDP của tỉnh Vân Nam tăng mạnh từ 33 tỷ USD năm 2000 lên 160 tỷ USD năm 2012, và tỉnh này quyết tâm đẩy con số này lên gấp đôi vào năm 2017 thông qua việc đẩy mạnh giao thương xuyên biên giới.
Côn Minh trở thành điểm tập trung quan trọng và chính yếu trong các hoạt động kinh tế thu hút sự tham gia của các quốc gia trong khu vực như Lào, Myanmar, Việt Nam và nhiều nước khác. Chiến lược đầu tư hạ tầng của Trung Quốc khiến Vân Nam "phình to", trở thành Vùng tập Trung với sự giao thoa của hầu hết các tuyến đường bộ, đường sắt, đường viễn thông, lẫn đường năng lượng. Thông qua "quân cờ" này, Trung Quốc tiến hành các chính sách sản xuất và thương mại với các quốc gia khu vực GMS.
Nỗi lo "lệch khỏi trục chính" Cho dù việc phát triển thương mại Trung Quốc-Đông Nam Á tăng, nhưng Trung Quốc chỉ hợp tác với GMS thông qua "con bài" Vân Nam - một vùng tập trung quốc tế. Bên cạnh đó, xét tổng thể GMS, hạ tầng giao thông chỉ giao thoa tại ba địa điểm chính, bao gồm Vân Nam (Trung Quốc), Viên Chăn (Lào) và Bangkok (Thái Lan). Điều này mở ra nhiều quan ngại rằng một số quốc gia khác trong GMS (trong đó có Việt Nam) nằm trong "trục đường phụ", thiếu sức ảnh hưởng và khả năng "mặc cả" khi tiến hành hoạt động thương mại với Trung Quốc (mà Vân Nam đóng vai trò là một vùng tập trung quan trọng), và các quốc gia khác.
* Mời đón đọc bài 2: Sức mạnh của "điểm hội tụ" - ngày 28-05-2015.
Đỗ Thiện
Theo_PLO
Nhiều nước sẵn sàng từ chối "ông nhà giàu" Trung Quốc Sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những tranh chấp lãnh thổ-lãnh hải với khu vực láng giềng khiến cho chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư sẽ được dùng làm vũ khí chính trị. Năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 102 tỷ USD...