“Đối thủ” ngang tài ngang sức của đặc nhiệm Delta Force Mỹ
Alfa đặc biệt nổi danh với các nhiệm vụ giải cứu con tin hay tiêu diệt những mục tiêu giá trị cao của đối phương.
Alfa là một đơn vị đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố của Liên Xô và Nga, được giám đốc KGB Yuri Andropov thành lập vào ngày 28/07/1974 bằng một quyết định được viết tay. Vai trò của Alfa tương tự với các đơn vị như Delta Force (Mỹ), GSG-9 (Đức), GIGN (Pháp). Chính vì vậy, Alfa thường được đem so sánh với 3 lực lượng đặc nhiệm này.
Alfa đặc biệt nổi danh với các nhiệm vụ giải cứu con tin hay tiêu diệt những mục tiêu giá trị cao của đối phương. Quy mô hiện nay của Alfa được cho là khoảng 700 người, trong đó 400 đóng tại Moscow, số còn lại được triển khai rải rác tại những vị trí khác.
Tuyển chọn và huấn luyện
Trên thế giới, quy trình tuyển chọn và huấn luyện các lực lượng đặc nhiệm của Liên Xô và Nga nổi tiếng về sự khắc nghiệt đến mức tàn bạo. Ứng viên cho Alfa được tuyển chọn từ mọi đơn vị trực thuộc KGB, đặc biệt là những cá nhân xuất sắc trong một số môn thể thao nhất định. Những người này sẽ được huấn luyện cách điều khiển mọi loại xe cơ giới, kể cả xe bọc thép, sử dụng thành thục mọi loại vũ khí, cùng nhiều kỹ năng khác.
Video đang HOT
Đặc nhiệm Alfa trong huấn luyện
Nhiệm vụ
Chiến dịch nổi tiếng nhất mà Alfa từng thực hiện cho đến nay là vụ đột kích dinh Tổng thống Afghanistan, ngày 27/12/1979. Dinh được xây dựng trên một khu đất cao, có tầm nhìn bao quát 360 độ. Các bức tường của toà nhà 3 tầng này có thể chịu được hoả lực hạng nặng. Chỉ có một con đường ra vào dinh. Thông thường lực lượng bảo vệ gồm 2000 người, nhưng trong ngày hôm đó chỉ có 200 cảnh vệ, cùng 11 xe tăng. Tổng hành dinh của quân đội Afghanistan cũng nằm gần dinh tổng thống.
Dinh tổng thống hiện nay
Được gọi là chiến dịch “Bão táp-333, lực lượng đột kích bao gồm 2 nhóm, “Sấm rền” và “Thiên đỉnh”, mỗi nhóm khoảng 30 người. Ngoài ra còn có 14 xe bọc thép. Hỗ trợ cho Alfa còn có 1 đại đội lính dù và hơn 500 lính thuộc “tiểu đoàn Hồi giáo”, một đơn vị gồm chủ yếu là lính từ những nước cộng hoà vùng Trung Á thuộc Liên Xô.
Chiến dịch mở đầu bằng việc phá huỷ trung tâm thông tin ở thủ đô Kabul. Sau đó, dưới hoả lực từ súng cao xạ 23mm, thường dùng để nhiệm vụ phòng không, “Sấm rền” và “Thiên đỉnh” bắt đầu tấn công dinh Tổng thống. Cùng lúc đó, lính của tiểu đoàn Hồi giáo đóng vai trò chặn lực lượng tiếp viện và ngăn đường rút lui từ dinh tổng thống.
Khi tiến vào sân, các xe bọc thép hứng chịu hoả lực dày đặc từ các cảnh vệ từ tầng 2 bắn xuống. Mỗi đội Alfa bị đều mất 1 xe bọc thép. Tuy vậy, được đại liên 23mm yểm trợ, lính Alfa vẫn có thể di chuyển được vào bên trong dinh. Và từ tầng trệt, Alfa từ từ quét sạch sự kháng cự của cảnh vệ Afghanistan. Họ ném lựu đạn vào từng phòng để đảm bảo không còn ai sống sót. Tổng thống Amin, người vừa lên cầm quyền 3 tháng sau khi tiêu diệt Tổng thống tiền nhiệm Muhamad Taraki, bị thiệt mạng khi một quả lựu đạn phát nổ trong phòng của ông ta.
Tuy nhiên loại nhiệm vụ chính mà Alfa thường được sử dụng là giải cứu con tin. Một nhiệm vụ tiêu biểu diễn ra vào tháng 8/1990, khi một nhóm tù nhân nổi loạn và bắt một số lính gác làm con tin. Chúng yêu cầu được cung cấp một chiếc xe buýt. Theo kế hoạch tác chiến, lực lượng Alfa sẽ được chia thành 3 nhóm, trong đó 1 nhóm tấn công xe buýt, 2 nhóm còn lại đột kích vào bên trong nhà tù.
Khi xe buýt được đưa đến, 10 tù nhân cùng 2 con tin lên xe. Tất cả đều trùm kín đầu khiến cho xạ thủ không thể ngắm bắn được. Bên trong xe có gắn sẵn thiết bị nổ gây choáng, sẽ được kích nổ ngay khi xe lăn bánh, và lính Alfa sẽ ập ngay vào xe. Tuy nhiên, do có trục trặc nên xe di chuyển hơn 10m thì nó thiết bị nổ mới hoạt động. Lính Alfa phải chạy bộ theo xe, dưới làn đạn của nhóm bắt cóc. Một lính Alfa bị thương, nhưng toàn bộ số tù nhân trong xe cuối cùng đều bị tiêu diệt. Cùng lúc đó, 2 nhóm Alfa còn lại đột kích vào trong nhà tù. Sau một trận giao chiến ngắn, số tù nhân nổi loạn còn lại đầu hàng. Tất cả con tin đều an toàn.
Tháng 10/1985, Alfa được gửi đến Beirut, Lebanon sau khi 4 nhà ngoại giao Liên Xô bị một nhóm vũ trang Hồi giáo bắt cóc. Nhưng 1 con tin đã bị hành quyết trước khi họ đến nơi, do đó Liên Xô quyết định sử dụng biện pháp mạnh. Sau khi các đặc vụ KGB trong khu vực xác định được danh tính những kẻ bắt cóc, nhóm Alfa đã bắt người thân của thủ lĩnh nhóm vũ trang, và sau đó gửi các bộ phận cơ thể đến thủ lĩnh nhóm bắt cóc. Ba con tin còn lại được thả ngay sau đó. Chi tiết của chiến dịch này có nhiều biến thể khác nhau và chưa bao giờ được Nga xác nhận chính thức. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là trong suốt 20 năm sau đó, không có thêm người Nga nào bị bắt cóc tại Trung Đông nữa.
Vào cuối chiến tranh lạnh, lực lượng Alfa đôi lúc bị biến thành công cụ chính trị. Trong cuộc đảo chính bất thành tháng 8/1991 mà sau đó đã dẫn tới sự tan rã của Liên Xô, Alfa được giao nhiệm vụ tấn công và trụ sở Quốc hội và tiêu diệt Boris Yeltsin cùng các lãnh đạo khác. Tuy nhiên tất cả thành viên Alfa đã từ chối thực hiện mệnh lệnh này, mặc dù họ có thể hoàn thành nó không quá khó khăn, vì có thể dẫn đến thiệt hại nhân mạng lớn. Lúc này quanh nhà quốc hội có rất nhiều dân thường tập trung để ủng hộ Tổng thống Mikhail Gorbachev và phó tổng thống Boris Yeltsin.
Phó tổng thống Boris Yeltsin giữa những người ủng hộ bên ngoài toà nhà Quốc hội
Lực lượng Alfa tham gia tích cực vào 2 cuộc chiến tại Chechnya, thường được dùng trong các chiến dịch truy lùng những thủ lĩnh phiến quân. Alfa cũng tham gia vào những chiến dịch giải cứu con tin lớn tại nhà hát Moscow năm 2002 và trường học tại Beslan năm 2004.
Theo Tri Thức Trẻ