Đội tiêm kích F-22 không đối thủ của Mỹ rầm rập đến gần Triều Tiên
Ngày 2.12, các máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ đã tới Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận chung diễn ra vào tuần tới.
Không quân Hàn Quốc cho biết 6 máy bay tiêm kích này sẽ tham gia cuộc tập trận trên không thường niên mang tên “Vigilant Ace” diễn ra từ ngày 4-8.12, với sự tham gia của 230 máy bay và tại 8 cơ sở quân sự của Hàn Quốc và Mỹ.
Các máy bay này có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu mà không bị radar của đối phương phát hiện. Đây sẽ là lần đầu tiên 6 máy bay tiêm kích tàng hình F-22 xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời Hàn Quốc. Mỹ cũng sẽ điều các máy bay tàng hình F-35A và F-35B, các máy bay tiêm kích F-16C và các máy bay khác, trong đó có một số lượng chưa xác định các máy bay ném bom B-1B. Không quân Hàn Quốc sẽ điều các máy bay chiến đấu F-15K, KF-16 và F-15 và những máy bay khác để tham gia cuộc tập trận này.
F-22 là loại tiêm kích tối tân nhất hiện nay.
Liên minh Hàn – Mỹ dự kiến tiến hành những cuộc tấn công giả định nhằm vào các mục tiêu hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như các phương tiện chuyên chở kiêm bệ phóng tên lửa di động (TEL) dùng để chở tên lửa Triều Tiên.
Video đang HOT
Chiến đấu cơ F-22 Raptor là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên vào biên chế trên thế giới. Độ cơ động đỉnh cao, thiết bị điện tử tân tiến, khả năng tấn công tầm xa, cùng tính năng tàng hình cực đỉnh đã biến F-22 là chiến đấu cơ không đối thủ trong thời điểm hiện tại.
Theo Danviet
Gói nâng cấp giúp F-22 Mỹ hoạt động tới năm 2060
Không quân Mỹ dự kiến áp dụng một loạt gói nâng cấp để kéo dài thời gian phục vụ của các tiêm kích F-22 thêm 40 năm nữa.
Không quân Mỹ có kế hoạch thực hiện hàng loạt gói nâng cấp trị giá hơn một tỷ USD nhằm duy trì tiêm kích tàng hình F-22 Raptor trong biên chế trong hơn 4 thập kỷ tới, theo National Interest.
Nhà phân tích Tom McIntyre cho rằng việc không quân Mỹ định duy trì F-22 tới năm 2060 gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia quân sự, nhưng đây là phương án khả thi bởi khung thân F-22 vẫn có thể bảo đảm an toàn tới thời điểm đó nhờ chương trình bảo toàn tính toàn vẹn khung thân (ASIP).
Khung máy bay F-22 có độ bền cao do yêu cầu thiết kế khắt khe của không quân Mỹ trong những năm cuối Chiến tranh lạnh. Dù được thiết kế có tuổi thọ 8.000 giờ bay, quá trình vận hành thực tế cho thấy chiếc tiêm kích có thể bay an toàn mà không cần đại tu tăng hạn trong ít nhất 12.000 giờ và cao nhất 15.000 giờ bay.
Độ bền khung thân F-22 cao hơn dự kiến của các nhà thiết kế. Ảnh: Wikiwand.
Tiêm kích F-22 được chế tạo để phục vụ ít nhất 10 nhiệm vụ khác nhau. Các nhà thiết kế của Lockheed Martin phát hiện quá trình vận hành thực tế không sử dụng hết khả năng của chiếc Raptor, cũng như khó có thể đẩy nó tới giới hạn. Vì vậy, dù bản thân khung máy bay không trải qua bất cứ chương trình tăng hạn nào, chúng vẫn có thể hoạt động tốt tới năm 2060.
Quá trình ăn mòn không phải vấn đề quá nghiêm trọng như trường hợp của tiêm kích F/A-18 Hornet. Hầu hết vấn đề phát hiện trên F-22 đều liên quan tới sự ăn mòn điện do vật liệu tàng hình, nhưng việc này không gây ảnh hưởng đến cấu trúc thân máy bay. Không quân Mỹ cũng đang tìm cách thay thế vật liệu phủ tàng hình để loại trừ hoàn toàn vấn đề ăn mòn, dự kiến hoàn thành giữa thập niên 2020.
Không quân Mỹ cũng đảm bảo các phụ tùng, linh kiện cho F-22 trong kho vật tư Sierra đủ để tiêm kích này hoạt động thêm 4 thập kỷ. Lầu Năm Góc không có kế hoạch khởi động lại dây chuyền sản xuất F-22, vì điều này không có hiệu quả về mặt kinh tế và vận hành thực tế.
Câu hỏi lớn nhất là làm cách nào không quân Mỹ có thể duy trì khả năng tác chiến cho F-22 trong vòng 40 năm tới. Bộ Quốc phòng Mỹ chưa có được câu trả lời, nhưng họ đã có kế hoạch duy trì ưu thế cho phi đội F-22 tới những năm 2030.
Các đối thủ tiềm tàng như Nga và Trung Quốc đang thiết kế hàng loạt vũ khí để đánh bại tiêm kích tàng hình của Mỹ như F-22 và F-35. Một khả năng là F-22 sẽ kết hợp với tiêm kích Xuyên thủng Lưới phòng không (PCA) thế hệ 6, tương tự việc hợp tác giữa tiêm kích thế hệ thứ 4 và 5 hiện nay. F-22 sẽ thế chỗ tiêm kích F-15, trong khi PCA sẽ nhận nhiệm vụ của F-22 hiện nay.
Các gói nâng cấp mới có thể giúp F-22 duy trì ưu thế trong 15 năm nữa. Ảnh: Airliners.
Không quân Mỹ cũng lên kế hoạch cập nhật, nâng cấp giữa vòng đời cho phi đội F-22, bao gồm bổ sung phần cứng máy tính và hệ thống điện tử hàng không mới. Những chiếc Raptor có thể được kết nối dữ liệu mới, có nhiều tính năng hơn như Đường truyền dữ liệu tiên tiến đa dụng (MADL) của F-35 và Công nghệ chỉ thị mục tiêu chiến thuật kết nối mạng (TTNT). Quá trình này có thể diễn ra trong giai đoạn 2025-2030.
F-22 cũng được gắn hệ thống chỉ thị mục tiêu gắn trên mũ phi công (HMCS) để tối đa hóa ưu thế của tên lửa đối không AIM-9X. Việc tích hợp HMCS có thể bắt đầu ngay trong năm 2018, trước khi triển khai đại trà từ năm 2021.
Với việc bổ sung HMCS, F-22 sẽ sở hữu tính năng gần bằng thiết kế tiêm kích được Lockheed Martin hứa hẹn với không quân Mỹ cách đây hàng chục năm, chuyên gia quân sự Dave Majumdar kết luận.
Hòa Việt
Theo VNE
Gói nâng cấp giúp tiêm kích F-22 tăng gấp đôi tầm diệt mục tiêu Cấu hình Increment 3.2B của F-22 khắc phục lỗi của phiên bản trước, đồng thời tích hợp tên lửa mới cho phép tăng gấp đôi tầm bắn của tiêm kích này. Không quân Mỹ hồi cuối tháng 4 hoàn thành thử nghiệm gói nâng cấp phần cứng và phần mềm Increment 3.2B của F-22 Raptor, giúp tăng đáng kể khả năng không chiến...