Đội tuyển Việt Nam tranh vé đi World Cup 2022: Kỳ vọng vào tháng 10
Đội tuyển Việt Nam trắng tay sau 2 trận đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
HLV Park Hang Seo chỉ đạo các học trò trong trận đấu tại Mỹ Đình.
Nhưng đó không phải là điều quá thất vọng nếu nhìn vào sự tiến bộ qua từng trận, bản lĩnh đương đầu với thử thách của thầy trò HLV Park Hang Seo. Điều đó giúp bóng đá Việt Nam nhiều hy vọng có điểm trong tháng 10.
Những chuyển biến tích cực
Trận gặp Australia, đội tuyển Việt Nam đá hay và khác hẳn trận gặp Ả-rập Xê-út, chỉ phòng ngự và phá bóng. Các cầu thủ Australia chưa bung hết sức tại Mỹ Đình, bởi vòng loại thứ 3 là cuộc đua đường trường với 10 trận chứ không phải đấu loại trực tiếp. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã có đấu pháp đúng và các cầu thủ tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo. Việt Nam thua nhưng tôi rất thích lối chơi cầm bóng chắc và công thủ toàn diện của các học trò ông Park. Chuyên gia Trịnh Minh Huế
Ngay sau khi trận đấu tại Mỹ Đình kết thúc, HLV Park Hang Seo đã đá bay chai nước vào sân đấu. Đằng sau hành động dễ bị nhầm lẫn với tâm lý cay cú, bực bội hay bất lực ấy của ông thầy người Hàn chính là biểu lộ cho sự nuối tiếc, cơ hội làm nên lịch sử đã bị bỏ qua. 90 phút với đội tuyển Austalia cho thấy, chúng ta xứng đáng với ít nhất 1 điểm. Thậm chí, nếu may mắn hơn, đội tuyển Việt Nam có thể giành chiến thắng.
Trong phòng họp báo, ông Park tự tin phát biểu: “Về trình độ, cầu thủ Việt Nam và Australia không quá chênh lệch. Nhưng thể hình, thể lực thì chúng tôi hoàn toàn thua thiệt. Và điều đó là thứ không thể khắc phục được”.
Quả thật, những vấn đề được nhận diện sau thất bại 1 – 3 trước Ả-rập Xê-út như mất quyền kiểm soát bóng cho đối phương, không thể triển khai tấn công, cự ly đội hình bộc lộ nhiều khoảng trống của đội tuyển Việt Nam đã không còn trong cuộc đối đầu với Australia. Các học trò của ông Park cho thấy sự trưởng thành qua từng trận đấu.
Trận đầu với UAE hồi tháng 6 (vòng loại thứ 2), đội tuyển Việt Nam thua bàn ngay phút 32, lọt lưới đủ 3 lần ở phút 50. Trận gặp Ả-rập Xê-út, ông Park và các học trò đứng vững tới phút 55, thua 3 bàn ở phút 80.
Quang Hải (19) trong trận Việt Nam gặp Australia.
Trận gặp Australia, không có bất kỳ cơn mưa gôn nào diễn ra tại Mỹ Đình như nhiều dự cảm trước trận đấu, đội tuyển Việt Nam đã chơi sòng phẳng với đội bóng mạnh hàng đầu châu lục, nhiều lần giành suất đi World Cup. Các chiến binh Việt Nam đã chơi với bản lĩnh, sự tự tin lẫn nhiệt huyết, chỉ thua duy nhất 1 bàn ở phút 43.
Khoảng cách giữa hàng hậu vệ và tiền vệ tuyển Việt Nam đã được rút ngắn lại. Điều đó giúp hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam chắc chắn hơn, hạn chế đáng kể sức mạnh và sự linh hoạt của những tiền vệ công được đánh giá cao bên phía Australia.
Các trung vệ đeo bám quyết liệt, tạo ra sự kết dính chặt chẽ và đánh bại gần như tất cả các pha hãm thành trên cao. Trung vệ Harry Souttar với chiều cao 1m98 gần như mất hút trong các tình huống tham gia tấn công.
Australia cầm bóng 75% trong hiệp một và 70% trung bình cả trận, chuyền nhiều gấp 2 – 3 lần so với Việt Nam. Đội khách cũng tạt bóng 17 lần, trong khi Việt Nam chỉ tạt 4 quả. Kiểm soát trận đấu nhưng Australia gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khung thành Văn Lâm.
Ở trận gặp Trung Quốc, đội bóng xứ sở chuột túi dứt điểm 23 lần, trong đó có 9 lần trúng đích và ghi được 3 bàn thắng. Đến trận gặp Việt Nam, các học trò của HLV Graham Arnold chỉ 6 lần dứt điểm và chỉ duy nhất 1 lần đưa bóng đi trúng đích. Đây chính là cú đánh đầu mang về bàn thắng duy nhất của hậu vệ Rhyan Grant.
Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam đã có tới 11 lần dứt điểm, gần gấp đôi Australia. Trong số đó có hai tình huống nguy hiểm, với một cú lốp vọt xà của Quang Hải và hai cú sút liên tiếp của Hồng Duy, đưa bóng đập tay Rhyan Grant. Trọng tài đã bỏ qua quả phạt 11m cho đội tuyển Việt Nam.
Trọng tài Al-Jassim không công nhận quả phạt 11m cho tuyển Việt Nam.
Nếu chúng ta được hưởng phạt đền và mở tỉ số trước, trận đấu có thể đi theo chiều hướng của một cơn địa chấn!? Bên cạnh đó, đội tuyển Việt Nam vẫn thể hiện sự nguy hiểm trong các pha phối hợp nhóm nhỏ để phản công thần tốc, lối chơi trở thành thương hiệu dưới thời chiến lược gia người Hàn Quốc.
HLV Park Hang Seo đã xây dựng cho học trò một bản lĩnh cùng sự kỷ luật tuyệt đối. Kể cả khi bị dẫn bàn, các cầu thủ Việt Nam không bị kích động để rồi dễ rơi vào trạng thái vỡ trận. Thay vào đó, chúng ta vẫn chơi chắc chắn trên phần sân nhà và kiên nhẫn chờ đợi sai lầm của đối thủ.
Người Australia đã không dồn đội hình, dâng cao tấn công trong hiệp 2. Họ biết sự nguy hiểm từ lối chơi kỹ thuật và nhanh nhẹn của các cầu thủ Việt Nam, đồng thời cũng có thể phần nào đó do mặt sân Mỹ Đình quá xấu, cứng và lồi lõm.
Cặp trung vệ của Australia đứng trong hiệp 2 còn thấp hơn hiệp 1, họ không tiến sát vạch giữa sân chứ đừng nói là vượt qua vòng tròn trung tâm. 30 phút cuối trận từ khi Văn Toàn vào sân, đội tuyển Việt Nam đã chuyển sang sơ đồ 5 – 3 – 2 cùng những pha phản công có ý đồ rõ rệt.
Người Australia buộc phải thi đấu thực dụng, phong tỏa và phá lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Điều đó cho thấy, Australia coi Việt Nam là một đối thủ thực sự, có thực lực, có cả biến số.
Tờ Sydney Morning Herald bình luận: Lối đá có tính tổ chức cao, giàu kỷ luật đó giúp Việt Nam đứng vững, tạo bệ phóng cho một số pha phản công nguy hiểm. Australia không tung ra được một đường chuyền nào đủ sắc, hoặc một pha xử lý cuối cùng đủ tốt để tạo đột biến, trước khi bàn thắng đến ở cuối hiệp. Đội chủ nhà có khoảng hai cơ hội để ăn bàn, nhưng cầu thủ Australia đã chơi lăn xả để ngăn chặn.
Việt Nam rõ ràng không phải đối thủ dễ bị bắt nạt ở bảng B. Australia khó đá hơn hẳn so với cách họ thắng Trung Quốc 3 – 0 ở Doha, Qatar.
Sự thận trọng của Australia chẳng có lợi gì cho chúng ta về mặt chuyên môn, thậm chí còn hạn chế tối đa khả năng tạo đột biến của thầy trò Park Hang Seo, đẩy trận đấu vào thế bế tắc, chất lượng chuyên môn không như kỳ vọng.
Nhưng xét về vị thế trên trường quốc tế, rõ ràng cái cách đội tuyển Australia ứng xử với đội tuyển Việt Nam tại Mỹ Đình cho thấy vị thế khác của “những chiến binh sao vàng”, đại diện duy nhất của vùng trũng Đông Nam Á góp mặt ở vòng tranh vé đi Qatar tham dự ngày hội lớn nhất hành tinh. Đấy chính là sự thừa nhận cho một tập thể đã tiến bộ qua từng trận chiến ở chiến dịch đỉnh cao châu lục.
Nóng bỏng tháng 10
Tiền đạo nhập tịch Elkeson (9) của Trung Quốc trong trận thua 0-1 trước Nhật Bản.
Sau trận đấu tại Mỹ Đình, các cầu thủ được phép về với gia đình trước khi hội quân trở lại vào ngày 16/9. Thủ môn Văn Lâm đã trở lại Nhật Bản để hội quân cùng các đồng đội tại Cerezo Osaka. Ngoài ra, sau 2 trận đá chính liên tiếp, trung vệ Thành Chung đã dính chấn thương.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trung vệ này bị rách cơ và phải nghỉ thi đấu khoảng một tháng. Như vậy, danh sách chấn thương của đội tuyển trước khi tập trung trở lại vào ngày 16/9 gồm: Thành Chung, Đình Trọng, Minh Vương và Văn Hậu.
Duy Mạnh trở lại sau án treo giò. HLV Park Hang Seo sẽ có được bộ ba trung vệ chất lượng và kinh nghiệm, với Ngọc Hải – Tiến Dũng – Duy Mạnh. Bên cạnh sự góp mặt của Công Phượng, trong số 5 cầu thủ của U22 Việt Nam được triệu tập lên tuyển có 3 cầu thủ đá tiền đạo, gồm: Mạnh Dũng (Viettel), Văn Đạt (CAND), Xuân Tú (Hà Nội FC).
Cùng với Tiến Linh, Văn Toàn và Đức Chinh, ông thầy người Hàn sẽ thử nghiệm nhân sự và những miếng đánh mới cho 2 trận chiến trên sân khách trong tháng 10, đặc biệt là trận gặp Trung Quốc (7/10), đội bóng chọn UAE làm sân nhà.
HLV Park Hang Seo đã có đầy đủ băng hình của 2 đối thủ, và Trung Quốc có thể xem là cơ hội rất lớn để đội tuyển Việt Nam có thể kiếm điểm, thậm chí giành chiến thắng ngay tại UAE. Theo thống kê, đội tuyển Trung Quốc đã 6 lần đối mặt với đội tuyển Việt Nam và toàn thắng cả 6 trận.
Trong đó, Trung Quốc ghi được tổng cộng 20 bàn, thủng lưới 3 bàn. Nhưng HLV Li Tie đang phải hứng chịu áp lực rất lớn để đưa đội tuyển Trung Quốc trở lại đấu trường lớn nhất hành tinh World Cup kể từ năm 2002. Những gì đội tuyển Trung Quốc thể hiện (thua cả 2 trận) đã khiến các CĐV nước này rất thất vọng.
Tờ Sohu phân tích, so với HLV Marcelo Lippi từng dẫn dắt Trung Quốc thì HLV Li Tie có chuyên môn kém xa. Ngoài ra, ông Li Tie sai lầm nghiêm trọng khi bỏ qua hàng loạt ngoại binh Brazil đã nhập quốc tịch, cho dù vẫn triệu tập những cầu thủ này lên đội tuyển Trung Quốc.
Bộ ba “ngoại binh” Elkeson, Alan hay Luo Guofu không còn ở phong độ đỉnh cao nhưng họ vẫn vượt xa nhiều cầu thủ nội đá chính trong 2 trận vừa qua. Cách dùng người của Li Tie khiến cho đội tuyển Trung Quốc thi đấu nhạt nhòa: 0 bàn thắng, 0 cú sút trúng mục tiêu và dĩ nhiên 0 điểm.
“Xét về lịch sử đối đầu và thứ hạng ở bảng đấu, đội tuyển Trung Quốc không được phép thua trước đội tuyển Việt Nam”, tờ Oriental Sports Daily bình luận. Tờ Sina nhấn mạnh rằng, trận đấu với Việt Nam giống như trận chung kết và đội tuyển Trung Quốc cần phải giành chiến thắng.
Ngoài ra, Sohu lên tiếng cảnh báo rằng, 2 trận thua mở màn vòng loại thứ ba khiến đội tuyển Trung Quốc không còn đường lùi. HLV Li Tie luôn đánh giá sai đối thủ, và điều đó sẽ rất nguy hiểm nếu ông Li Tie tiếp tục đánh giá sai đội bóng của HLV Park Hang Seo.
“Người hâm mộ bóng đá Trung Quốc đều có chung nhận định, thua Australia và Nhật Bản còn có thể hiểu được, xuất phát từ nền tảng chung của bóng đá Trung Quốc so với hai nền bóng đá kia, lại còn suy giảm sức mạnh trong thời gian gần đây. Nhưng nếu không thắng nổi tuyển đội tuyển Việt Nam, HLV Li Tie nên soạn sẵn đơn từ chức” – tờ Sohu nêu quan điểm.
Sau trận gặp Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Oman vào ngày 12/10 trên sân nhà của họ. Quãng đường di chuyển ngắn sau khi đá với Trung Quốc giúp Việt Nam không bị bào mòn thể lực.
Nhưng Oman ở giải đấu năm nay rất đáng gờm và đánh bại Nhật Bản 1 – 0 ngay trên sân khách tạo bất ngờ lớn ở vòng loại World Cup 2022. Các cầu thủ Oman đều có kỹ thuật tốt và tổ chức tấn công rất nhanh.
Hàng phòng ngự với sự chỉ huy của Habsi Juma và Ahmed Al Khamisi chơi mạnh mẽ và an toàn khiến các chân sút Nhật Bản bất lực. Chúng ta kỳ vọng vào bản lĩnh đối đầu với các đội bóng Tây Á của đội tuyển Việt Nam và chiến thuật của ông Park sẽ mang đến kết quả bất ngờ.
Ngày 8/9, ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực VFF đã có thư gửi Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Chủ tịch AFC Salman Bin Ibrahim Al-Khalifa. Trong thư, VFF cho rằng, trọng tài làm nhiệm vụ trận Việt Nam và Australia đã có quyết định sai dù đã kiểm tra VAR rất kỹ. Điều này khiến tuyển Việt Nam mất đi một quả phạt đền, ảnh hưởng tới kết quả trận đấu. VFF đề nghị FIFA và AFC tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác trọng tài để có giải pháp điều hành hiệu quả tại những vòng đấu tới nhằm bảo đảm hình ảnh và uy tín của giải đấu.
VFF khó đồng ý đưa đội tuyển Việt Nam về Hải Phòng vì sao?
Dù CLB Hải Phòng đã có công văn xin đăng cai những trận đấu tại vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á của đội tuyển Việt Nam trong thời gian tới nhưng VFF khó đồng ý bởi nhiều lý do.
Như đã thông tin, ngày 13/9, CLB Hải Phòng có văn bản gửi ban, ngành thành phố Hải Phòng xin đăng cai các trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Sau khi SVĐ QG Mỹ Đình bị phóng viên nước ngoài chê như "bãi cỏ bò" trong trận đấu với Australia của thầy trò HLV Park Hang Seo.
CLB Hải Phòng nhấn mạnh, mặt cỏ trên sân Mỹ Đình có chất lượng xấu gây ảnh hưởng đến chuyên môn, kỹ thuật của cầu thủ đội tuyển Việt Nam và đến hình ảnh chuyên nghiệp của bóng đá Quốc gia.
CLB Hải Phòng muốn đăng cai hai trận sân nhà của đội tuyển Việt Nam trong cuộc tiếp đón Ả Rập Xê-út (16/11/2021) và Trung Quốc (1/2/2022) trên sân Lạch Tray.
Về đề xuất của CLB Hải Phòng, lãnh đạo VFF hiện tại đều từ chối đưa ra bình luận bởi chưa nhận được công văn từ phía đội bóng đất Cảng.
Tuy nhiên, một quan chức VFF thừa nhận để tổ chức trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại Lạch Tray là rất khó bởi phụ thuộc nhiều yếu tố cũng như những quy định khắt khe của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).
Trước trận đấu với Australia trên sân nhà Mỹ Đình của đội tuyển Việt Nam, AFC đã có nhiều ngày kiểm tra các điều kiện tổ chức của phía chủ nhà Việt Nam. Tương tự, nếu được đăng cai, sân vận động Lạch Tray phải đáp ứng được các yêu cầu về mặt cỏ, phòng chức năng, y tế, an ninh, các quy định phòng chống dịch theo nguyên tắc "bong bóng"...
Bên cạnh đó, địa phương tổ chức phải có sân bay quốc tế và thời gian di chuyển từ sân bay đến sân vận động cũng phải nằm trong quy định của Ban tổ chức. Các hệ thống khách sạn phải đủ tiêu chuẩn 5 sao, cùng với đó là hệ thống sân tập có chất lượng tương đương sân chính.
Những điều kiện này có thể phía CLB Hải Phòng có thể đáp ứng, nhưng gần như chắc chắn VFF sẽ không chọn sân Lạch Tray vì nhiều lý do.
Nếu đưa đội tuyển Việt Nam về thi đấu ở Hải Phòng, VFF sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về quyền lợi liên quan tới tài trợ, quảng cáo, bên cạnh đó là sự phối hợp trong công tác tổ chức với địa phương.
So sánh một cách đơn giản, nếu như hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam sắp tới được mở cửa cho khán giả, chắc chắn với sức chứa hơn 4 vạn chỗ ngồi của sân Mỹ Đình, sẽ mang về một khoản tiền bán vé lớn gấp đôi so với sân Lạch Tray.
Nói tóm lại, CLB Hải Phòng đề xuất, nhưng có được đồng ý hay không lại thuộc về lãnh đạo thành phố và đặc biệt là VFF.
Việc lãnh đạo VFF từ chối lên tiếng về vấn đề này cho thấy sẽ khó có chuyện đội tuyển Việt Nam thi đấu xa Mỹ Đình.
Mời quý độc giả xem video: Bàn thua của đội tuyển Việt Nam trước Australia - Nguồn: FPT
Chê sân Mỹ Đình xấu, CLB Hải Phòng đề nghị tuyển Việt Nam về sân Lạch Tray đá vòng loại World Cup CLB Hải Phòng đã có văn bản gửi ban, ngành thành phố để xin đăng cai các trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Văn bản do chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn ký xác nhận vào ngày 13/9 với mong muốn tổ chức các trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở...