Đối tượng nào xin thôi quốc tịch Việt Nam nhiều nhất?
Chiều ngày 31/8, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cung cấp thông tin về việc nhiều người xin thôi quốc tịch Việt Nam
Số người xin nhập quốc tịch Việt Nam rất ít. Ảnh minh họa
Mới đây, thông tin về việc số người Việt xin thôi quốc tịch Việt Nam cao gấp nhiều lần so với số người xin nhập quốc tịch đang khiến dư luận xôn xao.
Đặc biệt, sau vụ việc của nguyên đại biểu quốc hội, doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường có hai quốc tịch được làm rõ thì các thông tin liên quan đến quốc tịch luôn được dư luận quan tâm.
Chiều ngày 31/8, theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, việc xin nhập và thôi là quyền của công dân theo Hiến pháp.
Các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý đúng quy định. Đa số các trường hợp thôi xin quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài đa phần là các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài.
Ở một số nước có quy định, cô dâu Việt Nam muốn nhập tịch thì phải xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cũng có những nước yêu cầu khi nhập quốc tịch nước họ thì người nhập không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Việc thôi để nhập tịch nước ngoài là để thuận tiện làm ăn, sinh sống. Số công dân này đang cư trú ở nước ngoài, tỷ lệ này so với lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài là không nhiều.
Gần đây có việc công dân là chủ doanh nghiệp gia nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Video đang HOT
Trước đó, theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2015 đã có 748 người thông báo có quốc tịch nước ngoài, trong đó 22 người thông báo có quốc tịch nước ngoài tại Sở Tư pháp và 726 người thông báo có quốc tịch nước ngoài tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng trong thời gian này có 15 người nhập quốc tịch Việt Nam, 14 người trở lại quốc tịch Việt Nam và số liệu thôi quốc tịch Việt Nam là 4.474 người. Bộ Tư pháp khẳng định đây là số liệu chính thức được quản lý tại Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực.
Trong năm 2015 có tổng cộng 761.076 cuộc kết hôn trong nước và 14.381 cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài; 3.201 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước và 575 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Theo thống kê, quý 2/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 2.708 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 2.699 hồ sơ xin thôi quốc tịch, 05 hồ sơ xin nhập và 04 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam).
Theo Minh Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Rủi ro chuyện song tịch
Công dân Việt Nam mang thêm một quốc tịch khác có thể có rủi ro vi phạm "nguyên tắc một quốc tịch" của Luật Quốc tịch Việt Nam, đặc biệt trong trường hợp cá nhân đó vẫn sinh sống trong nước do có độ "vênh" giữa luật, nghị định cũng như cách vận dụng luật trong thực tiễn.
Quốc tịch là thuộc quyền pháp lý cơ bản của một công dân sinh sống, cư ngụ trong lãnh thổ một quốc gia, thể hiện mối quan hệ gắn bó của công dân với Nhà nước, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân. Luật Quốc tịch Việt Nam (số 24/2008/QH12, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 56/2014/QH13) (LQT) quy định khung pháp lý cơ bản đối với vấn đề quốc tịch của cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc thừa nhận công dân Việt Nam có thể mang hai quốc tịch (song tịch) trong những trường hợp nhất định là một điểm mới quan trọng của LQT hiện hành.
Nguyên tắc một quốc tịch
Quy định về quyền có quốc tịch của công dân lần đầu tiên được thừa nhận tại Sắc lệnh số 53/SL, ngày 20-10-1945 của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay từ thời điểm đó, điều 7 của sắc lệnh này quy định việc công dân Việt Nam sẽ mất quốc tịch Việt Nam nếu, ngoài các trường hợp khác, nhập một quốc tịch ngoại quốc.
Rủi ro chuyện song tịch
Nguyên tắc một quốc tịch tiếp tục được pháp luật Việt Nam kế thừa, ghi nhận một cách nhất quán và xuyên suốt qua các giai đoạn phát triển, kể từ các LQT 1988, 1998 (điều 3), cho đến LQT hiện hành.
Tại điều 4 LQT hiện hành quy định Nhà nước công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác. Mặc dù ghi nhận nguyên tắc một quốc tịch, LQT hiện hành đã có sự sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu sinh sống, lưu trú đi lại của công dân giữa các quốc gia ngày càng nhiều.
Song tịch có làm hạn chế quyền công dân Việt Nam
Việc một cá nhân vừa có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài có thể xảy ra trong trường hợp người có quốc tịch nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam và được cho phép. LQT cho phép một cá nhân được duy trì quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch Việt Nam trong một số trường hợp nhất định.
Điều kiện cần là cá nhân đó phải thuộc trường hợp có thể được xem xét, bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam, người đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam, và trẻ em là con nuôi theo các quy định tại luật này (điều 19, 23, 37). Điều kiện đủ là cá nhân đó phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như có công lao đóng góp cho Việt Nam, hoặc có quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam, đáp ứng các điều kiện riêng khác đối với mỗi trường hợp cụ thể. Những trường hợp này phải được Chủ tịch nước xem xét cho phép.
Hướng dẫn luật chưa rõ
Theo quy định tại Nghị định hướng dẫn LQT (Nghị định 78/2009/NĐ-CP, điều 21), kể từ ngày 1-7-2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, LQT hiện chưa có quy định cụ thể phân biệt quyền có thêm quốc tịch nước ngoài của công dân Việt Nam trong trường hợp đang sinh sống ở nước ngoài, so với trường hợp công dân đó sinh sống, cư trú tại Việt Nam. LQT hiện cũng chưa có quy định rõ ràng việc thừa nhận hay không thừa nhận tình trạng một công dân Việt Nam đang sinh sống, cư trú ở Việt Nam có song tịch. Phạm vi áp dụng của điều 21 (Nghị định 78/2009/NĐ-CP) được hiểu chỉ áp dụng với người Việt Nam cư trú ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam căn cứ theo điều 18 của nghị định này, hay áp dụng với mọi trường hợp công dân, bao gồm cả công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, cư trú tại Việt Nam.
Điều 26 LQT, quy định cá nhân mất quốc tịch Việt Nam chỉ bao gồm một số trường hợp hạn hữu như được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, trẻ em chưa đủ 15 tuổi đã tìm thấy cha, mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài... Không có quy định cụ thể bắt buộc công dân phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam hoặc bị hạn chế quyền công dân khi họ có thêm quốc tịch nước ngoài.
Về thủ tục, điều 21 Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định trong thời hạn hai năm, kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, người có quốc tịch nước ngoài hoặc cha mẹ, người giám hộ của người đó, nếu ở ngoài nước phải thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền. Nếu ở trong nước phải thông báo cho sở tư pháp (STP) nơi người đó cư trú việc họ có quốc tịch nước ngoài. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, STP có trách nhiệm ghi vào sổ quốc tịch khi công dân Việt Nam thông báo có quốc tịch nước ngoài.
Trong khi đó, như đề cập, "nguyên tắc một quốc tịch" được xem như nguyên tắc thống nhất và xuyên suốt như quy định tại điều 4 LQT hiện hành.
Rủi ro pháp lý cho người song tịch
Cho đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức có bao nhiêu công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước nhưng có thêm quốc tịch nước ngoài. Xu hướng gần đây cho thấy việc người dân muốn có thêm một quốc tịch nước ngoài bên cạnh quốc tịch Việt Nam là nhu cầu có thật. Cá nhân có song tịch được hưởng quyền lợi và có nghĩa vụ công dân của cả hai nước, như các chế độ đãi ngộ, ưu đãi, các quyền lợi kinh tế, phúc lợi xã hội, các quyền về kinh tế-chính trị bao gồm quyền sở hữu tài sản, đi lại, cư trú, bầu cử, ứng cử... Đương nhiên, với tư cách là công dân một nước, quyền đi kèm nghĩa vụ công dân, phát sinh quan hệ nhà nước - công dân đối với quốc gia sở tại.
Nhiều quốc gia hiện cho phép công dân có thể có hơn một quốc tịch như Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Canada... Do đó, không ít công dân các nước mong muốn có thêm quốc tịch của các nước phát triển, tận hưởng các chế độ đãi ngộ phúc lợi, cũng như quyền lợi pháp lý với tư cách công dân. Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ thuộc châu Âu, gồm bảy hòn đảo giữa Địa Trung Hải, được xem là quốc gia lý tưởng cho việc nhập tịch. Những quy định về tiêu chuẩn và thủ tục pháp lý nhập tịch khá đơn giản. Có quốc tịch của Cộng hòa Malta, có thể hưởng các chế độ phúc lợi cơ bản trong tư cách một công dân châu Âu.
Song tịch và nguyên tắc một quốc tịch
Tuy vậy, công dân Việt Nam có thêm quốc tịch nước ngoài hiện có thể có rủi ro vi phạm "nguyên tắc một quốc tịch" của LQT Việt Nam. Đặc biệt trong trường hợp cá nhân đó vẫn đang cư trú, sinh sống ở Việt Nam, do có độ "vênh" giữa luật, nghị định cũng như cách vận dụng luật trong thực tiễn.
Quy định pháp luật hiện chưa có biện pháp khôi phục như thế nào trong trường hợp một công dân Việt Nam có thêm quốc tịch nước ngoài và vẫn đang sinh sống ở Việt Nam. Người đang cư trú ở Việt Nam mà có hai quốc tịch thì bị hạn chế quyền công dân như thế nào nếu xét quan hệ nhà nước-công dân Việt Nam? Hiện có thể thấy rằng thủ tục pháp lý liên quan đến việc xin từ bỏ quốc tịch cũng không đơn giản nếu người đó buộc phải lựa chọn một trong hai quốc tịch.
Xác định quốc tịch của cá nhân sẽ xác định tư cách công dân cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của họ với quốc gia sở tại. LQT đã có hiệu lực thi hành, Chính phủ cũng cần có quy định hướng dẫn rõ hơn về quyền song tịch của công dân Việt Nam, tối đa hóa quyền tự do lưu trú, đi lại, mưu sinh trong phạm vi địa giới rộng hơn một quốc gia. Điều này cũng phù hợp chính sách của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho công dân Việt Nam có điều kiện hưởng đầy đủ quyền công dân ở ngay trên quê hương mình, và cả các công dân có hoàn cảnh sống xa đất nước.
(*) Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers
Theo Sài Gòn Times
Du khách Việt vẫn ấm ức khi bị Singapore từ chối nhập cảnh Thời gian gần đây, việc một số du khách nữ người Việt bị hạn chế nhập cảnh Singapore đã khiến nhiều người hoang mang, lo ngại. Một số người Việt tỏ ra ấm ức khi bị hải quan nước này từ chối nhập cảnh buộc phải quay về nước. Những ngày qua, vấn đề nhập cảnh khách du lịch sang Singapore liên tục...