Đòn bẩn của tàu cá Trung Quốc2
Việc dùng neo để phá nát lưới đánh cá của ngư dân Quảng Trị (xem Báo NTNN ra ngày 12.1) chỉ là một trong rất nhiều “đòn bẩn” mà các tàu cá Trung Quốc sử dụng, gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại cho hoạt động đánh bắt của ngư dân, nhất là ngư dân các tỉnh miền Trung.
Từ “lấy thịt đè người”, cắt phá lưới…
Hôm 3.1 vừa qua, khi 4 tàu cá của ngư dân Quảng Trị đang đánh bắt ở tọa độ 17độ 30N -107 độ 20 E thì bị 10 tàu cá Trung Quốc đánh bắt ghẹ (hướng đông bắc, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 20 hải lý) gây rối và phá hoại. Tàu Trung Quốc dùng mỏ neo cố định ngư lưới cụ kéo rê giữa biển phá nát 12 tấm lưới (hơn 500m) của 4 tàu cá ngư dân Quảng Trị, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Thiết bị hành nghề lặn một tàu cá ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc băm đứt thành từng đoạn. Ảnh: Công Xuân
Ngư dân Võ Thanh Tánh (trú khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị), chủ tàu cá QT – 91379 bị tàu cá Trung Quốc phá nát 5 tấm lưới hôm 3.1, cho biết trước đây tàu cá Trung Quốc là tàu gỗ. Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, tàu của họ được thay mới, toàn tàu sắt cỡ lớn. Họ đi đánh cá theo từng tốp 10 tàu trở lên. Nhiều tốp có một đến hai tàu hậu cần chuyên biệt…
Nói về chiêu thức phá hoại của tàu cá Trung Quốc, ông Tánh bức xúc nói: “Tàu chúng tôi được xếp hạng to nhất tỉnh Quảng Trị cũng chỉ là tàu gỗ, không nhằm nhò gì so với những chiếc tàu sắt to lớn của ngư dân Trung Quốc. Phía họ dùng chiêu “lấy thịt đè người”, dùng tàu sắt, tàu lớn, kết thành nhóm lớn để uy hiếp, hành xử côn đồ, vô nhân đạo. Lúc bị họ gây hấn, phá hoại, chúng tôi ức lắm, nhưng chỉ biết cắn răng chịu đựng, bỏ đi để bảo toàn tính mạng. Tàu sắt họ quẹt nhẹ thôi là tàu gỗ mình nát bươm. Không biết chúng tôi phải chịu đựng thế này đến bao giờ”.
Video đang HOT
Mỏ neo cố định lưới của tàu cá Trung Quốc dùng để phá hoại hơn 500m lưới của ngư dân Quảng Trị ngày 3.1 vừa qua. Ảnh: Ngọc Vũ
Sau chiêu “lấy thịt đè người”, giờ đây tàu cá Trung Quốc thường dùng mỏ neo thả rà dưới nước để cắt phá ngư lưới cụ của ngư dân Việt. Theo các ngư dân ở Cửa Việt (Quảng Trị) thì chuyện họ bị phá ngư lưới cụ xảy ra hàng ngày. “Mỏ neo cố định lưới của tàu Trung Quốc được cấu tạo có tấm neo to hơn, dẹt hơn để khi kéo rê trên biển có thể dễ dàng cắt nát lưới” – ông Tánh nói.
… đến băm nát dụng cụ lặn
Không như một số tỉnh thành khác trong nước, ngư dân Quảng Ngãi hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa phần nhiều là hành nghề lặn biển. Vì thế, ngoài các thiết bị máy quét, máy dò, định vị, ngư cụ mà ngư dân mang theo để hành nghề là quần áo lặn, dây hơi. Phía Trung Quốc một khi đã bắt giữ trái phép ngư dân Quảng Ngãi cùng với tịch thu tài sản thì thường dùng chiêu sử dụng dao, rựa băm nát dây hơi; đồng thời vứt đồ lặn của ngư dân xuống biển.
Ông Nguyễn Văn Quang (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), chủ tàu cá QNg – 90205, từng bị tàu Trung Quốc trấn cướp tài sản trái phép tại Hoàng Sa hồi đầu tháng 6.2015, kể: Mấy năm trước, tàu Trung Quốc hay tịch thu phương tiện, thiết bị và bắt ngư dân để đòi tiền chuộc từ người nhà. Thời gian gần đây, họ đổi sang chiêu cho tàu đâm chìm hoặc gây hư hỏng tàu cá ngư dân Việt. Bên cạnh đó, họ còn tịch thu hải sản ngư dân Việt đánh bắt được, đồng thời chặt phá nát ngư cụ hành nghề của ngư dân Việt.
Ngư dân Nguyễn Lợi (huyện Lý Sơn) – thuyền trưởng tàu cá QNg – 96507 bị tàu Trung Quốc trấn cướp tại Hoàng Sa vào tháng 8.2015, bày tỏ: Một khi trang thiết bị hành nghề lặn biển là dây hơi đã bị chặt phá thì dù thực phẩm, đá lạnh mang theo còn rất nhiều chúng tôi cũng đành cho phương tiện trở về bến.
Theo thống kê từ đầu năm 2015 đến nay, đã có ít nhất 8 trường hợp tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trình báo với cơ quan chức năng các cấp về việc bị tàu Trung Quốc trấn cướp tài sản trái phép tại Hoàng Sa. 100% số chủ tàu cho biết đều bị tàu Trung Quốc chặt phá ngư cụ hành nghề.
Thường xuyên gây rối
Tại Quảng Nam, ngư dân Huỳnh Văn Tạo (51 tuổi, trú xã biển Tam Quang, huyện Núi Thành) – có thâm niên 30 năm đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa – cho biết: Chúng tôi rất lo lắng khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa vì thường xuyên bị lực lượng hải giám và tàu cá vỏ sắt Trung Quốc uy hiếp. Tàu Trung Quốc tìm mọi thủ đoạn để phá công cụ sản xuất, rượt đuổi tàu cá ngư dân chúng tôi… “Nhiều lúc chúng tôi phát hiện ra luồng cá và tiến hành thả lưới, nhưng liên tục bị tàu Trung Quốc xua đuổi nên phải bỏ chạy. Mỗi lần như vậy có khi thất thu cả trăm triệu đồng” – ông Tạo kể.
Theo các ngư dân miền Trung, dù tàu cá Trung Quốc có dùng “đòn bẩn” đến đâu, ngư dân miền Trung vẫn tiếp tục bám biển vì đó là sinh kế của đời họ, là cách để họ góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc. Ngư dân Võ Công Thanh – chủ tàu cá QT 91019 – TS cho biết, dù bị tàu cá Trung Quốc tấn công, tinh thần anh em trên tàu không hề nao núng, vẫn vững vàng bám biển cho đến ngày 10.1 mới trở vào bờ và bàn giao tang vật là chiếc mỏ neo cho cơ quan chức năng. Đến chiều 12.1, đội tàu cá ngư dân Cửa Việt tiếp tục ra khơi. Ngư dân Võ Thanh Tánh cho biết thêm, để bảo vệ, hỗ trợ nhau thì tàu cá của ngư dân thường đi thành tổ, đội, ít nhất 5 tàu.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, ngư dân Quảng Trị cũng tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng như Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư… tăng cường tuần tra, hỗ trợ tinh thần ngư dân bám biển. Chiều 12.1, trao đổi với NTNN, đại tá Hồ Ngọc Hoàng – Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết: “Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị sẽ tăng cường tuần tra hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển, kịp thời ngăn chặn những hành vi phá hoại của tàu Trung Quốc, giúp ngư dân yên tâm bám biển”.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam bày tỏ: Nhà nước cần lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho tàu cá của ngư dân Việt. “Chúng tôi kiến nghị các ngư dân không nên hoạt động riêng lẻ mà phải hoạt động thành tổ hoặc đội trên biển, nhằm bảo vệ lẫn nhau”.
Ngày 12.1, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam ra tuyên bố phản đối tàu cá Trung Quốc tấn công, cướp phá tàu cá, tài sản, ngư lưới cụ và uy hiếp ngư dân. Tuyên bố nêu rõ: Nghiệp đoàn kiên quyết phản đối mạnh mẽ những hành vi nguy hiểm, liên tục của phía Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc mưu sinh, an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam; thể hiện tinh thần thiếu thiện chí của phía Trung Quốc, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam: Đủ lực lượng hỗ trợ ngư dân kịp thời Từ trước tới nay, mỗi khi nhận được thông tin tàu lạ xâm phạm vùng biển của nước ta hay có hành vi gây hấn, phá hoại hoạt động khai thác, đánh bắt bình thường của ngư dân… lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có phản ứng nhanh chóng và kịp thời. Thực tế tại vùng biển này (toạ độ 17 độ 30N -107 độ 20E, cách đảo Cồn Cỏ 20 hải lý – PV), chúng tôi có nắm được thông tin thỉnh thoảng lại có một số tàu lạ vào đánh bắt “chui”, những lần như thế cảnh sát biển thường điều tàu ra đẩy đuổi. Thời gian tới, chúng tôi vẫn duy trì sự hiện diện thường xuyên của mình, nếu gặp bất kỳ vấn đề gì, ngư dân cứ báo cho cảnh sát biển. Ông Hà Lê – Cục Phó Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT): Ngư dân hãy gọi trực tiếp kiểm ngư Ngư dân mỗi khi gặp rắc rối thường có thói quen gọi điện về cho người thân ở trong đất liền. Sau đó, người thân lại điện báo cho lực lượng biên phòng, rồi lực lượng biên phòng mới thông tin lại cho cảnh sát biển hoặc kiểm ngư, như vậy sẽ rất mất thời gian. Hiện, Cục Kiểm ngư (Cục) có 5 chi cục kiểm ngư vùng. Ngư dân hãy gọi trực tiếp qua đường dây nóng của Cục (04.62737323) và Chi cục Kiểm ngư các vùng để chúng tôi có thể hỗ trợ nhanh nhất. PGS-TS Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Yêu cầu bồi thường cho ngư dân Hành vi tàu cá Trung Quốc vào vùng biển nước ta phá hoại ngư lưới cụ của ngư dân thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị), theo tôi là thâm hiểm, rất đáng lên án. Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu điều tra, làm rõ và phải bồi thường cho những thiệt hại về ngư lưới cụ của ngư dân. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng như Cảnh sát biển và Kiểm ngư tăng cường hiện diện, tuần tra, kiểm soát và có biện pháp kịp thời để ngư dân yên tâm. Về phía ngư dân, khi ra khơi, bà con cần cảnh giác, liên kết lại thành các tổ, đội sản xuất, cùng hỗ trợ nhau vươn khơi bám biển; giữ vững ngư trường truyền thống.
Ngọc Thọ (ghi)
Theo_Dân việt
Ngư dân Bến Tre trúng đậm chuyến biển cuối năm
Trong 2 tháng qua, ngư dân đánh bắt xa bờ Bế Tre trúng đậm, mỗi tháng 1 cặp cào đôi đánh bắt thu được từ 20 30 tấn cá các loại.
Đây là mùa đầu tiên sau 3 năm ngư dân đánh bắt trúng đậm trong mùa này. Về giá cả, hiện ngoài trừ mực đang ở mức cao 65.000 - 70.000 đồng/kg, thì các loại cá còn lại ở mức trung bình. Riêng cá chỉ vàng, cua, ghẹ đang có giá rất thấp vì một số nước không còn nhập khẩu.
Tuy vậy nhờ giá dầu hợp lý, lại có thêm sự hỗ trợ một số chiếc tàu tải từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 67 nên ngư dân vẫn lãi khá.
Nhộn nhịp cảng cá Tiệm Tương, Ba Tri, Bến Tre.
Hàng năm, vào những tháng cuối năm, hơn 1.700 tàu đánh bắt xa bờ của Bến Tre tập trung khai thác tại ngư trường Côn Đảo - Vũng Tàu và hai phần ba trong số này thường quay về cảng nghỉ tết Dương lịch.
Ông Huỳnh Văn Liêm ở xã An Thủy, huyện Ba Tri, người có lãi ước đạt 600 triệu đồng trong chuyến đánh bắt này phấn khởi nói: "Chyến này nếu chiếc ghe nhỏ nhất thì trúng bằng ghe lớn của năm rồi. Ngư dân trúng được chuyến biển này rất là mừng. Mà mình trúng rồi bà con trên bờ cũng mua bán được"./.
Sa Oanh
Theo_VOV
Ngưng cấp phép đóng mới tàu đột ngột, ngư dân "dở khóc dở mếu" Việc Bộ NN & PTNT tạm ngưng cấp phép cho hoạt động đóng mới đối với loại tàu lưới một cách đột ngột đã gây thiệt thòi và bức xúc trong nhân dân. Ngày 18/11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn số 9443 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản....