“Đòn bẩy” đưa sứa ép vùng biển ngang Thạch Hà vươn xa
Khai thác sản vật vùng biển ngang Thạch Hà, ông Nguyễn Đình Dung (thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị) đã nâng tầm sản phẩm sứa Mai Dung đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đang nỗ lực đưa hương vị của Hà Tĩnh vươn ra thị trường quốc tế.
Tại vùng biển ngang Thạch Hà, trước đây, do sứa chỉ được xuất bán làm nguyên liệu thô, giá trị kinh tế không cao nên ngư dân chẳng mấy mặn mà.
Thành viên Tổ hợp tác sứa ép Mai Dung làm sạch sứa để đưa vào chế biến.
Trăn trở trước tình trạng đó, năm 2008, ông Nguyễn Đình Dung (thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị) lặn lội ra các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định… học nghề chế biến, sản xuất các sản phẩm từ sứa biển.
Sau vài tháng học việc, ông “bỏ túi” được một số kinh nghiệm rồi đi tới quyết định táo bạo: vay vốn ngân hàng để thu mua sứa biển cho ngư dân trong vùng. Không ít người ngờ vực về tính khả thi từ quyết định của ông Dung, tuy nhiên, bà con ngư dân lại khấp khởi hy vọng về hướng tiêu thụ cho sản vật quê hương.
Sứa là nguồn nguyên liệu khá dồi dào của vùng biển ngang Thạch Hà.
Từ thời điểm đó, bà con tấp nập đưa đến nhập sứa cho ông Dung. Thời gian đầu, ngư dân đến nhập sứa rất đông nhưng do ông Dung chưa có nhiều kinh nghiệm bảo quản, sơ chế nên số lượng sứa mua vào bị hư, phải bỏ đi không ít. Thế nhưng, nhờ vào sự kiên trì, chịu khó theo phương pháp “vừa học, vừa làm” nên chỉ sau 1 năm, toàn bộ lượng sứa thu mua được ông Dung tận dụng triệt để.
“Mùa sứa kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch. Vùng biển này sứa nhiều, có thể khai thác được cả chục tấn mỗi ngày. Đặc biệt, chế biến sứa không còn là công việc thời vụ mà có thể duy trì quanh năm, tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Vì vậy, năm 2012, tôi đã mạnh dạn thành lập cơ sở chế biến sứa để phát triển kinh tế gia đình” – ông Dung cho biết.
Cơ sở sản xuất sứa ép Mai Dung thường xuyên được đầu tư, mở rộng.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Văn Phúc (thôn Đại Tiến) chia sẻ: “Do tính chất công việc nặng nhọc hơn nên mỗi ngày, cánh đàn ông chúng tôi được trả công 650 ngàn đồng/người; trong khi chị em thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/người. Kể từ khi có cơ sở chế biến này, bà con ngư dân có thêm động lực bám biển”.
Với mong muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và đưa sản phẩm sứa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, năm 2013, ông Dung vận động thêm 6 người dân trong vùng thành lập Tổ hợp tác sứa ép Mai Dung. Lúc này, hệ thống khu bảo quản nguyên liệu, nhà xưởng chế biến… với tổng kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng được xây dựng. Sau khi cơ sở đi vào hoạt động ổn định, tổ hợp tác vận động bà con ngư dân đóng thêm ghe, thuyền khai thác sứa.
Sứa thành phẩm được bảo quản ở nhiệt độ bình quân từ 10 – 20 độ C.
Để cho ra những hộp sứa ép đạt tiêu chuẩn, mọi quy trình chế biến được thực hiện hết sức chặt chẽ. Quan trọng nhất để cho ra sản phẩm sứa thơm, ngon, chất lượng, yếu tố tiên quyết chính là nguyên liệu. Sứa tươi sau khi đưa lên thuyền sẽ được tiến hành sơ chế bằng việc loại bỏ nội tạng, tách phần thân, chân rồi ép cho hết nhớt và làm cứng từ 8 – 10 tiếng. Sau khi muối trong bể từ 8 – 10 ngày, sứa chín, sẽ được rửa sạch để đưa vào chế biến với các loại gia vị như: ớt, tỏi, giấm thanh, đường…
Năm 2020, sứa ép Mai Dung tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây chính là “đòn bẩy”, động lực để ông Dung tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ đưa sứa “xuất ngoại”.
Mùa cao điểm, tổ hợp tác sứa ép Mai Dung tạo việc làm cho 35 – 40 lao động.
Ông Dung chia sẻ: “Hằng năm, Tổ hợp tác sứa ép Mai Dung sản xuất bình quân 500 tấn nguyên liệu (tương đương 50 tấn – 70 tấn thành phẩm), doanh thu bình quân đạt 3 – 4 tỷ đồng/năm. Sản phẩm từng bước vươn tầm, không chỉ tiêu thụ ở thị trường các tỉnh miền Trung mà các khách hàng ở phía Bắc, phía Nam cũng rất ưa chuộng. Từ đầu năm đến nay, lượng tiêu thụ tăng mạnh, chúng tôi thu mua tăng hơn gấp đôi với 1.200 tấn (100 – 120 tấn sứa thành phẩm) để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Thị trường tiêu thụ ổn định, Tổ hợp tác sứa ép Mai Dung đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương từ 8 – 9 triệu đồng. Mùa cao điểm, lượng nhân công tham gia làm việc tăng gần gấp đôi, từ 35 – 40 người. Ngoài ra, tổ hợp tác còn thu mua nguyên liệu từ 30 – 40 thuyền đánh bắt, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân vùng biển Thạch Hà.
Ông Nguyễn Đình Dung mong muốn đưa sản phẩm sứa ép vươn tầm quốc tế.
Hiện nay, ông Dung đang tích cực tìm hiểu, khâu nối để đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường Nhật Bản và các nước châu Á. Để làm được điều đó, ông Nguyễn Đình Dung cho hay, cần tiếp tục mở rộng diện tích nhà xưởng từ 600 m 2 lên 1.000 m 2 để tương xứng với quy mô sản xuất. Dự kiến thời gian tiếp theo, tổ hợp tác sẽ đầu tư, nâng mức thu mua nguyên liệu nhằm tận dụng thế mạnh của địa phương, thúc đẩy sự phát triển của nghề đánh bắt sứa; đồng thời, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Làm giàu từ vườn mẫu nông thôn mới ở Tân Tiến
"Vườn đẹp, quy hoạch bài bản, ngăn nắp, môi trường trong lành, giá trị kinh tế từ vườn cao..." là những lời chia sẻ của nhiều người dân ở xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang về vườn mẫu nông thôn mới của gia đình anh Nguyễn Đình Cư, thôn 3, xã Tân Tiến.
Anh Nguyễn Đình Cư, xã Tân Tiến, thu hoạch chanh từ vườn của gia đình.
Những năm qua, nhờ chăm chỉ lao động, không ngừng học hỏi cùng với tư duy sản xuất tiến bộ... anh Nguyễn Đình Cư đã từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, trở thành triệu phú nhờ phát triển kinh tế vườn ở xã Tân Tiến.
Hàng cau bao quanh sân, vườn, không khí trong lành, cảnh quan đẹp... là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm đến nhà anh Nguyễn Đình Cư, thôn 3, xã Tân Tiến. Anh Cư chia sẻ, nông dân như anh thì chỉ có thể dựa vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, anh luôn trăn trở việc trồng cây gì, nuôi con gì để cho thu nhập ổn định.
Năm 2003, tận dụng diện tích đất vườn rộng nên anh quyết định chọn mô hình vườn - ao - chuồng là hướng phát triển kinh tế của gia đình. Gia đình anh đã cải tạo lại ao để nuôi cá, nuôi 6 con bò sinh sản và trồng vài chục cây hồng không hạt trong vườn. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm về bố trí, sắp xếp các loại cây trồng trong vườn nên diện tích đất vườn của gia đình vẫn chưa được sử dụng hết, nhiều chỗ còn bỏ hoang, thu nhập từ khu vườn của gia đình cũng chưa cao.
Năm 2010, sau khi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của những người đã thành công với mô hình vườn - ao - chuồng, gia đình anh quyết định cải tạo, quy hoạch lại khu vườn. Ngoài trồng hồng không hạt, anh Cư còn trồng thêm cây chanh, bên cạnh nuôi bò sinh sản, gia đình anh còn nuôi ong...
Cũng theo anh Cư, toàn bộ khu vườn của gia đình anh có tổng diện tích 3,8 ha, hiện đã được quy hoạch thành khu trồng 150 cây chanh, 60 cây hồng không hạt, 400 cây cau (có 30 cây đang cho thu hoạch), kết hợp nuôi 120 đàn ong, 09 con bò sinh sản. Ao nuôi cá cũng được gia đình anh mở rộng để nuôi được nhiều cá hơn và làm "điều hòa" cho khu vườn.
Với việc bố trí, sắp xếp các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp trong vườn nên các loại cây, con trong khu vườn của gia đình anh Cư đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao; khu vườn rất sạch sẽ, không khí trong lành thoáng mát... Hai năm trở lại đây, thu nhập kinh tế từ khu vườn của gia đình anh Cư đạt bình quân gần 300 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng.
Anh Cư cho biết thêm, năm 2020, đăng ký thực hiện vườn mẫu nông thôn mới, gia đình anh được chính quyền địa phương hướng dẫn quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp hơn, trồng thêm hoa để tạo cảnh quan đẹp, làm đường bê tông nối các khu sản xuất. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, vườn của gia đình anh đã được công nhận là vườn mẫu nông thôn mới. Thực hiện vườn mẫu mang lại rất nhiều lợi ích như quy hoạch cây trồng, vật nuôi phù hợp nên có nguồn thu nhập quanh năm, môi trường - cảnh quan khu vườn sạch đẹp, tạo sự thỏa mái cho gia đình khi hàng ngày chăm sóc cây ngoài vườn...
Anh Nguyễn Đình Cư (phải), xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong.
Ngoài làm vườn mẫu, gia đình anh Cư còn trồng thêm 4ha rừng keo để nâng cao thu nhập. Hiện, anh Cư đã trở thành triệu phú, tấm gương phát triển kinh tế từ vườn mẫu ở xã Tân Tiến. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Cư còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân tại địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Sinh, thôn 4, xã Tân Tiến cho biết, năm 2017, thấy gia đình anh Cư nuôi ong cho thu nhập cao nên ông đã đến để học tập. Được anh Cư hướng dẫn cách nuôi ong nên ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi 50 đàn ong trong khu vườn của gia đình. Năm 2020, với 50 đàn ong thu được 400 lít mật ong, với giá bán 150.000 đồng/lít gia đình ông thu về 60 triệu đồng. Đây là nguồn vốn để gia đình ông Sinh tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, cải tạo lại vườn để có được khu vườn đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế cao giống như gia đình anh Cư...
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế từ vườn mẫu, anh Cư cho biết, muốn phát triển kinh tế từ vườn trước tiên phải chọn các loại cây, con phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương; tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đặc tính của các loại cây, con để có quy hoạch phù hợp cho khu vườn. Cùng với đó, phải chăm chỉ, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả lao động. Xây dựng vườn đạt tiêu chuẩn vườn mẫu nông thôn mới cần nhiều thời gian vì vậy, mỗi gia đình cần có sự kiên trì, bền bỉ... thì mới thành công.
"Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cải tạo vườn của gia đình, hướng tới đưa khu vườn trở thành địa điểm tham quan, du lịch cho du khách khi về Tân Tiến", anh Cư nói.
Khu vực nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Đình Cư, xã Tân Tiến.
Ông Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, xã hiện có 10 vườn mẫu nông thôn mới; trong đó, vườn mẫu của gia đình anh Nguyễn Đình Cư là một trong những vườn mẫu đẹp, cho thu nhập cao nhất trên địa bàn xã. Vườn mẫu của gia đình anh Cư đã góp phần tạo nên cảnh quan xanh mát, trong lành, một không gian sống đáng mơ ước ở vùng nông thôn, đồng thời gợi mở một hướng làm kinh tế mới là phát triển du lịch cộng đồng... Mô hình vườn mẫu của gia đình anh Cư là một trong những mô hình vườn mẫu cho các hộ dân trên địa bàn xã học tập và làm theo.
Trên cơ sở hiệu quả của mô hình vườn mẫu của gia đình anh Cư, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân về cách thức quy hoạch, chỉnh trang vườn nhà, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, đặc biệt là xây dựng hệ thống nước thải và thu gom, phân loại chất thải rắn, tránh gây ô nhiễm môi trường... Để xã ngày càng có nhiều vườn mẫu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần giúp xã hoàn thành mục tiêu hết năm 2022 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao...
Giá cao su hôm nay 11/7: Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đẩy ngành cao su vào thế khó, 'ngày tận thế' sắp xảy ra? Giá cao su tiếp đà giảm giá phiên giao dịch cuối tuần tại sàn châu Á. Hiện tại, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã đẩy ngành cao su vào thế khó. Giá cao su hôm nay: Tiếp đà giảm giá. (Nguồn: Vinanet) Cập nhật giá cao su thế giới Tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) , giá cao su giao...