Đổi vận sau lần trúng số mà không được lĩnh vì vé rách
Sống gần hết cuộc đời trong nghèo khó, ông Hiếu vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ đổi đời. Bởi vậy mỗi ngày, ông đều trích ra khoản tiền nhỏ mua một tờ vé số. Kiên trì mãi, cuối cùng vận may cũng đến, trong lần dốc túi mua giúp bà lão bán vé số ế, ông đã trúng giải trị giá 100 triệu đồng.
Chắc mẩm trong tay có số tiền lớn, ông Hiếu mừng đến quýnh quáng chân tay. Thế nhưng, vì vô tình làm rách một phần tờ vé, lão nông nghèo không được lĩnh giải. Chạm tay hụt “lộc trời”, ai cũng tiếc cho ông, nhưng kỳ lạ thay, từ đó ông lão nghèo đổi vận.
Làm rách chiếc vé cả đời mong ngóng
Ngay từ khi còn là một cậu bé, ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1961, ấp Bình Hưng Hạ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đã phải oằn mình bốc vác trên bến phà Bình Minh. Lớn lên, ông Hiếu lập gia đình, hoàn cảnh nhà vợ cũng chẳng khá hơn. Vợ chồng nên nghĩa với đôi bàn tay trắng, vì thế dù quanh năm làm lụng, vợ chồng ông vẫn không thoát khỏi “vòng kim cô” đói nghèo.
Trăn trở cùng giấc mộng đổi đời, ông Hiếu bàn với vợ vay lãi, lấy tiền mua một chiếc ghe cũ, tính về sẽ đi chở hàng thuê. Thế nhưng, ngày sắm được ghe thì chuyện tìm mối hàng trở nên nan giải. Hơn hai tháng trôi đi, ông Hiếu vẫn không kiếm được cho mình một chuyến hàng nào. Ghe nằm một chỗ, tiền vay lãi dồn dập đến hạn trả như thúc hông, cuộc sống vốn túng quẫn càng thêm khốn đốn. Mỗi đêm thức dậy nhìn chiếc ghe neo bến, vợ chồng ông Hiếu như “ngồi trên đống lửa”.
Tấm vé số bị rách của ông Nguyễn Văn Hiếu
“Đã nghèo lại gặp eo”, giữa lúc nợ nần bủa vây, ông Hiếu bỗng dưng phát bệnh thoát vị đốt sống lưng, người đàn ông trụ cột nay trở thành gánh nặng khiến gia đình thực sự rơi vào bế tắc. Sau nhiều đêm suy tính, người vợ bàn với ông Hiếu hóa giá chiếc ghe, bán rẻ để lấy tiền trang trải nợ nần. Trở về cảnh nghèo túng bần hàn, nhìn vợ con cơ cực không đành, ông Hiếu lại mang thân bạo bệnh ra bến phà cắn răng xim làm nghề khuân vác. Kiếm được bao nhiêu tiền, ông Hiếu đều dồn hết vào trả nợ, còn dư chút ít để chật vật chi tiêu sinh hoạt gia đình hàng ngày. Cuộc sống luẩn quẩn quanh cái nghèo, ông Hiếu luôn nung nấu hi vọng một ngày nào đó sẽ khá hơn, vì thế mỗi ngày làm việc xong ông đều trích ra một ít tiền mua một vài tờ vé số dắt túi, và cuối cùng vận may cũng đã đến.
Ngày 1/3/2010, ông Hiếu về quê dự đám cưới đứa cháu ở huyện Gò Công, dọc đường gặp một bà lão bán vé số ế mời thảm thiết, thương tình, ông lão đã ghé lại mua giúp một tờ (Công ty SXKT tỉnh Kiên Giang). Mua xong, ông liền bỏ đại vào trong túi áo mà không quan tâm tờ vé trúng giải hay trượt. Ngày hôm sau, khi đang ngồi ở bến phà chờ hàng về để bốc, ông Hiếu chợt nhớ tờ vé trong túi đã mua ngày hôm qua, ông liền lấy ra dò xem thì phát hiện nó đã bị nhàu rách một góc vì thấm mồ hôi. Thấy vậy, ông Hiếu định ném bỏ, nhưng lại nghĩ đây có thể là cơ may đổi đời, ông lấy điện thoại ra nhắn tin dò. Kết quả báo về dãy số 588510 trùng với số của giải đặc biệt, trị giá 100 triệu đồng.
Mừng quá, ông Hiếu quên luôn công việc đang làm, chạy về nhà khoe tờ vé số với vợ. Ngỡ chồng đùa, bà Hai (vợ ông) mắng: “Ông chắc lúc sáng không ăn gì nên hoa mắt, nếu vé số trúng giải thì tôi cho ông xài hết”. Ông Hiếu liền móc túi áo, lấy ra tờ vé và đưa kết quả dò cho vợ xem. Bà Hai vớ lấy đem so rồi tay run lẩy bẩy, miệng lắp bắp: “Trúng thiệt ông ơi, gia đình mình thoát nghèo rồi”. Thế nhưng, chưa hết mừng thì bà Hai chợt nhìn đến góc tờ vé bị rách.
Theo quy định của công ty phát hành vé, người trúng thưởng sẽ không được nhận thưởng nếu vé bị rách, hỏng. Thế nên, hai vợ chồng lão nông nghèo vừa mừng vừa lo, mừng vì chắc chắn trúng thưởng, lo vì cơ hội nhận được tiền cũng rất mong manh. Chiều rồi đêm hôm ấy, cả hai vợ chồng phập phồng đi ra đi vào, hết bàn chuyện sẽ dùng tiền vào việc gì nếu được thưởng lại sang đến chuyện “nếu chẳng may không được lĩnh giải”. Nhưng nghĩ mãi chẳng ra được giải pháp. Hai vợ chồng đành chong đèn, thức luôn chờ trời sáng.
Video đang HOT
Tinh mơ hôm sau, ông Hiếu tức tốc cùng một người thân mang tờ vé số đến Công ty XSKT tỉnh Kiên Giang lĩnh thưởng. Khi nhân viên phía công ty xổ số đối chiếu, xác nhận tờ vé trúng giải là thật, ông Hiếu mừng rơn. Nhưng khi nhân viên báo tin rằng, chủ nhân tờ vé không được lĩnh giải vì vé đã bị rách, lão nông nghèo hụt hẫng. Ông Hiếu đứng trân người, bao dự tính của vợ chồng, cơ hội thoát nghèo trong phút chốc tan thành mây khói, dù sau đó ông hết lời van nài, phía công ty xổ số vẫn lắc đầu từ chối giải quyết.
Nhớ lại chuyện bị từ chối trả thưởng, ông Hiếu không giấu được sự tiếc nuối: “Tôi là nông dân mua vé số để cầu may và ủng hộ Nhà nước. Cả đời mới trúng một lần lại không được lĩnh vì vé bị rách. Xét về lý thì họ đúng nhưng ở góc độ nào đó thì rõ ràng có thể châm chước giải quyết được, vì thực tế phần rách không liên quan đến dãy số, dấu mốc gì”. Đến nay dù đã hơn 3 năm trôi qua, tờ vé số đáng giá bằng “gia tài khổng lồ” ấy vẫn được lão nông giữ kỹ trong tủ khóa. Ông chưa bao giờ thôi hi vọng, biết đâu một ngày nào đó phía công ty xổ số sẽ nghĩ đến chữ tình cho ông lĩnh thưởng.
Kỳ lạ đổi vận sau khi chạm hụt “lộc trời”
Tự tay làm tuột mất “lộc trời”, vợ chồng lão nông nghèo tiếc đứt gan đứt ruột. Thế nhưng thay vì suy sụp, ông lại xem đó là cách ông trời thử thách bản lĩnh, để ông quyết tâm vượt qua cảnh khốn khó. Và như một sắp đặt, ngay chính trong ngày không lĩnh được thưởng, ông Hiếu được một người bạn ở Cần Thơ rủ cùng buôn bán dừa trái với cơ hội kiếm tiền rất lớn. Sau khi tính toán, thấy như vớ được phao cứu cả gia đình đang chới với trong cái nghèo, ông Hiếu vui vẻ đồng ý và bắt tay vào cuộc.
Quả thật, trời không phụ người, từ ngày cùng bạn làm ăn, cuộc sống gia đình ông Hiếu đã có những bước thay đổi không ngờ. Hết chuyến hàng nọ nối tiếp chuyến kia, tiền lời gối đầu liên tục. Chỉ sau hơn 3 năm, ông Hiếu đem về cho gia đình một số vốn đáng kể bằng chính mồ hôi công sức mình. Ông xây lại nhà khang trang, mua ghe mới, sắm xe, đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, cho các con đi học đầy đủ. Từ chỗ hụt bữa từng ngày, vợ chồng ông đã có phần dư bỏ vào tiết kiệm.
Ngôi nhà khang trang của ông Hiếu.
Nay cuộc sống đã ổn định, ông Hiếu đã không còn phải nai lưng khuân thuê vác mướn như ngày xưa nữa. Hàng ngày, ông cùng các con trai xuôi ngược buôn bán trái cây trên chính chiếc ghe lớn của gia đình. Qua bao gian nan vất vả của đời người, nay mới được nếm trái ngọt từ sức cần lao, ông Hiếu cười khà hãnh diện: “Tôi cho rằng tờ vé số ấy rách mà lại hay, trời thử thách tôi ấy chứ. Giả dụ như ngày đó được lĩnh tiền, không biết chừng ỷ lại, ăn tiêu rồi nghèo lại hoàn nghèo không biết chừng”.
Cần xem lại chất lượng in vé Ông Nguyễn Văn Hiếu bức xúc: “Tôi không nhận được tiền thưởng đã đành. Thế nhưng phía Công ty SXKT Kiên Giang cũng nên xem lại chất lượng tờ vé mà họ phát hành. Bởi thực tế, vé của họ in bằng giấy thường nên chỉ cần dính nước thì khả năng bị nhòe và rách rất cao. Tôi đã khiếu nại nhiều cơ quan chức năng để nhờ can thiệp nhưng vẫn không có kết quả. Như thế, nếu một người trúng giải mà vô tình rơi vào trường hợp như tôi thì rất đáng tiếc”.
Đi lên từ nghèo khó, vợ chồng ông Hiếu thường dạy các con “đói cho sạch, rách cho thơm”. Trong gia đình, con cái luôn phải kính cẩn với cha mẹ, anh em đùm bọc, giúp đỡ nhau. Thấm nhuần lời dạy dỗ, mười người con của vợ chồng ông Hiếu ai cũng đã có gia đình riêng và công việc ổn định. Nhớ lại những ngày cơ cực trước kia, anh Mười (27 tuổi), người con trai đang sống cùng vợ chồng ông Hiếu cho hay: “Tới giờ mình vẫn nghĩ mọi chuyện chỉ là một giấc mơ. Nhìn những gì gia đình chúng tôi đang có ngày hôm nay, người ta không thể tưởng tượng được trước đó cha mẹ, anh em tôi phải khổ thế nào”.
Ông Tư Trực – Trưởng ấp Bình Hưng Hạ (xã Bình Ninh) cho biết: “Ngày trước gia đình ông Hiếu là một trong những hộ khó khăn nhất trong ấp, không những thế lại có tới 10 người con, nên cái nghèo cũng được xếp vào hàng đầu của xã. Tới năm 2010, khi biết tin ông Hiếu trúng số ai cũng mừng cho họ, nên khi biết ông không được lãnh thưởng, đã không ít người tiếc thay. Cũng may sau lần đó, gia đình ông ấy cố gắng làm ăn phất lên liên tục, tới nay thì đã vươn lên là hộ khá giả khiến nhiều người phải thán phục lấy làm gương phấn đấu”.
Theo Minh Tuấn
Cay đắng chồng phụ bạc khi trúng vé số 7 tỷ
Trong số báo trước, chúng tôi từng đề cập đến chuyện ông Nguyễn Lộc gặp vận may hy hữu, trúng liên tiếp 55 tờ vé số độc đắc chỉ trong 60 ngày. Thế nhưng, cầm trong tay tổng số tiền lĩnh giải gần 7 tỷ, ông lại mang đi hưởng thụ cuộc sống xa hoa, bỏ mặc vợ con. Để rồi sau này, khi tiền hết, cuộc đời của ông cũng khép lại bằng cái chết tức tưởi. Ít người biết, trong chuỗi ngày mạt vận này, khi những kẻ ngày trước cùng "chén chú chén anh" đều lặn không tăm tích, chỉ duy nhất bà Đặng Thị Cát (vợ ông) mở lòng đón nhận "tỷ phú sa cơ". Đến lúc trở về với đất, bà Cát cũng lại một tay lo liệu chu toàn cho chồng mà không một lời oán thán.
Tâm sự đau đớn của người vợ bất hạnh
Không may gắn đời cùng người chồng chả ra gì, bà Đặng Thị Cát (SN 1962, ngụ phường Phước Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) từng có lúc muốn buông xuôi tất cả. Trong một thoáng nhớ về quá khứ, người phụ nữ tội nghiệp ấy như muốn vỡ òa cảm xúc, đau đớn trước nỗi niềm: "Chồng trúng số 7 tỷ mà vợ con chẳng được nhờ".
Bà Cát vốn xuất thân từ gia đình nề nếp, được ăn học đàng hoàng. Ngày phải lòng ông Lộc, bà đã bị cả cha mẹ, anh em phản đối kịch liệt vì "không môn đăng hộ đối". Nhưng vì chạy theo tình yêu, bà cãi lời mẹ cha, thậm chí bỏ việc rồi trốn khỏi nhà cùng ông Lộc ra ngoài Phan Thiết. Suốt thời gian lưu lại đây, bà Cát chẳng biết làm gì mưu sinh. Để có cái ăn, ai thuê gì bà cũng nhận. Còn ông Lộc, ngày ngày cặm cụi sửa đồng hồ bên vỉa hè. Một năm sau, bà vác cái bụng lặc lè đi làm, nhưng dần dần không ai thuê, bà đành ở nhà sinh con. Đến năm 1985, hai "vợ chồng" mới trở về Bình Dương sinh sống.
Nhờ tiền bán đất của cha mẹ, bà Cát mới cất lại được dãy nhà ở khang trang hơn.
Cuộc sống nghèo mạt cứ thế êm đềm trôi đi cho đến cái ngày ông Lộc đột nhiên trúng số. Mừng rơi nước mắt đợi chồng đi lĩnh thưởng, bà đã hụt hẫng biết bao trong giây phút ông Lộc mang tiền về rồi giấu biệt tăm. Cho đến tận bây giờ, bà Cát vẫn không thể quên nổi giây phút cay đắng: "Ông ấy đem về mấy cọc tiền được gói cẩn thận rồi cất trong tủ và giấu chìa khóa đi. Lúc đi ra khỏi nhà, ông còn đe vợ con: "Ai mà lấy của tao, tao chặt tay cho cùi luôn à nghen". Lúc đó, tôi chết đứng như trời trồng. Không ngờ vừa có của ăn của để, ông ấy lại trở mặt với vợ con nhanh như vậy".
Từ ngày có tiền, bà Cát cay đắng chứng kiến chồng lột xác thành con người khác. "Trong vỏn vẹn 60 ngày, ông ấy trúng ba lần, tổng cộng 55 tờ vé số độc đắc. Ở thời điểm năm 2000, tổng số tiền gần 7 tỷ đồng mà ông ấy nhận được quy ra khoảng 1.300 cây vàng. Sẵn tiền, ông hào phóng mua liền một lúc 5 chiếc xe máy loại xịn tặng bạn bè và một chiếc xe hơi cho mình. Cả một đám lâu nhâu khác, cứ kẻ nào nịnh hót vừa tai là ông ấy rút tiền, cho cả xấp", bà nhớ lại. Lúc đó, nghe người đời dè bỉu, bà đã nhiều lần xa gần góp ý. Nhưng đêm hiếm hoi ông về nhà ngủ, bà Cát lại nước mắt dài mong chồng đưa đứa con gái đầu lòng bị tật nguyền đi điều trị. Nhưng đáp lại, ông phán lạnh tanh: "Bệnh lâu rồi, giờ bỏ tiền ra chữa có khỏi đâu", kể đến đây, bà Cát khẽ lấy vạt áo lau dòng nước mắt. Cực chẳng đã, người vợ lại phải năn nỉ, xin chồng hãy bỏ ra chỉ 20 triệu đồng gửi ngân hàng, sau này rút lấy lãi nuôi con. Thế nhưng, ông ấy cũng chẳng thèm đoái hoài.
"Người ta đồn đủ thú chuyện về những trò ăn chơi đàn đúm của ba tôi. Nào thì sáng lân la các quán cà phê rồi chở mấy cô bồ nhí đi đập phá. Nào thì chuyện ông mua súng, giắt theo người qua tận Campuchia đánh bạc. Mẹ con tôi cũng chỉ biết vậy thôi", chị Phượng (con gái bà Cát) nghẹn ngào. Nhớ lại những tháng ngày nghèo khó, gia đình vợ từng cho ông Lộc 200 m2 đất ở gần đình Phú Thuận (P. Phước Lơi, TP. Thủ Dầu Một) để cất nhà. Nhưng trúng số cả tỷ bạc, ông cũng chỉ dựng căn nhà tuềnh toàng, chưa kịp hoàn thiện đã bỏ dở. Nhớ đến cái ơn của bậc sinh thành, lúc thấy mẹ vợ đau ốm, ông cũng rút tiền hai lần, mỗi lần... 500 ngàn đồng sang biếu cụ thuốc men. Nghĩ về đứa con rể "trần gian có một", cụ Ba (mẹ vợ ông Lộc - PV) thở dài: "Thằng Lộc tiêu tiền như nước mà toàn là những việc chẳng đâu vào đâu. Hết đánh bài, nó lại đem tiền cho mấy cô nhân tình. Vậy mà một căn nhà tử tế cho vợ con, giá có xây cũng tốn vài chục triệu bạc, nó cũng không chịu".
Nghẹn lời thứ tha
Ngày ông Lộc trúng số, đứa con trai út mới lên 2 tuổi. Thấy ông bỏ đi theo bồ nhí, bà Cát cũng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì không muốn con cái lớn lên thiếu vắng tình cảm người cha. Từ sâu trong tâm khảm, bà vẫn tin những chuyện vừa xảy ra chỉ là nhất thời nông nổi. Rồi đây, ông Lộc sẽ trở về, cùng bà nuôi dạy đàn con thơ dại nên người. Thế nhưng, thời gian trôi qua, hy vọng ấy càng ngày càng trôi xa theo cái lườm nguýt, theo tiếng chửi bới phũ phàng của người chồng bội bạc.
Bà Thừa cũng cảm thương khi nói về tình cảnh của bà Cát
"Nhưng rồi, ngày vàng son của ông ấy cũng không kéo dài được bao lâu. Tôi còn nhớ như in cái buổi sáng ông Lộc thất thểu trở về trong bộ dạng thảm hại, người gầy rộc. Vừa bước vào nhà, ông ấy đã nằm vật xuống, hai mắt lờ đờ. Nghỉ ngơi được một ngày, ông ấy lại mở tủ, định lấy tiền đi chơi. Nhưng sau ba năm tiêu xài thả cửa, gần 7 tỷ bạc không còn lại một cắc. Không hiểu sao, lúc ấy tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Tôi đã mong, hết tiền rồi, ông Lộc sẽ trở lại làm lụng, sống cuộc sống bình thường", bà Cát tâm sự.
Buồn thay, cái ngày mà người vợ tội nghiệp ấy mong đợi đã chẳng bao giờ tới. Trở về bên gia đình, ông Lộc như người mất hồn, tối ngày rượu chè bê tha. Bao nhiêu tiền sửa đồng hồ kiếm được, ông cũng chỉ giữ cho riêng mình. Ngày hai bận, ông chờ đến bữa thì lết về ăn nhờ vợ. mỗi lần ai đó nhắc đến chuyện xưa kia hoang phí tiền vé số, ông Lộc lại chửi bới, gây gổ rồi về nhà bạo hành vợ con. Tủi hờn quá, bà Cát đành bỏ mặc ông, dắt díu đàn con về lại ngôi nhà tuềnh toàng trước đây xây dở sống tạm bợ. Ít lâu sau, bà biết chuyện chồng đâm người khác bị thương và đi biệt xứ. Sau đận đó, bà không còn bất kỳ mối liên hệ nào với chồng. Kể từ ngày ấy, mấy mẹ con bà nương tựa vào nhau mà sống. Xấu hổ trước những lời xầm xì, bà phải gắng gỏi vượt qua, đi mua bán ve chai để nuôi đàn con. Đứa con gái thứ hai cũng phụ mẹ chăm lo gia đình, đi giữ trẻ cho một trường mầm non gần nhà.
Năm 2008, bà nhận được tin ông Lộc bị tai nạn qua đời. Giọng đau đớn, bà kể: "Lúc nghe tin chồng chết, tôi như chết sững. Ông ấy dù bạc hạnh cũng là cha của ba đứa con tôi. Vợ chồng một ngày nên ngãi, huống chi tôi và ông ấy sống với nhau hơn hai mươi năm trời, tôi không thể làm ngơ được". Ngay ngày hôm ấy, bà tất tả lên nhận xác chồng và lo liệu hậu sự đâu vào đấy. "Đám tang ông ấy, những kẻ trước đây xu nịnh, những cô bồ nhí từng được cho cả nắm tiền, vàng chẳng thấy bóng một ai. Bên cỗ quan tài, những giọt nước mắt tiếc thương đều là của mấy mẹ con. Ông Lộc ra đi cay đắng quá. Đó, âu cũng là cái giá phải trả sau những gì ông ấy đã làm. Còn bản thân tôi, tôi chẳng trách hờn gì thêm nữa. Tôi chỉ mong ông ấy ra đi thanh thản".
Suốt đời hy sinh vì chồng con Kể từ ngày ông Lộc mất đi, bà Cát từng được nhiều người khuyên đi bước nữa. Thế nhưng thương con, bà nhất quyết lắc đầu. "Tôi không muốn cuộc sống của các con bị đảo lộn thêm nữa. Hạnh phúc bây giờ của tôi là các con được khỏe mạnh, trưởng thành khôn lớn là tôi vui lắm rồi", bà tâm sự.
Chồng ra đi, chuỗi ngày vất vả cay cực của mấy mẹ con bà vẫn nối dài đằng đẵng. 7 tỷ đồng trúng số, ông Lộc đã phá tan tành. Mỗi sáng sớm lục tục dậy chuẩn bị đi gom ve chai, bà lại ứa nước mắt nhìn đứa con gái bị tật nguyền. "Giá như ngày ấy, ông Lộc chi tiền cho nó đi chữa trị, có lẽ cuộc đời nó không khổ như bây giờ. Tôi nhớ có lần, một chàng trai tốt bụng từng đến tìm hiểu rồi đem lòng thương yêu nó. Nhưng đến khi gia đình bên kia tới dạm hỏi, họ nhìn thấy đôi chân con bé là lắc đầu bỏ về. Nghĩ mà thấy đau lòng, con tôi nó chẳng có tội tình gì cả".
Cám cảnh cho cuộc sống của cô con gái và ba đứa cháu ngoại, cụ Ba buông tiếng thở dài não nuột: "Trước đây khi chưa gặp thằng Lộc, cuộc sống của nó cũng không đến nỗi nào. Vậy mà từ lúc lấy chồng, con gái tôi đúng là trăm bề khổ. Con gái mười hai bến nước, "trong nhờ đục chịu" thôi. Cũng may, đằng nội nhà thằng Lộc rất thương con dâu. Mỗi lần lên thăm thấy mấy mẹ con nó sống khổ quá, mẹ chồng lại mua cả gạo cho nữa".
Bẵng đi chừng ấy năm, kể từ ngày ông Lộc ra đi, cuộc sống hiện tại của mấy mẹ con bà Cát mới dần được cải thiện hơn. Bà Thửa (71 tuổi), hàng xóm sống đối diện, cho biết: "Năm 2012, sau khi bán đi phân nửa số đất được thừa hưởng từ cha mẹ ruột, bà Cát đã cất lại ngôi nhà ọp ẹp. Bên cạnh đó, bà còn cho xây một dẫy kiốt cho thuê. Giá như dạo trước, ông Lộc giữ lại dù chỉ một phần cho vợ con, thì cuộc sống của họ bây giờ chắc đã hạnh phúc lắm. Cuộc đời, đúng là chẳng biết đâu mà lần".
Theo Khôi Nguyên
Chồng bội bạc ôm tiền trúng số... kiếm người sinh quý tử Cách đây 5 năm, vợ chồng bà Lê Thị Lũy (47 tuổi, trú tại khu phố 6, phường Trung Mỹ Tây, Q.12) mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cuộc sống nghèo khó, chồng bà là ông Nguyễn Văn Nam (49 tuổi) thường ao ước, nếu một ngày trời cho trúng số thì sẽ dùng tất cả số tiền xây dựng kinh tế...