Đối thủ thực sự “ngăn” bà Clinton làm Tổng thống Mỹ
Không phải Donald Trump, chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của bà Hillary Clinton bất ngờ gặp khó khăn vì sự can thiệp của thế lực khác.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton.
Theo Independent, việc Giám đốc FBI James Comey công bố tái điều tra bê bối email của ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton được ví như “bất ngờ tháng 10″ hoặc quả bom 10 megaton.
Cho đến lúc đó, bà Clinton đang thẳng tiến tới chiến thắng. Hiện tại, cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ đang đối mặt với cuộc chiến tuyệt vọng.
Nội dung trong số các email mà FBI mới phát hiện vẫn là một bí ẩn và thậm chí sẽ vẫn là bí ẩn sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc. Có khả năng, bằng chứng mới của FBI sẽ không cung cấp thêm bất cứ manh mối nào khác so với kết quả cuộc điều tra ban đầu.
Hồi tháng 7, FBI kết luận rằng không có lý do cho thấy bà Clinton mắc sai lầm trong việc xử lý các tài liệu mật. Giám Đốc FBI khi đó nói, bà Clinton đã “hết sức bất cẩn”.
Nhưng việc xuất hiện thêm các email mới đã dấy lên những nghi ngờ về tính trung thực của bà Clinton. Một vài thông tin rò rỉ tuần trước cho thấy FBI đang có những mâu thuẫn với Bộ Tư pháp Mỹ trong việc điều tra cáo buộc nhằm vào Quỹ Clinton.
Theo tờ Independent, bản thân ông Comey là người ủng hộ đảng Cộng hòa. Giám đốc FBI đã xóa bỏ truyền thống lâu đời của Cục điều tra Liên bang Mỹ, đó là việc không bình luận về những cuộc điều tra đang diễn ra. Ông Comey thậm chí còn đối mặt với việc vi phạm Đạo luật 1939, trong đó nghiêm cấm nhân viên điều tra liên bang can thiệp vào chính trị.
Giám đốc FBI cũng từng là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ. Ông Comey hiểu rõ những tác động khổng lồ mà ông tạo ra trong lá thư gửi đến Quốc hội Mỹ, ngay sát cuộc bầu cử.
Video đang HOT
Giám đốc FBI James Comey.
Cây bút Rupert Cornwell từ Independent nhận định, ông Comey có lý do để đưa ra quyết định gây chấn động như vậy.
Vài tháng trước, sau khi tuyên bố bà Clinton sẽ không bị truy tố, Giám đốc FBI hứa sẽ thông báo cho Quốc hội nếu như phát hiện được bằng chứng mới. Ông Comey cảm thấy mình phải tôn trọng cam kết. Nếu như chờ đợi đến sau bầu cử, Giám đốc FBI có thể bị cáo buộc cố ý che giấu thông tin.
Ông Comey cũng lo lắng đến uy tín của FBI sau nhiều tháng điều tra bê bối email của bà Clinton không có kết quả. Nếu Giám đốc FBI im lặng, email rò rỉ có thể sẽ bị tiết lộ bởi người khác và khi đó, vấn đề sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Ông Comey được cho là cũng có rắc rối cá nhân với gia đình Clinton.
Với mớ lộn xộn như hiện tại, FBI đã trở thành công cụ thu thập thông tin của đối thủ từ đảng Cộng hòa. Không khó để nhận ra rằng ông Comey có thể không còn ở lại FBI dù chỉ một ngày nếu như bà Clinton đắc cử tổng thống.
Vụ việc cũng sẽ mở ra tiền lệ nguy hiểm, kéo FBI vào trong cuộc chiến chính trị ở Washington.
Đối với bà Clinton, ứng viên Tổng thống Mỹ vẫn có thể đánh bại đối thủ trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ có thể sẽ phải bước vào Nhà Trắng với nhiều tai tiếng và rắc rối liên quan.
Tất cả là do FBI và người lưu trữ email của bà Clinton trong máy tính cá nhân – cựu nghị sĩ Anthony Weiner, tác giả Rupert Cornwell kết luận.
Theo Đăng Nguyễn – Independent (Dân Việt)
Vì sao ông Tập đạt đỉnh cao quyền lực chỉ sau 4 năm?
Ông Tập Cận Bình trở thành "lãnh đạo cốt lõi" chỉ sau 4 năm nắm quyền, trong khi người tiền nhiệm của ông tại vị 10 năm vẫn không có được danh hiệu này.
Ông Tập Cận Bình đã thay đổi cấu trúc quân đội Trung Quốc và thực hiện hàng loạt chiến dịch phòng chống tham nhũng.
Bằng cách nào mà ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc đạt được danh hiệu "lãnh đạo cốt lõi" chỉ trong 4 năm ngắn ngủi? Cần nhớ rằng người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào tại vị 10 năm nhưng không nhận được danh hiệu cao quý này.
Ông Tập được gọi là "lãnh đạo cốt lõi" sau phiên họp toàn thể lần 6 kết thúc cách đây ít ngày ở thủ đô Bắc Kinh. Thông cáo báo chí nhấn mạnh "toàn bộ đảng viên xoay quanh cốt lõi là đồng chí Tập Cận Bình".
Không giống như chức danh tổng bí thư, "lãnh đạo cốt lõi" không được định danh trong tài liệu của đảng Cộng sản Trung Quốc. Dù vậy giới phân tích nhận định ông Tập có quyền phủ quyết toàn bộ, và cách gọi này đưa ông lên ngang tầm với Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Việc ông Tập Cận Bình được trao quyền nhiều hơn cũng chấm dứt hàng thập kỷ xây dựng vị thế lãnh đạo tập thể ở Trung Quốc.
Trần Đào Anh, phó giáo sư Đại học Chính trị và Luật Thượng Hải cho biết ông Tập nắm được quyền lực lớn hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Ông Tập Cận Bình có trong tay khả năng tập hợp và củng cố quyền lực rất lớn khi là "lãnh đạo cốt lõi".
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 quyết định trao chức danh "lãnh đạo cốt lõi" cho Tập Cận Bình.
Giáo sư Trần nhắc lại trường hợp của Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân trước đây. Khi ông Giang từ nhiệm, ông giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm 2 năm và người trong quân đội chủ yếu là người của Giang Trạch Dân.
Khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình loại bỏ Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng vì tội tham nhũng trong hai năm 2013 và 2014. Đây là hai nhân vật có ảnh hưởng lớn dưới thời Giang Trạch Dân. Từ Tài Hậu qua đời năm trước vì ung thư bàng quang còn Quách Bá Hùng đang chịu án chung thân.
Trong vai trò là tân Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thực hiện chiến dịch thanh lọc hoàn toàn bộ máy quân đội. "Ông Tập cải cách Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc và nắm chặt hơn quân đội trong tay", giáo sư Trần nói.
Quan điểm của giáo sư Trần trùng với cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.
"Hồ Cẩm Đào, không giống như Giang Trạch Dân, chưa bao giờ có trong tay quyền kiểm soát quân đội", bà Clinton nói trong bài phát biểu năm 2013 bị Wiki Leaks công bố đầu tháng 10. "Do đó ông Tập Cận Bình tìm mọi cách nắm giữ quyền lực và tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu tốt".
Ông Hồ Cẩm Đào tiếp xúc các thành viên Quân ủy Trung ương, đằng sau là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Ông Robert Gates cũng nhận định tương tự khi cho rằng ông Hồ Cẩm Đào không có được toàn bộ thực quyền trong tay. Khi ông Gates ghé thăm Bắc Kinh năm 2011, quân đội Trung Quốc biểu diễn bay thử nghiệm mẫu máy bay tàng hình Jian-20 hoàn toàn mới. Ông Hồ Cẩm Đào không hề biết tới sự kiện này cho tới khi nó diễn ra.
"Điều này cho thấy lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc không được quân đội thông báo", một quan chức cấp cao Mỹ trả lời báo chí năm 2011.
Giáo sư Đinh Tuyết Lượng, một học giả xã hội ở Đại học Công nghệ và Khoa học Hong Kong nhấn mạnh quyền lực của ông Tập có được chủ yếu nhờ các cuộc thanh lọc lớn ông thực hiện trong bộ máy công an và quân đội.
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân tại triển lãm quân sự quốc tế năm 2004.
"Hiếm khi nào có một lãnh đạo tấn công vào thành trì của công an và quân đội cùng lúc", giáo sư Đinh nói. "Nhưng ông Tập rất cương quyết thực hiện".
Giáo sư Đinh nhấn mạnh chiến dịch "săn cáo" gần đây của ông Tập đã loại bỏ nguyên Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang và hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Ông Đinh cho rằng sự cương quyết của người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc là do ông sinh ra trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Theo Quang Minh - SCMP (Dân Việt)
Tổng thống HQ khóc xin lỗi dân về bê bối chính trị Lần thứ hai trong vòng một tuần, tổng thống Hàn Quốc gửi lời xin lỗi toàn thể người dân vì bê bối chính trị lớn nhất hiện nay. Lần thứ hai bà Park xin lỗi công khai người dân về bê bối chính trị. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa gửi lời xin lỗi đẫm nước mắt tới toàn thể nhân dân...