Đòi vỉa hè, Hà Nội có thể hỗ trợ hàng nước chè chuyển nghề
Chủ tịch thành phố yêu cầu khảo sát các hàng bán nước trên vỉa hè, và xem xét hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn chuyển đổi nghề trong 6 tháng.
Tại Hội nghị về trật tự đô thị Hà Nội ngày 4/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Chủ tịch quận Đống Đa khảo sát tất cả các phường, xem thực sự có bao nhiêu người nghèo bán nước chè trên vỉa hè.
Khảo sát của công an quận Đống Đa cho thấy, trên địa bàn quận có 333 quán nước. Ảnh: Võ Hải.
“Mỗi hàng nước chè một ngày thu được vài trăm nghìn, nhưng có một số quán bán cả xổ số, số đề, thậm chí không loại trừ cả ma túy”, ông Chung nêu.
Chủ tịch Hà Nội gợi ý lãnh đạo quận Đống Đa khảo sát, nếu những người bán nước chè thực sự khó khăn thì quận đề xuất phương án, “có nên hỗ trợ cho họ chuyển đổi nghề trong vòng 6 tháng hay không”.
Theo công an quận Đống Đa, kết quả rà soát, lập danh sách các điểm bán hàng nước (nước chè, thuốc lá) do các cá nhân, hộ gia đình mở tự phát, hoạt động lấn chiếm lòng đường, hè phố tính đến 20/2, cho thấy trên địa bàn quận có 333 điểm.
Video đang HOT
“Có 6 trường hợp là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ; 288 trường hợp gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, không có thu nhập ổn định, phải chăm sóc, nuôi dưỡng con nhỏ, người thân bị ốm đau, bệnh tật…”, công an Đống Đa báo cáo.
Kết quả rà soát cũng xác định, vi phạm chủ yếu của các điểm bán hàng nước là: Căng phủ bạt, bày hàng quán, để phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cản trở giao thông; xả, thải nước, rác mất vệ sinh công cộng, ô nhiễm môi trường; hoạt động gần tủ điện lưới, cột điện… vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy. Một số điểm có dấu hiệu hoạt động tệ nạn xã hội (lô đề, cá độ…).
Công an quận Đống Đa cho hay, sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, lập danh sách bổ sung các điểm bán hàng nước trên địa bàn quận, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cá nhân, hộ gia đình nêu trên nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự công cộng, văn minh đô thị. Đồng thời, công an sẽ bố trí lực lượng nắm tình hình, xác minh, điều tra triệt phá các điểm núp bóng bán hàng nước để hoạt động phạm tội, tệ nạn xã hội.
Trưởng công an phường nên có thư ngỏ về “đòi lại vỉa hè”
Cũng tại hội nghị ngày 4/3, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng để giành lại vỉa hè, Hà Nội không thể “ra quân rầm rộ, làm ồn ào” mà phải làm bài bản, kiên trì để người dân tâm phục khẩu phục.
Ông Chung đề nghị Trưởng công an các phường nên có thư ngỏ gửi tới người dân đề nghị không lấn chiếm vỉa hè. Chủ tịch thành phố cho hay, nếu làm đúng 3 bước sẽ đảm bảo đường thông hè thoáng. Thứ nhất, thành lập các tổ đi tới từng nhà người kinh doanh tuyên truyền vận động. Bước thứ 2 đi kiểm tra nhắc nhở. Bước thứ 3 là cưỡng chế, xử phạt các hộ kinh doanh đã được vận động, nhắc nhở vẫn không chấp hành, thậm chí thu giấy phép kinh doanh nếu tái phạm 3 lần.
Võ Hải
Theo VNE
Quận ven TP HCM nhắn 700 tin nhắc người dân không chiếm vỉa hè
Khoảng 700 lượt tin nhắn được quận Bình Tân gửi đến các hộ kinh doanh nhắc nhở việc buôn bán không lấn chiếm vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ngày 4/3, ông Nguyễn Kiên Giang - Đội trưởng quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân - cho biết, đơn vị đã gửi đi gần 700 lượt tin nhắn đến hàng trăm hộ dân nhắc nhở việc đảm bảo mỹ quan đô thị, không lấn chiếm vỉa hè.
Người dân nhận được tin nhắn nhắc việc không lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: A.X
Những số điện thoại được các thành viên Đội trật tự đô thị lấy từ người dân trong quá trình tiếp xúc, tuyên truyền không chiếm dụng vỉa hè. Khu vực nhận được tin nhắn đầu tiên thuộc các tuyến đường như Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, Tên Lửa, Vành Đai Trong. Việc nhắn tin được thực hiện thông qua hệ thống do quận đăng ký với nhà mạng.
"Đa số người dân khi được vận động, nhận tin nhắn nhắc nhở đều tự tháo dỡ, thu dọn các vật dụng lấn chiếm vỉa hè như bàn ghế, bảng hiệu... Quận chủ trương tuyên truyền trước nếu tái phạm mới xử phạt", ông Giang nói.
Ông Lê Minh, có cửa hàng buôn bán balo, túi xách trên đường Kinh Dương Vương cho biết thường xuyên được chính quyền nhắc nhở việc kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè. Gia đình ông cũng đã tự dọn dẹp đồ đạc vào nhà, trả vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.
"Tôi nhận được tin nhắn nhắc nhở của quận cũng khá bất ngờ. Tôi mong việc này nên làm rộng khắp, công bằng chứ không bắt cóc bỏ dĩa", ông Minh nói.
Trong tháng 2, quận Bình Tân đã cho gần 700 hộ dân ký cam kết không lấn chiếm lòng lề đường, đồng thời cho xe lưu động phát loa tuyên truyền, vận động người dân. Quận cũng đã xử lý 26 trường hợp với số tiền hơn 34 triệu đồng.
Những vật dụng lấn chiếm vỉa hè bị lực lượng chức năng Bình Tân tạm giữ. Ảnh: A.X
Trước đó, ông Nguyễn Gia Thái Bình - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - 2 lần cùng lực lượng xuống đường chấn chỉnh nạn lấn chiếm vỉa hè. Nhiều bảng hiệu, hàng rong, cơ sở kinh doanh vi phạm bị nhắc nhở hoặc lập biên bản xử phạt.
Sau khi quận 1 hành động quyết liệt giành lại vỉa hè, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khen và yêu cầu nhân rộng ra 24 quận huyện. Thủ tướng mới đây cũng đánh giá cao TP HCM trong việc cương quyết 'đòi' vỉa hè cho người đi bộ.
Sơn Hòa
Theo VNE
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Hà Nội đòi lại vỉa hè "không ồn ào" Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - đã yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường nhưng "không được ồn ào". Sáng nay (4.3), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã triệu tập hội nghị với các giám đốc sở ngành, chủ tịch quận, huyện, phường xã và trưởng công...